Chủ Nhật, 4 tháng 4, 2021

Chừng nào đắc đạo? (****)



Chừng Nào Đắc Đạo?

Có ba lý do mà ta phải giữ chánh niệm liên tục. Một là mình không biết mình sẽ chết lúc nào, đừng để mình phải chết trong sự thất niệm. Thứ hai mình không biết rằng cái cơ hội đắc Đạo của mình là lúc nào, cho nên mình cứ liên tục giữ chánh niệm. Thứ ba là mình không biết mình thất niệm lát nữa đây mình sẽ tạo cái nghiệp gì. Ghê lắm, rất là ghê. Và sẵn đây tôi nói luôn, có nhiều người nghe tôi nói, họ hỏi "Ủa, như vậy mình còn hy vọng đắc Đạo thời kỳ này hả Sư?". Có. Nó có một cái chuyện thế này. Những người đắc Đạo họ im lặng, nó khổ như vậy, họ không có khoe. Còn những người khoe là họ chưa có đắc. Cho nên tôi nói trên đời này có một thứ duy nhất đáng để mình khoe là cái tánh không khoe. Bởi vì khi anh thấy anh không còn quan trọng nữa thì cái đấy mới là cái đáng khoe nhưng xui là lúc đó mình hết muốn khoe rồi. Mà cái đáng khoe nhất chính là cái lòng không muốn khoe. Lúc mà mình thấy mình chỉ là hạt cát, hạt bụi, thì lúc đó mới là đạt Đạo.

Tôi hỏi bà con, tại sao một cọng rơm, một tờ giấy ta thả từ trên lầu xuống nó không có bị hư, không bị tổn thương? Còn cái chén, cái tô mình buông xuống nó bị vỡ. Là vì sao? Vì nó nặng và cái chất liệu của nó rất dễ bị tổn thương. Khi mình coi mình là một cọng rơm, một tờ giấy thì khả năng mà bị tấn công nó ít hơn. Cho nên trong kinh dùng mấy cái hình ảnh rất đẹp để mô tả cái nội tâm của người tu. Một là như nước đối với lá sen. Hai là như gió qua mành lưới. Ba là hột cải đầu kim. Hột cải nó cứng mà nó tròn, đầu kim nó nhỏ mà nó nhọn, cho nên hột cải không thể nào đứng được trên đầu kim. Gió không thể nào trụ lại trong mành lưới. Và nước không thể nào thấm được vô trong lá sen. Việt Nam mình thêm cái nữa là nước đổ đầu vịt. Với người tu hành thì sáu trần thị phi không có ảnh hưởng đến tâm tư của họ. Nó trượt qua mất.

Khi quý vị chưa tu tập quý vị thấy cái này như trên mây nhưng sẽ đến một ngày qúy vị làm được chuyện đó. Qúy vị hỏi tôi "Chừng nào vậy Sư?" Dễ lắm, khi bác sĩ nói mình bị ung thư thì tự nhiên mình thấy tu nó dễ liền à. Lúc đó mình thấy mình bắt đầu là con số không rồi đó. Cho nên tu hành tốt nhất là nên tu bằng tâm trạng của người tử tù. Tôi biết tôi nói cái đó nhiều người thấy sợ, tu gì mà nặng nề quá. Đúng. Phải như vậy. Tu bằng tâm trạng của người tử tù, của người sắp ngồi ghế điện, tu bằng tâm trạng của người bị ung thư thời kì cuối. Chúng nó chửi vô mặt mình mình nhẫn rất là dễ. Đã nói ung thư thời kì cuối mà còn mặt mũi, danh dự, sĩ diện gì nữa? Chỉ có người tu như vậy mới thực sự an lạc. Nhưng quý vị đừng có hiểu lầm là "sống theo lời ổng là mình phải sống theo một cái tâm trạng mặc cảm". Không có. Cứ nghe lời tôi khi quý vị nghĩ mình là con số không qúy vị an lạc hơn bao giờ hết. Người không có đủ Ba-la-mật nghe mấy cái này một là không hiểu, hai là hiểu nhưng không thực tập nổi.

Có người hỏi tôi một câu hơi ruồi bu "Sư ơi, trong Kinh nói rằng phải có đủ Ba-la-mật mới đắc Đạo. Làm sao mình biết mình có đủ Ba-la-mật?" Biết làm gì? Mình cứ nổ lực. Hễ nó đủ thì nó đắc chứ mình biết làm cái gì. Phải nổ lực. Và ngài Pa Auk ngài nói một câu tôi thấy rất là tâm đắc "Đừng có nghĩ là đang tạo Ba-la-mật mà là đang sử dụng Ba-la-mật". Thay vì mình nghĩ tôi đang tạo Ba-la-mật tức là mình đã có mặc cảm kiếp này mình không đắc rồi. Mà Ngài nó là mình hãy sử dụng Ba-la-mật, nghĩ là mình đang bố thí, mình trì giới, mình vẫn làm bình thường, nhưng mình không có mặc cảm là mình phải đợi kiếp sau. Mình phải sử dụng cái hạnh lành của mình để mà mình tu tập chứ không phải mình đang vun bồi để kiếp nào đó mới đắc. Đừng bao giờ tu tập bằng cái tâm trạng của người mặc cảm. Nhưng cũng không nên tu tập bằng tâm trạng của người tự đại. Cả hai cái đều không nên. Thấy mình là ghê gớm thì không nên mà thấy mình là bé mọn đến mức mặc cảm tự ti cũng không nên. Cứ thẳng đường mà đi, đi được bao nhiêu thì đi. Mình nghĩ cái chân mình bị teo cơ mình đi không được thì thôi mình lết, mình bò. Còn đằng này mình nghĩ "Thôi, tui biết cái số tui, chân tôi bị què, bị cụt. Thôi tui ở đây à!". Đâu có được! Lết được thì cứ lết, biết đâu khi lết phát hiện ra chân mình không có bị gì thì sao? Cho nên, bậy nhất là tự đại tự kiêu, ếch ngồi đáy giếng mà nghĩ mình là cái rốn vũ trụ. Nhưng mà một cái thứ hai cũng bậy không kém là tự cho mình không làm được rồi không làm, cũng không nên. Cứ thẳng đường mà đi, sức được đến đâu thì làm đến đó. Tôi đã nói rồi có ba lý do mà mình thường xuyên phải sống trong chánh niệm. Một là không biết mình sẽ chết trong lúc nào đừng để mình chết trong thất niệm. Hai, không biết cái cơ hội đắc Đạo của mình là lúc nào. Thứ ba, mình không biết sắp tới đây mình sẽ làm chuyện gì.

Khi thất niệm một cái thì chuyện gì mình cũng có thể làm. Đừng có nói với tôi "Tôi hiền tôi không làm". Ví dụ cô chủ nhà này nhìn mặt cô thấy cô hiền nhưng cô đừng có nói cô không tạo điều ác. Khó nói lắm. Ví dụ, cái chuyện này đã ác rồi nè. Người ta gọi phone vô "có nghe chuyện cô Đào, cô Yến gì đó không?" - "Ờ, cái bà đó bả đi chùa bà kỳ lắm." Lúc đó là lúc cổ tạo nghiệp đó. Lúc đó mà cổ nói theo là cổ có nghiệp rồi đó. "Ờ, em có thấy chị, bà đó bả kỳ lắm. Em nói không phải nói chứ, bả...". Rồi xong, vô rồi. Lúc đó là lúc tạo nghiệp mà mình không biết. Mình nói thêm, dậm vá, bổ sung là đã là nghiệp. Người có chánh niệm họ không làm chuyện đó. Hoặc là tin nhắn làm cho mình bực mình, lẽ ra mình trả lời cho đã cái bực mình nhưng mà không, mình nghĩ lửa cháy đến đây đủ rồi đừng để lửa lan thêm nữa. Người tu hành nhớ cái đó. Lửa đến đây đủ rồi đừng để lửa lan thêm nữa.

Trích bài giảng Sống Chánh Niệm (1)
Kalama xin tri ân bạn hongha7711 ghi chép

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét