Niềm Tin
Niềm tin nó có hai: Niềm tin dựa trên cơ sở hợp lý, trí tuệ thì tiếng Pali gọi là Yoniso, là hợp lý, khéo léo. Còn trường hợp thứ hai là niềm tin thuần túy cảm tính. Tôi từng nhắc đi nhắc lại nhiều lần: Có hai cách tìm đến chân lý: cách một là mình hiểu vấn đề như nó là, :"as it is". Còn cách thứ hai là mình tìm đến chân lý theo cách mà mình muốn. Thí dụ: Nhà mình bị mất đồ. Theo cách một thì mình quan sát coi cái này người lạ hay người quen lấy. Nếu mà là người lạ đó thì thôi miễn bàn. Nếu người quen thì ai? Ai là người có khả năng nhất? Mình truy tìm dấu vết như vậy thì đó gọi là mình truy tìm sự thật như nó là. Còn theo cách thứ hai là mình tìm sự thật như mình muốn. Có nghĩa là sao ? Có nghĩa là khi mình bị mất đồ thì chuyện đầu tiên là mình nghĩ đến người mình ghét trước cái đã. Trong khi trên nguyên tắc là mình phải kể cả người lạ nữa. Nhưng mà không, mất đồ thì cái đầu tiên là nghĩ tới là cái người mình ghét cái đã. Đó. Đầu tiên là mình nghĩ tới người đó trước. Các vị thử tưởng tượng, ở trong đời sống thường nhật hay là trong chuyên ngành hình sự mà các vị đi đánh giá, các vị nhận xét nghi phạm bằng cái tình cảm thương ghét là chết rồi. Chết là cái chắc. Tại vì mình mất đồ là thì trước hết mình phải xác định cái này là người quen hay người lạ lấy. Rồi bước thứ hai: nếu là người quen thì là ai? Trên nguyên tắc là mình phải nghi cả những người mình thương nữa kìa. Ví dụ, mình có thằng em ruột nó đánh bài, nó chích hút, thì mình không thể loại trừ nó ra được. Còn đàng này vì mình ghét cô người ở nên hễ mất tiền thì chuyện đầu tiên là mình cứ đi xăm xăm cứ nghĩ cô người ở lấy. Cái chuyện mình nghi ngờ ai, nó không có chắc chắn gì, nhưng mà nó bậy ở chỗ là cái kẻ thực sự là hung thủ thì nó tiêu diêu pháp ngoại, còn cái kẻ vô tội thì mình cứ nghi ngờ, theo dõi mất thời gian mà không được gì hết. Bởi vì cô người ở không có lấy, người lấy là chính thằng em ruột mình. Cho nên, có 2 cách tìm tới chân lý : Cách một là mình quan sát vấn đề như nó là. Cách hai, là mình tìm tới vấn đề như mình muốn.
Và nếu mình đến với Phật pháp từ cái cách thứ hai thì nó nguy hiểm lắm. Nghe tôi nói chữ «nguy hiểm» thế nào các vị cũng có người không đồng ý. Các vị nói: Miễn sao đến được với Phật pháp thôi, chứ tại sao mà đến thiếu trí tuệ lại nguy hiểm ? Dạ, có nguy hiểm.
Trong Trung bộ kinh, cái bài Kinh ví dụ con rắn, Alagaddùpama sutta, Đức Phật có dạy: Tìm đến với giáo pháp mà không có trí thì giống như một người bắt rắn mà sai cách, cầm được con rắn nhưng mà sẽ chết vì con rắn. Giáo pháp nó giống như thuốc chữa bệnh vậy đó, dầu thuốc có quý cách mấy, nhưng mà mình không biết liều lượng là chết như chơi. Đừng hiểu mình thuộc kinh sách là mình ngon. Chưa chắc. Vấn đề là mình hiểu thì hiểu như thế nào và hành trì như thế nào. Chứ còn đừng có nói là thuộc kinh. Thuộc chỉ là nhớ thôi. Còn hiểu là chuyện khác. Mình thuộc 30 cuốn kinh thì đó chỉ là nhớ, nhưng mà hiểu thì là chuyện khác. Ở đây tôi nói là chuyện thuộc lòng Tam Tạng. Chứ còn cái kiểu đọc năm ba cuốn kinh, rồi ghi chép lại sổ tay những điều tâm đắc; cái đó đối với tui là miễn bàn. Tôi nói thuộc lòng Tam Tạng vẫn chưa đủ. Bởi vì, có thể khi mình thuộc lòng là mình chỉ là bản copy lại, mình chỉ scan, mình chỉ ghi âm lại, mình chỉ sao chép lại thôi. Nhưng mà mình có hiểu đúng cái mà mình đã nhớ hay không đó là chuyện khác. Đấy. Mà cái nguy ở đây là gì? Là tuy mình học thuộc bài kinh nhưng mà mình lại hiểu sai bài kinh đó. Chết là chết chỗ đó đó. Khi mà hiểu sai thì cái nhớ của mình lúc này nó thành cái họa cho mình chứ không phải là cái phúc. Tôi nhắc lại. Có những trường hợp cho các vị học đúng nhưng mà các vị hiểu sai. Ví dụ như cách thức nấu một nồi canh chua. Trong đó quý vị nói phải mua đậu bắp, tàu hũ, nấm rơm, bột nêm, ... Các vị tưởng tượng các vị ghi "bột nêm" mà tôi không hiểu bột nêm là gì tôi mới lấy cái keo baking soda, tôi tưởng cái đó là bột nêm. Tôi đâu có biết đâu, tôi thấy đề "bột nêm" tôi tưởng là baking soda. Rồi còn đậu bắp thì tôi lấy trái ổi trái chanh gì đó, tại tôi tưởng đậu bắp là trái ổi. Thì tôi lấy trái ổi liệng vô, còn baking soda tôi tưởng là bột nêm, tôi bỏ vô. Rồi còn cà chua thì tôi tưởng cà chua là trái mãng cầu, tôi lấy mãng cầu tôi bỏ vô vì tôi đâu có hiểu cà chua là gì. Thế là các vị tưởng tượng đi, baking soda mà nấu với ổi, với mãng cầu thì các vị nghĩ coi nó ra cái gì? Mặc dù tôi học đúng, tôi học rất là đúng nha. Tôi học công thức nấu canh chua là cái gì tôi học rất là rõ là nấu nước sôi rồi bỏ cái gì vô trước bỏ cái gì vô sau, trong đó có đậu bắp nè, nấm rơm, cà chua, rồi me, bột nêm, ... Nói chung là tôi nói ào ào nhưng mà vấn đề là tôi không hiểu đậu bắp là gì, tôi tưởng trái ổi, tôi bỏ trái ổi vô, cà chua tôi không biết nó là gì, tôi tưởng mãng cầu, tôi liệng mãng cầu vô. Rồi baking soda tôi tưởng là bột nêm, tôi bỏ vô. Thì các vị coi cái nồi cuối cùng nó ra cái gì? Cho nên đừng nói rằng, tôi thuộc công thức là tôi ngon. Sai. Đó bây giờ đó. Trước mặt quý vị đang có cái nồi mà trong đó là baking soda, rồi ổi, rồi mãng cầu, rồi lá mơ bỏ vô trong đó; "rau ôm" mà tưởng rau mơ nên lấy lá mơ bỏ vô trong đó. Thì coi nó ra cái gì? Cho nên, cái niềm tin ở đây là phải dựa trên cơ sở trí tuệ. Và tôi nhắc lại, đừng có tưởng là thuộc nhiều kinh điển, quen biết nhiều cao tăng, nhà có nhiều kinh sách là đủ. Sai. Cái vấn đề là mình gặm nhấm, mình tiêu hóa được cái gì mình có được trong tủ, trong đầu mình, cái đó là một chuyện.
Trong pháp Thiền cũng vậy. Ở đây tôi đang nói những vị Thiền sư đúng đắn, những vị thứ thiệt. Thì mỗi vị đó trên căn bản là đều y cứ kinh điển nhưng mà về chi tiết râu ria thì nó đều có những dấu ấn cá nhân trong đó. Phảo nhớ cẩn thận cái chỗ đó. Cái bậy nhất của mình là mình thần tượng quý mến đặc biệt một cái vị nào đó, và mình coi tất cả những gì vị ấy nói ra đều là khuôn vàng thước ngọc, đều là chuẩn mực tuyệt đối. Cái chuyện đó nó có nhiều cái bậy lắm. Cái bậy thứ nhứt, nếu mà vị đó nói đúng, thì cái người mình thờ phải là Đức Phật chứ không phải cái ông đó. Không biết tôi nói trong room có hiểu không? Khổ quá, giảng mà không thấy mặt người nghe nó khổ lắm, giống như mình đang hát cải lương trong nghĩa trang vậy đó. Không biết có ai nghe hay không ? Tôi nhắc lại lần nữa, nếu mà ông thiền sư ổng nói đúng lời Phật thì cái người mà mình thần tượng, cái người mà mình mang ơn phải là Đức Phật chứ. Thì dĩ nhiên vị đó mình cũng mang ơn là vì nhờ vị đó nhắc lại lời Phật, nhưng mà vị đó chưa phải là tất cả. Rất nhiều người hôm nay, cứ thờ thầy mà quên thờ Phật. Nhắc lại: Nếu cái ông đó mà ổng nói đúng lời Phật thì mình phải cảm kích Đức Phật chứ, mình phải thờ phụng, mình phải thần tượng Đức Phật chứ. Còn đằng này mình xoay qua thờ ổng. Còn nếu mà ổng nói sai lời Phật thì không còn gì để nói.
Trong Tăng chi bộ Đức Phật có dạy: thần tượng một cá nhân rất là nguy hiểm. Thí dụ như khi cá nhân đó có vấn đề, chẳng hạn như cá nhân đó chết, hay là hoàn tục, hay là phạm giới, hay là cá nhân đó vì một lý do nào đó mà bị tăng chúng xử phạt, thì lúc bấy giờ là mình bị sốc. Mà trong khi niềm tin của mình đối với Tam Bảo thì nó chắc ăn hơn. Mình tin vào ngọn núi nó chắc hơn là mình đặt niềm tin vào ông tỳ khưu.
Tôi nhớ Tây nó có câu rất là hay: "Con chim đậu trên nhánh cây nó tin vào đôi cánh của nó". Còn con người đứng trên cành cây thì tin vào độ chắc chắn của nhánh cây. Các vị thấy niềm tin nào nó ngon hơn? Mình đặt niềm tin vào cái nhánh cây nó rất nguy hiểm, lỡ mà nó không chắc chắn như mình nghĩ thì sao? Trong khi con chim thì lại khác, nó bay mỏi rồi, nó đậu. Nhưng khi nó đậu, nếu mà người nào để ý nó đậu nhẹ lắm, và nó sẵn sàng nó rời khỏi nhánh cây đó khi mà nó nhận ra điều gì bất trắc, nó nhận ra có điều gì nguy hiểm, là lập tức nó đi ngay. Còn con người mình thì không như vậy. Con người mình là cứ loay hoay, lỡ nghe cái "rắc" là cứ loay hoay, lỡ mà "rắc" một cái nữa lại cũng cứ loay hoay, là chết. Mà nếu mình chuyền qua được cái nhánh khác cũng rất là mệt mỏi. Mình đặt cái niềm tin vào cái bên ngoài hơn là cái bên trong.
“A bird sitting on a tree is never afraid of the branch breaking, because her trust is not on the branch but on her own wings. Always believe in yourself”– Unknown
Vậy cái Chánh tín là gì? Chánh tín là chuyện đầu tiên là phải dùng cái trí tuệ của bản thân, chứ không phải là vì cái tình cảm của mình đối với người khác. Phải cẩn thận cái đó. Và hồi nãy tôi cũng nói rồi. Mình chọn cái giải pháp đó là vì nó hợp lý hay là vì mình thích. Hai cái đó khác nhau, khác nhau rất là xa, xa lắm quý vị.
Trích bài giảng Chánh Tín và Mê Tín
Kalama xin tri ân bạn vuihtv ghi chép
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét