Tuy rằng mình không đặt vấn đề trường cửu, vĩnh hằng với bất cứ chuyện gì ở đời nhưng mình vẫn còn chút niềm tin là mình còn sống được 5 năm, 10 năm, 20 năm nữa. Thì đó cũng là một sự ngộ nhận. Vì chúng ta có là ai đi nữa, chúng ta có là tỷ phú về tiền bạc hoặc về học vị, kiến thức chúng ta có là tiến sĩ hoặc luật sư gì đi nữa thì cái chết cũng có thể đến với chúng ta bất kì lúc nào. Trong cái đầu của phàm phu, miệng thì nói vậy nhưng trong bụng cũng lén lén có những trù hoạch, toan tính, sắp xếp cho những chuyện dài lâu, trường kì. Đó là tôi ví dụ trường hợp nhẹ thôi.
Trong kinh nói do phàm phu không có khả năng thấy xa về quá khứ hay tương lai nên cũng lén lén mong đợi, biết đâu có một cảnh giới nào đó thường hằng, vĩnh cửu. Chẳng hạn như thiên đường của Thiên Chúa giáo hay Hồi giáo, thậm chí là Cực Lạc Tây phương. Đó là nói về sự trông đợi của trí tưởng tượng. Nhưng hơn hết là những vị có thiền định, có thần thông, quán chiếu thấy tuổi thọ của các vị Phạm thiên quá lâu, không thấy được điểm kết thúc hoặc điểm bắt đầu kiếp sống ở đó, từ đó họ có những ngộ nhận, những niềm tin mù quáng, tin là ở đời có sự vĩnh cửu. Quý vị muốn hiểu thêm về điều này thì xem kinh Phạm võng ở Trường bộ kinh.
Tùy vào hoàn cảnh, môi trường, điều kiện của mỗi người mà chúng ta trông đợi vào một cái gì đó trường cửu.
Ở đây có một điều rất quan trọng chúng ta không thể không nói, cực kì quan trọng: Tại sao chúng ta có ý tưởng trông đợi, hi vọng một cái trường cửu? Có nhiều lý do mà lý do rốt ráo nhất đó là chúng ta không chịu thấy, hoặc không thể thấy được sự hiện hữu của mình là một gánh nặng. Chúng ta không thấy chán, không thấy sợ chuyện lê thê, nhạt nhẽo, vô vị. Ở đây tôi không nói chuyện nghèo đói, bệnh hoạn, tai nạn, tù tội, đó là quá nặng rồi. Tôi đang nói một đời sống yên bình vô sự, không có gì phải âu lo, đau đớn, sợ hãi, trằn trọc. Nếu chúng ta là người thượng trí thượng căn thì chúng ta sẽ thấy rằng đời sống vô sự là một sự tẻ nhạt. Đói ăn, khát uống, mệt ngủ, cứ như vậy kéo dài năm này qua tháng khác. Giả định như mình sống một triệu năm, hai triệu năm, một tỷ năm, hai tỷ năm chỉ toàn như vậy thôi thì các vị nghĩ sao? Chúng ta có nhu cầu này nọ vì chúng ta mang tấm thân bằng xương bằng thịt này. Khi nó đang nóng mà được mát hoặc khi lạnh mà được ấm thì ta cho đó là hạnh phúc. Khi nó đang đói mà được ăn thì hạnh phúc. Ăn được cái món vừa ý thì càng hạnh phúc hơn. Khi nó khát mà được uống nước mát lạnh thì hạnh phúc, mà uống được loại nước mà nó muốn thì càng hạnh phúc hơn. Nói chung toàn bộ hạnh phúc của chúng ta chỉ là sự vắng mặt của đau khổ, là giây phút đau khổ được giải quyết. Bất cứ vấn đề, trục trặc nào trong đời sống khi được giải quyết thì ta bèn gọi phút giây ấy là hạnh phúc, chỉ vậy thôi. Trong kinh xác định rõ ràng không có một loại hạnh phúc nào như là phàm phu tưởng tượng. Nhớ thương trông đợi khi gặp được thì mừng. Nếu truy nguồn tại sao có nhớ thương trông đợi thì đó là do mình không hiểu đối tượng lắm. Nếu mình hiểu tuốt tuồn tuột tất tần tật đối tượng đó thì mình không thương nổi nữa.
Chuyện đầu tiên khi anh không thấy được sự hiện hữu của anh là một gánh nặng, anh không đủ huệ căn để thấy rằng anh đang kéo dài chuỗi ngày vô vị, tẻ nhạt, vô nghĩa thì anh mới trông đợi được sống lâu. Còn ham sống, còn thích hưởng thụ vì chúng ta chưa thấy chán được cái thân này.
Sự khổ trong kinh Phật định nghĩa rộng lắm. Đức Phật chia khổ có ba:
- khổ khổ có nghĩa là sự có mặt của những gì làm cho thân tâm khó chịu,
- hoại khổ là sự vắng mặt của những gì làm cho thân tâm dễ chịu,
- hành khổ là cái khó thấy nhất, đó là sự hiện hữu vô vị tẻ nhạt và lệ thuộc các điều kiện.
Chính vì thấy được lẽ đó nên vị Tu đà hoàn thấy được bản chất của mọi hiện hữu là vô ngã, vô thường. Và vì các ngài không có lòng trông đợi sự vĩnh hằng trường cửu nên các ngài có đủ điều kiện tâm lý để thấy rằng mọi thứ vô thường trong từng phút. Còn mình thì sao? Khi không chịu thấy hiện hữu của mình là khổ, là gánh nặng thì mình mới có lòng trông đợi, mong chờ. Mình đã sai ngay cái căn bản nên bị che khuất. Như đứa bé vì quá nông cạn, thiển cận, quá hồn nhiên, không nghĩ ngợi nhiều nên nó nhìn cuộc đời bằng ánh mắt tin yêu, tin cậy. Trong khi người lớn luôn trong tình trạng chuẩn bị, cẩn trọng, trong một sự cảnh giác nhất định đối với chuyện đời.
Một người hiểu được bốn đế mà đầu tiên là hiểu được mọi thứ là khổ thì vị đó không chấp nhận bất cứ cái gì ở đời này là vĩnh cửu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét