Thứ Hai, 26 tháng 4, 2021

Học Đạo

 


Trong kinh nói chúng sanh trong đời có 3 hạng: ác nhiều thiện ít, thiện nhiều hơn ác, và thiện ác hai cái bằng nhau.

Ác có hai: Ác đặc biệt hay Ác phổ thông.

Ác đặc biệt là đại tội: giết cha, giết mẹ, giết A La Hán, chia rẽ tăng, làm Phật chảy máu. Đó là ác đặc biệt. Nhưng đây chỉ là nói chung thôi chứ không chỉ có 5 cái này. Thật ra có vô số. Nói gọn thì cái ác nào mà nhắm vào đối tượng khả kính là ác đặc biệt. Ác mà nhằm vào đối tượng hữu ân là ác đặc biệt. Ác nào mà nhắm vào đối tượng đại chúng là ác đặc biệt. Ác nào gây hậu quả lâu dài là ác đặc biệt.

Thí dụ như đi bắt cá mà thả thuốc độc xuống nguyên một con suối, theo quý vị nghĩ thì thuốc độc đó chừng nào mới tan hết? Hoặc người Nhật bắt người Trung Quốc về thí nghiệm các thuốc độc hóa học, chỉ cần chích vô rồi thì cái da rã ra, không thuốc nào cứu được. Nhật mượn tay chuột, dơi, chim, muỗi để lây bệnh. Cho nên cái phòng thí nghiệm ở Mãn Châu, biết bao nhiêu người Trung Quốc bị lùa vào đó để thí nghiệm. Số người Trung Quốc bị bắt lúc đầu hàng hàng Nhật chết chỉ khoảng mấy trăm người thôi, nhưng kẻ nào mà nghĩ ra phòng thí nghiệm đó, kẻ nào trực tiếp làm trong phòng thí nghiệm đó thì tội nặng lắm. Tuy nói 4 nhưng mà bao trùm cả 5 cái trên.

Giết cha giết mẹ tội nặng vì 2 người đó sẵn sàng chết cho mình, mà mình dám hại họ. Khi mà giết họ, mà họ được cứu, họ có tha thứ cho mình không? Có. A La Hán y chang vậy, ông không ghét thù gì mình hết, ông không chết ông thương mình tiếp.

Chia rẽ tăng là tội nặng, vì tăng là đoàn thể hành trì và truyền thừa chánh pháp, mà sức mạnh của đoàn thể đó chỉ được duy trì khi mà họ đoàn kết với nhau, đem lại lợi lạc cho chúng sanh. Nếu chia là 8 phần, 12 lực lượng thì sức mạnh chánh pháp ở đời không còn nữa. Lúc đó mình chia rẽ không chỉ mấy ông thầy chùa, mà còn ảnh hưởng đến toàn cục lợi ích chúng sanh. Ở Miến Điện, mấy ngàn vị tăng chúng ta tưởng là một, nhưng thật ra nó có 9 lận. Người đầu tiên mà tạo ra 9 nhánh, thì chỉ có trời biết, chỉ có ông đó biết. Thế nào là chia rẽ Tăng? Thứ nhất do danh lợi, tình cảm yêu ghét, tư thù cá nhân mà làm cho chư tăng tách ra, khiến các tăng không ngồi làm lễ với nhau được. Nếu vẫn ngồi làm lễ chung thì không gọi là chia rẽ. Nói làm sao mà để ông thù tôi, không có khả năng ngồi bên cạnh tôi, thì đó là chia rẽ. Tăng chỉ có trong thời của Đức Phật thôi, nếu chia rẽ là coi như xong. Chia rẽ Tăng là tội ngập trời, nhưng ra sức hàn gắn Tăng thì công đức vô lượng.

Làm Phật chảy máu là tội nặng, bởi Phật tổ không ai giết được Ngài hết, chuyện duy nhất làm tổn thương Ngài là làm thương tích thôi, hoặc đứng chống nạnh chửi Ngài. Còn cướp đoạt mạng sống Ngài thì không bao giờ. Có trường hợp như Đề Bà Đạt Ba ông đứng trên núi lăn tảng đá với mục đích là để giết Phật nhưng Ngài không chết. Do cái nghiệp quá khứ Ngài đã từng giết người. Ngài giết đứa em trai chỉ vì tranh chấp tài sản mà xô nó từ trên núi xuống. Cái quả đó làm Ngài xuống địa ngục rất nhiều năm. Vì cái quả dư sót đó mà kiếp cuối cùng Ngài đi làm Phật rồi mà Ngài cũng còn bị người ta lăn đá làm cho bị thương. Trong kinh nói Ngài bị dập nát ngón chân cái, máu ra xối xả.

Kể ra 5 tội đó là kể tượng trưng, nhưng nếu kể cho đủ là mình kể 4 cái vừa ghi đó. Ác nghiệp đặc biệt gồm làm chuyện bậy nhắm đến đối tượng khả kính - chuyện bậy nhắm đến đối tượng hữu ân – chuyện bậy nhắm đến đối tượng đại chúng –chuyện bậy nhắm đến đối tượng có hậu quả lâu dài.

Ác phổ thông gồm có sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói độc ác, nói đâm chọc, nói lời vô ích, v.v...

Dầu cho đặc biệt hay phổ thông thì Ác cũng diễn ra theo cái công thức 1 + 13 + 14.

Ở đây tôi nhắc lại công thức:

1 + 13 + 14 = tâm bất thiện
1 + 13 + 25 = tâm thiện.

Ngài dạy họ công thức nào cũng đều có mục đích là đừng có sống với công thức (1 + 13 +14) mà hãy sống với công thức (1 + 13 +25). Ngài nói đã mang thân chúng sanh, thánh phàm đều giống nhau ở cái 1 + 13 – tức là cái căn bản để tạo nên tâm của mỗi người. Thì mình phải cố gắng cộng 25 chứ đừng có cộng cái 14. (Xem chi tiết 52 tâm sở)

Nhưng khổ cái không phải gặp ai Ngài cũng nói công thức này. Tùy căn cơ mỗi người mà Phật ra đời, Phật dạy mỗi người khác nhau. Có người Phật dạy mấy cái số 1 + 13 + 14 hay 1 + 13 + 25 này. Có người Phật dạy "Cái gì và Thế nào?".

Tại sao mình phải học? Vì nó là nền tảng. Có những người thấy người ta đói, họ cho 10 đồng để người ta mua đồ ăn, có những người thấy người ta đói, họ có gì họ cho cái nấy.

Thì Phật Pháp cũng vậy. Có những người Ngài dạy như kiểu mì ăn liền. Có người Ngài nói đi xuất gia để họ tự ngộ. Có người Ngài nói con chỉ giải quyết thân khẩu ý là xong. Như có vị sư già Ngài nói 227 giới ổng nhớ không nổi, Phật nói chỉ cần giữ 3 giới thân khẩu ý là xong. Nghe số 3 ông thích quá, nhưng ông không ngờ số 3 nó khó hơn 227 giới. Có người Ngài dạy họ tu tứ niệm xứ thôi. Có người thì ngài chỉ nói bát chánh đạo.

Có người Ngài nói về vô minh trong duyên khởi. Có người Ngài nói do vô minh trong 4 đế nên tạo các nghiệp thiện ác, nghe vậy nó mới chịu tu. Có người Ngài nói tất cả mọi thứ đều vận hành theo 24 duyên sau đây: A giúp B bằng cách có mặt trước, A giúp B bằng cách có mặt sau … Họ nghe nói họ mới biết chán khi thấy đời sống toàn điều kiện không thôi thì họ nghe là họ đắc. Có người học 2 cái công thức 14 với 25 mới đắc. Có người nhắc hai con số thì họ khùng luôn, nên phải nói họ tu thân khẩu ý. Có người ngài nói tu thập thiện độ hay 37 bồ đề phần.

Nhưng ý nghĩa chính vẫn là tu thiện để được trong công thức này (1+13+25) và tránh ác để đừng sống trong công thức này (1+13+14).

Bây giờ hiểu tại sao tôi giảng hay bị trùng hoài là vậy. Tôi nói riết chừng nào hiểu thì thôi. Sau khi mình học 24 duyên rồi, học 12 duyên khởi thì mình quay lại ôn lại bài đầu tiên.

Học đạo là để:

  • thứ nhất biết mình có cấu tạo ra sao,
  • thứ hai học đạo để biết mình sống ra sao,
  • thứ ba, để biết mình đang ra sao khi mình bắt đầu tu tập,
  • thứ tư, nhận biết mình ra sao nếu mình không tu tập.

    Người không biết đạo không biết 4 cái này. Không biết mình có cấu tạo ra sao, không biết mình phải làm gì, thứ 3 không biết mình đang ra sao. Chính vì không biết cái số 3 này này (đang ra sao) nên mới có rất nhiều người chưa tu gì hết mà tưởng mình đang tu rất nhiều. Làm thiện một chút mà tưởng một núi, làm ác một núi mà tưởng có một chút.

    Khi bố thí, hành thiền … mà không học giáo lý thì không biết mình đang ra sao, không biết mình có cái gì cần thêm, có cái gì cần bớt, cái gì cần chỉnh sửa.

    Phải ghi câu này: Khi chưa gặp Phật Pháp thì tất cả hạnh lành đều nằm trong thập thiện (để dẫn đến quả nhân thiên). Kể từ khi có lòng cầu giải thoát thì tất cả hạnh lành đều được gọi là thập độ (nhân tố để sau này có trí tuệ giải thoát). Kể từ khi biết Phật Pháp, dốc lòng tu tập thì tất cả hạnh lành đều nằm trong con số 37 (tứ niệm xứ - tứ chánh cần – tứ như ý túc – ngũ căn – ngũ lực – thất giác chi – bát chánh đạo)

    Trong số 37, thực ra cái nhóm này cũng chính là nhóm kia. Cái này quan trọng mà nhiều người hiểu nhầm. Khi nói "tu thất giác chi trước rồi bát chánh đạo sau" là nói sai. Không bao giờ có chuyện tu từng khúc như vậy. Người nào tu tới nơi thất giác chi cũng là đang ngon lành trong bát chánh đạo, mà ngon lành trong bát chánh đạo cũng là ngon lành trong tứ niệm xứ . Ở đây đang nói tu ngon lành chứ không phải là tu phớt phớt.

    Ba mươi bảy bồ đề phần gồm các nhóm pháp môn có nội dung tương đương nhau. Tu tập cái này cũng là tu tập cái kia. Thế Tôn tùy duyên mà nói nhóm nào cho đối tượng nào.

    Phật Pháp có một chuyện mà tôi phải nói mạnh miệng cái câu này. Khi học Phật Pháp căn bản rồi, quý vị sẽ có 3 tâm trạng căn bản. Thứ nhất là tiếc. Tại sao trước đây không biết sớm hơn. Thứ hai là giá mà mình biết sớm hơn đời sống mình đã thay đổi rồi – người học giáo lý căn bản họ nhìn thế giới này khác người lơ mơ. Thứ ba là quý vị sẽ được cái vô ngại khi đi vào hội chúng. Thầy bà giảng cái gì quý vị cũng tỉnh bơ. Một pháp sư tam tạng qua nói quý vị cũng ngồi nghe tỉnh bơ vì cái đó là căn bản mình đã có. Cái vô ngại nó rất là quý. Quý vị hiểu không? Còn cái sợ nhất là đi chùa mà thấy lạ hoài, nghe gì cũng lạ.

    Rồi sẽ đến một ngày quý vị đi Miến Điện, Lào … thiền sư nói cái gì mình cũng vẫn thanh thản. Bởi vì mình đã có chìa khóa, ông nào mình cũng mở được hết.

    Trích bài giảng Ba Tạng và Con Đường Tu Chứng
    Kalama xin tri ân bạn Nguyenhuongbichhue ghi chép

  • Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét