Chánh Niệm và Tỉnh Giác
Thất niệm đây có nghĩa là sống không có tỉnh thức. Chữ "tỉnh thức" cũng hơi mơ hồ. Thường thì chữ "chánh niệm" được định nghĩa là tỉnh thức, nhưng mà thất niệm đây có nghĩa là mình không có biết rõ mình đang hoạt động, đang sống ra sao. Thì đó gọi là thất niệm. Thí dụ như "hít thở trong sự thất niệm" nghĩa là mình không có biết rằng mình đang thở ra, đang thở vào. Nói xa hơn tí nữa là mình không biết rằng mình đang thở ra, thở vào với cái cảm giác gì, với tâm trạng gì. Đó gọi là thất niệm ở trong hơi thở. Thất niệm trong tư thế sinh hoạt nghĩa là mình đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, uống, nhai, nuốt, tắm rửa, co duỗi mà mình không biết. Tức là tay làm việc này nhưng cái đầu lại nghĩ chuyện khác. Đó gọi là thất niệm, là không có chánh niệm. Chánh niệm đây có nghĩa là mình làm cái gì mình biết cái nấy một cách cẩn trọng, chính xác và trong sự nhận biết.
Chữ sati (pali) tôi thích dịch là "nhận biết" hơn. Chứ còn chữ "tỉnh thức" nghe rất là mơ hồ. "Nhận biết" là luôn luôn có sự nhận biết đầy đủ, chính xác về những gì đang diễn ra trong thân và tâm của mình. Tùy trường hợp. Khi tu tập thọ quán niệm xứ thì mình biết rõ cái cảm giác gì nó đang có mặt ở thân hay là trong tâm của mình. Còn tâm quán niệm xứ thì mình biết rất rõ là mình đang sống trong tâm trạng nào. Tham hay sân hay là bủn xỉn, hay là ganh tị, tật đố, mình biết rất là rõ. Còn thất niệm ở đây là không được như vậy. Có nghĩa là mọi hoạt động của thân và của tâm không được nhận biết một cách chính xác, một cách đầy đủ.
Nhiều lần và rất nhiều lần tôi nói về pháp môn Tứ niệm xứ. Bắt đầu pháp môn Tứ niệm xứ chỉ là sống chánh niệm thôi, không có quán chiếu danh sắc gì hết. Chỉ sống chánh niệm. Nhưng mà trước khi bắt tay vào công phu niệm xứ, quý vị làm ơn học giáo lý dùm tôi. Giáo lý căn bản thôi.
Phải học giáo lý. Chứ còn nói sống chánh niệm mà không có giáo lý là không được. Phải có học giáo lý. Biết thế nào là 5 uẩn, thế nào là các thọ, thế nào là 12 xứ. Biết 6 căn, 6 trần là cái gì. Phải nắm cái đó. Biết 14 cái phiền não là gì. Biết 25 cái thiện pháp là cái gì.
Cấu tạo của tâm bất thiện là gì? Là thức. Tức là cái biết đơn giản, cộng với 13 tâm sở trung tính không thiện ác cộng với 14 tâm sở tiêu cực. Tâm sở đây là thành tố tâm lý. Như vậy thì để cấu tạo nên một tâm thiện thì nó gồm có cái biết đơn giản, cái biết của tâm, bản chất của tâm nó không thiện ác gì hết.
Cái biết của tâm cộng với 13 tâm sở trung tính, tức là 13 tâm tố bắt buộc phải có trong tất cả tâm thiện ác, rồi cộng với 14 tâm sở bất thiện, tức là 14 tâm sở tiêu cực. Thì 1+13+14 nó thành ra là tâm ác.
Còn cái cấu trúc của tâm thiện là tâm, là cái biết đơn giản cộng với 13 tâm sở trung tính cộng với 25 tâm sở tích cực thì nó thành ra 1+13+25 tâm thiện.
Đại khái học giáo lý là học cái đó. Là học cấu trúc của tâm thiện, tâm ác. Rồi mới biết rằng trong mỗi tâm thiện tâm ác nó có bao nhiêu thành tố tâm lý, có nghĩa là một tâm vậy có bao nhiêu tâm sở. Còn nói theo ngôn ngữ ngoài đời tức là trong mỗi một cái biết của ý thức nó có bao nhiêu thành tố tâm lý đi cùng. Cái đó rất là quan trọng.
Cũng giống như mình biết đại khái cái chén nước mà mình uống vào nó có hại cho bao tử hay không? Vì sao? Trong đó nó có gì? Trong đó nó có đường, nó có muối, nó có chất chua hay sao đó, đại khái mình phải biết. Chứ còn mình cứ nhắm mắt nhắm mũi; đói là cứ dọng vô, khát là cứ dọng vô; là không được. Thí dụ như một người có tí hiểu biết, họ sợ uống coke, coca lắm. Họ sợ lắm, bởi vì họ biết trong đó nó có nhiều độc tố hại cho cơ thể, uống thì rất là ngon và rất là dễ gây nghiện, nhưng mà coca cola nó độc kinh khủng lắm quí vị có biết không? Thí dụ như những cái chum, lọ mà nó bị cái này cái kia đóng cặn lâu ngày, quí vị bỏ vô ngâm thì nó sạch ra. Và các vị có biết một chuyện nghe rất là ê chề đó là cái bồn cầu mình đi đại tiện mỗi ngày, bồn cầu đó nếu mà nó đóng cái này cái kia, đóng vàng chùi không có ra, các vị cứ khui cái lon coca các vị đổ vô trong đó ngâm một lát, chừng một tiếng đồng hồ là quí vị rửa chùi là đã lắm. Thì mình thấy rõ ràng là trong cái lon coca nó độc dữ lắm. Chính vì mình biết như vậy đó cho nên mình mới có thể kiêng không tiếp tục uống coca nữa. Và chưa hết, mấy cái loại nước có gas nó không có tốt cho cơ thể. Trước mắt là nó có hại cho răng, cho bao tử. Uống nước đá là có hại cho răng, cho bao tử; còn uống nước có chất gas là nó hại tùm lum trong cơ thể mình, có thể hại cho xương nữa.
Cho nên khi mình biết được cái cơ cấu, cái nội dung, cái phẩm chất của mọi sự thì cái đời sống mình sẽ an toàn hơn, đại khái vậy thôi, chỉ vậy thôi. Mình biết rõ cái cơ cấu của tâm thức, biết cái đó là bất thiện, cái đó là thiện trong những gì mình phát biểu. Trong những gì mình hành động cũng vậy, mình cũng biết cái này nó có hại, cái kia nó có hại. Biết như vậy thì mình được sống an toàn, mà an toàn nó kéo theo an lạc, có an toàn mới có an lạc. Cái an lạc mà nó không được an toàn thì an lạc đó nó vừa không bền mà nó vừa nguy hiểm. Cho nên thất niệm nó lớn chuyện lắm.
Tiếp theo đó là không tỉnh giác. Thất niệm ở đây là không có khả năng chánh niệm liên tục, còn tỉnh giác là khả năng sinh hoạt trong chánh niệm. Các vị xem ở trong kinh Tứ niệm xứ thì mình thấy rõ ràng có trường hợp như kinh này nè:
Chánh niệm chỉ cho sự tỉnh thức, nhận biết trong tâm;
Tỉnh giác ở đây là sự nhận biết trong từng sinh hoạt vật lý.
Thất niệm là vậy, không tỉnh giác là vậy đó.
Xem kinh Sa môn quả của Trường bộ là một, xem thêm kinh Đại niệm xứ ở trong Trung bộ và trong Trường bộ là hai. Coi hai bài niệm xứ đó, thì trong đó định nghĩa như vậy đó.
Thì thất niệm ở đây được hiểu là sự nhận biết ở trong tâm thức. Mặc dù khi mà chữ thất niệm đi một mình nó chỉ cho cả sinh hoạt thân và tâm. Nhưng trong bài kinh này thì cái thất niệm chỉ cho sự thiếu nhận biết trong tâm pháp.
Còn cái tỉnh giác ở đây là sự thất niệm ở trong sinh hoạt của tay chân, của đời sống sinh lý. Thí dụ như mình đi, đứng, nằm, ngồi mà có nhận biết, trong trường hợp đó chánh niệm và tỉnh giác được tách đôi ra.
Kinh Sa môn quả - Trường bộ: 65. Ðại vương, thế nào là Tỷ-kheo chánh niệm tỉnh giác? Ðại vương, ở đây, Tỷ-kheo khi đi tới, khi đi lui đều tỉnh giác; khi nhìn thẳng, khi nhìn quanh đều tỉnh giác; khi co tay, khi duỗi tay đều tỉnh giác; khi mang y kép, bình bát, thượng y đều tỉnh giác, khi ăn, uống, nhai, nuốt đều tỉnh giác; khi đi đại tiện, tiểu tiện đều tỉnh giác; khi đi, đứng, ngồi, nằm, thức, nói, yên lặng đều tỉnh giác. Như vậy, này Ðại vương, Tỷ-kheo chánh niệm tỉnh giác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét