Chủ Nhật, 18 tháng 4, 2021

Nghĩ nhiều về cái chết sẽ giúp người ta sống tốt hơn

 


NGHĨ NHIỀU VỀ CÁI CHẾT SẼ GIÚP NGƯỜI TA SỐNG TỐT HƠN

Trong bài kinh này (*) có một đoạn Ngài dạy rằng vị tỳ kheo mỗi ngày nên quán niệm cái chết sẽ xảy đến cho mình qua những suy nghĩ, những hình ảnh.
“Cơm ta ăn có thể làm ta mắc bệnh khi ăn, hay mật có thể khuấy động ta, đàm có thể khuấy động ta. Các gió như kiếm có thể khuấy động ta. Và như vậy có thể làm ta mệnh chung.”
Câu này nói theo ngôn ngữ của mình bây giờ là ngay trong chuyện ăn uống ta cũng có thể chết, thức ăn, thức uống có thể làm cho ta bị chết, những xáo trộn trong cơ thể cũng có thể làm ta chết. Nghĩa là không có ai chọc phá gì mình, khơi khơi đang ngồi tự nhiên mình cũng có thể lăn ra chết nếu cơ thể mình có những xáo trộn gì đó.
Nhưng trong đó có câu này: “Và như vậy có thể làm ta mệnh chung. Như vậy sẽ là chướng ngại cho ta.” Chướng ngại ở đây là gì?
Ngài dạy rằng nếu ngày nào, giây phút nào mình chưa phải là thánh nhân từ Tu-đà-hoàn trở lên thì cái chết có thể gây rắc rối cho chúng ta. ‘Chướng ngại’ ở đây là gây rắc rối. Có ba thứ chướng ngại: Sự đe dọa về tánh mạng. Chuyện tu chứng bị đe dọa. Hậu vận (hậu sự) bị đe dọa.
1- Jīvitantarāya: sức khỏe và tánh mạng của ta có thể gặp vấn đề.
2- Samaṇadhammantarāya: chuyện tu chứng có vấn đề
Samaṇa: sa-môn, dhamma: pháp; Samaṇadhamma: sa-môn pháp (Phạm hạnh / chuyện tu hành)
3 –Saggantarāya, maggantarāya: Hậu vận (hậu sự) bị đe dọa.
‘saggantarāya’: việc sanh thiên của mình có thể bị đe dọa với cái chết bất ngờ. (sagga: cõi trời)
‘Maggantarāya’: việc chứng đạo của mình có thể không còn kịp.
Nghĩa là mạng sống của mình có thể bị đe dọa, chuyện tu hành của mình có thể bị đe dọa. Vì đâu? Vì cái chết. Cái chết đến từ đâu? Đến từ những cái cớ rất là nhỏ mà mình không ngờ, không lường được.
Ở đây mình cứ nhớ thế này: Nếu ta đột ngột chết lúc này thì ta có thể bị những chuyện chướng ngại trục trặc sau đây: (1) sự đe dọa về sức khỏe và tánh mạng, (2) chuyện tu chứng bị đe dọa, (3) hậu sự (hậu vận) bị đe dọa. Hậu sự gồm có hai:
-Chuyện sanh thiên: nếu mình chưa chứng thánh thì chỗ tốt nhất để đi về vẫn là cõi trời (Saggantarāya)
-Nếu có khả năng chứng thánh thì chuyện mình ra đi đột ngột như vậy có kịp cho mình chứng đạo hay không (Maggantarāya)
Chúng ta học đạo, biết đủ hết các vấn đề giáo lý mà quên một chuyện là bên cạnh các pháp môn tu tập, có một pháp môn mà mình bắt buộc không thể quên được dầu mình là người xuất gia hay là người cư sĩ, chỉ cần còn là phàm thì có một đề mục bắt buộc chúng ta phải nhớ mỗi ngày đó là cái-chết. Dầu quí vị là ai đi nữa, có tầm vóc vai vế như thế nào trong mắt mọi người, có tu tập pháp môn nào đi nữa, Chỉ hay Quán, phải luôn luôn nhớ rằng chỉ một trục trặc nhỏ về sinh học (từ bên ngoài như gió, rắn cắn; hoặc xáo trộn bên trong cơ thể) thì hoàn toàn có thể dẫn tới cái chết đột ngột, bất ngờ, khó lường. Cái chết đột ngột ấy có thể làm gián đoạn, làm trở ngại cho ba thứ cho chúng ta:
-Sức khỏe của chúng ta có vấn đề, chúng ta không còn tiếp tục khỏe nữa, không còn sống được nữa.
-Chuyện tu hành của chúng ta bị gián đoạn.
-Ra đi đột ngột như vậy thì chuyện sanh thiên và chuyện chứng đạo coi như bỏ ngỏ.
Rất nhiều lần tôi nhấn mạnh, đời hay đạo không cần biết, nghĩ nhiều về cái chết sẽ giúp cho người ta sống tốt hơn. Còn khi sống mà không nghĩ nhiều về cái chết thì đời sống của anh rất là đáng ngại. Bởi vì anh có những đam mê, những đầu tư, những lo toan thật sự không cần thiết, anh sẵn sàng làm bao nhiêu chuyện hại mình hại người, bao nhiêu chuyện vô ích không cần thiết. Còn với một người sống canh cánh đau đáu với cái chết thì mọi sự đối với họ thường ở mức cần thiết hơn là dư thừa. Đời sống của mình không có bao nhiêu hết, mà mình không biết ưu tiên cho những chuyện cần thiết, lại bỏ ra quá nhiều thời gian cho chuyện ruồi bu thì có phải đáng tiếc hay không.
Sự vô ích của mình trong đời sống có nhiều cách thể hiện lắm:
-Cách ăn nói: mình có nói dư hay không. Tôi nhớ trong buổi giảng đêm qua tại California tôi có nói đến chuyện này, đó là mình thích nói dư. Chẳng hạn như thay vì mình nói mình tới không được thì mình nói ‘tôi bận’, đàng này mình dây dưa giải thích tại sao mình bận… Thật ra trong một trăm trường hợp thì chỉ có một hai trường hợp cần chuyện giải thích, còn 98 trường hợp là không cần. Đằng này cứ dây dưa dây dưa nên mất thời gian cho mình và mất thời gian người khác.
-Rất nhiều lần tôi đứng ở nhà ga xe lửa hay phi trường thấy kẻ xuôi người ngược, tôi có suy nghĩ, biết bao nhiêu công sức, thời gian, tiền bạc mà mỗi ngày nhân loại đổ ra cho cái thật sự cần thiết thì tôi nghĩ không bao nhiêu hết. Theo thống kê quốc tế, người ta nói thời gian công sức tiền bạc thiên hạ đổ ra mỗi ngày, hơn phân nửa là cho chuyện không cần thiết. Cứ nhìn những cái dáng người tất tả xuôi ngược trên đường, trên phố, nhà ga, phi trường, tôi phải nói tôi tiếc dữ lắm.
- Hôm nay tôi nhìn thấy sự ngoan ngoãn cúc cung tận tụy của dân Bắc Hàn đối với lãnh tụ của họ tôi tiếc lắm, tôi nghĩ uổng quá. Nếu những tấm lòng của giáo dân đối với Vatican, tấm lòng của người dân Bắc Hàn đối với lãnh tụ, những nguồn lực ấy mà được tận dụng cho cái gì thật sự lợi ích cho nhân loại thì hay quá. Bao nhiêu thanh niên VN sức khỏe trai tráng mà phí thời gian ở quán cà phê, ở quán nhậu, vũ trường; đốt thời gian, đốt sức khỏe, phí tánh mạng vào những cuộc đua xe, vào những chuyện nuôi thú cưng chim cá cảnh, kỳ nhông rắn rít. Nhìn một đất nước mà người dân dành quá nhiều thời gian công sức, tiền bạc vào chuyện ruồi bu thì nhẹ là mình chạnh lòng, còn nặng là mình hết hồn. Mình nghĩ, chết rồi, tương lai đất nước này sẽ đi về đâu khi người ta không có ý thức được giá trị của từng phút thời gian trên cái đồng hồ. Chúng ta không còn nhiều thời gian nữa đâu. Hãy sống như thế nào tử tế hơn. Phải làm sao đóng góp cho người khác nhiều hơn thì như vậy thế giới này mới đẹp hơn. Tất cả những chuyện đó chỉ có thể được thực hiện khi chúng ta thường trực nhớ về cái chết của mình. Chúng ta phải nhớ rằng chúng ta không có thời gian nhiều. Bài kinh này rất là quan trọng.
#Trích lược NhậtKýChépBằngKinh_Tập19
#SưGiácNguyên giảng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét