Thứ Tư, 28 tháng 4, 2021

Mì Gói


 

Mì Gói

Cái chủ ý ở đời sống rất là quan trọng. Mình phải biết mình nhắm tới cái gì. Đáng buồn, đáng tiếc nhất là những người biết đạo mà mất một thời gian rất là dài cho một cái hành trình, cho một cái đạo lộ không có nội dung. Cái đó rất là đáng tiếc. Cả đời chỉ biết cầu nguyện, cả đời chỉ biết thần chú, cả đời chỉ biết thờ lạy các mẫu tượng mà không hề chịu dành một phút để nghĩ lại: "Cái tuệ giác của một vị Phật dưới gốc bồ đề năm xưa không lẽ chỉ có chừng đó sao?"

Mấy hôm nay các vị thấy mình đã học nội dung quá nhiều, nhưng mà đó chỉ là một mảnh vụn thôi. Một mảnh vụn của Đức Phật thôi. Mà trong khi nghĩ kỹ lại mình thấy mình tu mấy chục năm mà nội dung không có. Theo trong kinh nói là tùy cái hành trang của mỗi người mà chúng ta hài lòng với cái gì. Câu đó là cái câu làm tôi chấn động nhất. Tùy hành trang của mỗi người mà ta hài lòng với cái gì trong đời sống. Cái đứa mà nó có máu triệu phú nó không hài lòng với tiệm tạp hóa, cái đứa mà nó có máu học giả nó không hài lòng với bằng trung học, cái đứa mà nó cái máu phiêu lưu thì nó không có thể nhìn cái ao làng, cây đa, bến nước. Một người tu hành ba la mật nhiều, họ không hài lòng với những hình thức khi cái nội dung tu học quá nghèo nàn. Họ chịu không nổi. Họ luôn nghi ngờ con đường dưới chân họ: “con đường này sẽ đi về đâu?” Người ba la mật ít thì họ rất sớm hài lòng với cái họ có: "Vậy là vui rồi." Vô là sư phụ cạo đầu, mặc cho cái áo, đặt cho cái pháp danh, chỉ cho cái am ở, mỗi ngày quất cho hai thời công phu, ăn rồi bắt ấn 4000 hột cho mấy con kiến. Xong. Bây giờ đạo phật có chuyện "cúng kiến", cúng mà vong hồn không ăn, chỉ toàn thấy mấy con kiến ăn. Tui nói đùa mà đó là thật, toàn là cúng kiến không, mà giáo lý thì không chịu học.

Tôi không biết có bao giờ các vị nhìn cái tủ đại tạng kinh các vị lấy làm ngạc nhiên không? Nếu mà nói rằng pháp môn tu chỉ là khấn nguyện sơ sài thì vậy hỏi cái tủ kinh đó đựng cái gì? Có bao giờ các vị có thắc mắc cái đó không?

Thí dụ bây giờ tôi lại nhà cô áo xanh này tôi ở ba tháng. Ngày nào bả cũng cho tôi ăn mì gói. Thì tôi hỏi bả mấy cái tủ trong bếp đựng cái gì vậy? Tôi thấy bả có 3 cái tủ lạnh, hai cái tủ đá, mà ba tháng ăn ở nhà cô cô chơi mì gói không là sao? Phải cho tui có quyền tức chứ? Mà chiều nào cũng thấy bả đi chợ hết, đi chợ về thấy thùng thùng giỏ giỏ. Mà 3 cái tủ lạnh, tám cái freezer đó tui không biết bả đựng cái gì ở trong đó mà bả cứ đem mì gói cho tui ăn 90 ngày rồi. Giờ bả nói ngày mai bả tiễn tôi nên bả tặng tôi gói nữa! Thì các vị nghĩ tui có nên tức không? Không phải tui tham ăn nhưng mà ít ra tui cũng có suy nghĩ rằng “Lạ, không biết bả đi chợ bả mua cái gì, dầu bả nói tui ăn chay ít ra cũng phải cho tui ăn tàu hũ hay cái gì khác chứ?” Có khi tui ăn không hết tô mì gói bả đem cất rồi bữa sau hâm bắt tôi ăn nữa. Phải cho tui tức chứ.

Nếu mà cái chuyện đó tui tức được thì tại sao chuyện tôi đi tu mà tui không tức? Tôi biết rõ ràng kinh điển trùng trùng như vậy mà sao sư phụ chỉ cho tui chừng đó thôi. Ấy vậy mà có không ít thế hệ tăng ni không có tức, phật tử không có tức. Tức ở đây không phải là giận, mà tức ở đây có nghĩa là thắc mắc. Họ chớ hề thắc mắc, lạ lắm. Có mấy thầy có mấy đề tài cứ nói hoài. Cứ vu lan có cái vụ báo hiếu quất hoài. Rồi dâng y thì quả báo, dâng y kathina chơi hoài. Rồi Phật đản thì ba cái vụ ý nghĩa đản sanh thành đạo cứ làm hoài. Cứ nói suốt mấy chục năm trời. Vu lan, phật đản, dâng y, ... cứ bổn cũ soạn lại soạn riết một hồi phật tử nó thấy pháp sư vừa nhấp môi là phật tử họ biết sư sắp nói cái gì rồi. Nhiều người họ biết vậy nhưng mà lạ lắm là họ cứ nhào vô cúng dường, nhào vô để mà nuôi dưỡng bao nhiêu thế hệ ... Tôi biết tôi nói cái này tôi đang đụng chạm đến rất nhiều, nhưng mà trong tăng già phải có một ông dám nói. Dấu như mèo dấu phân riết rồi khổ quá, thì phải xì ra chứ. Mà cứ dấu hoài, bao nhiêu thế hệ mà cứ tiếp tục tu trong cái lối mòn như vậy. Tôi nói nó hơi nặng. Câu này nó hơi kỳ: Chỉ có “trâu quen ngõ, chó quen đường”; chứ còn con người phải có hướng đi mới chứ? Có đâu mà cứ nhiêu làm hoài mà không thấy thắc mắc.

Nhiều người nhìn họ mình thấy đau lòng lắm. Ở ngoài là dược sĩ, bác sĩ mà đi vô theo sư phụ làm như vậy mà họ thấy vui. Nhất là tu kiểu tụng chú, tụng những cái mình không hiểu. Nếu tính tổng thời gian một ngày tụng bao nhiêu thời công phu, mà mỗi thời công phu tốn bao nhiêu phút cho tụng chú, tổng cộng một đời tu năm chục năm thì mất bao nhiêu thời gian cho chú? Mà chú là cái mình không hiểu! Mà đi nói rằng “không hiểu nó mới linh” mới còn đau nữa.

Cái điều đó nó đi ngược lại Phật pháp. Giáo pháp của Đức Phật có một đặc điểm là “ehipassika” là thách thức mọi thử nghiệm, mở rộng cho đại chúng. Nghĩa là ai thấy Đạo Phật kỳ kỳ cứ nhảy vô tìm hiểu. Còn cái nữa là "sanditthika", là quan điểm thứ hai của Đạo Phật. Nghĩa là “đến để mà thấy”. Phải tự mình thấy chứ không phải nhờ người khác nhai rồi mở bỏ vô miệng mình dùm, “san” là từ chữ “sayam” là “tự mình” (by yourself), sanditthiko là tự mình thấy. Rồi cái nữa là: “veditabbo vinnuhi” nghĩa là cái đạo này là đạo dành cho người trí, không phải đạo dành cho người tin.

svākhāto bhagavatā dhammo sandiṭṭhiko akāliko
ehipassiko opanayiko paccattaṃ veditabbo viññūhī ti

Vậy mà đọc hoài, đọc mòn mỏ, vừa mòn mỏ vừa mòn mỏi, mà không hề hiểu. Đọc hoài mà sao không thấy thắc mắc. Tôi phân bua để bà con hiểu tại sao Phật hiếm, Phật hiếm lắm. Tại vì cái thói quen mình cứ đi hoài, giống như kiến bò miệng chén, nó không biết thắc mắc, không biết đặt vấn đề. Khi tôi nhìn cái gì trong khung là tôi sợ lắm. Ví dụ tôi nhìn khung hình, nhìn với tâm hồn hồn nhiên còn được, còn lâu lâu tôi nhìn cái tiếng Mỹ nó kêu là "shadow box", là mấy khung hình nó hơi dày, tì tôi sợ lắm. Nhìn cái gì bị nhốt tôi sợ lắm. Tôi sợ chuyện người ta làm dâu. Bởi đối với tôi làm dâu là bị nhốt. Tôi sợ người bị bệnh liệt, vì bị liệt là cũng bị nhốt. Tôi nhìn cảnh chim lồng cá chậu tôi sợ vì điều đó là hoàn cảnh bị nhốt. Từ riêng cái cảnh biết sợ cái nhốt tự nhiên mình sẽ có khuynh hướng đi tìm cái lối thoát. Nhiều người họ không thấy cái bị nhốt đó. Tôi nói không biết bao nhiêu lần, dầu cho cái lồng nó bằng vàng, mà nếu nó nhốt mình thì nó vẫn là nhà tù. Dầu cho sợi xích đó bằng vàng thì vẫn là dây xích. Phàm phu mình không thấy được ái đó. Dây xích bằng sắt nó gọi là dây xích, mà dây xích bằng vàng thì là dây chuyền. Cái nào cũng là dây xích thôi. Thí dụ mình nghèo thì mình bị xiềng bởi một gia đình thiếu thốn. Còn mình giàu thì mình bị xiềng bởi một cái tài sản phải nói là hoành tráng. Thì dầu bị xiềng bởi cái gì thì cũng là cái xiềng xích hết. Phải tập cái đó. Và đặc biệt. cái chủ ý quan trọng lắm.

Có người hỏi tôi: “Giờ tụi con học dở, nhớ dở thì sư bày cho cái pháp môn nào dành cho người dở ẹc đi sư.” Thì tui bày cho một pháp môn đó là chữ “nguyện”.

Tức là mỗi ngày thay vì đọc chú, làm ơn đọc dùm mấy câu nguyện, đó là: "Con nguyện đời đời được gặp Chánh pháp. Nếu không được gặp được Đức Phật ra đời thì cũng gặp “minh sư thiện hữu”. Con xin đời đời biết nghi ngờ con đường dưới chân. Con xin đời đời biết sợ lối mòn, đường cũ. Con xin đời đời biết tìm đến cái tốt hơn. Con xin đời đời có khả năng buông bỏ. Con xin đời đời không bị giam nhốt trong những rào dậu."

Những cái lời nguyện đó các vị nghe rất là kỳ, nhưng mỗi một lời nguyện đó nó đánh động đến một vấn đề. Thí dụ câu nguyện “con xin nguyện đời đời không bị giam nhốt trong những rào dậu” - rào dậu là mấy cái fence (hàng rào). Tôi kể các vị nghe chuyện này, các vị nghe mà đau lòng. Con voi. Nhiều khi các vị thấy con voi nó bị xiềng bởi một sợi dây nhỏ xíu. Nếu nó hiểu chuyện nó chỉ cần đá một cái là đứt sợi xích, đúng không? Nhưng chỉ vì tự nó nói rằng “mình đang bị xiềng”. Thế là nó quẩn quanh bên sợi dây xích đó. Phải đợi đến một lúc nó bị điên lên nó mới làm đứt dây xích. Chứ còn khi chưa đến lúc của nó là nó cứ quẩn quanh bên sợi dây xích. Cái sợi dây không có nghĩa lý gì với nó hết. Một phát một là chàng đã về tới rừng, mà vì nó cứ bị ám ảnh là “người này là người nuôi mình”, “sợi dây này là sợi dây ràng buộc mình, mình không thể đi xa.” Nó cứ ám ảnh bao nhiêu đó, nó cứ bị ám liên miên. Rồi người ta đối xử tệ bạc với nó. Kỳ rồi ở lễ hội Tây Nguyên chết mấy con. Họ cho ăn không đủ mà bắt nó làm việc quá sức, nó ốm gầy mòn nó chết, mà rừng xanh cách nó có 2cm mà nó không dám về. Nó chết gầy chết mòn, rễ mía kế bên nó không dám ăn. Cho ăn cái gì nó ăn cái đó. Tôi thấy ngậm ngùi quá chớ. Rất là ngậm ngùi.

Nếu mọi người hỏi tôi là “nhớ dở, hiểu dở, thì học pháp môn nào?” Tôi nói “pháp môn Nguyện, bách nguyện” Tôi có một pháp hiệu là “Bá mật thệ sĩ”. "Bá mật thệ" là người có trăm điều nguyện kín. Tôi nghĩ nếu sau này những người thân thích, thân thuộc với tôi, tôi không nghĩ đến chữ học trò nhưng mà là thân thuộc, tôi sẽ bày họ một trăm câu nguyện. Một trăm câu nguyện đọc chưa tới một giờ đồng hồ, mà mỗi một câu nguyện như vậy nó đánh động một vấn đề. Chẳng hạn như “đời đời con đừng hài lòng với bất cứ rào dậu nào. Đời đời xin cho con biết nghi ngờ con đường dưới chân. Đời đời cho con biết nghĩ đến điều tốt hơn. Đời đời xin cho con chớ hài lòng quá sớm với những thành tựu ...” Cứ mỗi một câu là các vị thấy nó mở ra một vấn đề, đúng không? Đọc như vậy nó mới đã. Còn đàng này cứ đọc mấy cái không hiểu.

Còn cái nguyện “con xin quỳ lễ bái Phật, Phật ba đời,... Tứ đại thiên vương, xin chư thiên hộ trì cho con được sống lâu, được sắc đẹp ...” Tôi nghe cái đó tôi ngán quá. Đã không biết nghi ngờ, không biết thắc mắc, mà còn có màn nhát ma tôi nữa. “Sư năm nay bao nhiêu tuổi?” “Dạ, bốn năm chục ... ” “Sư có biết ngày đó con quy y với ngài Hộ Tông không?”. Họ nhát ma tôi đó. Còn gặp Bắc Tông thì “Sư biết ôn Thanh Từ không? Con biết ngài từ năm 72 kìa.” Vậy đó. Cứ ăn rồi đi nhát ma người ta hoài. Cái chuyện mình quy y Ngài Hộ Tông năm mấy nó không có quan trọng. Cái quan trọng là mình đã được cái gì từ Ngài Hộ Tông? Khổ quá. Có người khi mình hỏi địa chỉ thì tự nhiên nói, “Nhà tôi ở gần Nhà Trắng á!” Hỏi làm nghề gì thì nói làm “pizza hut delivery”. Còn nghe cái ông đó ổng cho địa chỉ nhà ở Cali còn tùm lum nữa: “Cái con đường Hasa ông có nhớ không?” “Nhớ.”, “Ông thấy nguyên dãy villa có villa thiệt là bự có hai con lân trắng ông thấy không?” “Thấy.” “Ông đi vòng ra đằng sau nhà đó là thấy nhà của tui liền”. Chỉ kiểu chi mà kỳ vậy? Trời ơi. Ổng lấy cho được con đường với một cái tên sang vô cùng, rồi ổng tả mấy cái villa, rồi có nước phun, rồi hai con lân đá trắng nhập từ bên Ý về ... tùm lum, cuối cùng là “ông đi vòng ra đằng sau nhà đó là thấy nhà của tui.” Nhà bằng gỗ nhỏ xíu. Thì đó là tôi muốn kể câu chuyện đó cho những người có tật hay khoe đó. Kể chi mà villa, kể chi mà lân bằng đá Ý, mà cuối cùng kêu người ta đi vòng tới nhà mình ở phía sau, cái nhà kho đó. Mà cứ ăn rồi nhát ma hoài. Khoe là đệ tử thầy này thầy kia, mà đạo thì không học, không có biết gì hết. Cứ đem mấy ông thầy bự ra. Có bữa tôi nổi điên tôi nói “Dầu quy y với vị a-la-hán đi nữa mà nếu không học không hành thì cũng trớt quớt thôi!”

Trong kinh gọi là hài lòng quá sớm với những gì mình có, có tiếng Pali gọi là “antarāvosānaṃ āpajjissanti” - nghĩa là “dừng lại nửa chừng với những thành tựu”. Cái chữ đó chữ Đức Phật dùng khi mà Ngài sắp tịch. Ngài nói “Này các tỳ kheo, bao giờ chúng tỷ kheo không có vừa lòng quá sớm với những thành tựu, thì khi đó tăng đoàn mới hùng mạnh.” Bài kinh nói rõ. Tôi mê nó tới mức mà tôi thuộc cả chữ Pali, “khi nào chúng tỷ kheo không có hài lòng quá sớm với những thành tựu, thì lúc đó tăng đoàn hùng mạnh.”

Còn mình bây giờ mình có được chút thành tựu mình ngưng. Có được chút gì đó là mình ngưng. Có được cái chùa, là xong. Có nhóm đệ tử, là xong. Có một số fan, là xong. Có số người ngưỡng mộ, là xong. Vậy đó. Có chút là xong, chút là xong, vì vậy mà đi không có xa. Trời đất thì bao la, hành trình trước mặt thì nghìn dặm, muôn dặm. Một khi mình hài lòng quá sớm thì mình đi không có tới đâu hết. Tôi sợ cái sự lồng chậu, tôi sợ cái sự quẩn quanh là vì vậy.

Tôi đang nói nhiều về cái thực thứ ba đó là Tư niệm thực. Mình sống mà mình không có cái chủ ý vươn lên cao, đi tới và đi ra thì mình không có tiến được nhớ nha. Không có đi tới là mình sẽ thụt lùi, không có đi xa là mình sẽ quẩn quanh “gà què ăn quẩn cối xay”, và không có ý đi ra là mình sẽ suốt đời bị trầm luân. Người tu Phật là phải đi tới, đi lên, và đi ra. Ba lý tưởng đó rất là quan trọng. Những đêm giật mình thức dậy là phải biết suy nghĩ: Cái kiểu sống của mình mấy năm qua nó có OK không? Đó là một kiểu sống mà loài động vật cấp thấp nó không có. Chỉ có con thú nó mới không có khả năng nghi ngờ về đời sống của nó, nó sống theo lối mòn các vị có biết không? Tại sao người ta có thể bẫy thú được? Là bởi vì người ta biết những tập tính những thói quen của nó là người ta bẫy nó được. Trong kinh Đức Phật ngài dạy rằng: Một vị tỳ kheo không nên làm một con nai mà để cho ác ma có thể theo đuổi dấu vết. Hồi đó tôi đọc tôi không hiểu cái đó. Sau già tôi mới hiểu. Đừng làm một con nai mà để cho ác ma dễ dàng theo đuổi dấu vết nghĩa là sao? Khi mình tiếp tục chạy theo những thứ mình thích, chạy theo những thứ mình ghét, thì mình trở thành một con nai sống theo tập tính, sống theo "habit" (thói quen). Tôi nói hoài, cư dân tiếng Mỹ kêu là gì? "Habitant" đúng không? Và thói quen là gì? "Habit". Các vị thấy nó có quan hệ gì không? Cư dân là khi mình sống trong thói quen, mình phải chú ý cái đó. Cư dân là "inhabit" nghĩa là mình sống hoài trong thói quen mình trở thành cư dân trong một thói quen nào đó. Chuyện đó rất là hay.

Cái vật thực thứ ba chính là chủ ý trong hành động. Chính chủ ý đã nuôi lớn hình hài tâm linh của mình, nó cũng đã nuôi lớn dòng sanh tử của mình, cũng chỉ vì cái chủ ý đó. Chủ ý đó được gọi là Nghiệp.

Trích bài giảng Thuường Cận Y Duyên
Kalama xin tri ân bạn vuihtv ghi chép


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét