Trong đạo Phật không có chữ một, không có số một. Bởi vì trên đời này không có cái gì nó tồn tại ở một hết. Tôi nói trong đời nha, niết bàn mình không nhắc tới. Không có cái gì là một hết, không bao giờ có cái đó. Mình mượn để nói ngôn ngữ giao tiếp thì được chớ trong thực tế, không có cái gì nó tồn tại mà bằng một thứ hết. Thí dụ tâm thiện trong một sát na như vậy nó có vô số thành tố ở trong đó. Nó phải có nào là các tâm sở, thói quen, tiền nghiệp, ảnh hưởng môi trường thì tâm đó mới có mặt. Không thể nào một tâm thiện nó tự động xuất hiện một cái "bùm" mà trong đó nó chỉ có một cái tâm thiện. Chuyện đó là không có. Đã gọi là tâm thì phải có tâm sở đi cùng. Như vậy sau giây phút tục sanh thì cái tâm đầu thai nó trở thành một loại tâm mang tên bhavanga.
Tôi giả định cho dễ hiểu. Tâm bhavanga là một sợi dây màu đỏ, nguyên một đời sống nó có màu đỏ. Khi nào mắt tôi thấy thì nó sẽ xuất hiện 17 sát-na tâm để làm cái chuyện thấy và tôi thấy nó bằng tâm thiện hay tâm bất thiện. Sau khi tôi thấy cái đó mà tôi có tâm bất thiện, sau khi tôi thấy cái đó mà tôi có tâm lành.
Thì cái tâm thiện hay tâm bất thiện nó nằm trong 7 cái, còn cái 10 kia vẫn là tâm quả được tạo ra từ cái tâm làm việc đoán nhận ngoại trần. Hết 17 này thì trở lại cái tâm bhavanga tiếp tục, còn cái quãng này dài bao nhiêu thì bất định tùy vào thực tế. Tôi đang nhìn cái này mà tôi nghe thấy tiếng gì đó, thì từ cái lúc thấy đến lúc nghe bất định, có lúc chỉ cách nhau 1 giây, có lúc cách nhau 2 phút, tùy thực tế. Ví dụ nó kéo dài 1 giây nhưng mà đoạn này nó cách nhau tới 7 giây lận, bắt đầu nó qua con số 17, tôi tượng trưng chớ thật ra có nhiều trường hợp nó không tới 17. Rồi bắt đầu nó qua tới đoạn chỉ 1/10 giây thôi, xong rồi nó qua 17 tiếp. Trong một mỗi 17 này, nó có 7 cái thiện hay ác. Như vậy trong dòng tâm thức mình, nó có vô số tâm quả, mấy cái màu đỏ là tâm quả hết, tâm bhavanga mà. Tâm bhavanga chính là tâm tái sinh, sau giây phút tái sinh nó trở thành bhavanga, nó có mặt hoài vì hộ kiếp mà, bởi vì không có nó mình là người không có tâm, không có nó thì 17 này nó dựa vào đâu mà nó có mặt. Nó giống như một đoàn tàu gồm nhiều toa, đây là đầu tàu, đây là đuôi, này là chở hàng, này là chở khách, này là chở thực phẩm. Nếu mà không có mấy cái toa này thì toa khách một mình thì sao được? Bởi vì nếu chỉ có một toa thì xe lửa không có đầu sao nó chạy. Chỉ có một khúc này cũng không được, một khúc này cũng không được. Cuối cùng cái đoàn tàu phải có nguyên mấy cái này.
Cho nên nó phải móc cái 17 này, xong nó đi một đoạn nữa nó móc 17, nó móc hoài. Nguyên đời sống mình nó cứ 17 hoài vậy đó, mà trong cái 17 chỉ có 7 cái là thiện ác. Tại sao trong tâm của thằng Tèo, cái số 7 này thiện nhiều hơn của thằng Tí? Tại do tiền nghiệp, khuynh hướng tâm lí và môi trường sống. Vì thằng Tèo nó là Phật tử, nó gặp ông sư đi bát nó hoan hỷ.
Tôi đi ghe chung với Phật tử bên Miến Điện, tôi ngồi trên xuồng này mà xuồng kia người ta cũng đi, họ đang đi dưới hồ mà ngang qua mấy cái tháp, cái chùa họ chắp tay họ lạy.Trong khi đó dân xứ khác nó không được như vậy. Gặp sư thì còn chắp tay này nọ, chớ vừa quay lưng ra thì mình đi te te, mình đâu nhớ gì nữa. Còn họ không có vậy. Họ đi trong chùa gặp sư họ cung kính đã đành nhưng tới hồi bước ra, họ dòm xung quanh toàn là tháp Phật họ cũng cung kính lắm. Người Thái, người Miến họ ở trong chùa khép nép lắm. Ngoài sư ra còn tượng tháp, còn tùm lum hết cho nên họ cung kính lắm. Sáu trần của họ mà ở trong chùa toàn là cảnh của tâm thiện. Còn người khác trong chùa chưa chắc thiện. Ví dụ vô chùa mà thấy nó dơ là mình thấy tâm sân rồi. Tôi vô thiền viện tôi gặp bã trầu là tôi gớm, gặp rác là tôi gớm. Nhưng người Miến Điện họ không có vậy. Họ thấy bã trầu, thấy rác họ không quan tâm, họ quan tâm tượng Phật, quan tâm tới mấy cái tháp, mấy ông sư thôi.
Cho nên dòng tâm thức của mình phải nói hầu hết là tâm quả. Trong kinh, Đức Phật mới nói: “Này các Tỳ Kheo, tâm này vốn là thanh tịnh”. Nhiều người hiểu lầm ngay ở chỗ "tâm này vốn là thanh tịnh". Họ tưởng rằng nó là bằng ngọc. Tôi nói thẳng luôn. Bên Bắc tông họ chỉ dịch tâm mình là một viên ngọc mà do phiền não bao bọc nên dính sình, dính đất; bây giờ mình tu là mình rửa cái sình đó thì cái ngọc nó lòi ra.
Sẵn mình nói luôn cái vụ này nữa. Một là "Phật tánh", hai là cái "bản lai thanh tịnh". Trong kinh nói pabhassara là chữ thanh tịnh trong tiếng Phạn. Đức Phật dùng chữ pabhassara nghĩa tâm này vốn là trong sáng. Trong sáng là sao? Có nghĩa là ngay lúc đầu đời mà mình tục sanh, tâm không bị phiền não bởi vì nó là tâm quả. Tâm này vốn là trong sáng nhưng mà do phiền não xen kẽ vào mấy cái số 7 nên trở thành tâm bất thiện. Bên Bắc Tông họ nói tâm mình là viên ngọc, tu là mình rửa sạch viên ngọc đó. Chính vì ở chỗ họ hiểu lầm tâm này vốn là viên ngọc cho nên không cần tu. Tu kiểu tinh tấn, chánh niệm đới với họ không quan trọng, bởi vì họ nghĩ niệm Phật là đã làm sạch “viên ngọc” rồi. Nhưng mà nó khó lắm, nó không phải vậy.
Cái chữ "trong sáng" có nghĩa như vầy. "Trong sáng" chỉ có nghĩa là không phiền não thôi. Mà ở đâu không phiền não, là chỉ có ở mấy cái chỗ tâm quả. Tâm quả không ác không thiện nên gọi là tâm trong sáng. Hầu hết là tâm quả. Mà tâm quả thì không có thiện ác; đó là một chuyện. Thứ hai là tâm tái tục, tâm tục sinh này nó cũng là tâm quả. Xin nhớ tâm quả được tạo ra từ tâm nhân. Thiện ác nằm trong số 17, còn ngoài mấy cái màu đỏ ra thì toàn là tâm quả. Mà tâm quả thì nó được tạo ra từ thiện ác nên bản thân nó không còn thiện ác nữa. Như vậy Đức Phật nói tâm này "vốn trong sáng". "Vốn" đây là gì? Đầu đời nó không có phiền não, nhưng vấn đề là đằng sau cái đầu đời đó, vẫn tiếp tục là tâm quả nữa, lâu lâu nó mới chen cái 17 vô một lần. Mà trong 17 có 7 cái thiện hay ác. Nghe nói thiện hay ác mình nghe mình ham, mình tưởng 50/50 nhưng mà không có, đa phần 99% là ác không. Kể cả người tu cũng là ác nhiều hơn thiện. Tâm ác là tâm bất thiện. Bên Nam Tông, chữ ác có nghĩa tâm bất thiện, chớ không phải ác là đi lụi người ta, đi lấy chị dâu. Không phải. Mà ác là tâm bất thiện.
Thứ hai là cái thực tánh. Tôi không có bài xích giáo lý Bắc Tông, tôi chỉ nói bên Bắc Tông, rất nhiều người hiểu lầm là mỗi người đều có khả năng thành Phật. Không phải. Phải nghe câu chuyện này.
Có một ông nghiên cứu khoa học nói thế này: "Trong nước biển có vàng!" Có một thằng dốt nói “Ông có lộn không, tui chưa nghe nói nước biển có vàng”. Thời gian sau ổng đem cái phát hiện ổng trình và được một giải thưởng huy chương vàng. Ổng cầm đưa cho thằng đó coi “Trong nước biển có vàng bởi vì chính tôi nghiên cứu nước biển mà tôi có vàng”. Đó là cách nói nghĩa bóng. Nhưng mà nghĩa đen thì trong nước biển có vàng thật, có thành tố nhưng người ta không khai thác bởi vì số tiền mà bỏ ra để lấy vàng nó quá mắc, nó mắc hơn số vàng thu được.
Thì ở đây cũng vậy, Phật tánh ở đây không phải là một cái gì nằm trong đầu mình đây. Không phải. Đó là khả năng nếu mà anh phát triển ba cái: tiền nghiệp, khuynh hướng tâm lý và môi trường sống thì cái chủng tử giác ngộ lớn dần, lớn dần. Còn nếu anh không có thì anh không có hy vọng.
Thí dụ cái thằng có sức khỏe, thông minh, hiếu học, thì với ba cái này mình thấy bằng bác sĩ đối với thằng này nó không khó. Nhưng mà đè nó ra móc ruột mà kiếm cái bằng thì không có. Mình có đứa con thông minh, mình nói: "Ai chớ nó thì bằng tú tài nằm trong tay rồi đó." Sức khỏe, thông minh, hiếu học, và cái thứ tư là nó có tiền nữa. Bốn cái này cộng lại thì cái bằng đối với nó hoàn toàn là trong tay. Bây giờ nói vậy thôi. Chớ giờ hỏi móc cái bằng đó ra cho coi, thì bà cố tôi cũng không biết cái bằng nó nằm ở đâu. Nó chưa lấy bằng tú tài nhưng mà tôi biết bốn cái này (tiền, thông minh, sức khỏe, hiếu học) cộng lại thì chuyện nó lấy được cái bằng tú tài không khó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét