Chủ Nhật, 18 tháng 4, 2021

Tiết Độ Ăn Uống

 


KTC 6. 3. 77. Thượng Nhân Pháp
Không đoạn tận sáu pháp, này các Tỷ-kheo, không có thể chứng ngộ các pháp thượng nhân tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh. Thế nào là sáu? Thất niệm, không tỉnh giác, không phòng hộ các căn, không có thể tiết độ trong ăn uống, ngụy trá, hư đàm. Không đoạn tận sáu pháp này, này các Tỷ-kheo, không có thể chứng ngộ các pháp thượng nhân tri kiến thù thắng xứng đáng bậc Thánh.

tiết độbữa ăn
mattaññutābhojana

AN 6. 3. 77. Uttarimanussadhammasuttaṃ
Cha, bhikkhave, dhamme appahāya abhabbo uttarimanussadhammaṃalamariyañāṇadassanavisesaṃ sacchikātuṃ. Katame cha? Muṭṭhassaccaṃ, asampajaññaṃ, indriyesuaguttadvārataṃ, bhojane amattaññutaṃ, kuhanaṃ, lapanaṃ. Ime kho, bhikkhave, cha dhamme appahāyaabhabbo uttarimanussadhammaṃ alamariyañāṇadassanavisesaṃ sacchikātuṃ.

Tiết độ trong ăn uống. Tiết độ đây là sự chừng mực. Cái này nếu mới đọc qua mình tưởng "tiết độ" là không ăn quá no, nhưng không phải vậy. Tiết độ đây có nghĩa là biết rõ cái gì nó là nhu cầu vật chất tôi yếu, tối cần của cơ thể thì đó gọi là tiết độ trong đó gồm có ăn uống. Cái đó quan trọng lắm bởi vì trong đời sống của một tỳ kheo vốn dĩ là thiếu thốn trăm bề, cho nên nhiều khi có được cái gì mà nó vừa miệng, cái gì mà nó ngon, nó bổ thì dễ có tâm dính mắc. Chúng ta không có từng ở tù, chúng ta không có từng ở trong trại lính, chúng ta không từng là sinh viên nghèo trong ký túc xá, chúng ta không từng là thầy tu ở trong điều kiện khó khăn thì chúng ta không có lường, không có ngờ được là trong đời tu nó có những cái thèm khát vật chất lạ lắm, rồi nó có những cái dính mắc mà người ngoài họ có thể họ không biết. Các vị có vợ có chồng, có con có cái, có nhà có cửa, có sự sản và sự nghiệp thì các vị khó mà hình dung: "Miếng ăn sao nó lớn vậy ta?". Ở tù mới biết, cái người từng ở tù mới biết.

Còn đời sống Sa môn, tôi nói lại, đời sống Sa môn ở đây là đời sống Sa môn nguyên thủy chứ còn ngày nay thì trong chùa có người nấu bếp, rồi có tiền chợ, phật tử cúng dường nguyệt liễm, mỗi tháng có bao nhiêu người, rồi mỗi ngày họ cúng bao nhiêu rồi nhà bếp đi chợ. Khi mà chúng ta lấy đời sống đó của chư tăng hôm nay để mà hiểu mấy bài kinh này mình hiểu hỏng nổi, nhưng mà nếu quí vị hiểu rằng ngày xưa chư tăng không có được như vậy, không có cái vụ trong chùa có nhà bếp, có người nấu cơm, ngày xưa hỏng có. Ngày xưa từ Đức Phật xuống đến vị sa di 7 tuổi đúng giờ là ôm bình bát đi khất thực. Đúng giờ, thí dụ như là 8 giờ, 9 giờ, 10 giờ gì đó là các vị ôm bình bát đi. Mà trong buổi khất thực đó chúng ta phải hiểu ngầm, trong kinh không có nói rõ, nhưng mình phải hiểu ngầm là trong 10 ngày đi khất thực thì chỉ có nhiều lắm là 1 hoặc 2 ngày là có được bửa ăn đàng hoàng như ý, tại vì đi xin mà. Bây giờ thì mình cũng khó nói lắm, bây giờ hỏng có so với ngày xưa được. Bây giờ thì trong điều kiện kinh tế, xã hội bây giờ nó khác ngày xưa. Bây giờ các vị về Thái Lan các vị thấy một nhà sư đi bát có thể nuôi được 10 người, nhưng mà thời Đức Phật làm gì có. Thời Đức Phật làm gì có cái chuyện mà đi bát mà đeo cái túi kế bên, thấy đầy rồi tuồn vô cái túi đó đi tiếp. Còn chưa kể mình bên đây bây giờ mình còn có cái vụ bát hội, nghĩa là mình ôm bát mình đi vậy đó, phía sau có đệ tử vác nguyên cái bao chỉ xanh đi theo; bao nhiêu bánh, kẹo, mì gói, tiền bạc, trái cây là mình cứ dọng hết vô cái bao đó đi tiếp. Kết thúc một cái buổi bát hội là một vị trung bình được một bao đầy vậy đó. Thì khi mà mình lấy cái sinh hoạt của mình hôm nay để mình hiểu mấy cái bài kinh này mình hiểu hỏng nổi, nha.

Cho nên cái tiết độ trong vật thực đây có nghĩa là chẳng những không có nhận dư vì theo luật không có giữ thức ăn qua đêm, chẳng những không có nhận dư đã đành rồi mà còn phải dừng lại trước khi no, trong kinh ghi rất rõ như vậy. Còn vài miếng nữa thì no thì tỳ kheo phải dừng lại. Vì nhiều lý do lắm, thứ nhất là dừng lại như vậy để mình uống nước vào là vừa. Thứ hai khi mình ăn tới mức mà cán mức, thì lúc mình đứng dậy rời khỏi bửa ăn mình vẫn rất là nhẹ nhàng. Cái đáng ngại nữa là mình ăn xong, cái bụng mình nó cứng ngắc, bước đi nó hơi khó, đứng lên cũng không dễ dàng. Cái đó là hỏng có tốt, bởi nó sẽ sanh buồn ngủ, sanh ra bệnh hoạn tùm lum hết. Cho nên trong kinh ghi rõ còn ba bốn miếng nữa thì no, thì tỳ kheo phải biết dừng lại. Và đồng thời khi mà tỳ kheo thọ dụng thực phẩm, tỳ kheo phải luôn luôn ghi nhớ là mỗi mỗi miếng ăn như thế này là chỉ có một ý nghĩa duy nhất là hỗ trợ cho đời sống phạm hạnh. Mỗi một miếng ăn mà đưa vào miệng nó chỉ có một ý nghĩa duy nhất là hỗ trợ cho đời sống phạm hạnh, bằng cách nào? Bằng cách là nó dàn xếp cái cơ thể đang đói, đang thiếu chất thì dọng cái này vô đặng cho nó được dàn xếp ổn thỏa, những nhu cầu đòi hỏi của cơ thể được giải quyết, chỉ vậy thôi. Và mục đích của sự dàn xếp đó là gì? Là đời sống tu hành.

Cho nên mỗi một miếng ăn, được tỳ kheo ghi nhận là miếng ăn này, thứ nhất nó không có dơ, mà nó chạm vào cơ thể mình rồi nó sẽ dơ, đây là trong mấy bài quán tưởng của ông sư: "Thức ăn này, thức ăn nào mà ta đã dùng trong ngày nay rồi mà ta chưa quán tưởng, thức ăn ấy chỉ để nuôi thân mạng này để hành phạm hạnh, ta ăn vào không có vì bất cứ một mục đích nào như là người thế tục". Cái đó được gọi là tiết độ về ăn uống. Khi một vị tỳ kheo mà ăn uống trong tâm niệm như vậy thì khi đó sẽ rất là chừng mực, người ấy biết rõ rằng cái ngon miệng nó chỉ là cái hiểu lầm thôi, mình đói thì mình thấy nó ngon, chớ còn khi mình no thì thịt rồng nó cũng không ngon. Những nhận thức đó rất là quan trọng, nghĩ làm sao để mà tiết độ, nghĩ làm sao để chừng mục trong chuyện tiêu thụ.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét