Thứ Tư, 21 tháng 4, 2021

Vô Ngã

 


Một số người hỏi tôi "Vô ngã là sao?" Thì tùy lúc hoặc tùy hoàn cảnh mà tôi trả lời. Hầu hết người ta nghĩ rằng Vô ngã là một vấn đề của giáo lý Phật Pháp và kiến thức về giáo lý Vô ngã là một cái trình độ tu chứng. Nói vậy cũng đúng chứ không sai. Nhưng thật ra Vô ngã chỉ là một cách nhìn thôi.

Như hôm trước tôi nói Ngã chấp giống như cái bánh vẽ vậy. Bản thân cái bánh vẽ đó là không có rồi, mà người từ chối cái bánh vẽ là từ chối cái không có. Không có cái gì là linh thiêng huyền bí ở đây cả. Từ chối cái bánh vẽ nghĩa là từ chối cái không có thôi. Người hiểu được lý Vô ngã chỉ là người từ chối một cái nhìn mà trước đây mình vẫn dùng. Đó được gọi là trí tuệ Vô ngã. Chứ nếu mình hiểu được lý Vô ngã là mình có quyền tự hào thì đó là sai. Bởi vì mình hiểu lý Vô ngã chẳng qua là rũ bỏ được cái nhìn sai lầm trước đây của mình mà thôi.

Ví dụ: Chúng ta đang đi xuồng trên mặt hồ giữa đêm tối thì có một chiếc xuồng khác nó tông vào chiếc xuồng của chúng ta. Chúng ta rất là giận. Nhưng nếu chúng ta rọi đèn nhìn kỹ lại trên chiếc xuồng đó không có người thì cái giận đó nó sẽ thay đổi; có thể nó vẫn còn đó nhưng nó giảm xuống rất là nhiều. Bởi vì chỉ cần liếc nhìn trên đó có một người nào đó thì chúng ta sẽ giận tại sao người đó họ có ác ý họ tông vào chúng ta hoặc là họ bất cẩn, vô ý hay vụng về tới mức mà họ để cho chiếc xuồng đó nó tông vào chúng ta. Nhưng đằng này không thấy ai trên đó hết thì cái giận của chúng ta không có nữa, mà đôi khi lại bật cười một mình. Còn nếu có giận thì nó cũng giảm xuống rất là nhiều bởi vì chúng ta nghĩ rằng bị xui thôi chứ còn mình không biết trách ai bây giờ vì trên xuồng không có ai hết. Cái nhìn về lý Vô ngã cũng như vậy.

Khi mà ai đó mắng tôi, tôi nghĩ rằng ông đó bà đó mắng tôi thì có ông đó bà đó mắng tôi. Vì nó có cái "tôi" trong đó nữa nên nó mới ra lửa. Hai cục đá chạm vào nhau mới xẹt ra lửa. Còn đằng này trong cái nhìn xuyên suốt của Phật Pháp thì không có ông đó cũng không có bà đó cũng không có cái tôi luôn. Nó chỉ là sự va chạm của các đơn thể Danh Sắc với nhau thôi. Tức là ở bên cái Danh Sắc đó nó có phiền não, chính cái phiền não ở đó nó mới xui khiến nên nẩy sinh ra những thân nghiệp khẩu nghiệp không tốt.

Tại sao Danh Sắc đó không chọn cái Danh Sắc khác, đối tượng khác để phô bày những thân nghiệp, khẩu nghiệp đó mà lại chọn cái Danh Sắc này? Là bởi vì Danh Sắc này trước đây đã từng có những thân nghiệp, khẩu nghiệp không tốt đời quá khứ. Cho nên đời này Danh Sắc này, Lục Căn này nó mới là đối tượng cho Danh Sắc khác nhìn vào nó ghét, nó mới chọn Danh Sắc này làm đối tượng để mà nó phô diễn những thân nghiệp, khẩu nghiệp không tốt. Còn nếu ngày trước Danh Sắc này không có những thân nghiệp, khẩu nghiệp bất thiện thì đời này sẽ không bị bất cứ một cái Danh Sắc nào khác chọn làm đối tượng để mà họ mắng chửi. Đó là một chuyện. Chuyện thứ hai, ở trong Phật Pháp không nhìn nhận có chuyện một cái gì đó trong Danh Sắc này nó tồn tại từ đời này qua đời khác, không hề có.

Tôi không biết được trong room mình hiện giờ bao gồm những ai và gồm có những người học A tỳ đàm hay chưa. Tôi hoàn toàn chỉ nói chuyện vậy thôi chứ cũng không thấy ai ngồi trước mặt mình, tôi chỉ trình bày một cách tận tình thôi. Cái gọi là Danh Sắc của kiếp này nó chính là cái hệ quả, cái tác động từ một Danh Sắc quá khứ.

Thí dụ, khuynh hướng của phàm phu thích nhìn cái gì mình thấy đẹp, tai mình thích nghe cái gì hay thì mới nghe, mũi thích đi tìm mùi thơm, lưỡi thích ăn ngon, thân thích cái êm ấm v.v.. Thì chính cái thích của Lục Căn đời này sẽ tạo ra một Lục Căn cho kiếp sau. Rồi qua kiếp đó mà chúng ta vẫn tiếp tục không tu hành, chúng ta tiếp tục dùng Lục Căn của đời đó để hưởng thụ nữa thì chính Lục Căn mà nó tiếp xúc với Lục Trần mà không có tu học đó sẽ nẩy sinh ra Lục Ái. Chính Lục Ái đó sẽ tiếp tục tạo ra Lục Căn khác nữa.

Chúng ta có thể nghĩ như thế này, mình ăn một trái xoài rồi ném hột xoài đó xuống một chỗ đất thích hợp, về sau ở đó sẽ nẩy sinh ra một cây xoài và trên cây đó lại có trái. Những trái xoài mới này không phải là trái xoài mà chúng ta đã ăn mấy chục năm về trước, trái xoài của lúc này không phải là trái xoài của thế hệ trước. Tuy nó không phải nhưng nó là hệ quả, kết quả có được từ trái xoài trước đây.

Cũng giống như chúng ta được cha mẹ tạo ra cái hình hài này, chúng ta riêng mà cha mẹ chúng ta là riêng, nhưng cái hình hài này là do mẹ sanh ra. Sau này nếu chúng ta có gia đình chúng ta lại có con, thì con không phải là chúng ta mà con chính là tác phẩm của chúng ta. Tuy nó không phải là chúng ta nhưng nó là tác phẩm của chúng ta, thì chính mình là người tạo ra mình. Lục Căn hay Danh Sắc Ngũ uẩn của đời trước tạo ra chúng ta.

Nếu một người hiểu lý Vô ngã thì hiểu rằng Lục Căn đời trước nó tạo ra Lục Căn đời này và nếu không tu tập thì Lục Căn đời này nó tiếp tục tạo ra Lục Căn đời sau. Trong quá trình đó không hề có một cái gì gọi là TÔI hay TA. Không có một cái gì mà nó "transfer" từ đời này qua đời khác hết.

Trong Bà la môn giáo họ lại hiểu sai là có một cái TÔI, một cái TA, có một linh hồn. Linh hồn giống như con chim. Khi nào cái lồng bị hư thì con chim đó mới bỏ cái lồng đó bay qua cái lồng mới.

Nhưng trong giáo lý A tỳ đàm thì không nhìn nhận chuyện đó. Trong kinh điển Nam tông thì không nhìn nhận có chuyện có một cái TÔI, có một cái linh hồn hoặc có một cái A lại gia thức nó đi từ kiếp này qua kiếp khác, không có. Tất cả các tâm của mình, tâm phàm hay tâm thánh, nó chỉ tồn tại trong một sát- na rồi nó mất, rồi một tâm khác xuất hiện. Trong đời sống của mình có vô số sát-na tâm tiếp nối nhau sanh diệt liên tục mà vì nó quá nhanh đi cho nên mình không thấy được. Vì không thấy được nên mới nghĩ rằng có một cái TÔI, cái TA trong một cái linh hồn thường hằng bất biến hết giờ này qua giờ khác, trước sau chỉ có một linh hồn, một cái TÔI đó thôi.

Nhưng nếu chúng ta là hành giả Tứ niệm xứ chúng ta sẽ thấy rõ rằng cái tâm của mình nó không phải là một. Vì có lúc nó vui, có lúc nó buồn, có lúc nó dễ chịu, có lúc nó khó chịu, có lúc nó thiện, có lúc nó ác, có lúc nó nghĩ về chuyện tốt, có lúc nó nghĩ chuyện xấu.

Đừng nói ở đâu xa, ngay cái nội tâm của tôi lúc đang giảng bài kinh này đây thì cũng lúc vầy lúc khác. Khi mà sắp sửa giảng tới cái chỗ khó hiểu thì tôi nhiều khi có hơi bực mình là vì không biết sự hy sinh của mình có đúng chỗ hay không. Vì trước mắt mình không có ai hết, mình chỉ ngồi giảng một mình thôi. Không biết người ta còn đang nghe hay người ta đang ngủ. Vì chỉ cần người ta không off máy thì mình vẫn thấy cái tên người ta vẫn còn ở đó. Rồi mình ở đầu bên đây mình cứ nói, mà nói những chỗ khó nhớ khó hiểu, mình phải tìm cách giúp cho người ta nhớ, người ta hiểu mà trong khi mình đang nói chuyện trước mắt mình chỉ là cái máy thôi. Và ở đầu kia thì họ mà dắt nhau đi ngủ mất tiêu mình cũng không thấy không biết gì hết. Chính sự bận tâm này cũng là cái Vô thường.

Trích bài giảng Kinh Trung Bộ số 001
Kalama xin tri ân bạn elteetee ghi chép

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét