XUẤT GIA
Không nên mật thiết với người thân.Không bao giờ mật thiết với người mình không thích.Xa lìa người thân và chạm mặt với người không thích đều là phiền não.PHÁP CÚ KINH
Những tư tưởng về "Ta" và "Của Ta" là nguyên nhân của tất cả sự ưa thích và oán ghét. Ta có thể nghĩ rất tốt về một người, vì đức hạnh cao quý của người ấy, và có những ý nghĩ xấu xa về người khác vì các tệ đoan của họ. Nhưng ta không thể thương yêu người này hay oán ghét người kia nếu không tiếp xúc với họ. Khi xa lìa người thân yêu, ta cảm thấy như mất một cái gì. Khi bị bắt buộc phải chung sống với người mà ta ghét thì ta cảm thấy khó chịu. Cả hai cảm giác (thọ) đều là phiền não.
Ðức Phật thấy rằng các cảm giác ấy phát sinh từ ảo kiến về cái "Ta" và được kích thích do sự tiếp xúc bản thân. Cái khái niệm về bản ngã là một yếu tố không thay đổi và tồn tại đến chừng nào ta nhận ra thực tướng của vạn hữu. Trong những bước đầu tiên trên con đường Giác Ngộ, dầu ta có tự hào là đã diệt được cái khái niệm sai lầm ấy cũng vô ích. Vậy ta hãy chấp nhận nó và ứng phó với những tiếp xúc bản thân, làm cho sự va chạm càng nhẹ càng hay.
Sự kết hợp mật thiết với người thân yêu, cũng như với người mình oán ghét, là nguyên nhân của sự khổ. Ðàng khác, sự lánh xa có khuynh hướng làm nhẹ bớt mức độ của những cảm xúc ấy và do đó, giảm phần khổ não. Ðó là lời dạy của Ðức Phật, rõ ràng, minh bạch và không thể lầm lẫn. Mỗi người chúng ta đều có đủ tự do để chọn lối sống cho ta. Có thể có người chỉ trích rằng lời dạy của Ðức Phật là lạnh nhạt và vô nhân đạo. Người ta có thể nói: "Thà đã có thương yêu rồi mất còn hơn là không có thương gì hết". Những người ấy có đủ tự do để thương yêu rồi mất, bao nhiêu lần cũng được, trong đời sống hiện tại và trong các kiếp sống tương lai, đến chừng nào họ nhận định rằng họ đang làm những việc điên cuồng. Cũng có kẻ lấy làm hãnh diện thấy mình oán ghét nhiều người. Những người này cũng vậy, có đủ tự do để tiếp tục cuộc hành trình trên con đường của họ, đến khi nào hoàn cảnh đau thương tấp nập tới, dạy cho họ biết rằng người có tật ưa oán ghét làm hại mình nhiều hơn là người mình ghét.
Có rất ít, thật là ít người hưởng ứng mạnh mẽ lời kêu gọi của Ðức Phật. Họ là những người trưởng thành, những lữ khách quen thuộc từ bao giờ trong vòng luân hồi, những người đã quá chán chê với mọi cảm xúc thương và ghét. Họ đã bắt đầu cảm thấy rằng muốn đạt tự do phải ra đi, lánh xa. Ðó là những người mà Ðức Phật muốn nhắn nhủ. Những người khác chỉ tình cờ có mặt để nghe những lời vàng ngọc ấy, nhưng họ nghe bằng tai, không phải bằng tấm lòng.
Ta có thể nói rằng hành động như vậy là ích kỷ không? Chắc chắn là không, vì đó là lối sống dẫn đến sự diệt kỷ. Kết hợp mật thiết với người khác không phải là vị tha. Ðó là loại phân bón để bồi bổ cái cây "Ta", giúp cho cây chóng to và trổ quả sum suê, những quả khổ của đời sống. Lánh xa thì trái ngược lại. Lánh xa là loại phân bón để bồi bổ cái cây "Trí Tuệ", giúp cho nó chóng to và trổ quá sum sê, quả Giác Ngộ.
Ta không nên lầm lẫn, mải mê trong ảo tưởng. Cái thế gian mà ta sống đây được xây dựng trên khái niệm sai lạc về cái "Ta". Ðức Phật dạy nên diệt bỏ khái niệm ấy. Tất cả những sinh hoạt của thế gian, tất cả những lợi lộc của thế gian đều dính liền với ý niệm căn bản ấy. Người nào từ khước lối sống của phần đông bị coi là phản xã hội. Lánh xa là từ khước lối sống của phần đông. Người trí tuệ có cần phải đổi thái độ không?
-ooOoo-
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét