Đức Phật ngài dạy rằng các đấng Như Lai dầu có ra đời hay không thì mọi thứ ở đời nó luôn luôn vô thường, khổ và vô ngã. Nói theo cách nói chúng ta bây giờ thì dầu cho các nhà khoa học có ra đời hay không thì những công thức toán, lý, hóa muôn đời nó vẫn là thế. Các nhà khoa học chỉ phát hiện, chứ không phải tạo ra những công thức, những nguyên lý ấy. Chư Phật cũng vậy. Chư Phật là những người phát hiện ra bản chất vô thường, khổ, vô ngã của đời sống mà tất cả chúng sanh không có khả năng này.
Tức là dầu chư Phật có ra đời hay không có ra đời thì mọi thứ ở đời cũng đều là vô ngã, vô thường. Bài Kinh này có rất nhiều ý nghĩa xuất sắc:
- Phật khẳng định chư Phật không phải là người tạo ra cái gọi là chánh pháp, tạo ra phương thức tu hành. Mà chư Phật chỉ là người phát hiện. Phát hiện chớ không phải tạo ra.
- Ngài nói ra một sự thật mình nghe phải rùng mình. Đó là dầu chư Phật có ra đời hay không thì trên đời này không có cái gì đáng để cho mình đắm đuối điên cuồng. Vì nó mà mình nổi điên lên vì giận. Vì nó mà mình nổi điên lên để đam mê. Muôn thuở muôn đời muôn kiếp thiên thu, vạn hữu ở đời do duyên mà có, có rồi phải mất. Ngay cả chư Phật cũng không nằm ngoài vòng cương tỏa của định luật tùy duyên nhi hữu đó.
Có nghĩa là sao? Cách đây vô lượng kiếp về trước, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng là một người y chang như chúng ta. Cũng phiền não, tham sân si, ái, mạn, kiến, nghi đầy ắp. Rồi có một ngày Ngài nhìn thấy cảnh sanh già đau chết, Ngài mới nghĩ rằng có sáng thì có tối, có dài có ngắn, có trắng có đen, có cao có thấp, có trong có ngoài. Hễ đời có đau khổ thì chắc chắn có cái không đau khổ. Vậy bây giờ làm sao, làm sao để tìm ra con đường đó đây. Ngài lại suy nghĩ con đường thứ hai. Toàn bộ nếp sống của vô lượng chúng sanh trong vũ trụ này (trong cái biết của Ngài lúc đó), Ngài nói trong nếp sống chúng sanh chỉ gồm có hai là ác và thiện, thì mình nên sống ác để tìm con đường giải thoát hay là nên sống thiện để tìm ra con đường giải thoát.
Thì khi trải qua nhiều kiếp như vậy, tấm lòng son ấy không phai nhạt. Công đức ngày một nhiều một dầy một sâu một nặng. Tự nhiên với một tâm tưởng lý tưởng ấy, cộng với chừng ấy công đức thì Ngài gặp chư Phật. Chư Phật vừa nhìn thấy là biết ngay đây là chủng tánh Phật đạo đang nằm trước mắt. Thế là chư Phật thi nhau khích lệ. Phật nào gặp Ngài cũng đều nói câu hai câu để khích lệ Ngài. Khi nhân duyên đầy đủ rồi thì vị Phật đầu tiên thọ ký cho Ngài đó là Phật Nhiên Đăng. Tức là sau khi Ngài gặp vô số Phật rồi, không có vị nào thọ ký cho Ngài hết thì cuối cùng đến vị Phật lần đầu thọ ký cho Ngài là Đức Phật Nhiên Đăng. Nhiều người VN hiểu lầm, nghe vị Phật đầu tiên thọ ký cho Ngài thì hiểu đầu tiên nghĩa là trước Đức Phật Nhiên Đăng không có Phật nào. Không phải vậy! Giống như tôi nói “Tôi đi cả buổi sáng ngoài chợ mà không có ai cho tôi cái gì để ăn. Mà người đầu tiên hồi sáng giờ cho tôi chút gì để bụng chính là bà lão đó”. Nói vậy không có nghĩa là trước bà lão tôi không gặp ai. Tôi gặp nhiều lắm nhưng không ai cho tôi ăn hết. Chỉ có bà lão đó thôi. Các vị nghe kịp chưa?
Thì khi Ngài gặp Đức Phật Nhiên Đăng, Đức Phật Nhiên Đăng xét thấy Ngài đã trải qua 16 A tăng kỳ đại kiếp. (A tăng kỳ là 10 lũy thừa 140 ). Ngài thấy rằng vị này đã trải qua 16 A tăng kỳ nuôi lớn chí nguyện Phật đạo, hôm nay là công viên quả mãn vừa thích hợp để gặp Như Lai và Như Lai xác định vị này chắc chắn sẽ thành Phật. Ngài nhìn Ngài biết. Thọ ký không phải là chư Phật ban cho mình cái gì hết mà chư Phật chỉ xác nhận. Điều đặc biệt là chư Phật không bao giờ nói hai lời. Cho nên khi Đức Phật nói ngươi chắc chắn sẽ thành Phật thì chuyện đó không thay đổi.
Khi Phật thọ ký rồi thì Bồ tát bội phần hoan hỷ. Kể từ đó về sau Ngài đương nhiên trở thành vị Bất thối Bồ tát, nghĩa là không có thay đổi chí hướng nữa. Trong khi ngài Xá Lợi Phất cũng có lần nguyện thành Phật, phát nguyện rằng “Ta sẽ thành Phật và trong lúc hành Phật đạo như thế này ai xin gì ta cũng cho, không màng không tiếc. Lúc đó có người tới xin Ngài con mắt. Thử Ngài nhưng Ngài móc ra Ngài cho. Nhưng khi Ngài đưa con mắt cho ổng, ổng cầm con mắt thấy ghê quá ổng đem liệng xuống đất. Thì Ngài nhìn Ngài thấy chuyện mình móc ra đau đớn như vậy, con mắt là vật quý như vậy, mình móc mình cho nó mà nó cầm nó liệng Ngài nản quá, Ngài thối chí. Thế là Ngài chuyển nguyện, không nguyện thành Phật nữa. Chỉ vì chuyện đó thôi.
Còn Bồ tát Thích Ca Mâu Ni và vô số những Bồ tát khác thì sao? Người ta cứ kiên trì theo đuổi, kiên trì theo đuổi. Thí dụ mình dám móc mắt cho đó là hạnh bố thí. Đau đớn cỡ nào cũng chịu được đó là nhẫn nại. Mà hiểu được vì sao mình lại làm chuyện này đó chính là trí tuệ. Bố thí không phải cầu quả sanh tử mà hướng tới Phật đạo đó chính là ly dục ba la mật. Như vậy là Trí ba la mật, Nhẫn nại ba la mật, Ly dục ba la mật. Ở đây tôi nói theo hệ thống Thập độ của Nam truyền chớ không phải Lục độ của Bắc truyền. Nhớ nhe! Khi mình cho người ta mà người ta không có vẻ trân quý vật cho của mình thì mình vẫn giữ cái Xả ba la mật. Cái đó mới ghê! Ngài Xá Lợi Phất thuở xưa Ngài chưa đến trình độ đó cho nên Ngài chịu không nổi. Riêng những vị sẽ thành Phật thì họ hay lắm: cho cái khó cho, làm chuyện khó làm, mà lỡ như gặp phải sự bẽ bàng ghẻ lạnh của thế nhân thì kệ họ. Họ không xứng đáng với tấm lòng của mình, nhưng mình vẫn đối xử với họ bằng tấm lòng của một người mẹ. Lúc bấy giờ Ngài lại thành tựu thêm một ba la mật nữa là Xả ba la mật. Khiếp như vậy. Có nghĩa là đụng đâu Ngài cũng tu được hết trơn. Cuộc đời nó có quỳ lạy nó liếm chưn của Ngài thì Ngài cũng coi là không có gì hết. Đó là Xả ba la mật. Mà nó có lấy nguyên một cái thùng rác úp lên đầu thì Ngài vẫn giữ tâm dửng dưng đó. Đó là Xả ba la mật. Tại sao Ngài làm được như vậy? Vì Ngài hiểu: đời phải như vậy. Không phải như vậy không phải là đời. Đó chính là Trí tuệ ba la mật. Bao nhiêu cái đắng cay chua chát Ngài giữ được đó là Nhẫn nại ba la mật. Chừng ấy việc khó khăn mà Ngài vẫn làm được chỉ vì nhắm đến lý tưởng giải thoát, trở thành một vị Phật, đó là Ly dục ba la mật. Lòng đã quyết mà không thối chí đó là Quyết định ba la mật, Nghị lực ba la mật, Kiên trì ba la mật. Nhớ nhe!
Sau khi gom đủ chừng ấy công đức, bao nhiêu hạnh lành vô lượng kiếp, cuối cùng Ngài cũng trở thành một vị Chánh đẳng chánh giác. Bao nhiêu hạnh lành ba la mật đó gọi gọn lại thành một chữ thôi: DUYÊN. Do chừng ấy duyên cuối cùng Ngài có 32 hảo tướng và trí tuệ của một vị Chánh đẳng chánh giác, tấm lòng của vị Chánh đẳng chánh giác, đạo hạnh của vị Chánh đẳng chánh giác. Trí tuệ vị Chánh đẳng giác là không gì Ngài không biết. Tấm lòng vị Chánh đẳng chánh giác là không ai Ngài không thương. Trong lòng Ngài không hề có sự phân biệt khi nhìn thấy một người đang có lòng giết Ngài và một người đang sẵn sàng bỏ mạng vì Ngài. Ngài coi hai người đó giống nhau. Đó là tấm lòng của vị Chánh đẳng giác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét