Một ngày mùa đông năm 1942, sau một cuộc đụng độ sinh tử với tàu ngầm Đức Quốc Xã, một anh lính hải quân Pháp bị thương. Sau khi được chữa lành, không đủ sức khỏe đi biển nữa, anh được cấp trên điều về một đơn vị quân báo trên bờ. Phải vĩnh viễn xa biển, xa tàu, anh không cam tâm. Lần đầu trong đời lính, anh đã khóc như một đứa trẻ. Viên sĩ quan hải quân, chỉ huy của anh trước đây, đã vỗ nhẹ vai anh:
– Chiến tranh đang hồi khốc liệt nhất, ở đâu cũng giống nhau thôi, cậu lên bờ, nhưng giông bão không thua tụi nầy ngoài biển. Ở đâu chúng ta cũng vẫn là người trên biển. Chỉ cần cậu chưa buông súng !
Một ngày mùa hè năm 2006, tại Huế, một tay họa sĩ Hà Nội có tài nhưng sống trác táng trụy lạc bỗng dưng phủi hết nợ đời vào núi xuất gia với một thiền sư rồi một ngày lại cũng bỗng dưng thấy mình hết duyên với chiếc áo tu, anh vào lạy thầy xin hồi tục.
Sư phụ nhìn anh đang quỳ trước mặt và thong thả buông từng lời tâm huyết nhất, những câu nói mà ngài không mấy khi có dịp để nói trong suốt đời tu của mình:
– Con còn tin Phật thì có đi đâu, về đâu, con vẫn là người của chùa. Con đến minh bạch và đi cũng minh bạch. Đó là cách sống đẹp của những người còn có chỗ tôn nghiêm trong lòng. Thầy tự hào vì con.
Một ngày mùa thu năm 2012, thầy Matsuo Gavesako, một đệ tử lớn của thiền sư Achahn Chah đột ngột xã giới về đời ngay khi tuổi đã ngoài 60. Ông là người Nhật nhưng lại được xem là một danh tăng lừng lẫy ở Thái Lan. Chuyện hoàn tục của ông đã gây một chấn động lớn trong giới Phật tử Thái. Bạn ông, một thiền sư người Thái, đã trả lời mấy người thắc mắc về chuyện của ông:
– Có nhiều lý do để người ta không tiếp tục ngồi xe hay đi tàu nữa, cái quan trọng là lòng còn muốn đi tới hay không. Lòng chưa quên đích đến, thì phương tiện nào cũng vậy thôi. Vạn sự tùy duyên, cưỡng cầu chỉ hư việc!
Mùa đông năm nay, một sớm mai tuyết rơi nhiều trên một ngọn đồi ở biên giới Thụy Sĩ, tôi đọc được dòng tin nhắn đủ làm quên mất cái lạnh quanh mình. Một trong không nhiều những vị sư đệ thân thiết nhất của tôi, vừa quyết định xã giới hoàn tục. Xuất gia từ bé, học xong chương trình đại học Phật giáo ở viện đại học Thái, và sau hai năm dốc sức hỗ trợ Phật sự ở Hoa Kỳ, đã một ngày nghe nặng vai với quá nhiều những áp lực không lối thoát, sư đã chọn lấy con đường khác để đi. Tôi tiếc, tôi thương một người sư đệ như sư, nhưng tuyệt không một lời níu giữ. Sư có học đạo, có hành trì, và biết rất rõ chữ Duyên trong cửa Phật. Điều tôi muốn nói với sư có lẽ cũng không khác điều sư đã biết. Tôi gọi phone và trong mấy phút, kể hết cho sư nghe những điều vừa viết ở trên. Trong đời tu của mình, tôi đã chứng kiến rất nhiều lần hoàn tục của huynh đệ và lần nào, với những huynh đệ nặng tình nhất, tôi cũng luôn có một mong mỏi: Phải đi thì đi, nhưng nhớ chọn đúng đường để bước, để tụi mình còn gặp lại một ngày sau. Hành trình nào cũng là con đường để đi, không khác. Miễn là không lệch hướng, đạo tình huynh đệ vẫn luôn là vậy.
Ở mấy xứ xem Phật giáo là quốc đạo như Thái, Miên, Miến, Lào, Tích Lan thì chuyện một nhà sư hoàn tục chỉ là chuyện bình thường. Thậm chí một thanh niên từng là nhà sư luôn được xem trọng hơn một người chưa từng. Điều quan trọng nhất, theo luật Phật, là đương sự phải đến và đi trong sự minh bạch. Còn là nhà sư thì hoằng pháp, về đời thì vẫn tiếp tục hộ pháp. Phật giáo có chỗ đứng cho cả tăng lẫn tục. Ở vài trò nào người ta cũng có thể đóng góp cho đạo, bằng cách này hay cách khác. Với Phật tử người Việt, buồn thay, tình hình lại khác. Không ít người mình cứ xem việc hoàn tục là một sự thua cuộc, trốn chạy, xuống cấp. Từ đó, bản thân người hoàn tục thường rất dễ mặc cảm khi gặp lại những người quen cũ. Vô tình, ta mất đi một người bạn lành, một cư sĩ từng trải qua những ngày tháng trãi nghiệm thực thụ trong Phật Pháp.
Chợt nhớ ông Pham Công Thiện:
Và cũng bất chợt nhớ về thầy Tuệ Sỹ:
Tôi viết mấy lời này cho một người vừa bỏ lại hiên chùa sau lưng, mà cũng là chút tâm tình cho những người cư sĩ vẫn chưa đủ rộng vòng tay cho một người bạn lành vừa quay về cạnh mình. Vẫn họ đấy thôi. Họ không phải người bỏ cuộc, chỉ là chọn lựa một kiểu đi khác. Mong lắm vậy thay !
Toại Khanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét