Mở bài Kinh Niệm Xứ
Bên Phật giáo Nam Tông thì Kinh Niệm Xứ là cốt lõi của Phật pháp, là con đường duy nhất dẫn đến giải thoát. Có người hỏi rằng tại sao chỉ có mấy bài Tứ Niệm Xứ thôi? Có hai bài nổi tiếng là kinh Đại Niệm Xứ trong Trường Bộ và kinh Niệm Xứ trong Trung Bộ, chỉ có hai bài đó. Nếu pháp môn Tứ Niệm Xứ là quan trọng thì sao chỉ có hai bài thôi? Tôi xin trả lời ngay: Khi nêu đích danh Tứ Niệm Xứ thì trong kinh chỉ có hai bài. Tứ Niệm Xứ được phân tích giải thích đầy đủ chỉ trong hai bài. Nhưng Tứ Niệm Xứ được nhắc tới và tinh thần Tứ Niệm Xứ được bàn bạc khắp nơi trong cả ba Tạng, Kinh, Luật và A Tỳ Đàm. Bất cứ chỗ nào Đức Thế Tôn nói về 5 uẩn, 12 xứ, 18 giới, 4 đế, thì chỗ đó Đức Thế Tôn đang nói về pháp môn Tứ Niệm Xứ.
Trong khi đó, chỗ này chúng tôi phải xin lỗi trước, tôi rất là ngạc nhiên và cũng là một sự chạnh lòng, là 95% người Việt Nam và người Tàu khi tìm đến Phật pháp thì rõ ràng do thiếu duyên nên họ cứ bị nhồi nhét tuyên truyền cái pháp môn Tịnh độ, niệm Lục tự Di đà, niệm kinh Bạch y thần chú Quan Thế Âm. Nếu các vị bỏ chút thời gian đọc kinh điển tìm trong toàn bộ Hán Tạng bài kinh nào nhắc tới tên gọi A Di Đà thì sẽ thấy là đã hiếm. Còn kinh nào nhắc tới pháp môn tập trung réo gọi một người nào đó để cầu giải thoát thì tôi dám khẳng định là ngoại trừ kinh Vô Lượng Thọ thì không có một chỗ nào trong ba tạng mà kêu gọi cái tinh thần tu tập bằng cái kiểu đó; nghĩa là réo gọi ai đó để cầu giải thoát. Tôi e rằng không có. Quý vị không tin chúng tôi thì có thể tìm hỏi những vị danh tăng bên Bắc tông coi có đúng vậy không, nói với họ là có ông bên Nam tông ổng nói vậy.
Chúng tôi có xin lỗi trước vì chúng tôi không hề có ý bài xích nhưng xin bà con phật tử Việt Nam lưu ý giùm điểm đó. Nếu quả thật pháp môn Tịnh độ mà quan trọng như vậy, hữu ích, lợi lạc như vậy thì ít ra cái tinh thần của pháp môn đó phải được phổ biến bàn bạc khắp nơi trong kinh điển, chứ có đâu mà chỉ được nhắc đến trong một bài kinh nhỏ xíu cực kỳ ngắn ngủi và ngoài bài kinh đó ra thì khi tìm chỗ nào trong kinh điển mà nhắc lại cái tinh thần tu tập kiểu đó thì sẽ không thấy nữa.
Xin xác nhận thêm một chuyện nữa là bản thân chúng tôi, người đang hầu chuyện cùng quý vị, chúng tôi không phải là hành giả chuyên nghiệp, chứ đừng nói gì là thiền sư, cũng không phải là pháp sư tam tạng, đừng nói gì là thánh nhân. Có vị sẽ hỏi: Cái gì ông cũng nói không hết thì ông dựa vào cái gì, căn cứ trên cái gì để mà ông tin Phật? Thì tôi xin thưa bằng cái phàm phu của tôi, tôi tin Phật qua các điểm sau đây:
- Vô Thường và Vô Ngã: Phật dạy cái gì ở đời này đều là vô thường. Trong cái kém cỏi của mình, tôi thấy hình như đúng. Quý vị có thể nói với tôi là vàng ngọc kim cương quý hiếm là lâu bền, không bị oxy hóa gì gì, tôi không cần biết. Tôi chỉ biết rằng khoa học đã xác nhận là sẽ có một ngày cái trái đất này nó không còn nữa, sẽ có một ngày ngay cả mặt trời nó cũng sẽ không còn nữa, và trước mắt là sẽ có một ngày cái cục thịt mấy chục kilo này của tôi đây nó cũng sẽ không còn nữa. Thì ba cái đó là đủ để mình tin Đức Phật nói đúng, cái gì cũng là vô thường. Và hễ nó vô thường là nó không thật sự của tôi. Tôi đâu muốn có mất mát, chia ly, hư hao, băng hoại. Tôi không thích những chuyện đó nhưng mà nó vẫn theo duyên mà nó chuyển ra, xảy ra và theo duyên nó mất. Từ chỗ tôi tin cái lý vô thường tôi tin cái lý vô ngã. Mọi chuyện theo duyên mà có, có rồi thì tùy duyên mà mất.
- Nhân và Quả: Phật dạy rằng mình phải chịu trách nhiệm những gì mình nói, mình làm, mình suy tư. Ở đây tôi nhắc lại tôi là một người phàm dốt nát, tôi nói thật, chứ không vì khiêm tốn. Cái biết của mình nó chẳng là cái gì trong trời đất này. Tôi đem cái khờ ngu của tôi để tôi hiểu lời Phật dạy về lý nhân quả. Nếu mình làm chuyện xấu, chuyện bậy, chuyện ác thì mình sẽ bị khổ, bị rắc rối. Còn khi mình làm chuyện lành, chuyện tốt, chuyện thiện thì chắc chắn là mình được vui, được an lạc. Bằng kiểm nghiệm bản thân, tôi thấy hình như đúng, tôi tin chuyện này. Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu.
- Khổ và Thất Niệm: Phật dạy rằng cái khổ của thế giới do Khổ Quả nhưng không đáng kể bằng Khổ Nhân. Khổ Quả là thế này: Do quả bỏn xẻn mà tôi nghèo, do quả sát sanh mà tôi bệnh, do quả nói xấu người ta mà giờ tôi bị người ta chửi. Đó là khổ quả. Nhưng còn cái khổ nhân là thế này. Khi một bậc thánh bị chửi, bị đói thì ngài không có khổ như người phàm. Khi người phàm bị đói, bị đánh, bị bịnh, bị chửi, nó thấy khổ, nó khổ nhiều hơn bậc thánh. Vì sao? Vì cái Nhân phiền não vẫn còn. Bị đánh, bị chửi, bị đói, bị bịnh, là cái quả xấu, Quả khổ, tuy cũng thấy ớn thiệt, Đức Phật cũng gặp phải nạn này nạn kia, nhưng cái Quả khổ nó làm khổ ít hơn là cái Nhân. Vì chúng sanh mình còn phiền não cho nên mình đón nhận cái Quả khổ bằng cái Nhân phiền não. Đức Phật xác định là cái khổ ở đời là do phiền não. Và cái phiền não đến từ đâu? Cái tham, sân, si đến từ đâu? Quý vị có thể nói là do vô minh gì gì, nhưng ở đây tôi nói trong tinh thần Tứ Niệm Xứ, thì phiền não là do Thất Niệm. Trong một phút giây nào mà anh sống thất niệm là chắc chắn anh khổ. Quý vị dắt lại cho tôi hai người, thằng Tèo và thằng Tí. Thằng Tèo thì đẹp trai, mạnh khỏe, học giỏi, đào hoa, làm ăn may mắn suông sẻ, nhưng nó sống thất niệm. Còn thằng Tí chỉ có một sào đất, trồng trọt hoa màu kiếm sống lây lất nhưng nó có lối sống của Phật tử thứ thiệt, một hành giả Tứ Niệm Xứ thứ thiệt. Trong thâm tâm tôi thì tôi tin chắc là thằng Tí nó sống an lạc. Và sống thất niệm như thằng Tèo thì tôi dám khẳng định là nó sẽ không thể sống an lạc.
Một người tin Phật, thờ Phật, tu Phật, học Phật, theo Phật bắt buộc phải biết ba điều trên đây. Khi mình tin và biết ba cái này, thì liếc mắt vô kinh Niệm Xứ là sẽ thấy mình nằm trong đó. Kinh Tứ Niệm Xứ là kinh xác nhận ba điểm này.
Trên đời này không có cái gì để mình bám víu vào được, không có cái gì mình nhờ cậy được; bởi vì cái giống gì nó cũng vô thường hết. Nó có đó rồi nó bỏ nó đi. Ngay cả một vị thánh có tất cả những pháp thánh, thành tựu trí tuệ đức hạnh đủ thứ nhưng rồi một ngày cái danh cái sắc của ngài nó cũng bỏ lại hết mà đi. Đó là thánh nhân còn vậy thì nói chi là ba cái thứ tào lao của đám phàm phu. Ba cái thứ tiếng tăm, sức khỏe, quyền lực, quen biết quan hệ xã hội, tùm lum ... sẽ có một ngày nó bỏ đi hết sạch.
Pháp môn Tứ Niệm Xứ chính là cái phao nổi để cái đám đang sắp chết đuối chúng ta bám vào đó mà sống.
Quý vị là xuất gia hay tại gia, già hay trẻ, khỏe hay bịnh thì tôi không cần biết tôi chỉ nhắc quý vị câu này:
Phúc thay cho kẻ nào có niềm tin, có trí tuệ để được sống chánh niệm.Bất hạnh thay cho kẻ không có đủ niềm tin và trí tuệ để phải sống thất niệm.
Có nhiều người có lẽ vì thiếu phước hoặc là duyên đưa tới mà họ có thắc mắc thế này: Mình tu là phải nghĩ tưởng tới Phật, réo gọi Bồ tát, thờ cúng cái gì đó linh thiêng, cao siêu. Chứ tu cái gì mà cứ quẩn quanh ba cái hơi thở ra vô, ra vô. Tu kiểu đó có gì đâu mà hay? Còn Chánh niệm thì là gì? Làm gì biết nấy, buồn vui tốt xấu hiểu rõ - thì cũng có gì là hay? Tu là phải tiếp xúc với cái gì nó cao siêu thiêng liêng chứ còn ba cái tu tập gì long móng lăn da, nghe thấy gớm rồi. Còn hơi thở của mình nó ra vô thây kệ nó, nó có cái gì mà mình phải dòm, phải quan sát nó? Mình tu là mình phải để cái đầu mình nó hướng đến cái gì cao siêu.
Tôi xin thưa với bà con câu này mà tôi đã nhắc lại cả ngàn lần:
"Đường vào rừng và đường ra khỏi rừng chỉ là một. Cái quan trọng là cái mặt của mình nó hướng về đâu, cái mắt của mình nó nhìn về đâu."
Cho nên các vị cứ nói tu là réo gọi Phật, Bồ tát tùm lum thì tôi xin thưa: Những vị đó họ cao siêu lắm, đừng có đụng tới họ. Họ không có mắc mớ gì tới cái chuyện tu hành của mình. Vì người ta đã đạt được, đắc xong cái chuyện của người ta rồi. Cái chuyện mà Đức Phật là Toàn Giác, Chánh Đẳng Chánh Giác là chuyện của ngài. Người ta là ông vua còn mình là ăn mày, chẳng mắc mớ gì mình. Cái mắc mớ duy nhất tới mình là Ngài nói cái gì. Xin nhớ là Ngài đã thành Phật, Ngài niết bàn rồi. Cái chuyện Ngài thành thì mình được cái gì trong cái thành đó? Cái quan trọng nhất là Ngài dạy mình cái gì thì cái đó mới là quan trọng, cái đó mới là cái mắc mớ tới mình.
Một thí dụ nữa là quý vị có là tỷ phú thì chuyện đó đối với tôi không quan trọng mà cái quan trọng là quý vị cho tôi được cái gì. Cái đó đối với tôi mới là quan trọng. Trên thế giới này có biết bao nhiêu tỷ phú mà mình trong đây có ăn chia được cái gì đâu? Chuyện người ta là tỷ phú là chuyện của người ta. Cái quan trọng là người ta cho mình được cái gì. Cho ở đây có thể có hai: Một là cho hiện kim hiện vật; Hai là cho kinh nghiệm, lời khuyên, gương sống, cách thức làm ăn để mình có ngày mình được giàu gần bằng họ. Thì cái thứ hai đó nó mới là quan trọng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét