Thứ Năm, 22 tháng 4, 2021

Biếng Lười

 


KTC 7. IV. (VII) (37) Vô Ngại Giải
Thành tựu bảy pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không bao lâu, với thắng trí tự mình chứng ngộ, chứng đạt và an trú bốn vô ngại giải. Thế nào là bảy?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo khi nào tâm thụ động, như thật rõ biết: “Ðây là tâm ta thụ động”; khi nào tâm muội lược, như thật rõ biết: “Nội tâm ta muội lược”; khi nào tâm tán loạn, hướng ngoại, như thật rõ biết: “Tâm ta tán loạn hướng ngoại”. Vị ấy nhận thức được các thọ khởi lên, nhận thức được các thọ an trú, nhận thức được các thọ đi đến tiêu diệt; nhận thức được các tưởng khởi lên, nhận thức được các tưởng an trú, nhận thức được các tưởng tiêu diệt; nhận thức được các tầm khởi lên, nhận thức được các tầm an trú, nhận thức được các tầm tiêu diệt. Ðối với các pháp thích hợp hay không thích hợp, đối với các pháp hạ liệt hay thù thắng, đối với các pháp dự phần đen hay dự phần trắng, vị ấy khéo nắm giữ tướng, khéo tác ý, khéo thọ trì, khéo thể nhập với trí tuệ.AN 7. IV. 7. Paṭhamapaṭisambhidāsuttaṃ
‘‘Sattahi, bhikkhave, dhammehi samannāgato bhikkhu nacirasseva catasso paṭisambhidā sayaṃ abhiññā sacchikatvā upasampajja vihareyya. Katamehi sattahi?
Idha, bhikkhave, bhikkhu ‘idaṃ me cetaso līnatta’nti yathābhūtaṃ pajānāti; ajjhattaṃ saṃkhittaṃ vā cittaṃ ‘ajjhattaṃ me saṃkhittaṃ citta’nti yathābhūtaṃ pajānāti; bahiddhā vikkhittaṃ vā cittaṃ ‘bahiddhā me vikkhittaṃ citta’nti yathābhūtaṃ pajānāti; tassa viditā vedanā uppajjanti, viditā upaṭṭhahanti, viditā abbhatthaṃ gacchanti; viditā saññā uppajjanti, viditā upaṭṭhahanti, viditā abbhatthaṃ gacchanti; viditā vitakkā uppajjanti, viditā upaṭṭhahanti, viditā abbhatthaṃ gacchanti; sappāyāsappāyesu kho panassa dhammesu hīnappaṇītesu kaṇhasukkasappatibhāgesu nimittaṃ suggahitaṃ hoti sumanasikataṃ sūpadhāritaṃ suppaṭividdhaṃ paññāya. Imehi kho, bhikkhave, sattahi dhammehi samannāgato bhikkhu nacirasseva catasso paṭisambhidā sayaṃ abhiññā sacchikatvā upasampajja vihareyyā’’ ti.

Khi nào tâm thụ động mình biết rõ là tâm thụ động. Mình nghe chỗ này mình thấy nó kỳ: “Ủa, cái này sao đâu thấy có gì đâu?” Có chứ. Līna citta là tâm lười biếng thụ động. Tại sao mà mình biết được cái này nó lại giúp cho mình trở thành Vô Ngại Giải? Bởi vì bất cứ một giới nào trong xã hội, dầu là giới buôn bán, giới trí thức, hay là giới tu sĩ trong các tôn giáo, khi biết rõ rằng mình đang lười và cái lười này là cái cần phải bỏ đi thì người đó mới đi xa được.

Các vị có biết nhiều lúc tôi không có muốn giảng kinh bởi tôi thấy không biết giảng như vầy có bao nhiêu người nghe. Rồi trong số những người chịu nghe có bao nhiêu người hiểu. Tôi đâu biết nói sao cho bà con hiểu. Một đám đông thế này có người hiểu người không mà tôi nghĩ cái số hiểu ít hơn cái số không hiểu. Rồi có nhiều khi chính vì cái lớp học nó ràng nên tôi không có đi đâu được hết. Các vị có biết không? Nguyên một ngày 24 tiếng, ban đêm thì ngủ khỏi nói, ban ngày vì tôi kẹt 2 giờ tới 4 giờ là giác sáng tôi đâu dám đi đâu. Chỉ trừ ra kẹt lắm tôi đi ra ngoài một tí rồi tôi trở về chứ tôi không dám đi nguyên ngày bởi nó kẹt cái chỗ 2 giờ chiều không dám đi đâu
 vì tất cả những chỗ tôi cần đi là 10 giờ mới mở cửa và tôi phải loay hoay khẩn trương tranh thủ như thế nào đó để giải quyết cái chuyện đó từ 10 giờ tới 1 giờ, chứ đâu phải 2 giờ tôi có mặt ở nhà là chết rồi. Mà có khi cái chỗ tôi cần đi cách chỗ tôi 2 tiếng, vừa đi vừa về. Rồi thời gian tôi dành cho cái chỗ đó nữa. Muốn đi thăm một người cháu ruột ở cách đây mấy tiếng mà bao lâu rồi đi không được. Nó bị kẹt cứng như vậy. Dĩ nhiên lúc không giảng mới được chứ giảng là thua, không có nhúc nhích gì được hết.

Biết chứ! Khi mình biết mình có tâm lười là mình đã khá rồi. Biết rõ là mình đang tuột dốc, là mình biết mình đang thiếu lửa. Cái đó quan trọng lắm mà người không có xài cái này thì thấy cái gì cũng bình thường.

Tôi nói rõ với quí vị: Chuyện mình thấy cái gì cũng bình thường có lúc nó rất là hay nhưng cũng có lúc nó rất là nguy hiểm. Nó hay chỗ nào? Là người chuyện gì cũng coi bình thường, sống với tâm thanh thản, bình yên, thấy không có gì quan trọng. Nhưng cẩn thận. Cái thái độ đó sẽ vô cùng nguy hiểm khi chúng ta dùng nó để chúng ta đánh giá những chuyện quan trọng. Gặp chuyện khẩn cấp mà mình vẫn đem thái độ tà tà đó ra là hư bột hư đường hết. Thí dụ mình có cái hẹn đi bác sĩ mà mình cứ tà tà trễ giờ là người ta cho người khác vô. Hoặc mình nghe người mình kỳ kỳ lẽ ra là mình đã đi bác sĩ nhưng mình nghĩ “Thôi không sao đâu. Để cuối tháng mình đi luôn.” Cái đó không được. Cơ thể mình nhiều khi thấy nó kỳ kỳ là nhiều khi nó đã muộn rồi, nói chi là mình chưa kịp thấy nó kỳ kỳ là nó đã có vấn đề rồi.

Cho nên kịp thời phát hiện ra tâm mình đang biếng lười thì đó là một chuyện rất là quan trọng. Dầu là một giáo sư đại học, một nhà khoa học trong phòng thí nghiệm, một bà tiểu thương buôn gánh bán bưng, một sinh viên, một học trò tiểu học, một thầy tu, thậm chí một người ăn mày ngoài đường đi nữa mà luôn luôn biết rõ là mình đang trong cơn làm biếng, biết rõ như vậy, cái đó là chuyện rất cần thiết. Bởi vì chúng ta có giỏi, có khỏe, có giàu, có đẹp bằng trời, có uy tín, quyền lực, tiếng tăm bao nhiêu không cần biết, một khi con người đã vô cơn làm biếng thì con người đó đang vô hiệu hóa chính mình. Lớn chuyện chưa? Khi mình trong cơn làm biếng thì bản thân mình mình đang vô hiệu hóa bản thân, không có làm gì được hết nói chi là một hành giả đang tu tập cầu đạo giải thoát, chấm dứt sanh tử. Do vậy cái tâm trạng biếng lười đó phải được phát hiện kịp thời, kịp lúc.

Các vị phải biết thêm một chuyện nữa. Biếng lười mà mình không chận nó sẽ trở thành nếp và đã thành nết thì khó chữa. Có những người cứ dật dựa, dật dựa. Ăn rồi ngậm cây tăm leo lên ghế bố, leo lên võng kẻo kẹt. Móc tờ báo ra đọc, đọc rồi ngủ tới nắng chiều nó rọi lên người nóng quá giật mình thức dậy. Coi đồng hồ thấy 4 giờ mới leo xuống đất. Mò xuống bếp lục cái gì đó ăn. Ăn no xong leo lên võng nằm tiếp. Loại người như vậy nhiều lắm. Cho nên biết rõ là tâm mình đang biếng lười đó là một chuyện rất là quan trọng.

Biết rõ rằng tâm mình nó đang muội lược. Có nhiều lúc mình nghe nó không được khỏe, mình tưởng đang bệnh nhưng thật ra là mình đang bị hôn thụy tấn công. Trong Chú giải giải thích như vậy. saṃkhittaṃ là tâm đang co rút, đang bị trạng thái buồn ngủ. Buồn ngủ có 2 trường hợp: trường hợp sinh lý và trường hợp tâm lý.

Trường hợp sinh lý là do mình ăn hay uống phải cái gì đó, hoặc do mình bị cái chứng bệnh gì đó, hoặc do mình bị thiếu ngủ. Đa phần một người trẻ khỏe vô bệnh thì mình thấy cái ăn uống không phải lúc nào cũng bị, cái chuyện vì bệnh mà ngủ cũng ít, do thiếu ngủ cũng không có nhiều lắm mà đặc biệt cái lý do tâm lý quan trọng lắm. Cái tình trạng buông xuôi, biếng lười rất dễ dẫn tới chuyện hôn thụy, là hôn trầm và thụy miên. Các vị không học kinh các vị không thấy cái chuyện tôi đang nói là quan trọng, nó ám ảnh biết bao nhiêu hành giả, bao nhiêu người học đạo bị khổ vì cái này. Cho nên mình biết rõ rằng cái lý do dẫn tới buồn ngủ gồm có 2 là tâm lý và sinh lý.

Lý do tâm lý chính là mình không có sức bật, mình thiếu lửa. Cho nên khi biết được đây là hôn thụy, biết đây là 1 trong 5 triền cái.

Trong kinh nói Ngài Mục Kiền Liên đắc Tu đà hoàn rồi mà cứ xếp chân vô ngồi thiền là buồn ngủ. Đức Phật biết đây là vị đệ nhất thinh văn về thần thông, về định, mà chính vì định nhiều quá, mạnh quá dễ dẫn đến hôn trầm, cho nên Đức Phật đã dạy cho Ngài Mục Kiền Liên từng bước cái cách để khắc phục cơn buồn ngủ, đồng thời Ngài hướng dẫn Ngài Mục Kiền Liên từng bước trong 40 đề mục samatha bằng cái biết của Ngài. Bằng cái biết của Đức Phật cộng với căn cơ của Ngài Mục Kiền Liên, có nghĩa là căn cơ của Ngài Mục Kiền Liên được khai thác, được vận dụng một cách tối đa như có thể, không phải vị nào cũng được cái may mắn đó. Với một quá khứ sâu dầy, kinh nghiệm đầy ắp về thiền định, thần thông ngay kiếp hiện tại cộng với sự hướng dẫn của một vị Chánh đẳng giác, một vị toàn giác vị ấy biết rõ Ngài Mục Kiền Liên cần phải vượt qua, phát triển, chấm dứt cái gì, phải né tránh cái gì. Cho nên Ngài Mục Kiền Liên đã vượt qua được tâm bệnh buồn ngủ, và sau khi vượt qua Ngài chứng La hán và khi chứng rồi thì Ngài trở thành đệ nhất thần thông.

Các vị biết rồi, cái buồn ngủ nếu mà mình không học đạo thì mình cứ tưởng cái đó không có gì xấu. Nhưng trong thực tế tu chứng thì buồn ngủ là một thứ phiền não, một thứ triền cái qúi vị biết không? Nó độc kinh khủng lắm là bởi vì nó làm tê liệt cái khả năng phấn đấu nỗ lực của bất cứ ai. Mà cái ghê gớm của nó là nó không bị đạo đức, xã hội, pháp luật lên án, cái ghê của nó là chỗ đó. Những cái kia mình còn vì lý do này lý do khác mình đề phòng, cảnh giác. Nhưng riêng với cái hôn thụy buồn ngủ: “Tôi buồn ngủ thì tôi ngủ thôi”, mình không có ngờ là nó độc không kém gì các phiền não khác.

Cho nên kịp thời biết rõ rằng mình đang ở trong tình trạng hôn thụy đó là một bước tiến rất lớn, một thành tựu đạo nghiệp rất là quan trọng.

Trích bài giảng KTC.7.39 Vô Ngại Giải
Kalama xin tri ân bạn elteetee ghi chép

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét