Thứ Tư, 21 tháng 4, 2021

Nuôi dưỡng và Sức khỏe

 


NUÔI DƯỠNG VÀ SỨC KHỎE: TA ĐANG LÀM CHI ĐỜI TA (BÀI 1)?

Bài hôm trước đã đề cập việc nuôi dưỡng toàn diện bằng đoàn thực, xúc thực, tư niệm thực và thức thực. Trong đó, nuôi dưỡng bằng đoàn thực tốt hay không phụ thuộc vào 3 công đoạn: thứ nhất, thu thập nguyên liệu để làm thức ăn; thứ hai, chế biến thức ăn; thứ ba, nạp thức ăn vào cơ thể. Bài này sẽ tập trung nhắc bạn một số sai lầm thường gặp khi thực hiện công đoạn thu thập nguyên liệu (trồng trọt và hái lượm, đi chợ…) để làm thức ăn.
Sai lầm 1: Thu thập nguyên liệu làm thức ăn trái với tỷ lệ cân bằng tự nhiên
Một chế độ ăn cân bằng cần bao gồm cả 3 nhóm chất: chất đường đến từ tinh bột, chất đạm và chất béo. Trong đó, tinh bột cần chiếm khoảng 65-70%, chất đạm khoảng 15% và chất béo khoảng 20-25% khẩu phần thức ăn trong ngày.
Một sai lầm thường gặp khi thu thập nguyên liệu để làm thức ăn là chúng ta chưa chú trọng đến việc đảm bảo sự cân bằng giữa các nhóm chất dinh dưỡng. Thậm chí, chúng ta còn chạy theo các trào lưu như chủ yếu dùng chất đạm, bỏ qua tinh bột để giảm mỡ, tăng cơ bắp. Lần sau, khi thu thập nguyên liệu, bạn hãy nhìn giỏ đồ của mình và ước lượng xem chế độ ăn đã cân bằng chưa nhé.
Sai lầm 2: Thu thập nguyên liệu làm thức ăn chất lượng thấp
Tiếp theo, chúng ta cũng thường tự nguyện lựa chọn thu thập nguyên liệu chất lượng thấp để làm thức ăn.
Trước kia, để nạp chất đường vào cơ thể, ông cha ta chủ yếu dùng tinh bột thô từ gạo xát dối trong ngày. Ngày nay, khi đi chợ, chúng ta thường sử dụng ngũ cốc tinh chế. Nhiều khi, ta còn ưu tiên mua gạo trắng nhất, bóng nhất, thơm ngạt ngào nhất đồng thời… trữ được lâu nhất. Thậm chí, nhiều gia đình có bịch gạo nhỏ ăn mãi không hết do toàn dùng ngũ cốc dưới dạng bún, phở, mì, bánh - những nguyên liệu còn rất ít chất dinh dưỡng do phải trải qua các công đoạn xay, nấu, ép, phơi khô. Vì sao vậy? Có thể bạn sẽ trả lời: vì ngũ cốc tinh chế có vị ngon ngọt, dễ ăn hơn nhiều so với thức ăn làm từ tinh bột thô! Quả thật, nồng độ đường đậm đặc trong thức ăn làm từ ngũ cốc tinh chế khiến vị giác của bạn vô cùng khoan khoái. Bạn sẽ cảm thấy ăn ngon miệng hơn, ăn được nhiều hơn và do đó, sẽ cho rằng thức ăn mà bạn đang dùng tốt cho cơ thể. Ít ai để ý rằng, khi bị tinh chế, cấu tạo cân bằng tự nhiên của thức ăn đã bị phá vỡ.
Tiêu thụ đường từ tinh bột tinh chế gây mất cân bằng trong phần thân chúng ta, kéo theo hiện tượng rối loạn đường huyết, rối loạn thần kinh. Thức ăn tinh chế cũng không có lợi cho tâm. Dùng thức ăn tinh chế, đã bị loại bỏ vitamin, khoáng chất và chất xơ có khác gì nuôi dưỡng bằng các chất cặn bã. Nuôi dưỡng bằng thực phẩm đã qua quá nhiều công đoạn chế biến vô ích có khác gì nuôi dưỡng sự rắc rối, lẩn quẩn!
Điều tương tự cũng xảy ra khi chúng ta thu thập nguyên liệu làm thức ăn để nạp chất đạm và chất béo.
Ngoài ra, chắc bạn biết rằng các chất vitamin, khoáng và khoáng vi lượng đóng vai trò thiết yếu trong các phản ứng hóa học giúp xử lý 3 nhóm chất dinh dưỡng nói trên. Tuy nhiên, đa số vitamin, khoáng và khoáng vi lượng chỉ tồn tại trong thực phẩm tươi sống. Để tiết kiệm thời gian và bắt kịp nhịp sống hiện đại, chúng ta có khuynh hướng thay thực phẩm tươi sống bằng các thức ăn chế biến sẵn, thức ăn đóng hộp, thức ăn tinh chế. Thế nên, thực phẩm chúng ta sử dụng chỉ còn là những cái « xác » nghèo vitamin, nghèo khoáng chất, nghèo khoáng vi lượng. Hậu quả là, phản ứng sinh hóa cần thiết để chuyển hóa các thực phẩm không còn được diễn tiến đúng đắn, thức ăn thay vì nuôi dưỡng lại trở thành rác rưởi làm nặng nề và ô nhiễm cơ thể.
Lần sau, khi đi chợ, ta hãy cùng thử kiểm điểm xem nguyên vật liệu để làm thức ăn mà mình mua là nguồn dinh dưỡng tốt lành hay là… xác, là rác, bạn nhé!
🙏🙏🙏



NUÔI DƯỠNG VÀ SỨC KHỎE: TA ĐANG LÀM CHI ĐỜI TA (BÀI 2)?
Ở bài trước, chúng ta đã nói đến một số sai lầm thường gặp khi thu thập nguyên liệu làm thức ăn: thu thập nguyên liệu trái tỷ lệ cân bằng tự nhiên và thu thập nguyên liệu chất lượng thấp. Hôm nay, chúng ta đề cập vấn đề lạm dụng thu thập thức ăn có nguồn gốc động vật và việc thu thập thức ăn từ thực vật kém chất lượng.
1. Lạm dụng thu thập thức ăn có nguồn gốc từ động vật
Nhiều người cho rằng, để cơ thể khỏe mạnh, chúng ta cần nuôi dưỡng bằng các thức ăn có nguồn gốc từ động vật (đặc biệt là thịt). Thậm chí, thức ăn từ động vật còn được dùng như bài thuốc để trị liệu bởi niềm tin… “ăn gì bổ nấy”.
Trên thực tế, trong thế giới ngày nay, cách nuôi dưỡng và niềm tin nói trên có thể gây nhiều nguy hại cho sức khỏe. Khoan nói đến khía cạnh tâm linh, ở đây trước hết chúng ta bàn về vấn đề này dưới góc độ khoa học thường thức, bạn nhé.
Thứ nhất, do chất lượng kém của hoạt động nuôi dưỡng và giết mổ, chất lượng của đa số thức ăn từ động vật không tốt.
Động vật mà chúng ta sử dụng làm thức ăn ngày nay thường được nuôi bằng hóa chất, thuốc kích thích tăng trưởng trong điều kiện tù túng, theo giờ giấc không phù hợp giờ giấc sinh học của động vật và vũ trụ. Trong quá trình nuôi dưỡng, động vật thường bị đối xử tàn tệ, nhốt trong những chuồng trại chật hẹp nhưng đồng thời bị nhồi thuốc tăng trưởng để mau lớn.
Ngoài ra, trong quá trình bị tàn sát, năng lượng tiêu cực của động vật phóng thẳng vào máu, thịt mà chúng ta tiêu thụ. Hậu quả là, chế độ nuôi dưỡng bằng động vật tạo những phản ứng sinh hóa phức tạp, truyền sang chúng ta tâm trạng căng thẳng, bực bội, đau đớn, căm giận của động vật khi bị giết hại, kéo theo những ảnh hưởng lệch lạc đến cấu trúc tế bào cũng như thân sinh lý, thân tâm lý, thân tâm linh.
Thứ hai, trong quá trình bảo quản thịt, các hóa chất độc hại thường được sử dụng. Thịt và các sản phẩm từ thịt vốn dễ bị vi trùng tấn công, khiến chúng mau hư thối, đổi màu. Để ngăn chặn hiện tượng này, các cơ sở giết mổ, chế biến và phân phối thường phải sử dụng hóa chất để bảo quản thịt và các sản phẩm từ thịt. Việc mua thịt được tặng kèm các hóa chất “khuyến mãi” này để tiêu thụ chắc chắn gây tác hại cho cơ thể.
Thứ ba, các bệnh từ động vật dễ dàng bị truyền sang chúng ta hơn các bệnh từ thực vật. Đồng thời, việc nuôi dưỡng bằng động vật lại không bảo đảm mang lại sinh lực cho chúng ta.
Ví dụ, trước kia ta thường cho rằng nuôi dưỡng người thiếu máu bằng thịt, gan động vật, lòng đỏ trứng là tốt bởi các thực phẩm này chứa nhiều vitamin B12. Tuy nhiên, ngày nay khoa học chứng minh vitamin B12 được tạo ra chủ yếu từ sự lên men của vi khuẩn trong đường ruột chúng ta và chúng cần được tiêu thụ ngay sau khi sản xuất để tránh bị phân hủy. Đặc tính của vitamin B12 là rất dễ phân hủy, và thường bị phân hủy ngay lập tức khi bị tách khỏi tế bào. Khi thịt, gan, trứng được đưa vào cơ thể, đến dạ dày lượng vitamin B12 đã bị phân hủy gần hết. Vậy nuôi dưỡng người thiếu máu bằng thịt, gan, trứng liệu có đạt mục đích bổ sung vitamin B12 hay không?
Thứ tư, việc nuôi dưỡng bằng thịt thường được ưa thích do quan niệm ăn thịt giúp no lâu, tuy nhiên, ở đây có sự nhầm lẫn không nhỏ giữa “no lâu” và “khó tiêu”. Trên thực tế, thịt ở lại trong dạ dày lâu hơn rau, củ, quả vì thịt lâu tiêu hơn. Trong khi đó, sản phẩm thực vật dễ tiêu, dễ chuyển hóa, được cơ thể hấp thụ nhanh khiến đường máu thông thoáng, sạch sẽ thường bị coi là « ăn mau đói ». Sadhguru (trong Inner engineering – A yogi’s guide to joy) đề cập thông tin về thời gian để cơ thể bạn tiêu hóa hoàn toàn các loại thực phẩm: 70 – 72 giờ đối với thịt sống, 50 – 52 giờ đối với thịt đã nấu chín, 24 – 30 giờ đối với rau củ nấu chín, 12 – 15 giờ đối với rau củ sống, 1,5 – 3 giờ đối với trái cây. Và, trong quá trình “no lâu” khi ăn thịt, chuyện gì xảy ra với cơ thể chúng ta? Hãy làm một thí nghiệm nhỏ: để thịt ở nhiệt độ ẩm và nóng khoảng 37 độ trong 50 đến 72 giờ và quan sát kết quả. Chắc chắn, lượng vi trùng độc sẽ phát triển rất nhiều trên thịt, khiến thịt có mùi hôi thối. Cơ thể chúng ta là môi trường luôn ẩm, nóng. Dễ có thể hình dung thức ăn làm từ thịt sẽ ra sao sau 50 – 72 giờ trong môi trường đó; cơ thể sẽ tốn bao nhiêu năng lượng để kiềm chế sự phát triển của vi trùng độc; và khả năng các hệ thống đường ống trong cơ thể (đặc biệt đường tiêu hóa) bị ô nhiễm sẽ lớn như thế nào.
Để duy trì và tăng cường sức khỏe thân tâm, cần trước hết loại bỏ những nhận thức sai lệch, trong đó có nhận thức về sự cần thiết của việc nuôi dưỡng bằng động vật. Bạn chú ý đừng lạm dụng thức ăn từ động vật vào lần tới, khi đi “thu thập nguyên liệu”để làm thực phẩm, bạn nhé!
2. Thu thập thức ăn từ thực vật kém chất lượng
Rau, củ, quả là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời cho chúng ta. So với động vật, thực vật có sức sống vô cùng mãnh liệt. Bạn thấy đấy, cây bị cắt khúc ngâm nước vẫn có thể tươi trong một thời gian, thậm chí còn có thể mọc mầm ra cây mới. Bên cạnh đó, thực vật còn có khả năng chuyển hóa rất cao so với động vật. Ngay cả khi thuốc trừ sâu, diệt cỏ được sử dụng ở mức độ vừa phải, thực vật vẫn có thể chuyển hóa và loại trừ những hóa chất này. Khả năng chuyển hóa ấy tương đối cao khi thực vật còn đang được nuôi dưỡng trong môi trường của chúng.
Tuy nhiên, cần chú ý rằng hóa chất được đưa vào thực vật sau khi chúng được thu hoạch sẽ khó bị chuyển hóa, loại trừ hơn. Vì vậy, nên tránh thu thập các loại thực vật bị xử lý bằng hóa chất, nhất là sau khi thu hoạch. Lưu ý các loại rau, củ nằm dưới đất có khả năng chuyển hóa độc tố nhanh hơn so với các loại rau, củ mọc trên mặt đất.
Một sai lầm thường gặp của chúng ta là khi đi chợ thường lựa chọn các rau, củ, quả đẹp nhất, bóng nhất, to nhất. Nên lưu ý tránh điều này để khỏi trở thành nạn nhân của tệ nạn lạm dụng các thuốc kích thích tăng trưởng trong quy trình trồng trọt. Bạn nhớ điều này khi thu thập nguyên liệu làm thức ăn lần sau nhé!
🙏🙏🙏

NUÔI DƯỠNG VÀ SỨC KHỎE: TA ĐANG LÀM CHI ĐỜI TA (BÀI 3)?
Loạt bài này đề cập một số sai lầm thường gặp trong quá trình thu thập nguyên liệu làm thức ăn. Bên cạnh những sai lầm đã trình bày ở hai kỳ trước, chúng ta còn nên lưu ý việc lạm dụng thu thập thức ăn từ sữa bò hoặc các sản phẩm từ sữa bò.
Việc nuôi dưỡng trẻ em và thậm chí cả người lớn bằng sữa và các sản phẩm từ sữa (kem, phô mai, một số loại bánh kẹo…) rất phổ biến trong cuộc sống hiện đại. Đặc biệt, việc cổ súy tiêu thụ sữa ở người lớn thường phát xuất từ quan niệm nên uống nhiều sữa để tránh loãng xương. Tuy nhiên, bạn có biết Thụy Sĩ – xưởng sản xuất sữa bậc nhất thế giới – lại là một trong những quốc gia có tỷ lệ loãng xương cao nhất thế giới?
Thật ra, có nhiều lý do để chúng ta nên xem xét hạn chế sử dụng sữa và các sản phẩm từ sữa.
Thứ nhất, ngày nay, sữa bò mà chúng ta mua trên thị trường thường có chất lượng kém.
Nếu tìm hiểu kỹ, bạn sẽ thấy đa số bò sữa cũng bị thiếu can-xi, vậy làm sao bò có thể cung cấp can-xi chất lượng cho chúng ta? Bên cạnh đó, bò mẹ được nuôi lấy sữa thường bị tách khỏi con khi bò con còn rất bé. Đương nhiên, điều này sẽ làm giảm việc tiết sữa của bò mẹ. Để bò mẹ tiếp tục tiết sữa, người nuôi phải dùng thuốc kích thích, hormone; thuốc kích thích, hormone này sẽ đi vào sữa mà chúng ta sử dụng, gây những tác hại lâu dài cho cơ thể.
Thứ hai, lạm dụng sữa và sản phẩm từ sữa kích thích phản ứng tiết chất nhầy trong cơ thể.
Chất nhầy ở dạ dày và ruột, về bản chất, giúp cản độc tố thấm vào thành ruột, dạ dày. Tuy nhiên, màng chất nhầy quá dày sẽ hút cả những chất độc lẫn chất không độc, tạo thành những cục sỏi, sạn. Chất nhầy quá nhiều ở ruột non vướng vào thức ăn, đi cùng thức ăn thấm qua đường ruột vào máu đem theo cặn bã, độc tố. Chất nhầy quá nhiều ở ruột già gây bế tắc ruột già, kéo theo bệnh ung thư ruột già.
Thứ ba, việc lạm dụng sữa và sản phẩm từ sữa là điều không cần thiết. Bởi, bạn và tôi, chúng ta phần lớn đều được trang bị đầy đủ để hấp thu các nguồn dinh dưỡng từ sản phẩm không phải từ sữa.
Sữa là hỗn hợp chất dinh dưỡng đặc biệt chứa đựng cả 3 dạng dưỡng chất: chất bột, chất đạm, chất béo. Trong thiên nhiên, các con non chưa có hệ thống tiêu hóa, nội tiết phát triển đầy đủ sẽ được tạo hóa ban cho một loại men tiêu hóa đặc biệt giúp xử lý cả 3 dạng chất trong hỗn hợp dinh dưỡng đặc biệt này.
Khi con non đã trưởng thành (đối với con người điều này xảy ra khi em bé khoảng 1 tuổi), hệ thống nội tiết, tiêu hóa, các men, dịch tiêu hóa đã phát triển toàn diện. Mỗi loại dưỡng chất đưa vào cơ thể sẽ được xử lý bằng một loại men: tinh bột đã nấu chín được phân giải nhờ men amylase tiết ra từ tuyến nước bọt và dịch tụy; chất đạm được xử lý nhờ acid dịch vị clohydric và các men pepsin, lipase trong dạ dày, các men trypsin, chymotrypsin, carboxypolypeptidase trong dịch tụy ; chất béo được hòa tan bằng acid mật và muối mật được tiết ra từ gan và mật kết hợp với men lipase đến từ tụy… Như vậy, trong điều kiện bình thường, con người trưởng thành không cần sữa vẫn có thể hấp thu các chất bổ đến từ các loại thức ăn hàng ngày.
Thứ năm, lạm dụng sữa và sản phẩm từ sữa là đi ngược lại quy luật của tạo hóa.
Một trong những quy luật của tạo hóa giúp muôn loài chung sống trong thiên nhiên là sữa động vật nào dùng để nuôi con non của động vật đó. Nếu hiện tượng động vật này uống sữa động vật kia trở nên phổ biến, tình trạng kẻ mạnh ức hiếp kẻ yếu để cướp nguồn sữa dinh dưỡng sẽ đem lại những rối loạn, đau khổ vô cùng trên thế giới. May thay, đa số động vật trên trái đất sống phù hợp với quy luật tự nhiên. Là con người – vốn thường được coi là một “động vật cao cấp”, chúng ta cần nhận thức việc lạm dụng sữa bò, đặc biệt khi chúng ta đã trưởng thành là đi ngược quy luật tự nhiên.
Vậy, lần sau đi chợ, chúng ta sẽ kiểm lại xem nguyên liệu mà ta thu thập làm thức ăn có phù hợp với quy luật tự nhiên và nhu cầu của cơ thể không, bạn nhé!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét