Thứ Năm, 1 tháng 4, 2021

Chí thiện



Chí Thiện

'Ác' gồm có hai: Một là cái xấu cần phải trừ bỏ và hai là sự giậm chân trong cái thiện. Giậm chân trong cái thiện cũng là cái ác rồi. Và ở trong ba cái hành, cái Phi Phúc Hành là cái cần phải bỏ nhưng mà mình còn kẹt trong hai cái sau. Rồi quý vị hỏi tôi một câu nữa "Ủa, tôi thấy trong Phúc Hành là mấy cái thiện không mà tại sao mình phải vượt qua?" Phải vượt qua là vì mình vẫn tiếp tục hành thiện nhưng không cầu quả nhân thiên. Giờ tôi ôn lại mấy bài cũ rích. Có ba nhóm. Nhóm Một: Chưa biết Đạo là mình chỉ trốn khổ, tìm vui. Nhóm Hai: Biết Đạo rồi chỉ làm lành lánh dữ, nhưng mà cũng để trốn khổ tìm vui. Hồi trước mình trốn khổ tìm vui bất chấp thiện ác. Bây giờ mình trốn khổ tìm vui bằng cách làm lành lánh dữ. Nghe nó sang hơn nhóm một, đúng không?

Nhóm Một nó nhậu rồi nó lái xe về. Còn nhóm Hai nó nhậu xong nó kêu Uber về. Nó sang hơn nhóm Một nhưng hai nhóm này nó giống nhau ở chỗ đứa nào về cũng quắt cần câu, đêm nào nó cũng xỉn và cuối cùng đứa nào cùng bị bệnh gan hết. Chính vì cái chỗ này mà Đức Phật nói "Không được. Dầu cho tự lái hay người khác chở đều không nên nhậu!" Nhưng mà nó khổ thế này. Nhậu thì mình có thể bỏ hẳn được nhưng công đức làm sao bỏ đây?

Vì vậy mình phải chuyển cái lý tưởng hành động. Không phải những người nào mê tiền đều xấu. Có người họ cắm đầu vô tiền chỉ vì họ mê tiền, họ mê cảm giác le lưỡi đếm tiền, họ mê cảm giác gục mặt vô statement mỗi tháng xem coi nó vô bao nhiêu ra bao nhiêu. Nhưng có nhiều người họ cần tiền để họ làm cái việc hữu ích cho xã hội. Nó khác nhau. Hạng thứ nhất là trốn khổ tìm vui bất chấp thiện ác. Hạng thứ hai trốn khổ tìm vui bằng cách làm lành lánh dữ, cũng chỉ để trốn khổ tìm vui. Hạng thứ ba, tiếp tục làm lành lánh dữ nhưng không phải trốn khổ tìm vui mà là để dứt điểm thiện ác, buồn vui.

Như vậy, 'Ác' có hai: Một là cái mình cần phải trừ bỏ nó và Hai là những cái cần phải vượt qua. Cái cần phải vượt qua là sự giậm chân trong cái thiện.

Có những đứa nó không chịu đi học, nó sợ tới trường. Có đứa nó thích tới trường, trường tan nó không muốn về vì nó tiếp tục muốn ở trong đó, nó đá banh trong đó. Hồi xưa ba má thấy nó lêu lỏng không thích tới trường, năn nỉ nó đi học. Bây giờ nó thích tới trường. Đúng, bây giờ nó không rời sân trường vì nó ở lại nó đá banh. Sau này nó khá hơn chút, nó không đá banh nữa, nhưng tan giờ học nó lên thư viện nó ở hoài. Rồi phát hiện ra nó đang cặp bồ ở trỏng. Cuối cùng phải chọn cách tốt nhất là nó ở lại trường để nó học. Còn không nó phải về nhà để tiếp tục học hoặc nó giúp việc nhà cho má nó. Cái đó mới tốt. Chứ còn một là nó lêu lỏng không đến trường cũng là chuyện không nên. Nó ở lại trường chỉ để đá banh cũng không nên. Nó ở lại thư viện để tiếp tục trai gái cũng không nên.

Thì ở đây cũng vậy, chưa là Thánh thì mình phải tiếp tục luân hồi, chưa là Thánh thì mình phải tiếp tục làm thiện lánh ác. Nhưng mà làm thiện lánh ác với tinh thần của một người cầu giải thoát. Người không biết Đạo nhiều người ta làm lành lánh dữ để trốn khổ tìm vui. Còn mình làm lành lánh dữ để không còn thiện ác, buồn vui. Mặc dù mình cũng đang làm lành lánh dữ nhưng mà mục đích của mình là để mai này không còn cái chuyện thiện ác nữa. Tôi cố ý tôi nói hoài, tôi nói đến chừng nào quý vị có thể chán, có thể nhàm. "Tại sao ổng cứ nhắc tới nhắc lui mấy cái này!". Bởi vì khi các vị đã thấm được cái này rồi thì nó vững vàng. Cứ nhớ ác cần phải tránh, thiện cần phải làm, nhưng quan trọng là mình hành thiện tránh ác bằng lý tưởng gì. Tránh ác hành thiện là một cái chuyện đẹp nhưng mà bằng lý tưởng gì lại là chuyện khác. Giống như đứa bé nó tan trường mà nó ở lại trường, phải coi nó ở lại trường làm cái gì. Có biết bao nhiêu chuyện tình xảy ra ở thư viện trường. Cái Starbucks là cái chỗ người ta dừng lại giải khát, chỗ người ta bàn bạc công việc, chỗ sinh viên vào đó làm bài mà cũng là bao nhiêu cuộc tình nảy nở từ Starbucks. Cho nên thấy tôi vào trong đó đừng nghĩ tôi hẹn với ai, tôi chỉ uống nước thôi.

Cái 'Ác' nó gồm có hai thì cái 'Thiện' nó cũng gồm có hai. Cái thiện thứ nhất là những điều lành ta cần phải trau dồi. Bởi nhờ nó ta bỏ được cái ác. Đó là trí tuệ, từ bi, kham nhẫn, chánh niệm, thiền định. Cái thiện thứ hai là sự lìa bỏ các thiện ác, gọi là chí thiện. Các vị hỏi tôi ở kinh nào? Từ A Tỳ Đàm đến Tương Ưng Bộ kinh Đức Phật đều nhìn nhận như vậy. "Này các tỳ kheo, giống như phân người, dầu nó là một đống hay chỉ là miếng phân nhỏ dính ở đầu tăm xỉa răng thì nó đều đáng gớm giống nhau". Quý vị có hiểu không? Có muốn thử không? Dích một miếng bỏ vô miệng coi ... nó gớm như nhau. Nhiều khi nói tôi nói mất vệ sinh nhưng phải nói vậy bà con mới thấm. Chứ bà con nói "Sư nói con không đồng ý, một kí khác một gram". Cái đó tùy chuyện, tùy cái. Nhưng phân người tôi thấy một kí với một gram nó giống nhau. Không tin chiều nay mình thử móc một miếng bỏ vô tô phở coi có ăn nổi không. Không cần tới một kí mấy gram cũng đủ sợ rồi. Đừng lúc nào cũng đem mấy con số ra nói. Trật lất.

Như chuyện cái bà đó bả hỏi "Anh nói thiệt với tôi đi. Anh đi với con nhỏ đó mấy lần rồi? Ít nhất là phải cả chục lần?" - "Không, có hai đêm à!". Các vị nghĩ bao nhiêu đó đủ để ly dị chưa?

Rồi chuyện cái ông đó ổng đang hấp hối. Ổng nói với bà vợ "Anh đi lúc này anh không có đành, em đẹp quá đi, nhiều thằng nó theo đuổi em. Mà trước khi anh chết anh muốn biết một chuyện thôi. Em đã phản bội anh bao nhiêu lần rồi? Anh biết bao nhiêu lần anh đi nhắm mắt xuôi tay thanh thản!". Bả sụt sùi "Thôi tới nước non này giấu làm chi! Mỗi lần em ngủ với thằng nào, em có giữ lại một hạt đậu để lưu niệm." - "Giờ mấy hột đậu đó đâu rồi?" - "Em nấu chè hết rồi!". Nhiều đến mức đủ cho bả nấu chè! Thí dụ như vậy. Chỉ cần năm hột là đã đủ để nhảy lầu rồi huống gì đủ để nấu chè.

Nhắc lại. Thiện có hai. Một là những hạnh lành mà mình cần phải trau dồi, cần phải có được, cần phải sở hữu. Trong vô số kiếp luân hồi mình chỉ biết được mỗi cái thiện này thôi. Đó là những hạnh lành, những công đức, những phước báu. Mình không biết được cái thiện thứ hai. Thiện thứ hai là khả năng lìa bỏ thiện ác; được gọi là chí thiện. Vì sao? Là vì ở cái thiện một ta còn có cơ hội quay lại với cái ác. Còn ở cái thiện thứ hai ta hoàn toàn không còn cơ hội quay lại nữa. Có người thắc mắc "Sư nói trong kinh nào vậy Sư?". Dạ, trong A Tỳ Đàm Đức Phật ngài nói trong tạng kinh "Dầu một miếng phân người nhỏ xíu trên đầu tăm xỉa răng nó cũng đáng gớm như một đống phân vậy. Ta nói rằng chỉ còn một chút xíu hiện hữu trên đời này dầu vi tế cấp mấy thì ta cũng nói rằng nó đáng gớm, đáng sợ như một miếng phân vậy." Đó là A Tỳ Đàm nói. Còn bên Tạng A Tỳ Đàm thì nói thế này "Khi mình còn thích trong cái thiện là mình còn cơ hội quay lại cõi nhân thiên". Và khi mình còn quay lại cõi nhân thiên thì mình còn cơ hội ác nữa không? Còn chứ! Như vậy cái thiện này là cái thiện đóng kịch thôi, đúng không? Thiện này là thiện diễn thôi, thiện giai đoạn thôi. Cũng giống như hai cái đám nhậu hồi nãy. Đám thứ nhất nó nhậu rồi nó tự lái xe về. Một là tự gây tai nạn, hai là bị cảnh sát bắt. Còn đám thứ hai nó khôn hơn. Lần nào nó đi nhậu cũng kêu Uber về. Nhưng mà suy cho cùng tôi thấy hai cái hạng này không có hạng nào xài được hết.

Bây giờ mới hiểu vì sao Phật dạy một đống phân hay là một miếng phân đều đáng gớm. Chỉ cần mình còn là phàm một kiếp thôi, cho dù có sanh lên cõi Phi Tưởng Phi Phi Tưởng, thì sống hết cái kiếp đó rồi thì chỉ có trời biết.

Trích bài giảng Thiện Ác
Kalama xin tri ân bạn hongha7711 ghi chép


Hành có ba loại:

  1. phúc hành cho kết quả tốt (thiền hữu sắc và những thiện nghiệp cho quả trong cõi dục được liệt vào phúc hành),
  2. phi phúc hành cho kết quả xấu, và
  3. bất động hành dẫn đến các tầng thiền vô sắc (vì theo nghĩa đen đó là tầng thiền bất động).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét