Lợi Đắc
Có nhiều cái thứ lợi đắc, có nhiều cái thứ sở hữu mà mình có thể có được trong đời. Nhưng mà sở hữu cái gì và sở hữu cách nào để được an lạc?
Thí dụ như bây giờ mình thích tài sản. Chuyện mình tập trung mình làm chủ tài sản trong đời này nó vẫn không bằng đem đi làm phước. Mình thích tài sản. Ai mà không thích? Nhưng mình nên thích bằng cách là mình đầu tư: "Mình ăn thì hết mà người ăn thì còn." Nhớ điều đó. Đó là mình thích cái gì, là một chuyện. Chuyện thứ hai là mình giữ nó kiểu nào? sở hữu nó kiểu nào? Bây giờ mình chia ra hai: một cái là tinh thần, một cái là vật chất. Nếu mình là người Phật tử mình hiểu "Từ đâu mà nó ra tài sản này vậy?" Chắc chắn là không phải từ vật để dành từ kiếp trước! Không thể để dành bằng vật chất mà phải là để dành bằng công đức. Cho nên một trong những cái điều tâm niệm mà người Phật tử cần nhớ để chỉnh sửa mình chính là: Nhìn lại mình. Không cần thần thông gì hết. Tôi muốn kiếm coi còn chỗ trống trên người để xâm cái câu này, cái câu này phải xâm để tu trên người mình. Không cần thần thông, quán chiếu gì hết mà chỉ nhớ thế này thôi: Mình nhìn lại mình bây giờ. Những thứ mà mình đang có đây không phải ngẫu nhiên là cha cho, mẹ cho, ông bà cho, bạn bè thân quyến cho, láng giềng cho, đồ đệ cho. Từng thứ mà mình đang có đều là đến từ một cái tiền nghiệp quá khứ. Nhìn một cái tấm thân mà bịnh tùm lum đây thì đừng có trách là do di truyền ông bà cha mẹ để lại. Không phải vậy đâu! Anh đừng có nói câu đó. Tại sao anh không đầu thai vô chỗ khác để anh lấy cái gene di truyền tốt hơn mà anh lại phải chun vô cái nhà này, để cả lũ bị suyễn giống nhau? bị ung thư giống nhau? bị mấy cái bịnh bí hiểm giống nhau? Tại sao vậy? Anh đừng có đổ thừa di truyền. Tại sao anh không chun vô cửa khác mà anh chun vô cửa này? Bây giờ anh có tướng cao ráo ngó được hơn người khác, hay là tướng anh xấu hoắc lùn xịt, anh đừng có nghĩ hay trách người sanh ra anh mà anh phải hiểu những cái bây giờ anh có là nó từ đâu ra. Từ đâu? Từ vô lượng kiếp nó đẩy ra cái con người anh như vậy đó.
Cho nên bây giờ anh cứ nhớ thế này: "Những gì tôi đang có nó chính là cái tấm gương chiếu rọi, phản ảnh những gì tôi đã tạo trong một cái kiếp nào đó trong quá khứ. Tôi có nhiều tài khoản, thì cái kiếp này tôi đang xài cái tài khoản của kiếp A, kiếp B gì đó. Còn những tài khoản khác thì để kiếp khác còn kiếp này tôi đang xài tiền nợ hoặc tiền lãi một kiếp nào đó trong quá khứ."
Khi mà nhớ như vậy thì hành giả mới thấy cái mà ta sở hữu, cái mà ta làm chủ, và phải coi kỹ lại ta làm chủ cái gì và làm chủ kiểu nào? Cái gì và kiểu nào? What và How? Tôi khoái hai chữ đó lắm. Tu Tứ Niệm Xứ cũng What và How. Trong đời sống thường nhật mình thích cái gì thì phải biết cái đó là cái gì (What?) Và mình muốn tiếp tục sở hữu nó, sở hữu kiểu nào, như thế nào? (How?) Sở hữu nó kiểu nào?
Sở hữu bằng kiểu nào? Không đem phải là nhét vô trong túi, đem lận vô trong lưng quần, không phải vậy. Trước hết mình biết mình thích cái gì? Nó là vật chất hay tinh thần? Và mình nhớ câu này: Tất cả vật chất mình có điều chủ yếu là từ cái nguồn tinh thần quá khứ. Vì mình có một cái tinh thần như thế nào đó, nó mới ra cái vật chất như vậy. Tàu có một câu "Đại phú do thiên, tiểu phú do cầu". Đủ ăn đủ mặc thì là do mình siêng kiếp này nhưng giàu nghiêng trời nghiêng đất là do trời. Trong Đạo Phật mình thì không phải do thiên mà là do duyên: "Tiểu phú do cần, đại phú do duyên". Tức là tiền duyên trong quá khứ.
Mình sở đắc cái gì? Cái gì mà nó thuộc về tinh thần, tinh thần ở đây là gồm các hạnh lành, các công đức thập thiện, hoặc 37 pháp bồ đề phần, thì sở hữu cái như vậy đó, thì mới được gọi là lợi đắc tối thượng. Có được cái đó trong người thì mới ngon lành.
Tôi đã nói chuyện này không biết là bao nhiêu lần. Tôi ví dụ: Tôi có hai người mà tôi rất thương, thương ghê lắm, thương đến mức mà tôi có thể chết cho họ. Một người thì giàu có cực kỳ về vật chất nhưng mà nghèo nàn cực kỳ về tinh thần; còn một người kia thì giàu có cực kỳ về tinh thần mà nghèo nàn cực kỳ về vật chất. Khi tôi nhìn hai người này, thì cái thằng cha mà nghèo tinh thần mà giàu vật chất tôi ngại cho chả lắm. Vì tôi biết nay mai mà chả bị một cái sốc gì đó - vợ bỏ, chồng bỏ, con đau, con hư gì đó, hoặc là bị làm ăn thua lỗ gì đó - là chắc chả điên luôn. Tôi nhìn chả tôi sợ lắm vì tôi thương chả, tôi rất là thương. Khi tôi nhìn ông nghèo tinh thần mà giàu vật chất đó tôi có hai cái lo. Cái lo một: Cái ông này mai này ổng tắt thở, ổng đi về đâu? Đó là chuyện xa. Còn cái lo hai là chuyện gần: Lỡ mai này ổng chưa chết mà ổng bị tán gia bại sản thì ổng sống làm sao? Vợ ổng, chồng của bả - phụ ổng, phụ bả - ổng, bả sống làm sao? Đó là người mình thương mình thấy vậy thì mình lo.
Nhưng mà cái thằng cha giàu tinh thần mà nghèo vật chất thì tôi khỏi có lo. Tôi sẵn sàng, tôi nghĩ là tôi thương quá thì tôi đi bán vé số, tôi chiên chả giò, tôi làm một cái xe bánh mì để tôi nuôi họ được. Tôi hỗ trợ cho họ được bằng cách chiên chả giò. Các vị biết bên Châu Âu chiên chả giò giàu lắm. Nếu mà các vị xin được visa qua đây du lịch ba tháng, qua cái đảo Cyprus gần Hy lạp hoặc là qua Thụy sĩ, rồi các vị chiên chả giò vào mấy cái dịp lễ của bên đây là giàuo to. Chiên chả giò giàu lắm. Chúng ta có nhiều cách để bổ xung cái tài sản của mình. Chúng ta đi lao động nước ngoài, đặc biệt lựa mấy nước giàu, qua Dubai, qua Tây Âu, có nhiều cách để bổ xung tài sản vật chất. Nhưng tài sản tinh thần thì nó lại cực kỳ khó kiếm, khó gớm lắm.
Cho nên hãy nhớ là cái tài sản nào mà nó quí hiếm là một, nó khó mất là hai và nó làm cho mình càng lúc càng đi lên là ba. Quí hiếm là một. Đâu phải ai cũng có được như mình đâu. Thứ hai: khó mất. Cái gì mà nó dễ mất quá, do thiên tai hay nhân họa, thì cái đó không phê. Thứ ba là cái thứ nào, cái thứ vật chất, tài sản nào mình càng giữ làm cái con người của mình nó càng ngon lành hơn thì cái đó ngon. Rồi giữ cái nào, cái thứ sở hữu nào mà lỡ mình có lăn đùng ra mình chết mình cầm theo được. Chớ còn mình kiếm sở hữu cho đã những thứ mà rồi tới hồi lăn đùng ra chết mình bỏ lại hết thì không đáng.
Ở đây, nội dung của "lợi đắc tối thượng" là như vậy đó quí vị.
Kalama xin tri ân bạn elteetee chép bài KTC.6.121 Tham
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét