Thứ Sáu, 16 tháng 4, 2021

Ray Rứt

 


KTC 6 9. 73. Thiền
Không đoạn tận sáu pháp, này các Tỷ-kheo, không có thể đạt được an trú sơ Thiền. Thế nào là sáu? Dục tham, sân, hôn trầm, thụy miên, trạo hối, nghi, không như thật khéo thấy với chánh trí tuệ các nguy hại trong các dục. Không đoạn tận sáu pháp này, này các Tỷ-kheo, không có thể đạt được và an trú sơ thiền.

9. 73. Paṭhamatajjhānasuttaṃ
‘‘Cha, bhikkhave, dhamme appahāya abhabbo paṭhamaṃ jhānaṃ upasampajja viharituṃ. Katame cha? Kāmacchandaṃ, byāpādaṃ, thina, middhaṃ, uddhaccakukkuccaṃ, vicikicchaṃ. Kāmesu kho panassa ādīnavo na yathābhūtaṃ sammappaññāya sudiṭṭho hoti. Ime kho, bhikkhave, cha dhamme appahāya abhabbo paṭhamaṃ jhānaṃ upasampajja viharituṃ.
Trạo hối nghĩa là cái lòng ray rứt, áy náy, bất an với những gì mình đã làm hoặc chưa làm. "Trời ơi tại sao cái chuyện đó tôi làm được vậy hả ta? Tại sao tôi lại nói cái câu đó trời? Tại sao cái chuyện đó mà tôi có thể nghĩ ra cái chuyện tầm bậy tôi nghi oan người ta? Tại sao tôi có thể nói xấu như vậy? Tại sao tôi nói bậy như vậy? Trời ơi tại sao tôi hành động như vậy?" Thì đó được gọi là áy náy, ray rứt, bất an với những gì mình đã làm.

Rồi cái trường hợp hai là áy náy, ray rứt, bất an với những gì mình không làm. "Trời ơi câu nói đó có xá gì, chỉ mất có hai nốt nhạc mà tại sao mình không nói? Trời ơi chỉ tốn có mấy đồng bạc tại sao mình không làm? Trời ơi chỉ có mười lăm phút thôi tại sao mình thiếu kiên nhẫn vậy hả trời? Trời ơi cái chuyện có đáng gì đâu tại sao mình không nhịn mà mình lại?" Đó là hối hận vì tại sao mình đã không làm, tại sao cái tâm mình nó như vậy, tại sao cái miệng mình nó như vậy, tại sao cái thân mình nó làm như vậy. Đó là ray rứt, áy náy, bất an.

Tôi nói lại một lần nữa, mình làm chuyện bậy là mình phải có khả năng phản tỉnh, nhìn lại vì mình là con người, chỉ có con thú mới không có khả năng đó. Con người phải có khả năng phản tỉnh, nhìn lại. Con thú không có khả năng soi gương, chỉ có con người mới có khả năng soi gương.

Soi gương có hai: một là soi gương vật lý, đó là mirror là tấm thủy tinh tráng thủy hoặc là miếng đồng đánh bóng. Đó là soi gương trên mặt vật chất. Cái thứ hai là soi gương trên tinh thần là biết nhìn lại mình để mà chỉnh sửa, rút kinh nghiệm sâu sắc. Ngoài ra còn phải biết nhìn ra đời để mà học hỏi, để mà tiếp thu. Cho nên làm bậy là phải biết nhìn lại, nhưng cái nhìn lại để rút kinh nghiệm nó không hề giống với cái chuyện ray rứt, bất an. Nhiều người họ hiểu lầm họ tưởng là cái thằng đó nó làm bậy vậy đó mà nó không biết tự cắn rứt. Bậc thánh có tự trọng nhưng không có tự ái, còn người phàm mình thì tự trọng thì ít mà tự ái thì nhiều.

Người phàm mình là không có khả năng nhìn lại để sửa mà chỉ có khả năng ngó lui để mà tưởng tiếc; ngó lui để mà ray rứt, áy náy, bất an. Hai cái này nó khác nhau nhiều lắm. Thí dụ bây giờ có bà nào bả lỡ chửi tôi. Rồi vì bả chửi tôi nhiều quá bây giờ bả cứ ngồi bả khóc thầm, bả ray rứt, bả gởi email bả xin lỗi. Tại sao bả không chịu làm một cái gì đó tích cực? Bả mở băng ra bả nghe, ghi chép cho có bài học, bả đi bả ghi danh bả ngồi thiền, bả lên chùa bả nghe pháp, bả quét dọn, bả chùi cầu, bả rửa chén, bả quên đi cái chuyện bả chửi tôi; có phải hay hơn không? Còn đằng này lại không. Bả cứ buồn, mắt đỏ đỏ, mặt buồn buồn như mất sổ gạo, cứ ngồi buồn. Cái đó là sai, nha.

Ở đây Ngài nói trường hợp trạo hối là như vậy. Mình biết mình làm bậy, mình ghi nhận rằng đó là chuyện không nên làm. Và khi đã lỡ làm thì sau này ta sẽ không làm nữa. Và ngay bây giờ ta phải đi về phía trước thực hiện các hạnh lành. Đó là thái độ của người tu học.

Ghi nhận chuyện ta vừa làm là chuyện bậy, chuyện đó không nên tái phạm nữa. Ghi nhận như vậy, rút kinh nghiệm sâu sắc như vậy rồi đứng lên với tất cả sức mạnh, với tất cả nhiệt huyết, với tất cả lòng thành, với tất cả thiện chí, lao mình về phía trước, xăn áo xăn quần nhảy vào tất cả những công việc gian khó nhất để một là gieo trồng hạnh lành, hai là tìm quên chuyện xấu cũ. Quá hay. Còn đằng này, cứ ngồi ray rứt, ray rứt. Cái đó là bậy, cái đó không phải là tốt mà nhiều người hiểu lầm cứ tưởng là phải ray rứt mới tốt. Không. Anh chỉ cần anh rút kinh nghiệm sâu sắc, phải rút kinh nghiệm sâu sắc, nhớ cái đó.

Trích bài giảng KTC.6.65 Vị Bất Lai
Kalama xin tri ân bạn elteetee ghi chép

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét