Hôn trầm là nó lười biếng, nó mệt mỏi, nó dã dượi. Còn cái thụy miên là nó buồn ngủ, nó muốn kiếm cái chỗ nó ngã cái lưng để nó an dưỡng.
Trong các vị thế nào cũng có người ngạc nhiên, nhất là có cái đầu khoa học nửa vời. Các vị nghe vậy các vị tức lắm, các vị nói: "Ủa tôi có cái tấm thân này thì tôi phải có đói, có khát, đúng không? Mà khi tôi đói thì tôi mệt. Nếu không có gì trong thời gian dài tôi đói không có gì ăn tôi kiệt sức tôi buồn ngủ. Hoặc tôi ăn no quá tôi buồn ngủ, hoặc là trời lạnh mà được đắp mền ấm tôi ngủ, trời nóng mà được mát mẻ tôi ngủ. Chuyện đó chuyện bình thường. Cái đòi hỏi tự nhiên mang tính sinh học của cơ thể này, có gì đâu gọi là phiền não?"
Dạ thưa, mình hiểu lầm rồi. Vị A la hán có mệt mỏi, vị La hán có nghỉ ngơi, đúng. Nhưng mà Ngài nghỉ ngơi thuần túy là cái nhu cầu sinh học. Còn mình thì mình kéo theo đó cả cái yếu tố tâm lý. Tin tôi đi. Cái làm biếng của mình, cái buồn ngủ của mình nó không chỉ gói gọn ở trong cái nhu cầu sinh học mà nó còn kéo theo đó cả cái vấn đề của tâm lý. Cái tâm lý gì? Cái tâm lý thích an dưỡng, tâm lý không có muốn động tay động chân, tâm lý muốn được nằm yên. Và nhất là bây giờ có ba cái smart phone, có ipad, muốn nằm yên vậy để chat, để lướt web. Riết lâu ngày nó quen, nó chây lười, nó ươn, nó nhớt cái lưng, lâu ngày nó quen đi. Sáng dậy, mình biết bữa nay mình không có đi làm, không có đi đâu, không làm cái gì mà thức sớm, rồi cứ nằm nướng, nướng cho nó giòn thì thôi. Còn mà thiền thì hồi cao hứng làm cũng dữ lắm, mua sắm tọa cụ rồi trang trí bàn Phật nhìn đã lắm. Có, tôi có thấy rồi. Rồi sen, rồi lan, đào, cúc, trúc, phần lo kiếm tượng đẹp, một là đi mua cái tủ đồ cổ, hai là đặt thợ special order đặc biệt lắm, trang bị cái phòng ngồi thiền. Tưởng sao ngồi vài bữa cũng vậy ... Chuyện đó có rồi, tôi đã gặp rồi. Rồi nghe người ta đi Miến Điện tùm lum hết thì cũng khí thế đi theo. Qua bển cũng hùn hạp làm phước cuối cùng về mới phát hiện ra là mình chỉ có khả năng tới đó. Chỉ có khả năng là đi kiếm mấy ông sư nghèo rồi làm phước. Thấy mấy ông sư nhỏ nhỏ đầu ghẻ ốm đói suy dinh dưỡng tội nghiệp. Rồi ứa nước mắt chụp hình quay phim đem lên facebook chia xẻ kêu gọi được mấy bữa, rồi ... quên hết. Chớ còn nói tới ba cái thiền là đứa nào đứa nấy lạnh xương sống, nổi da gà hết.
Cho nên cái hôn thụy đây là gì? Hôn thụy đây không chỉ đơn giản là cái trạng thái tâm lý muốn an dưỡng, mà nó là một cái tâm trạng buông bỏ cái trách nhiệm đối với bản thân, đối với cuộc sống, đối với con người. Cái hôn thụy nó là cái thứ tâm trạng chỉ thường thấy ở cái người mà không có sức sống, không có lý tưởng. Chứ người mà có sức sống, có lý tưởng họ chỉ ngủ khi nào họ kiệt sức, họ ngủ thuần túy là do nhu cầu sinh học. Và khi mà nó đủ rồi, họ bật dậy như là một cái lò xo. Các vị để ý coi tôi nói đúng không? Mấy cái người mà họ siêng năng, cần mẫn, chí thú họ tạo dựng sự nghiệp (tôi không nói chuyện trong chùa, tôi nói ngoài đời), khi họ chuẩn bị tiền để mua nhà, để lập gia đình, để lo cho con, lo cho ba má là họ chịu cực, chịu khổ hay lắm. Họ không có cái vụ dật dờ, Dật dờ là không có.
Cái hôn thụy này chỉ có ở hai trường hợp: Trường hợp một là sinh lý của nó có vấn đề có nghĩa là nó bị bệnh gì đó, tiểu đường ăn no buồn ngủ, thí dụ như vậy. Trường hợp hai là trạng thái tâm lý của cái người bỏ cuộc, không có chí lớn, không có lý tưởng, không có một cái cứu cánh, không có mục đích để hướng tới nên nó mới nẩy ra cái tình trạng mà gọi là hôn trầm, thụy miên.
Đó là một cặp phiền não mà Ngài dạy là không thể nào để nó tồn tại mà chứng thánh được.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét