Làm Chủ Cảm Thọ
Trong kinh nói kẻ phàm phu bị đau hai lần còn bậc thánh chỉ đau có một nửa. Bậc thánh khi đau, ngoài khả năng kham nhẫn bằng thiền định bằng thánh trí ra thì bậc thánh không hề thêu dệt cái khổ như phàm phu. Còn phàm phu thì sao? Thứ nhất không có khả năng thiền định chánh niệm như thánh nhân là thấy mệt rồi. Thứ hai là phàm phu khổ gấp đôi, là bản thân nó bị khổ là khổ thân mà còn thêm cái bị khổ tâm nữa. Muốn hết bịnh mà nó không chịu hết là bắt đầu lo. Bậc thánh khi bị đau thận chẳng hạn, bậc thánh chỉ biết đau là đau. Còn mình thì bắt đầu lo, bắt đầu sợ chết, bắt đầu mình tiếc của. Mình biết khi cái đầu mình nó lệch ngang thì mình bỏ lại bao nhiêu thứ tình cảm: cha mẹ, vợ chồng, con cái, bạn bè... "Trời ơi, đất nước người ta đẹp quá. Trời ơi, mình còn bao nhiêu toan tính, bao nhiêu trù hoạch, bao nhiêu kế sách mà chưa có hoàn thành. Trời ơi, bây giờ mình đi sớm quá." Trong khi cái đau nó chỉ là một phần cơ thể, mà cái nỗi lo âu, tiếc nuối, sợ hãi kia nó gấp mấy lần cái đau đó, quý vị có biết không? Khổ của kẻ phàm phu khác của bậc thánh là ở chỗ đó. Cho nên ngay trong cảm thọ đã là khổ. Ngay trong ước muốn trốn khổ tìm vui nó lại cũng là một cái khổ nữa.
Cho nên trong kinh nói bậc thánh chỉ khổ có một nửa, mình thì khổ gấp đôi. Một nửa là sao? Nghĩa là mỗi lần người ta bị đau người ta phải rên, phải xiết, phải sợ hãi, phải này nọ. Các Ngài thì không. Đau trên thân xác các ngài chỉ dừng lại ngay trên thân xác, các ngài không cho nó leo qua cái tâm của các ngài. Còn mình thì đau một mà cho nó leo tràn lan từa lưa.
Thí dụ ban đêm đang ngủ tự nhiên nghe nó nhói. Nhói một lần là mình đã hơi ngại rồi mà cứ nhói nhói nãy giờ mười lăm phút nhói rồi. Thế là bắt đầu mình nghĩ bậy. Nghĩ nào là ung thư, nghĩ nào là ruôt dư, nào là sạn thận, nào là chai gan nào, là viêm tụy tạng, ... tùm lum hết. Nghĩ quá nhiều, suy diễn quá nhiều, là vì sao? Vì mình sợ chết. Mà tại sao mình sợ chết? Là bởi vì mình sợ mất cái này sợ mất cái kia. Cho nên cần làm chủ cảm thọ. "Làm chủ" ở đây có nhiều người hiểu sai. Họ nghĩ làm chủ cảm thọ là bậc thánh không có đau. Sai. Làm chủ cảm thọ ở đây có nghĩa là coi tất cả các cảm giác chỉ là khách. Làm chủ cảm thọ ở đây không có nghĩa là không còn đau đớn muốn sướng thì sướng không phải. Bậc thánh không phải như vậy. Làm chủ ở đây có nghĩa là chỉ xem các cảm giác như là khách lạ bên thềm. "Làm chủ" ở đây là các ngài ngồi yên nhìn nó tới. Khó chịu biết khó chịu. Gió mát tới biết dễ chịu. Ngồi trong phòng đang nực, mở máy lạnh lên thì các ngài biết bây giờ mát, biết lạc thọ đang có mặt. Ngoài ra không có gì thêu dệt thêm. Rồi tiếp tới cơn đau đớn trong cơ thể nó tới thì các ngài biết "Ừ cơn đau đang có mặt, khổ thọ đang có mặt". Hoặc theo một cách quán chiếu khác: "Khổ thọ vô thường vừa đã xong". Cách quán chiếu kỳ cục vậy đó. Khi mà mình quán chiếu khổ thọ đang có mặt tuy không có sai nhưng mà nó hơi muộn. Phải quán khổ thọ vừa vắng mặt. Bởi vì khi mà mình thấy nó thì cái khổ đã mất rồi. Nhớ đó. Cái này phải ghi lại.
Bất cứ cái khổ nào, cái niềm vui nào, sự sung sướng nào mà ta thấy được nó là nó đã mất và cái khác đang hiện hữu.
Bởi thì theo A tỳ đàm thì không bao giờ có cái gì trên đời này tồn tại quá 1 sát na (1). Đó là chuyện thứ nhất. Chuyện thứ hai là không bao giờ có hai cái tâm cùng lúc tồn tại, cho nên cái này đi mất thì cái kia mới tới. Nên khi tôi đau tôi biết rằng tôi đang đau, cái đau mà tôi biết đã trở thành quá khứ rồi. Và cái tâm mà tôi biết đang đau đó vừa xuất hiện nó cũng biến mất. Nó nhanh như vậy đó, thưa quý vị.
Và vì hôm nay chúng ta chỉ học trên mặt lý thuyết cho nên chúng ta không có thấm. Chứ nếu một ngày nào đó chúng ta là hành giả, chúng ta sống hết mình với cái điều mà tôi vừa nói, thì lúc đó sự dính mắc ở trong sáu trần ít đi nhiều lắm. Và từ đó dẫn đến chuyện mình bớt khổ nhiều lắm. Và từ cái chuyện bớt dính mắc mình sẽ bớt sợ chết.
Tại sao anh sợ chết? Vì anh sợ mất. Nói thẳng luôn: một là anh sợ mất; hai là anh mịt mù anh không biết anh sẽ đi về đâu? Tai sao anh sợ hãi khi không biết đi về đâu? Là vì mình sợ khổ ở trong một cảnh giới nào đó. Mình không còn sung sướng như bây giờ nữa. Nói ví dụ: Bây giờ tài khoản của mình ở trong nhà băng đã lên 36 tỉ đồng Việt nam rồi, mình có mấy chiếc xe, con cái mình gửi qua Úc, qua Mỹ học hết rồi, tương lai đang sáng ngời, mình đang chờ bồng những đứa cháu nội cháu ngoại bụ bẫm kháu khỉnh. Mà đùng một phát vô bệnh viện là mấy cái này mất sạch! 36 tỉ đó là đứa khác nó xài, cháu nội, cháu ngoại có những đứa khác nó bồng. Rồi mai này những đứa con, những đứa cháu tốt nghiệp đại học về ai đón nó ở phi trường đây? Bao nhiêu người mơ ước được 1% những gì mình có mà không được. Bao nhiêu kẻ bây giờ đang khổ cực bán vé số, bán bánh mì, bán dạo buôn gánh bán bưng, bán chè bán cháo đầy đường, vậy mà họ sống trơ trơ. Còn mình giờ đây những thứ mình có mà một sớm mai hồng mình phải lìa bỏ tất cả. Lòng nào mà cam cho nổi?
Trích bài giảng ngày 29/05/2019 KTC.6.63. Pháp Môn Quyết Trạch
Kalama xin tri ân bạn chanvinghiem ghi chép.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét