Bên Bắc Truyền họ dạy cho người ta là lúc sống gặp tai nạn thì niệm Quan Âm và lúc chết thì niệm U Minh Giáo Chủ - Địa Tạng Vương, hoặc là niệm Tây Phương tiếp dẫn A Di Đà Phật.
Tôi xin hỏi các vị vậy chứ mình gặp nạn mình cầu Quan Âm mình có được thoát nạn như ý không? Nếu mà nói Quan Âm phù hộ, như vậy cả hai đội bóng nó cầu Quan Âm phù hộ thì Quan Âm phù hộ đội nào? Ông Phát một đội, tui cũng một đội, mà đứa nào cũng cầu Quan Âm phù hộ, "mẹ hiền phù hộ cho con", thì Quan Âm binh ai? Nó hơi kẹt. Thứ hai, Nếu nói rằng ai mà chí thành thì Bồ Tát phù hộ thì có dám chắc là chí thành là Bồ Tát phù hộ không? Bởi vì theo kinh điển nguyên thủy, nếu cái phước nghiệp có thể giúp mình vượt qua vụ này thì mình không cần ai phù hộ, tự nó sẽ qua. Khi mình cầm nguyên nồi nước sôi hất vô ổ kiến thế nào cũng có con sống con chết, đúng không ? Cầm đạn mà lia vô đám đông thế nào cũng có đứa sống đứa chết, đúng không? Thí dụ như vừa rồi có vụ bắn giết trong cái đại nhạc hội đó, nhớ không?
Cho nên, nếu mà nói Bồ Tát có thể hộ trì cho mình thì vậy chứ những đứa có phước và không có phước Bồ Tát phù hộ hết, có phải vậy không? Không.
Vậy cuối cùng quy lại là do cái nghiệp.
Nếu nói Bồ Tát Quán Âm là Đại Bi vậy xin hỏi mấy cha Bồ Tát khác không có Đại Bi sao? Có hiểu tôi nói gì không? Muốn thành Phật thì phải có Đại Bi. Theo tôi biết thì không có Phật nào thiếu Đại Bi mà được thành Phật hết. Không bao giờ có một vị Bồ Tát nào thiếu lòng đại bi mà leo lên ngồi cái tòa này hết. Đại Bi là gì? Giúp được thì giúp, bất kể bản thân. Đó mới là Đại Bi.
Còn nhớ 5 hạng người mà bữa hổm mình học không?
Hạng thứ nhất, chỉ nghĩ đến bản thân bất kể người khác.
Hạng thứ hai, chỉ quan tâm đến người nào tốt với mình.
Hạng thứ ba, thương được kẻ không ân không oán, người dưng nước lã.
Hạng thứ tư, thương được bạn của kẻ thù.
Hạng thứ năm, thương được kẻ thù.
Thì Đại Bi phải là hạng thứ năm trong vô sô kiếp.
Trong bài học này chúng ta cùng nhau ngồi lại để phân tích, chúng ta không có cái ý bôi bác. Vấn đề không phải bôi bác ai. Chỉ vì mình hiểu sai chứ không phải vậy. Cái tín ngưỡng Quan Âm tôi phải nói là rất hay. Nhưng mà do mình hiểu sai cho nên làm hư đi hình ảnh Quan Âm. Hình ảnh Quan Âm phải nên hiểu như thế này: Thờ Quan Âm là thờ cái "symbol" (biểu tượng) của cái "kindness" (lòng từ bi), chớ không phải thờ Quan Âm để mà cầu "somebody helps you" (ai đó cứu tôi với). Bởi vì trong kinh nói, cầu nguyện lúc lâm nguy không phải để thoát nạn mà để lòng bình tĩnh lúc lâm nguy.
Và theo các chuyên gia cứu hộ, thì trong bất cứ tai nạn nào, cái tên mà bình tĩnh có khả năng thoát nạn cao hơn cái tên hoảng loạn 30 lần. Ví dụ vừa rồi ở Iran một chiếc máy bay bị trục trặc phải hạ cánh khẩn cấp. Lúc người ta bung cái cửa thoát hiểm, thì mấy bà thay vì người ta tuần tự thứ lớp đi theo hướng dẫn của tiếp viên thì mấy bả chuyện đầu tiên là nhào lên khoang hành lý lôi mấy cái túi LV, Gucci mới mua chưa kịp xài. Mà lúc mà nhào lên lấy hành lý là đã rối. Rồi lấy được xong là cứ đạp người trước mặt để mà chạy ra. Vì vậy mới chết một mớ luôn. Cái chuyện mà lấy hành lý là bậy số một, mà đạp lên nhau là bậy số hai, tổng cộng là bậy toàn tập.
Cho nên trong bất cứ tình huống nào, dầu là trước cái chết không tránh được, thì cái tên bình tĩnh nó hơn cái tên hoảng loạn ở chỗ là nó chết trong bình tĩnh. Giả sử khi mà biết cái vụ này không thể qua được, thì ít ra cái chết trong bình tĩnh hình như cũng tốt hơn cái chết trong hoảng loạn. Chưa kể là khi nó bình tĩnh nó còn cơ hội thoát nạn. Có nhiều người, họ bình tĩnh họ không chỉ thoát nạn mà họ còn có quởn họ giúp được người khác nữa. Còn nhiều người thì khi loạn lên bản thân cứu không được, không tự cứu được thì làm sao có thể cứu người khác? Cho nên ở đây, mình niệm Phật niệm Bồ Tát là để có được sự bình tĩnh lúc lâm nguy - chứ không phải để thoát nạn. Mặc dù, mình cũng phải hiểu ngầm rằng khi có bình tĩnh thì khả năng thoát nạn sẽ cao hơn.
Còn khi anh cứ cầu nguyện được cái này cái kia lỡ mà không được anh có thất vọng không? Nhớ dùm tôi cái này. Chư Phật chỉ độ giúp ta được khi ta có phước duyên thôi. Các Ngài chỉ hà hơi, tiếp sức, trợ lực thôi. Tin tôi đi. Không thể nào nói là thờ "linh lắm". Thì tôi hỏi, nếu như bên Thái Lan có nhiều vị sư cho phật tử cái tượng phật nói "linh lắm, linh lắm". Đem thờ là phát tài. Nếu Phật tử nó bình tĩnh hỏi lại: "Sao sư không để lại xài?" Thì khi ổng nói phát mà thực ra ổng đưa cho mình là để chờ mình cúng cái bao thơ, hiểu không ? Các vị thấy có kỳ không?
Hoặc có cái này tôi thắc mắc sao Phật tử hiền quá, Đức Phật trong kinh ngài cao một thước tám, tiếng Pali gọi là 18 cái usapha, 1 usapha là 1 tấc mà 18 cái là 1 mét 8. Khi Ngài tịch rồi, thiêu ngài xá lợi tối đa là 5kg. Tối đa 5kg là nhiều lắm, chứ một người mét tám mà làm gì được 5kg, nhưng mà tôi tặng không thêm mấy kg nữa đó. Thì tôi hỏi, 5kg đó mà đem chia ra thì làm gì tới tay mấy người tào lao như mình? Trong kinh nói, lúc chia xá lợi là Đế Thích dòm chăm bẵm. Lúc cái ông chia xá lợi ổng thấy cái răng được quá, ổng lấy cái răng ổng nhét vào tóc, tóc ổng dài mà, rồi ổng chia tiếp. Đức Đế Thích thấy vậy, mới lấy cái răng của ổng đem đi mất. Ông kia chia xong rờ tóc thấy mất cái răng. Điều đó cho thấy rằng, Đế Thích vàng ngọc không màng nhưng mà rất là quan tâm xá lợi của Đức Phật, bởi vì đó là tinh hoa của 20 A-tăng-kỳ. Có hiểu không? Chưa hết.
Phạm Thiên là mấy ông mà ăn rồi cứ ở vậy không à, hít thở để cười như Làng Mai. Vậy mà người ta còn làm một cái tháp "Phạm Thiên thượng giới một tòa" để "Xương vai bên tả cùng là tam y." Phạm Thiên còn phải thờ một miếng xương vai. Đức Phật có hai vai, một mảnh bên vai trái với bộ tam y của Đức Phật Phạm Thiên còn thờ. Điều đó cho thấy rằng, Phạm Thiên Đế Thích không màng tiền bạc, đúng không? Và họ lại rất quan tâm tới xá lợi. Vậy thì em xin hỏi các bố, 5kg ấy họ có để yên cho mình giữ không ? Tu hành cái kiểu cà chớn của mình thì mình "có cửa" không? Nói kiểu Việt Nam của mình là "có cửa" không? Năm kí lô mà chia cho vô lượng vũ trụ thì các vị nghĩ coi các vị có thể nào có được không? Đó là cái vô lý thứ nhất.
Cái vô lý thứ hai, nếu đúng là xương của Phật, tăng ni nào lại dám cầm tặng cho thí chủ? Tôi xin các vị ngồi yên lại suy nghĩ coi. Tôi không có ý bôi bác. Nếu cái ông sư đó mà ổng tin Phật, ổng tin Phật như là tôi tin, tức là tin qua nền tảng giáo lý, thì ổng nên ngồi nghĩ kỹ lại đi. Cái mảnh gì đó, mảnh "something", tôi không biết kêu là mảnh gì nữa, cái mảnh mà ổng đưa người ta, có phải xá lợi không? Nếu mà đúng là xương của Đức Thích Ca Mâu Ni, tứ sanh từ phụ, thiên nhân chi đạo sư, nếu ổng biết vậy, theo quý vị, vàng tấn có đổi được cái miếng đó không? Quý vị có hiểu tôi nói gì không? Vàng tấn chứ tôi không nói vàng ký. Vàng tấn, nghĩa là 26 cây 6 lượng là được 1kg, mà tôi cho cả tấn, thì liệu có đổi được mảnh nhỏ đó không? Không thể nào. Vậy mà mấy bố gặp ai mấy bố cũng cho một cái tháp.
Rồi tới xá lợi Tây Tạng. Tây Tạng hay tổ chức những cuộc triển lãm xá lợi gì đâu mà tròn tròn đủ thứ màu. Bà con vô thấy là cứ xì xụp lạy. Tôi không hiểu được. Cái đầu này là để đội nón hay để suy nghĩ? Đa phần dùng cái này là để đội nón thôi. Các vị có thấy xá lợi đó hay không? Có thấy Tây Tạng mà họ có những triển lãm không? Các vị coi thấy mấy viên tròn tròn mà đủ màu đó không? Rồi người ta quỳ xuống người ta lấy nguyên cái đó để trên đầu mà lạy - mà trời ơi, nhiều nhất là mấy chủ tiệm nail! Chắc vài bữa nữa tui cũng làm vài ký đem về Kalama quá. Khủng khiếp. Chuyện như vậy mà họ vẫn tin được.
Cái đó là chuyện đáng để mình suy nghĩ.
Các vị nghĩ coi, Đức Phật khả kính như vậy mà ngài mất rồi để lại, tôi cho tối đa, 5kg thì làm sao mà tới tay mình? Mà trong kinh ghi rõ, Phạm Thiên, Đế Thích mà còn đem về từng mảnh để thờ, thì hãy tự hỏi 5kg đó chia làm sao mà tới được tay mình? Ngày xưa các ngài A-la-hán còn thì người ta còn nể mặt. Ngày nay tu kiểu như mình thì chư thiên họ liệu có để cho mình không? Các vị có biết không? Kích thước chiều cao của mình, trọng lượng của mình là bao nhiêu, nhà mình ở là bao nhiêu, trong mắt chư thiên mình như là một bầy mối vậy đó. Mà họ thờ Phật, họ rất kính Phật, họ có đành lòng họ thấy xá lợi của Thế Tôn nằm nguyên trong cái ổ mối không? Chỉ trừ ra các vị A-la–hán còn. Khi các vị A-la–hán còn thì Phạm Thiên, Chư Thiên họ nhìn cái trú xứ của A-la–hán họ không thấy thấp bé như trú xứ bình thường. Ở đâu có người đức độ ở thì Phạm Thiên, Chư Thiên họ nhìn chỗ ở đó nó không có dơ bẩn và thấp bé như chỗ ở của người tầm thường. Mặc dù trong mắt người bình thường thì nó rất bình thường, nhưng trong mắt Chư thiên Phạm Thiên thì chỗ đó nó không thấp bé mà nó là núi. Nó là núi cao, nó là đại dương, là chỗ ở của La hán. Trong mắt của Chư Thiên, Phạm Thiên nó khả kính như vậy. Nhưng một khi không còn A-la-hán thì chỗ đó đối với Chư Thiên Phạm Thiên là một cái bãi rác, một cái vũng sình, một cái bụi rậm, một bụi cỏ dại thôi. Thử hỏi xá lợi của Đức Phật mà nằm một cái chỗ bụi rậm như vậy thì Chư Thiên họ có đành lòng không? Họ đi kiếm từng viên để họ thờ, mà bây giờ họ gặp xá lợi của Thế Tôn trong đám bụi cỏ đó? Không, tôi không tin. Với những gì tôi đọc tôi hiểu về Đức Phật, chuyện đó là không có. Vậy mà hôm nay có nhiều người hì hục đi tin cái đó. Tôi biết tôi nói cái này rất là dễ va chạm với những vị đang tuyên truyền về xá lợi, đang kêu gọi xây tháp. Riêng tôi, tôi không tin chuyện đó - và dĩ nhiên tôi chịu trách nhiệm với những gì tôi đang nói.
Tôi nói để mình thấy có những thứ negative và positive. Đó là xá lợi có hai: Xá lợi sắc thân và Xá lợi pháp thân. Xá lợi sắc thân là xương, di cốt của Đức Phật, của A-la-hán. Còn cái xá lợi Pháp thân chính là lời dạy, là kinh điển. Mà đa phần bà con mình chỉ thích xá lợi sắc thân. Vì sao? Vì sờ được, thấy được, và không làm mình nhức đầu, chỉ cần cắm đầu lạy là ... "phước báu mênh mông". Còn cái xá lợi pháp thân thì nhức đầu quá. "Lâu lâu ổng về ổng đem cho một mớ mà ngồi rang chiên tùm lum nhức đầu quá."
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét