Thứ Sáu, 2 tháng 4, 2021

Chớp tắt chớp tắt



Chớp Tắt Chớp Tắt

Quí vị nghe giảng vậy chứ quí vị có mở ra cái bản dịch tiếng Việt của Hòa thượng Minh Châu không? Hay là quí vị chỉ nghe tui nói thôi? Nếu mà có mở ra bản tiếng Việt thì đọc nó tốt, nghe nó tốt hơn. Tức là mình rà ra trước, mình bắt đầu mình rà rồi mình liếc vô đó, nếu là cuốn sách của mình nó là sách in thì mình mới lấy cây bút chì đỏ mình gạch dưới mấy cái chỗ mình hỏng hiểu. Thì lúc đó quí vị nghe tui giảng nó mới phê. Là chỗ nào quí vị không hiểu, lúc đó chúng tôi sẽ đem, tự động, sẽ đem những cái chỗ khó đó ra, mặc dù bên đây tui không biết quí vị gạch với cái gì tui không cần biết, tui chỉ biết là tui liếc mắt vô mấy cái chỗ mà tui thấy cần giải thích thì tui sẽ dựa vào trong cái bản Pali, bản chú giải đó, tui giải thích chỗ đó cho bà con, nha. Còn đằng này quí vị cứ chăn êm nệm ấm nằm cái rồi lim dim lim dim nghe ổng giảng rồi ngủ luôn thì cái đó là thua, nha; hoặc là làm nguyên một cái dĩa đồ chua, xoài ngâm, cóc, mận gì đó, ngồi nhai xèm xẹp, xèm xẹp, xèm xẹp, vừa ăn vừa nghe ổng nói, chờ chầu chực coi ổng kể chuyện ma, chuyện tếu gì đó là thua, nha. Cái người Việt mình có nhiều kiểu nghe pháp thấy ghét lắm: "Rồi, không có là không có chi? Không có là không có chi? Không có ăn chua hay là không có sách?" Rồi, xong luôn.

Thì cái Tuệ ở đây là gì? Tín, tấn, niệm, định, tuệ. Tuệ ở đây là gì? Trong đây, Ngài ghi rõ tuệ ở đây có nghĩa là không có trí nào hơn được trí thấy cái tánh sanh diệt. Không có trí nào hơn được cái trí mà thấy được tánh sanh diệt của vạn hữu. Chính Ngài nói chứ hỏng phải là tui, dò ở dưới coi có đúng vậy không? Tức là cái trí gì hỏng cần biết; nhưng mà cái trí rốt ráo phải là cái trí thấy tánh sanh diệt. Là tại sao? Vì khi mình thấy mọi thứ nó chớp tắt, chớp tắt, chớp tắt, thiện ác gì, thiện cỡ nào cũng chớp tắt, chớp tắt, ác cỡ nào cũng chớp tắt, chớp tắt. Bốn thứ: thiện, ác, buồn, vui, cũng chớp tắt, chớp tắt. Thì lúc đó hành giả mới thấy rằng hễ cái gì vô thường thì cái đó là khổ. Khổ ở đây là sự thúc bách, thúc đẩy đó. Mà cái gì là khổ thì cái đó là vô ngã. Cái gì là khổ thì nó hỏng có đáng để mình đi tìm trong đó một cái tôi, một cái thằng tôi gì hết. Tất cả nó chỉ là đồ ráp, đồ tạm bợ thôi, nhớ nha.

Khi thấy như vậy thì hành giả mới buông, không còn nặng lòng để mà đi tìm cái mình thích và trốn chạy cái mình ghét. Vì sao? Vì khi mọi thứ chỉ là chớp tắt thì làm gì có cái để mà mình thích, làm gì có cái để mà mình ghét; mà nếu không có cái để thích, để ghét thì làm gì có chuyện kiếm tìm hay là trốn chạy, quí vị hiểu chưa?

Cho nên cái chuyện chớp tắt nó quan trọng lắm. Khi mà thấy mọi thứ chỉ là chớp tắt, chớp tắt - hay nói một cách khác, khi ta đã trưởng thành ta không còn mê đồ chơi của con nít nữa - thì ta sẽ không còn phải đổ một giọt mồ hôi, một giọt nước mắt nào cho những món đồ chơi ấy nữa. Ta không còn vui khi được ai đó cho món quà đó và ta cũng không biết buồn khi ai đó làm hư hoặc làm mất đi món đồ đó. Tại vì ta đã trưởng thành, ta không còn chơi cái đồ chơi của con nít nữa. Ta sẽ không còn phải đổ mồ hôi để kiếm tìm, không còn phải đổ một giọt lệ khi nó bị mất, hiểu chưa? Các vị hiểu chỗ này hông ta? Đó, vấn đề, đừng có thấy cái tánh sanh diệt mà coi thường, cái đó nó quan trọng lắm. Khi mà vị ấy sống trong cái trí mà quan sát cái tánh sanh diệt, thấy đây là thiện nè, đây là ác nè, thấy cái thiện đang mất, thấy nó có nghĩa là nó đã mất rồi, thấy nó là nó đã mất rồi, cho nên trên mặt ngôn ngữ mình thấy là nó đang có mặt, thật ra nói cho chính xác là khi mình thấy cái tâm tham là nó vừa biến mất. Vì sao? Vì không thể cùng lúc có hai cái tâm. Cái tâm quan sát luôn luôn là tâm thiện, cái tâm mà quan sát, cái tâm mà tâm ghi nhận, cái tâm đó luôn luôn là tâm thiện, nha. Rồi, cho nên là hễ khi mà tâm thiện mà nó nhìn thấy được tâm tham nghĩa là tâm tham nó đã mất đi rồi. Bởi vì mỗi lúc nó chỉ có một cái tâm nó có mặt thôi, quí vị nhớ cái này.

Cho nên, gọi là thiền Tứ Niệm Xứ là sống trong hiện tại, thật ra là sống trong cái quá khứ gần; nếu mà nói rốt ráo theo A Tỳ Đàm là quá khứ gần; còn nói theo thời gian vật lý, thời gian của thế thường, thời gian của phàm phu thì đúng là hiện tại. Đúng, theo thời gian vật lý, thời gian đồng hồ thì đúng đó, nhưng mà nói theo rốt ráo cái bản chất đệ nhất tất đàn, nói theo chân đế đó, thì khi ta thấy nó thì nó đã không còn nữa.

Sư Giác Nguyên giảng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét