Thứ Năm, 22 tháng 4, 2021

Tổng hợp - Zoom 14.09.20 *****

 


Vài điều được Sư Giác Nguyên đề cập trong buổi pháp thoại ngày 14 tháng 9 năm 2020 trên Zoom: Tu là Nên và Không Nên.

  • Toàn bộ vũ trụ chỉ gói gọn trong hạnh phúc và đau khổ. Mà hạnh phúc và đau khổ chỉ gói gọn trong hai việc 1. Có cái gì đó và 2. Không có cái gì đó. Toàn bộ đời sống này chỉ nằm trong cái có và cái không mà thôi.

  • Tu hành cũng có hai hướng, tu để Được cái gì đó hoặc Buông cái gì đó.
    Tuỳ vào khuynh hướng mỗi người mà có mỗi kiểu tu khác nhau. Nhưng giá trị của cuộc tu là để Buông.
    Tu đừng có nóng ruột, mong thành Thánh, mà nên tu để bỏ bớt cái tâm Phàm của mình thì tốt hơn.
    Tu với cái lý tưởng để không còn Phàm nó an toàn lắm, vì mình biết rõ mặt mũi cái Phàm, tật đố, bủn xỉn,… chứ còn Thánh thì mình không biết được đâu.

  • Vấn đề lớn nhất, căn bản, chí tử nhất của cuộc tu là nhìn lại chính bản thân mình.
    Xem xét thái độ tâm lý của mình trong mọi tình huống mới là Tu.
    Miễn là có Niệm và Tuệ, phát hiện điều gì đang diễn ra.
    HOW: Biết rõ mình (đi đứng nằm ngồi) đang như thế nào.
    WHAT: Biết rõ cái gì (tâm gì) xuất hiện trong những lúc đó.

  • Ngay trong toilet cũng tu được.

    “Lại nữa, này các Tỷ kheo, Tỷ kheo, khi bước tới, bước lui, biết rõ việc mình đang làm. Khi ngó tới, ngó lui, biết rõ việc mình đang làm. Khi co tay khi duỗi tay biết rõ việc mình đang làm. Khi mang áo Sanghàti (Tăng-già-lê), mang bát, mang y, biết rõ việc mình đang làm. Khi ăn, uống, nhai, nếm, biết rõ việc mình đang làm. Khi đi đại tiện, tiểu tiện, biết rõ việc mình đang làm. Khi đi, đứng, ngồi, nằm, biết rõ việc mình đang làm.” Kinh Đại Niệm Xứ.

  • Đánh giá thấp Pháp học là ta vô tình phủ nhận tuệ giác của Đức Phật, tự gây thiếu hụt tư lương trên đường tu. Có ra sao đi nữa, ít nhất phải có kiến thức giáo lý. Tất cả chỉ là để sống Chánh Niệm.

  • Hai chuyện phải làm: học Giáo Lý và sống Chánh Niệm.
    Học giáo Lý để biết rõ vũ trụ, thế giới chỉ nằm trong 5 uẩn, 12 xứ, 18 giới, danh sắc, nhân quả, tam tướng (vô thường, khổ, vô ngã).
    Rồi sống Chánh Niệm, là làm gì biết nấy. Trong thân tâm mình phải biết rõ cái gì là thiện, bất thiện.
    Giống như con đường trong tấm bản đồ không giống với con đường trong thực tế. Nhưng cũng không để phủ nhận được tấm bản đồ. Sống Chánh Niệm là ta đang có mặt trên con đường thực tế (được vẽ trong bản đồ)

  • Toàn bộ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý đều do tiền nghiệp quá khứ tạo ra. Toàn bộ buồn vui thiện ác kiếp này đều là quả của kiếp quá khứ. Cái quan trọng là ta phải đón nhận nó như thế nào.

  • Đời sống của chúng ta chỉ là sự ghép nối của quả cũ và nhân mới.
    Quả cũ: những gì ta gặp, tiếp xúc trong cuộc sống.
    Nhân mới: chính là phản ứng tâm lý của ta ngay bây giờ.

  • Người nào vật nào, mà khi nghĩ tới thấy phiền thì mình hạn chế nghĩ về điều đó. Nếu trừ không được thì nên tránh.
    Khi có Niệm, có Tuệ, thì khi ta đón nhận quả xấu nhưng sẽ gieo được nhân tốt. Nếu không nhận được nhân tốt thì cũng giảm bớt được quả nghiệp xấu.

  • Trên đời chỉ 4 thứ, mà không nghĩ tới nó mà nó vẫn có: 1. bệnh hoạn, 2. thù oán, 3. pháp luật, 4. nợ. Ngoài 4 thứ này ra, chúng ta không nên quá bận tâm, lăng xăng về những thứ khác.
    Tránh gặp, nghe, nhìn, nghĩ về những thứ làm phiền mình.

  • Giữ Giới tránh cho ta tiếp xúc những thứ không cần thiết, hạn chế sự tiếp xúc giữ 6 căn với 6 trần.

  • Hạnh phúc có 3: tránh được thứ mình ghét, có được thứ mình muốn. Nhưng thứ hạnh phúc thứ 3 là mình nên hướng đến chính là không còn thích, không còn ghét một thứ gì nữa.
    Thứ hạnh phúc thứ 3 chính là hạnh phúc thứ thiệt, hạnh phúc của những bậc hiền trí.
    Nhưng sự không thích, không ghét đó phải đến từ sự hiểu biết. (mọi thứ do duyên mà có, có rồi phải mất)
    Nơi nào cũng là nơi để có thể tu được, Tu được trong những thứ mình thích, Tu được trong những thứ minh ghét, Tu được trong khi quan sát những thứ thiện hoặc bất thiện của mình.

  • Trong tu hành, chuyên tâm chánh niệm, biết rõ điều gì đang có mặt đã chính là tâm thiện rồi. Đó là cách củng cố nội tâm tu hành.
    Có kiến thức giáo lý và sống chánh niệm, là muôn hạnh đổ về.
    Làm sao để sống chánh niệm? Là sống trong niệm xứ.
    Vậy một vị Thánh sống như thế nào? Sống trong niệm xứ.

  • Trong toàn bộ vũ trụ này, rộng hẹp không có thật chỉ là khái niệm, cái có thật chính là những gì ta ghi nhận được. Những người sống chánh niệm là người thiết tha, trọn vẹn, với thực tại nhất.
    Trong khía cạnh Căn và Cảnh, tất cả chỉ có thật trong những gì quý vị ghi nhận được. Cái gì được biết đến thì nó hiện hữu.

  • Ở đời có 3 cái Không: 1. Mọi thứ ở đời không có thứ gì tồn tại độc lập. 2. Mọi thứ do duyên mà có, có rồi phải mất, không tồn tại vĩnh viễn 3. Cái gì khi mà ta không nghĩ về nó thì nó “không có thật”, mọi thứ chỉ có trong nhận thức của mình mà thôi.

Trích từ Live Chat trong buổi Pháp thoại Zoom 14.09.2020
Kalama tri ân bạn Steve Nguyen ghi chép.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét