Thứ Tư, 13 tháng 1, 2021

Minh sát diễn giải-Vipassanā Dīpanī (phần 1)

 

Minh sát diễn giải-Vipassanā Dīpanī (phần 1)

Tác giả: Trưởng lão Ledi Sayadaw, Aggamahāpaṇḍita, D. Litt.
Anh ngữ: U Nyana, Patamagyaw của tự viện Masoeyein, Mandalay.
Tathāpañña dịch Việt
Tỳ kheo Chánh Minh hiệu đính


Lời nói đầu.

Nhận được bản dịch “Vipassanā dīpanī” của Phật tử Tathāpañña với mỹ ý tùy nghi sử dụng.

Đây là một trong những bài giảng của Đức Ngài Ledi Sayadaw, Đức Unyana chuyển sang Anh ngữ một số bài giảng của Đức Ledi Sayadaw, thành một tập với tựa đề là: The Manuals of Dhamma. Bản Việt dịch này được dịch từ bản Anh ngữ ấy.

Khi đọc bản Việt dịch,  chúng tôi nhận được rất nhiều lợi ích qua bài thuyết giảng của Đức Ledi Sayadaw, bậc Đại thượng trí (Aggamahāpaṇḍita). Cung kỉnh tri ân Đức Ngài Ledi Sayadaw, xin tán thán công hạnh của Phật tử Tathāpaññā.

Xin được góp chút ít công vào vào thiện nghiệp này, chúng tôi cố gắng hiệu đính bản Việt dịch, đồng thời có trích dẫn và phụ chú thêm để làm nỗi bật ý chính trong bài giảng đầy súc tích của Đức Ngài Ledi Sayadaw.

Mục đích là: Để người đọc nắm bắt được nghĩa lý thâm sâu, vi diệu của Giáo pháp Đức Phật. Nội dung chính của bài thuyết giảng, chúng tôi triệt để tôn trọng vì đó là dưỡng tố đặc biệt nuôi dưỡng cho trí tuệ được sung mãn.

Văn phong của Đức Ngài Ledi Sayadaw rất đặc biệt, Ngài thường dùng nhiều từ ngữ Pāli đồng nghĩa để diễn đạt một ý tưởng, với đọc giả chưa làm quen với thuật ngữ Pāli, sẽ khó nắm bắt ý nghĩa của Giáo pháp, chúng tôi tạm dịch ra với những từ ngữ “mộc mạc”  để người đọc dễ hiểu, nhưng vẫn đính kèm những thuật ngữ Phật học quen thuộc, ví dụ như pañcakkhandha, chúng tôi dịch là năm nhóm – ngũ uẩn”; lokiyasacca là “sự thật thế gian – tục đế… Do vậy, nếu có sơ thất xin các bậc cao minh rộng dung.

Ý chính trong tác phẩm này, Đức Ngài Ledi Sayadaw giảng về “khái niệm thiền minh sát”, nhưng để cho sự thực hành Minh sát có hiệu quả cao, Đức Ngài nói về tà kiến và chánh kiến theo hai phương thức “theo sự thật thế gian – tục đế” và “theo sự thật cùng tột – chân đế”.

Đây là phương thức đi từ phàm sang Thánh. Muốn diệt trừ tà kiến, trước tiên phải hiểu rõ về tà kiến, những dạng thức của nó, sau đó tiến hành Minh sát một trong ba tướng: Vô thường, khổ, vô ngã, để diệt trừ tà kiến.

Tuy tà kiến có nhiều dạng sai khác, nhưng chung quy chúng vẫn có nguồn gốc sinh khởi, Đức Ledi chỉ ra nguồn gốc ấy, Ngài không mô tả những dạng tà kiến, Ngài chỉ nêu ra loại tà kiến cơ bản nhất và nguồn gốc của chúng.

Khi loại trừ được chúng thì tạm thời chánh kiến sinh lên, một khi nhỗ tận gốc chúng bằng pháp Minh sát thì vị ấy thật sự “chuyển phàm sang Thánh”.

Càng đi sâu vào chân pháp thì những thuật ngữ luận AtỳĐàm (abhidhamma) được dùng rộng rải; những đọc giả có tham khảo hay có trình độ căn bản về Luận Atỳđàm sẽ dễ dàng nắm bắt ý nghĩa thực tại. Tuy nhiên, cũng không quá khó đối với đọc giả chưa nắm bắt thuật ngữ Atỳđàm, chỉ có điều là “đừng nên đọc lướt qua”, hãy đọc một cách chậm rải sẽ thâu nhận được nhiều lợi ích.
Chúng tôi hy vọng “người hữu duyên” khi đọc được dịch phẩm, sẽ bừng mở “đôi mắt tuệ”, sẽ nhận được hương vị đặc biệt của Giáo pháp qua lời giảng của Đức Ngài Ledi Sayadaw, bậc Đại thượng trí.

Ước mong các bậc hữu trí có duyên lành sẽ thành tựu địa vị bậc Thánh siêu phàm trong hiện tại này.

Một lần nữa, chúng tôi kính đê đầu đảnh lễ Đức Ngài Ledi Sayadaw bậc Đại thượng trí, và xin tán thán công hạnh của Phật tử Tathāpaññā.

Lành thay, lành thay!
Tỳkhưu Chánh Minh.



MINH SÁT diễn giải.
(Vipassanā Dīpanī)

1- Ba Vipallāsa (đảo ngược).
Nghĩa thông thường của vipallāsa là “quấy rối”, “dùng không đúng”, nhưng nghĩa đặc biệt của vipallāsa là “đánh lừa”, “lầm lạc”, hay “đảo ngược” (cho  đúng là sai, sai là đúng).
Có ba loại  đảo ngược (vipallāsa):
  • - Nhớ đảo ngược (saññāvipallāsa).
  • - Nghĩ đảo ngược (cittavipallāsa).
  • - Thấy đảo ngược (diṭṭhivipallāsa).
Các pháp hữu vi (sankhāradhammā) có bốn đặc tính là:
  • - Không thường hằng (anicca – vô thường).
  • - Khổ (dukkha).
  • - Không trong sạch (asubha – bất tịnh).
  • - Không có cái TA (anatta – vô ngã).
Gọi là “đảo ngược” vì:
  • – Các pháp hữu vi không thường hằng, cho là thường hằng.
  • – Các pháp hữu vi là khổ cho là lạc.
  • – Các pháp hữu vi không trong sạch cho là trong sạch.
  • – Các pháp không có “ta”, cho là “có ta” ([1]). 
Đức Phật có dạy:

“Cattārome bikkhave, saññāvipallāsā cittavipallāsā diṭṭhi vipallāsā. Katame cattāro
Này các Tỳ khưu, có bốn nhớ đảo ngược, nghĩ đảo ngược, thấy đảo ngược này. Thế nào là bốn?
“Anicce, bhikkhave, niccanti saññāvipallāso cittavipallāso diṭṭhivipallāso;
Trong không thường, cho là thường, này các Tỳkhưu, đó là nhớ đảo ngược, nghĩ đảo ngược, thấy đảo ngược.
“Dukkhe, bhikkhave, sukhanti saññāvipallāso cittavipallāso diṭṭhivipallāso;
Trong khổ cho là lạc, này các Tỳkhưu, đó là nhớ đảo ngược, nghĩ đảo ngược, thấy đảo ngược.
“Anattani, bbikkhave, attāti saññāvipallāso cittavipallāso diṭṭhivipallāso;
Trong không có ta cho là “có ta”, này các Tỳkhưu, đó là nhớ đảo ngược, nghĩ đảo ngược, thấy đảo ngược.
“Asubhe, bhikkhave, subhanti saññāvipallāso cittavipallāso diṭṭhivipallāso.
Trong không trong sạch, cho là trong sạch, này các Tỳkhưu, đó là nhớ đảo ngược, nghĩ đảo ngược, thấy đảo ngược.
Ime kho, bhikkhave, cattāro saññāvipallāsā cittavipallāsā diṭṭhivipallāsā.
 “Này các Tỳkhưu có bốn nhớ đảo ngược, nghĩ đảo ngược, thấy đảo ngược” (Nd trích dẫn)([2]).

Như vậy, pháp đảo ngược (vipallāsa dhamma) này có 12 chi, tức là:

Ba pháp nghịch đảo của vô thường (aniccavipallāsa) là:
  • – Vô thường tưởng là thường (anicce niccanti saññāvipallāso).
  • – Vô thường nghĩ là thường (anicce niccanti cittavipallāso).
  • – Vô thường thấy là thường (anicce niccanti diṭṭhivipallāso).
Ba pháp nghịch đảo của khổ (dukkhavipallāsa) là:
  • – Khổ tưởng là lạc (dukkhe sukhanti saññāvipallāso).
  • – Khổ nghĩ là lạc (dukkhe sukhanti cittavipallaaso).
  • – Khổ thấy là lạc (dukkhe sukhanti diṭṭhivipallāso).
Ba pháp nghịch đảo của không trong sạch (asubhavipallāsa) là:
  • - Không trong sạch tưởng là trong sạch (asubhe sukhanti saññāvipallāso).
  • - Không trong sạch nghĩ là trong sạch (asubhe sukhanti cittavipallāso).
  • - Không trong sạch thấy là trong sạch (asubhe sukhanti diṭṭhivipallāso).
Ba pháp nghịch đảo của “không có ta” (anattavipallāsa) là:
  • – Không có ta tưởng “có ta” (anattāni attāti saññāvipallāso).
  • – Không có ta nghĩ “có ta” (anattāni attāti cittavipallāso).
  • – Không có ta thấy “có ta” (anattāni attāti diṭṭhivipallāso).

Tất cả những nghịch đảo này đều xuất phát từ ý  nghĩ “đây là tôi, đây là của tôi”, hay “đây là linh hồn sống của tôi”, điều này sẽ được làm rõ ở phần sau.

Ba pháp đảo ngược (vipallāsadhammā) này có thể được minh họa bằng những ví dụ về hươu rừng, ảo thuật gia và đoàn người qua khu rừng.

Những ví dụ về 3 đảo ngược:

*- Nhớ đảo ngược (saññāvipallāsa) được minh họa qua ví dụ “con hươu rừng”.

Tại giữa khu rừng lớn, một gia chủ cày cấy một vùng đất, rồi gieo hạt lúa,  lúa mọc mầm xanh tốt. Khi người làm ruộng đi khỏi, hươu rừng đến ăn những mầm non của lúa; người làm ruộng làm một hình nộm giống như người, có đầu, tay, chân, cho mặc quần áo cũ, đặt ở giữa ruộng để  giữ ruộng. Hươu rừng theo thói quen đi đến ruộng để ăn những mầm non, đến gần  thấy hình nộm, nó cho đó là người thật, liền sợ hãi bỏ chạy.

Trong ví dụ này, những con hươu rừng thấy con người trước đó và ghi nhớ hình dáng của con người. Với sự nhớ lại (tưởng) trong hiện tại, chúng cho hình nộm là người thật. Do vậy, sự nhớ của hươu rừng là “nhớ sai lầm”.

Ở đây, câu chuyện về những con hươu rừng chỉ ra “nhớ đảo ngược”, rất rõ ràng và dễ hiểu. Con hươu rừng do “nhớ lại con người” rồi cho hình nộm “là người”.

Sự nhớ sai lầm này cũng được minh chứng trong trường hợp người lạc đường, người này nhớ rằng “con đường này mình đã từng đi qua”, nhưng thực tế là con đường khác, con đường y đang đi chỉ có “nét” giống con đường từng qua mà thôi; khi bị lạc y hoang mang không thể chỉ ra được điểm chủ yếu, hoặc đi về hướng Đông hay hướng Tây, cho dù y có mắt thấy được mặt trời mọc và lặn.

Nếu mỗi lần có sai lầm trong tư tưởng thì chính sai lầm đó rất vững chắc và rất khó loại trừ.

Có rất nhiều điều chính chúng ta luôn nghĩ tưởng sai lầm, những nghĩ tưởng sai lầm ấy luôn đi ngược với sự thật “không bền vững (aniccā – vô thường)”, “không có cái ta (anatta – vô ngã)”…
Do vậy, qua sự “nhớ lại”, chúng ta nhận thức sự kiện một cách sai lầm, như những con hươu rừng coi hình nộm là người thật, thậm chí mắt chúng đang mở to khi nhìn thấy hình nộm.

*- Suy nghĩ đảo ngược (cittavipallāsa) được minh họa qua ví dụ “nhà ảo thuật”.

Một ảo thuật gia, cho mọi người nhìn thấy trong tay ông là nắm đất, phút chốc trở thành nắm vàng hay nắm bạc. Thật ra, ông đã nhanh chóng tráo nắm đất đi, nhưng tất cả mọi người chứng kiến đều có ý nghĩ  “nắm đất trở thành nắm vàng hay nắm bạc”, năng lực ảo thuật là lấy đi sự thấy bình thường của mọi người và thay vào đó loại thấy khác thường trong một thời gian ngắn, từ đó đã làm cho tâm suy nghĩ đảo ngược.

Ảo thuật gia đã làm cho người xem, có sự suy nghĩ sai lạc, cho rằng “đất biến thành vàng” với tất cả những tính chất của chúng là sáng lấp lánh, hay “đất biến thành bạc”… và họ đã “nghĩ sai lầm”.

Cũng vậy, vì tâm sinh diệt cực nhanh, như nhà ảo thuật([3]) nhanh tay đánh tráo vật, nên chúng ta thường có thói quen nghĩ “tâm là thường hằng”, để rồi dẫn đến những điều sai với sự thật, điều không đúng cho là đúng, điều đúng trở thành không đúng. Do vậy, chúng ta đã tự lừa dối mình.

Hoặc ví như người đi trong rừng vào ban đêm, thấy bóng dáng gốc cây kỳ lạ, nghĩ là ma quái;  hoặc khi thấy một bụi cây cho là “gặp voi rừng”, khi thấy voi rừng lại cho là “bụi cây”, gặp sợi dây leo rừng cho là con rắn, gặp con rắn lại cho là “dây leo rừng”….Những gì lọt vào trong khu vực thị giác dẫn đến nhận thức sai lầm, đó là do tác động của suy nghĩ đảo ngược, ngoài ra còn những cảnh bên ngoài  khác như âm thanh, mùi hương, vị ngon, sự cảm xúc êm dịu cũng dẫn đến suy nghĩ lầm lạc, cho rằng “chúng bền vững, chúng là hạnh phúc”. Thật ra, chúng luôn hoại diệt theo luật vô thường và cũng mang nhiều đau khổ.

Mặt khác, chính những ảo giác sâu thẳm ở bên trong (cảnh pháp – dhammārammaṇa – Nd) đã lừa dối chúng ta một cách tệ hại hơn so với sự nhận thức bên ngoài, khiến chúng ta lầm lạc lại càng lầm lạc, những gì xấu cho là tốt, những gì tốt cho là xấu, những gì sai cho là đúng, những gì đúng cho là sai như: “Nhận quả ác nghiệp lại cho là may mắn (như người bị mất trộm cho rằng “nhờ thế sinh mạng được an toàn”…), khi được nghiệp lành trổ quả thì cho là “được Thượng đế ban ân…”.

Tuy nhiên, do không có cội rễ chắc chắn nên nó có thể dễ dàng bị loại trừ bằng sự điều tra hay tìm ra nhân duyên của các pháp.

*- Thấy đảo ngược (diṭṭhivipallāsa) được minh họa qua ví dụ “đoàn người qua khu rừng”.

Có một khu rừng lớn có nhiều Atula (asura) trú ngụ. Một đoàn người phải băng qua khu rừng để đến thành phố an lạc, họ theo con đường chánh để xuyên rừng.
Nhóm Atula tạo ra những thành phố lộng lẫy như thành phố chư thiên, tạo ra những con đường xinh đẹp dẫn đến thành phố, tự chúng biến thành những thiên nam và thiên nữ; đồng thời chúng còn tạo ra những con đường lạc lối khác, dẫn đến những thành phố hoang vắng, để cho đoàn người xuyên rừng phải lạc lối.
Khi thấy những con đường xinh đẹp này, đoàn người xuyên rừng, có nhóm cho rằng “những con đường này sẽ đưa họ đến những thành phố tốt”; có nhóm không theo con đường xinh đẹp vì nghĩ: Trong rừng làm gì có con đường xinh đẹp như vầy”, nhưng họ lại theo con đường sai lạc khác.
Thế là, họ rời xa con đường đúng, theo con đường sai dẫn đến những thành phố của nhóm Atula, hay lạc trong rừng, để rồi họ phải mất mạng hay chịu đau khổ. Chỉ có số ít người đi theo con đường chánh, nhờ đó họ ra khỏi rừng.

Trong câu chuyện ngụ ngôn này, khu rừng lớn là chỉ cho tam giới: dục giới (kāmaloka), sắc giới (rūpaloka), vô sắc giới (arūpaloka).
Những người xuyên rừng chỉ cho chúng sinh trong tam giới, con đường đúng là chánh kiến (sammādiṭṭhi), con đường sai là tà kiến (micchādiṭṭhi).

Ở đây, chánh kiến có hai loại là chánh kiến thuộc về thế gian và chánh kiến thuộc về giải thoát.
  • Chánh kiến thuộc về thế gian: Là sự hiểu biết rằng: “Tất cả chúng sinh là có nghiệp là thai tạng([4]), mỗi nghiệp thiện hay bất thiện là tài sản của chính người đó tạo ra, nghiệp ấy đi theo người đó suốt quãng thời gian luân hồi”
  • Chánh kiến thuộc về giải thoát: Là sự nhận thức đúng đắn về nhân quả (hetuvipāka), nhóm (khandha-uẩn), xứ  (āyatana), giới (dhātu), sự thật (sacca) và không có ta  (anatta).

Trong hai loại chánh kiến này, chánh kiến thuộc về thế gian là con đường đúng cho vòng sanh hữu, dẫn đến các cõi vui trong tam giới (tức là những cõi người, chư thiên và phạm thiên) giống như những thành phố của những người tốt.

Chánh kiến thuộc về giải thoát là một trong những yếu tố dẫn đến giác ngộ, là con đường đúng để thoát ra khỏi vòng sinh tử, chứng đạt Nípbàn.
Thành phố an lạc ví như Nípbàn (nibbāna)([5]), thoát ra khỏi rừng ví như thoát ra khỏi tam giới, chấm dứt vòng sinh tử luân hồi.

*- Tà kiến: Là sự chối bỏ nhân và quả của thiện nghiệp cùng bất thiện nghiệp, chúng bao gồm ba loại tà kiến là:
  • - Phi hữu kiến (natthikadiṭṭhi).
  • - Vô nhân kiến (ahetukadiṭṭhi).
  • - Vô hành kiến (akiriyadiṭṭhi)([6]).
Con đường do Atula tạo ra ví như những tà kiến này, thành phố Atula ví như những khổ cảnh trong tương lai ([7]).

Những tà kiến “tự ngã”, “tôi”, “của tôi”, ví như con đường lạc lối, tuy không đau khổ khốc liệt như con đường dẫn đến thành phố Atula, chúng có thể dẫn đến cõi người, cõi chư thiên, cõi Phạm thiên, nhưng được ví như thành phố hoang vắng.

Một điều chắc chắn rằng, đoàn người xuyên rừng theo những con đường này, họ chỉ đi quanh quẩn trong rừng, ám chỉ mãi mãi chịu luân hồi, không thể thoát khỏi rừng.

Những tà kiến nói trên là những ảo giác, sâu thẳm và chắc chắn hơn cả suy nghĩ đảo ngược. Những tà kiến này rất tế nhị, khó thấy. Đức Phật có dạy:
“Micchādiṭṭhi, bhikkhave, paṭicchannā āvahati, no vivatā”.
“Này các Tỳkhưu, tà kiến được che dấu khi thực hành, không có hiển lộ”([8])


2- Ba Maññanā (ảo tưởng).

Maññanā có nghĩa là “sự tưởng tượng phong phú” hay “sự nhầm lẫn tệ hại”. Do sự tưởng tượng nên ảo giác sinh lên, do ảo giác sinh lên được tăng trưởng, càng làm cho khả năng tưởng tượng thêm phong phú và chúng trở thành “ảo tưởng”, như người tưởng tượng ra “những vật dụng biết nói, biết cười, biết di động, cây  cỏ có linh hồn…”.

Có ba loại  ảo tưởng:
  • Taṅhāmaññanā –  Ái ảo tưởng (sự tưởng tượng sinh lên do ái).
  • Mānamaññanā- Mạn ảo tưởng (sự tưởng tượng sinh lên do tự hào).
  • Diṭṭhimaññanā- Kiến ảo tưởng (sự tưởng tượng sinh lên do thấy).

a. Ái ảo tưởng: Là sự “dính mắc” đối với thân – tâm, nên tưởng tượng ra “có một cái tôi đang trú trong thân – tâm ”, từ đó dẫn đến “cái của tôi”, “không phải chính tôi”, “không phải của tôi”.

Sự thật, không có “cái tôi” nào cả, vì không có “tôi” nên không hề có “cái chính tôi”, cũng không hề có “cái của tôi”.

Loại ảo tưởng này gọi là “Ái ảo tưởng – taṅhāmaññanā”, là ảo tưởng do Ái sinh lên.
  • – “Cái tôi” có nơi thân này, người ấy cho là “chính tôi”.
  • – “Cái tôi” có nơi thân người khác, đó không phải là “chính tôi”.
  • – Những gì liên quan đến tôi là “của tôi”.
  • – Những gì không liên quan đến tôi,  là “không phải  của tôi”.

*- Đối với cảnh bên trong (ajjhattārammaṇa), Ái ảo tưởng làm phát sinh quan niệm “tôi" và "của tôi”. Như thế nào?

Do dính mắc với các đối tượng bên trong như: Thọ (vedanā), tưởng (saññā), hành (saṅkhārā), thức (viññāṇa), hay sắc thân (kāyarūpa), nên tưởng tượng ra “có cái tôi”, như “tôi suy nghĩ, tôi vui, tôi buồn, tôi tin tưởng…”. Khi một nhóm (khandha – uẩn) nào đó là tôi, thì các nhóm (uẩn) còn lại là “của tôi”, như “thân của tôi, trí của tôi, năng lực của tôi…”.

Nếu sắc là “tôi”; thì thọ, tưởng, hành, thức là “của tôi”, nếu thọ là tôi thì sắc, tưởng, hành, thức là của tôi…

*- Đối với cảnh bên ngoài, Ái ảo tưởng làm phát sinh “của tôi”, “không phải chính tôi”, “không phải của tôi”. Như thế nào?

Các đối tượng bên ngoài bao gồm những người thân như mẹ, cha, vợ, con, bạn bè … cùng những tài sản của người đó. Do dính mắc với các đối tượng này, nên người ấy có quan niệm “đây là của tôi”, như cha của tôi, vợ của tôi, con của tôi, tài sản của tôi …..

Chính những sinh vật sống bên ngoài như người thân, người không thân… đó là “không phải chính tôi”.

Các đối tượng bên ngoài còn bao gồm những người xa lạ, hay những tài sản vật chất của người khác, đối với những đối tượng này, người ấy có quan niệm “đó không phải là của tôi”.

Trạng thái tưởng tượng và  cách phân biệt do tưởng tượng như vậy, gọi là “sự tưởng tượng do Ái sinh lên”.

b. Mạn ảo tưởng: Là sự tưởng tượng do Mạn sinh lên, đó là sự tưởng tượng về “cái tôi” trở nên phong phú.

*- Đối với các đối tượng bên trong, khi được hỗ trợ bởi sự tốt đẹp (adhimāna) thì “cái tôi” trở thành “tôi là”, như “tôi là người tài giỏi, tôi là người khỏe nhất, tôi là bậc thông minh, tôi là người nhạy trí..”, làm nổi bật lên “tính tự hào”. Còn nếu là sự “không tốt hay xấu” thì: “tôi là người bình thường, tôi là người cô đơn, tôi là người nghèo, tôi là kẻ bất hạnh…”, nó làm nổi bật lên tính “tự  ti mặc cảm”.
Đối với “cái của tôi” cũng vậy, như “mắt của tôi là mắt con bò con, mũi của tôi là mũi lân ….hay “mắt tôi là mắt lươn, chồng tôi là kẻ bạc tình".

*- Đối với các đối tượng bên ngoài thì: vợ tôi là hoa khôi, con tôi là kim đồng, ngọc nữ, bạn tôi là bậc quyền thế, …”; hay “mắt tôi là mắt lươn, chồng  con tôi là đứa bất hiếu…”

Nói gọn, với các đối tượng bên trong hay bên ngoài, khi được hỗ trợ bởi tính tốt đẹp của các nghiệp lành thì tỏ ra tự hào, kiêu mạn; còn như bị quả xấu của ác nghiệp đang trổ thì trở nên tự ti mặc cảm. Đây là “sự tưởng tượng sinh lên do Mạn”.

c. Kiến ảo tưởng:

Là sự tưởng tượng sinh lên do Thấy, là sự tưởng tượng lên đến cao độ, nó trở thành “tôi có”, như “tôi có nguyên tắc sống như thế này, tôi có nghị lực như thế này, tôi có trí thông minh như vầy, tôi có giòng dõi như vầy, tôi có địa vị như vầy…”. Sự tưởng tượng sinh lên do Thấy là như thế.

***

Ba sự tưởng tượng này làm nảy sinh “niềm tin”, loại niềm tin này lại khắc sâu trong tâm, khiến người này luôn rơi vào vòng ảo tưởng được khép kín và “niềm tin xuất phát từ ba ảo tưởng” này, được gọi là Tà tín (micchāsaddhā – tin sai, tin không đúng).

Trong ba loại ảo tưởng thì "kiến ảo tưởng" là nguy hại hơn cả, vì nó làm xa rời bản chất thật, nó chỉ nhìn thấy hình dáng bên ngoài rồi bám khắn khít theo “cái thấy” đó.

Như trong cụm từ “bình đất hay bát đất”, đất là chất làm ra cái bình hay cái bát, nhưng người ta chỉ gọi là “bình hay bát” mà quên đi chất “đất”, chỉ vì chất đất có dạng giống cái bình hay cái bát. Lâu dần người ta quên hẳn nó là “đất”, chỉ biết nó là “bình, bát….”. Nếu cái bình hay bát được sơn vàng, thì người ta lại nói “bình vàng, bát vàng”, sơn màu xanh thì gọi bình xanh, bát xanh…

Thật ra, dù màu vàng, màu xanh… cũng chỉ là “chất đất mà thôi”, và cũng từ chiếc bình được sơn vàng, có khả năng dẫn đến sự nhầm lẫn, cho rằng “bát làm bằng vàng”, “bát làm bằng ngọc xanh”….

Chỉ khi nào, nhận thức rõ bản chất thực của cái bình hay cái bát, bấy giờ người ấy mới không còn “ảo tưởng về hình dáng cái bình hay cái bát, không còn bị lớp sơn bên ngoài lừa mị” và người này cho rằng “đó chỉ là đất mà thôi”.

Cũng vậy, bao giờ nhận thức được bản chất thật của “cái gọi là chúng sinh, chỉ là danh sắc”, bấy giờ sự tưởng tượng về “cái tôi” không còn. Khi ấy sự tưởng tượng về bản chất thật của các pháp hữu vi mới sinh lên, đó là “tưởng vô thường, tưởng khổ, tưởng vô ngã …”.

Bản chất thật của chúng sinh chỉ là danh sắc, nhưng chúng tác động hỗ tương lẫn nhau, sắc tác động đến danh – danh tác động đến sắc.

Tấm thân này chẳng gì khác ngoài “đất, nước, gió, lửa”, các sắc pháp (rūpadhammā) được kết dính với nhau là do “chất nước – āpo”, các chất khác như đất (pathavī), lửa (tejo), gió (vāyo) cũng tìm thấy trong tấm thân này,  như  thân cứng đơ hoặc mềm mại (chất đất), hơi nóng, lạnh trong thân (chất lửa), sự chuyển động của các cơ quan (chất gió).

Còn về danh (nāma), chúng cũng biến diệt nhanh không thể tưởng được. Vậy tìm đâu ra “cái tôi”?
Sự tưởng tượng quá độ qua sự thấy (kiến ảo tưởng) sẽ được kéo dài hơn nữa và càng lúc càng vững mạnh, để rồi người này càng lúc càng xa rời bản chất thật của cái gọi là “chúng sinh”.

***

Ba loại tưởng tượng (maññanā) này cũng được gọi là ba “xiềng xích hay gông cùm (gaha)”, để chỉ ra năng lực nắm giữ chặt và chắc chắn của chúng.

Cũng do nhiều lần chúng tạo ra sai lầm, thực hành những điều sai trái một cách liên tục, chúng trở nên dày đặc một cách vững chắc, bấy giờ rất khó loại trừ chúng.

Chúng cũng được gọi là ba Papañca (ảo kiến), giống như người bàn luận về sự “buồn, vui của cây cỏ”, chỉ vì thấy cây, cỏ có những trạng thái héo úa hay xinh tốt bất thường, hay tưởng tượng “cây cỏ biến thành ma quái”, “thú hóa thành ma quỷ”….


3- Hai abhinivesa (khuynh hướng).

Abhinivesa nghĩa đen là "chỗ vững chắc", nghĩa bóng là “điều được thiết lập vững chắc trong tâm”; không bị lay động như cột đá chôn sâu vào đất hay như trụ đài tưởng niệm, nó khó có thể bị loại trừ bằng bất kỳ cách nào hay với sự nỗ lực nào.

Giống như dòng sông nghiêng về Đông thì nước sông cứ theo hướng Đông mà xuôi chảy, không thể chuyển sang hướng Tây; dòng sông có khuynh hướng đổ ra biển thì nó không thể đổ vào nơi khác, hay ví như nước mưa có khuynh hướng “từ cao rơi xuống thấp” thì nó không thể làm ngược lại.

Có hai loại khuynh hướng: Khuynh hướng thiện và khuynh hướng bất thiện: Ở đây chỉ đề cập đến khuynh hướng bất thiện.

Khuynh hướng bất thiện.

Có hai khuynh hướng bất thiện là: Khuynh hướng ái (taṅhā abhinivesa) và khuynh hướng tà kiến (diṭṭhi abhinivesa).

Từ hai khuynh hướng này phát sinh một “niềm tin”, niềm tin này cũng là loại “tà tín”, lâu dần chúng trở thành “vững tin”.

a- Khuynh hướng ái (taṅhā abhinivesa).

Là cách “nghiêng về dính mắc với thân tâm”, khi ấy cho rằng “có một thực thể luôn luôn tồn tại trong thân tâm này, gọi là atta (cái TA), cho dù những chi thể như đầu, mình, tay chân… có bị hoại diệt, nhưng cái TA này vẫn luôn luôn bất động, không hề thay đổi qua chuỗi dài sinh tử.([9])

b- Khuynh hướng tà kiến (diṭṭhi abhinivesa).

Tương tự như “niềm tin” ở trên, nhưng ở đây lại cho rằng: Có một đại ngã (mahātta) là Đấng Sáng tạo ra thế gian, mỗi chúng sinh chỉ là một thành phần xuất phát từ đại ngã, “cái tôi” là tiểu ngã xuất phát từ đại ngã ấy([10]).

Đại ngã có rất nhiều tên gọi như: Đấng Tạo hóa, Thượng đế,  Đấng Sáng Tạo chủ… Chính đại ngã luôn tồn tại mãi mãi, còn tiểu ngã có thể bị hoại diệt để trở về với đại ngã. Chính đại ngã là kẻ chi phối thế gian, là kẻ kiểm soát, điều hành thế gian theo ý muốn.

Vì sao có niềm tin này? Vì thấy có chúng sinh thông minh, chúng sinh ngu dốt, chúng sinh xinh đẹp, chúng sinh thô xấu…([11]) Do đó, gọi là “niềm tin” phát sinh do (tà) kiến.

Hai loại niềm tin này tuy xuất phát từ ái – kiến nhưng không được ái – kiến bảo hộ, nên chúng được gọi là taṇhā anissaya (ái không bảo hộ) và diṭṭhi anissaya (kiến không bảo hộ) .

Chúng cũng có thể được gọi là hai “ngũ ngầm (anusaya)”, là ái ngủ ngầm (taṅhā – anusaya) và kiến ngủ ngầm (diṭṭhi  anusaya), hoặc chúng là hai tùy phiền não (anukilesa) có trong thân tâm của phàm nhân (puthujana), hoặc chúng là hai pháp trầm luân (āsava – lậu hoặc)([12]).

4- Hai Bhūmi (cõi).

Bhūmi (cõi) có nghĩa là nơi chúng sinh sinh ra và nương ngụ. Có hai loại cõi: Cõi phàm nhân (puthujjana bhūmi) và cõi bậc Thánh (ariya bhūmi).

a- Cõi phàm nhân (puthujjana bhūmi).

 Là nơi phàm nhân sinh lên và nương trú, nói theo phương diện tục đế (lokiya sacca) thì bao gồm 26 cõi (trừ 5 cõi Tịnh cư (suddhavāsa) của bậc Thánh Anahàm).

Khi nói theo chân đế (paramattha sacca) thì cõi của phàm nhân chính là “tà kiến – micchādiṭṭhi’. Tất cả phàm nhân đều có tà kiến là nơi sinh ra và dựa vào tà kiến để lớn lên, tà kiến là nơi nương nhờ, là nơi nghỉ ngơi, là nơi đứng của phàm nhân. Dù là kiến đảo ngược (diṭṭhi vipallāsa), kiến xiềng xích (diṭṭhigaha), ảo kiến (diṭṭhi papañnca), hay kiến chấp (diṭṭhi abhinivesa), kiến ngủ ngầm (diṭṭhi anusaya) … bất kỳ loại nào cũng đều là nền tảng, là nơi sinh, là nơi trú của phàm nhân.

Phàm nhân chỉ là danh từ định đặt cho danh sắc hay năm nhóm (pañcakkhandhā – ngũ uẩn) còn liên hệ đến tà kiến, bao giờ còn tà kiến thì danh sắc ấy được gọi là “phàm nhân”. Bao giờ còn đứng vững trên một trong những tà kiến ấy, chúng sinh này không bao giờ thoát ra khỏi sinh hữu phàm nhân, cho dù đó là vị Phạm thiên cõi Phi tưởng phi phi tưởng xứ.

b- Cõi bậc Thánh (ariya bhūmi).

Theo nghĩa tục đế, đó là nơi của bậc Thánh sinh lên và nương trú, bao gồm cõi người, sáu cõi trời Dục giới, 15 cõi Sắc giới (trừ cõi Vô tưởng) và 4 cõi Vô sắc giới.

Danh từ “bậc Thánh” cũng là định danh cho một “danh sắc” hay “năm nhóm ”; nhưng danh sắc này không còn liên hệ với tà kiến, bên trong danh sắc này không tìm thấy dấu vết, không tìm thấy dư tàn của tà kiến dù chỉ là chút ít, danh sắc này  liên hệ thuần khiết với chánh kiến.

Nói cách khác, gọi là bậc Thánh, vì các Ngài đã loại trừ tất cả mọi tà kiến. Và cõi của bậc Thánh, theo ý nghĩa chân đế chẳng gì khác chính là chánh kiến (sammādiṭṭhi). Đó là sự hiểu đúng, thấy đúng.
Hiểu và thấy như thế nào? Hiểu và thấy rằng “trong danh sắc này không có gì thường hằng, không có gì trong sạch và chúng không có cốt lõi (không có cái TA)”.

Chánh kiến là “nơi” sinh ra bậc Thánh, bậc Thánh tăng trưởng do nương vào chánh kiến, trú trong chánh kiến. Do đó nói “chánh kiến”  là cõi (bhūmi) của bậc Thánh. Thành tựu được chánh kiến, một chúng sinh từ cõi phàm sinh về cõi Thánh.

Số lượng phàm nhân thì nhiều vô số không thể đếm được, sinh hữu của phàm nhân không có điểm khởi đầu cũng không có điểm chấm dứt, nó như con thuyền trôi dật dờ trên biển lớn mênh mông không thấy bến bờ.

Nếu phàm nhân cố gắng loại trừ “thấy đảo ngược (diṭṭhivipallāsa)” để tạo chánh kiến trong thân tâm thì một ngày nào đó, người này sẽ thành công.

Nhận thức được danh sắc này là “vô thường, khổ, không trong sạch, không có cái TA” ví như người đang lênh đênh giữa biển, đã định hướng được con đường vào bờ, người này nổ lực lèo lái con thuyền “danh sắc” đi đúng hướng, một ngày nào đó người này sẽ đặt chân lên vùng đất của bậc Thánh, trở thành bậc Thánh.

Thậm chí, nếu vẫn còn ảo tưởng (maññanā) do ái (taṅhāmaññanā), do mạn (mānamaññanā) trong một số vị Thánh, các Ngài cũng không phạm vào những nghiệp bất thiện cho quả khổ, để rồi phải rơi vào khổ cảnh. Vì sao? Vì các Ngài đã loại trừ được sức mạnh của thấy đảo ngược (diṭṭhivipallāsa), kiến ảo tưởng (diṭṭhimaññanā).

Hai loại ảo tưởng còn lại (ái ảo tưởng, mạn ảo tưởng) chỉ đủ sức lôi kéo các Ngài vào luân hồi, nhưng sinh vào các cõi vui để các Ngài thọ hưởng lạc thế gian.

5- Hai Gati (sự luân chuyển).

Gati có nghĩa “đi”, nghĩa mở rộng là “sự luân chuyển”([13]).
Ở đây, không có nghĩa là “sự luân chuyển của linh hồn” như trong một số triết lý, sự luân chuyển ở đây được dùng theo quan niệm Phật giáo, đó là sự thay đổi từ kiếp sống cũ chuyển sang kiếp sống mới.

Có hai loại luân chuyển: Luân chuyển của phàm nhân (puthujjanagati) và luân chuyển của bậc Thánh (ariyagati).

a- Luân chuyển của phàm nhân (puthujjanagati). Phàm nhân thường luân chuyển đến những nơi đau khổ (vinipātanagati) một cách bất ngờ, không thể định trước được.

Theo Pháp học ghi nhận, thì phàm nhân có thể luân chuyên khắp 31 cõi, nhưng khó có thể tái sinh vào cõi sống nào mà người ấy mong muốn. Ví như trái dừa từ trên cây rơi xuống, nó không biết chắc “sẽ rơi đến điểm nào”; cũng vậy, một phàm nhân sau khi chết, y không thể biết “mình tái sinh” vào cảnh giới nào trong kiếp sống mới ([14]).

Cho dù chúng sinh ấy tạo nghiệp bất thiện, nghiệp bất thiện có chờ sẵn cho người ấy, nhưng y không thể biết “sau khi chết ta tái sinh vào địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ hay Atula”.

Cho dù chúng sinh ấy có tạo nghiệp lành, nhưng khi mệnh chung y cũng không thể biết hay chọn được “cảnh giới tái sinh trong tương lai”, rằng: “ta sẽ tái sinh là người, là chư thiên cõi Tứ thiên vương, chư thiên cõi Đao Lợi…” chẳng những không thể biết trước, lại còn “không thể chọn lựa được”.

Vì sao vậy? Vì các nghiệp thiện hay bất thiện bị tản mạn, không thể liên kết chặt chẽ với chúng sinh phàm nhân, đồng thời chính nghiệp thiện hay nghiệp bất thiện cũng không liên kết với nhau.
Do sự tản mạn này, một chúng sinh sau khi chết còn tệ hại hơn là chết, vì các địa ngục nhỏ, địa ngục lớn, chí đến địa ngục Atỳ (aviciniraya) đang mở rộng cho phàm nhân từ cõi người chuyển đến một cách không chướng ngại, giống như hư không mở rộng không có chướng ngại cho viên đá rơi xuống.

Ngay khi hết kiếp sống đó, người đó có thể rơi vào bất kỳ một trong các cõi địa ngục (niraya) hay các cõi khổ khác. Dù cảnh giới chuyển đến có xa hay gần đều không có thời gian trống xen giữa để ngừng nghỉ, người đó có thể tái sinh vào địa ngục, là thú, là ngạ quỷ với hình dáng xấu xí, hay là Atula (asura)… sự kiện tái sinh ấy xảy ra trong nháy mắt.

Với những phàm nhân có nghiệp lành thì có sự luân chuyển tốt hơn, y có thể là Titan tướng của vua trời Đế Thích, hay các thiên nhân, hoặc là vua trời Đế Thích và sự kiện này cũng xảy ra trong nháy mắt.

Tương tự như vậy, nếu phàm nhân đó trở thành vị Phạm thiên, cũng chỉ trong nháy mắt. Các Phạm thiên khi hết tuổi thọ trên các cõi Sắc hay cõi Vô sắc, không bị rơi trực tiếp xuống bốn cõi khổ mà có một khoảng dừng, là một kiếp sống trong cõi người hay cõi trời Dục giới (kāmadeva)([15]), nhưng từ cõi này, người đó có thể rơi xuống bốn cõi khổ.

Tại sao chúng ta nói rằng mỗi chúng sinh đều sợ chết? Vì sau cái chết là sự chuyển sang cảnh giới mới, mà cảnh giới tái sinh mới người này không thể biết “tốt hơn hay xấu hơn cảnh giới hiện tại”. Nếu không có “sự tản mạn của nghiệp”  đối với cảnh giới tái sinh như được đề cập ở trên và một người có thể tái sinh vào bất kỳ cõi nào mà người đó muốn, thì sự “tham chết” của một chúng sinh có thể có. Người đó sau khi sống một khoảng thời gian đáng kể trong một kiếp sống, rồi “muốn chết” để được chuyển đến kiếp sống khác tốt hơn; nhưng điều này không xảy ra.

Do vậy, dù phàm nhân có tạo nhiều nghiệp thiện vẫn sợ hãi khi đứng trước cái chết.

Bài kinh Nakhasikhāsuttaṃ (đầu ngón tay)([16]) chỉ ra “sự trải rộng cảnh giới tái sinh của phàm nhân”, như sau:

Taṃ kiṃ maññatha bhikkhave, katamaṃ nu kho bahutaraṃ, yo vāyaṃ mayā paritto nakhasikhāyaṃ paṃsu āropito ayaṃ vā mahāpathavī’ti?
“Này các Tỳkhưu, các ngươi nghĩ thế nào? Cái gì nhiều hơn chút đất này ta lấy trên đầu móng tay, hay quả đất lớn này?”

Etadeva, bhante, bahutaraṃ yadidaṃ  mahāpathavī. Appamattakoyaṃ bhagavatā paritto nakhasikhāyaṃ paṃsu āropito. Saṅkampi na upeti upanidhimpi na upeti kalabhāgampi na upeti mahāpathaviṃ upanidhāya bhagavātā paritto nakhasikhāyaṃ paṃsu āropito’ti.
“Cái này, bạch Thế Tôn là nhiều hơn, tức là quả đất lớn này và ít hơn là chút đất Thế Tôn lấy trên đầu móng tay. Không thể đi đến ước tính, không thể đi đến so sánh, không thể đi đến một mươi phần, khi so sánh quả đất lớn với ít đất Thế Tôn lấy trên đầu móng tay”.

Evameva kho, bhikkhave, appakā te sattā ye manussesu paccājāyanti; atha kho eteyeva bahutarā sattā ye aññatra manussehi paccājāyanti.
“Cũng vậy, này các Tỳkhưu, rất ít là chúng sinh được tái sinh làm người! Còn nhiều hơn là những chúng sinh phải tái sinh ra ngoài loài người…” (HT. Thích Minh Châu dịch).

Bài kinh Nakhasikhasuttaṃ không nói về chúng sinh của tất cả bốn khổ cảnh, chỉ riêng câu “rất ít chúng sinh được tái sinh làm người”, cũng đủ thấy rõ nghiệp bất thiện dẫn đến cảnh giới khổ (vinipātanagati) nhiều như thế nào. Đó là sự “trải rộng” của nhiều loại cảnh giới đi đến (gati) của phàm nhân sau khi chết.

Sự khó “sinh làm người” được Đức Thế Tôn mô tả như “con rùa mù (kānakacchapa) chui vào lỗ của một khúc cây” trong bài kinh Chiggaḷayugasutta (kinh Lỗ khóa)([17]),  đại ý như sau: Có con rùa mù, cứ mỗi trăm năm nó trồi lên mặt biển. Trên biển có khúc gỗ có lỗ hỏng, khúc gỗ trôi dật dờ theo sióng gió. Khi con rùa mù nổi lên vừa đúng lúc khúc gỗ trôi đến, con rùa mù đưa cổ vào trong lỗ hỏng ấy. Và Đức Thế Tôn hỏi chư Tỳkhưu, sự kiện ấy có phải chỉ một lần sau một trăm năm, con rùa mù đưa được cổ vào trong lỗ hỏng. Chư Tỳkhưu thưa rằng: “Năm sáu lần như vậy mới có thể được. Đức Thế Tôn dạy:

Khippataraṃ kho so, bhikkhave, kāṇo kacchapo vassasatassa vassasatassa accayena sakiṃ sakiṃ ummujjanto amusmiṃ ekacchiggaḷe yuge gīvaṃ paveseyya, na tvevāhaṃ bhikkhave, sakiṃ vinipātagatena bālena manussattaṃ vadāmi. Taṃ kissa hetu?
“Ta tuyên bố rằng còn mau hơn, này các Tỳkhưu, là con rùa mù ấy, sau mỗi trăm năm nổi lên, có thể chui cổ vào khúc gỗ có lỗ hỏng ấy. Còn hơn kẻ ngu khi một lần rơi vào đọa xứ, để được làm người trở lại. Vì cớ sao?”

Na hettha, bhikkhave, atthi dhammacariyā, samacariyā, kusalakiriyā, puññakiriyā. Aññamaññakhādikā ettha, bhikkhave, vattati dubbalakhādikā…
“Vì rằng, ở đấy không có pháp hành, chánh hành, thiện nghiệp, phước nghiệp. Ở đấy, này các Tỳkhưu, chỉ có ăn thịt lẫn nhau và chỉ có người yếu bị ăn thịt….” (HT. TMC dịch).

Xem ra, một lần rơi vào khổ cảnh thật khó sinh lại làm người; chỉ có những ai làm việc thiện, tránh làm điều ác mới có thể được sinh làm người và chư thiên. Với người không thể phân biệt điều nào là tốt đẹp hay tội lỗi, điều nào là thiện hay bất thiện, điều nào là giới hạnh hay tà hạnh, các chúng sinh này phải rơi vào cõi khổ, là nơi không có giới hạnh, không có phước nghiệp và chúng chỉ gây đau khổ cho nhau bằng tất cả năng lực của chúng. Đặc biệt là những chúng sinh trong cõi địa ngục (niraya) phải sống đau khổ vì sự trừng phạt và tra tấn, còn chúng sinh ma đói (peta – ngạ quỷ) thì chịu khổ đói khát và những khổ nạn khác trong suốt kiếp sống ấy.

Theo bài kinh này, vì sao những chúng sinh trong các cõi khổ lại khó tái sinh lại cõi người? Vì chúng không bao giờ nhìn lên mà luôn nhìn xuống.

Nhìn xuống có nghĩa là gì? Là sự si mê trong chúng dần trở nên nhiều và mạnh hơn từ kiếp sống này đến kiếp sống khác. Như nước luôn chảy từ chỗ cao xuống rồi đọng lại nơi chỗ thấp, cũng vậy, chúng luôn có khuynh hướng tái sinh vào những cõi thấp hơn, vì những con đường đưa đến sinh thú cao hơn đã đóng, trong khi những con đường đưa đến sinh thú thấp hơn lại mở rộng. Đó có nghĩa là “nhìn xuống”.

Từ câu chuyện về con rùa mù, bậc trí hiểu rõ được phàm nhân thường bị các nghiệp bất thiện dẫn đi đến các “cảnh giới tái sinh đau khổ cùng với sự trải rộng các  sanh hữu”. Thật  đáng sợ và khủng khiếp như thế nào. Đức Phật đã khẳng định: “Rất ít chúng sinh tái sinh lại chính cảnh giới mình đang sống, phần đông tái sinh vào cõi thấp hơn và phần đông rơi vào khổ cảnh”. Xin được trích dẫn các bài kinh ấy như sau:

…“Evameva kho, bhikkhave, appakā te sattā ye manussā cutā manussesu paccājāyanti; atha kho eteva bahutarā sattā ye manussā cutā niraye paccājāyanti… tiracchānayoniyā… pettivisaye paccājāyanti”.
“Cũng vậy, này các Tỳ khưu, ít hơn là các chúng sinh sau khi chết từ thân người được tái sinh làm người. Và nhiều hơn là các chúng sinh sau khi chết từ thân người phải tái sinh trong địa ngục….phải tái sinh trong loài bàng sinh… phải tái sinh vào cõi ngạ quỷ…”(HT. TMC dịch) (ND trích dẫn)([18]).

… “Evameva kho, bhikkhave, appakā te sattā ye manussā cutā devesu paccājāyanti; atha kho eteva bahutarā sattā ye manussā cutā niraye paccājāyanti… tiracchānayoniyā… pettivisaye paccājāyanti…”.
“Cũng vậy, này các Tỳkhưu, ít hơn là các chúng sinh sau khi chết từ thân người được tái sinh giữa chư Thiên. Và nhiều hơn là các chúng sinh, sau khi chết từ thân người, phải tái sinh vào địa ngục… phải tái sinh vào loài bàng sanh… phải tái sinh vào cõi ngạ quỷ” (HT. TMC dịch) (ND td)…

… “Evameva kho, bhikkhave, appakā te sattā ye devā cutā devesu paccājāyanti; atha kho eteva bahutarā sattā ye devā cutā niraye paccājāyanti… tiracchānayoniyā… pettivisaye paccājāyanti…”.
… .“Cũng vậy, này các Tỳkhưu, ít hơn là các chúng sinh, sau khi chết từ thân chư Thiên được tái sanh giữa chư thiên. Và nhiều hơn là các chúng sinh, sau khi chết từ thân chư Thiên, phải tái sinh trong địa ngục… phải tái sinh trong loài bàng sanh… phải tái sinh trong cõi ngạ quỷ”(NDtd).

“Evameva kho, bhikkhave, appakā te sattā ye devā cutā manussesu paccājāyanti; atha kho eteva bahutarā sattā ye devā cutā niraye paccājāyanti… tiracchānayoniyā… pettivisaye paccājāyanti…”.
“Cũng vậy, này các Tỳkhưu, ít hơn là các chúng sinh, sau khi chết từ thân chư Thiên, được tái sinh làm người. Và nhiều hơn là các chúng sinh, sau khi chết từ thân chư Thiên, phải tái sinh trong địa ngục… phải tái sinh trong bàng sanh… phải tái sinh trong cõi ngạ quỷ”([19]).(HT. TMC dịch)(Ndtd).

Qua những bài kinh trên, cho chúng ta thấy phàm nhân sinh lại chính cảnh giới mình đang sống quả thật rất ít, phần lớn phải rơi vào khổ cảnh, cho dù đó là chư Thiên, vì sao? Vì phàm nhân thường bị nghiệp lực bất thiện dẫn đi.

 b- Sự lưu chuyển của bậc Thánh (ariyagati).

Tuy các bậc Thánh vẫn còn luân chuyển trong tam giới([20]), nhưng sự trải rộng sanh hữu không còn. Sự chết là điều không thể tránh khỏi trong một kiếp sống, nhưng các bậc Thánh luân chuyển vào những cõi cao hơn, tốt đẹp hơn so với cõi mà các Ngài đang sống và các Ngài có khả năng chọn lựa cõi “đi đến” cho mình([21]).
Sự luân chuyển của bậc Thánh không phải sự rơi của trái dừa từ trên cao xuống. Sự luân chuyển của bậc Thánh được ví như đàn chim trong hư không,  đàn chim có thể đến bất kỳ nơi nào hay bất kỳ cành cây nào mà chúng muốn đậu.

Người, chư Thiên hay Phạm thiên thành tựu bậc Thánh, có thể đến bất kỳ cõi tái sinh nào tốt đẹp hơn, tức là vị ấy sau khi hết tuổi thọ, có thể tái sinh vào cõi người, cõi chư thiên hay Phạm thiên theo ý muốn.([22])

Dù không mong muốn tái sinh vào bất kỳ cõi đặc biệt nào khi hết tuổi thọ nhưng các vị ấy chắc chắn được tái sinh vào cõi cao và tốt đẹp hơn, đồng thời hoàn toàn không bị tái sinh vào cõi khổ và thấp hơn, chí ít cũng ngang bằng với cõi mà vị ấy đang sống ([23]). Hơn nữa, nếu phải tái sinh vào cõi người thì các vị ấy không bao giờ thuộc tầng lớp thấp kém và nghèo khổ hơn kiếp hiện tại, không phải là người thiếu trí hay sinh ra trong gia đình dị giáo. Trái lại, các Ngài tái sinh vào giòng dõi cao quý và trong gia đình có truyền thống Phật giáo.

Cũng vậy, đối với chư Thiên và Phạm thiên, các Ngài hoàn toàn thoát khỏi  “sự lưu chuyển của phàm nhân (puthujjanagati)”.
Vì sao các Ngài được như vậy? Vì các Ngài đã thành tựu chánh kiến, sự khổ của các Ngài không còn nhiều.

… “Evameva kho, bhikkhave, ariyasāvakassa diṭṭhisampannassa puggalassa abhisametāvino etadeva bahutaraṃ dukkhaṃ yadidaṃ parikkhīṇaṃ pariyādiṇṇaṃ; appamattakam. avasiṭṭhaṃ. Neva satimaṃ kalaṃ upeti na sahassimaṃ kalaṃ upeti na satasahassimaṃ kalaṃ upeti purimaṃ dukkhakkhandhaṃ parikkhīṇaṃ pariyādiṇṇaṃ upanidhāya yadidaṃ sattakkhatuṃparamatā”.
“Cũng vậy, này các Tỳkhưu, đối với vị Thánh đệ tử đã chứng được kiến cụ túc, đối với người đã chứng được minh kiến, cái này là nhiều hơn, tức là khổ đã được đoạn tận, đã được diệt tận; ít hơn là khổ còn lại, không phải một trăm lần, không phải một ngàn lần, không phải một trăm ngàn lần, có thể sánh bằng khi so sánh với khổ uẩn trước đã được đoạn tận, đã được diệt tận, tức là bảy lần nhiều hơn …” (HT. TMC dịch)([24]).

Bài kinh trên cho thấy, khi thành tựu được chánh kiến, sự khổ của bậc Thánh không còn tồn tại nhiều, chỉ là nhúm đất nhỏ trên đầu móng tay, so với  cái khổ của phàm nhân nhiều như quả đất.

Giải thích về hai gati (luân chuyển).

Trong nhiều cảnh giới luân chuyển, ngoại trừ 5 cõi Tịnh cư  (Suddhāvāsa) dành riêng cho bậc Anahàm, có những cảnh giới chung cho phàm lẫn Thánh cùng luân chuyển đến. Vậy thì có gì khác biệt?.

Khi một người rơi từ trên cây xuống, người đó rơi giống như trái dừa vì không có cánh để bay trong không khí. Trái lại, đàn chim đậu vào nhánh cây, khi cành cây bị gãy, chúng không bao giờ rơi xuống mà dễ dàng bay vào hư không, tìm nhánh cây khác để đậu.

Cũng vậy, khi còn là phàm nhân, còn liên hệ với tà kiến nên phàm nhân không có đôi cánh của bát Chánh đạo để dùng bầu trời làm nơi nghỉ ngơi; vì thế phàm nhân thường lưu chuyển đến cảnh giới thấp hơn. Trái lại bậc Thánh có bát Chánh đạo là đôi cánh, có  chánh kiến là nơi nương, có Nípbàn là cứu cánh; nên sự lưu chuyển về cảnh giới mới của các Ngài cao và dễ dàng hơn.

Một người càng leo cao, khi cành cây mà họ bám dùng làm nơi ngơi nghỉ bị gãy, họ chịu nhiều đau đớn khi rơi xuống đất, thậm chí phải chết.

Cũng vậy, phàm nhân dù là chư thiên hay Phạm thiên, sau khi thân hoại mệnh chung còn luân hồi, các vị ấy rơi vào những trói buộc của bất thiện, để rồi phải rơi xuống cõi thấp, thậm chí phải rớt xuống địa ngục. Vì sao? Vì nơi nghỉ của họ  liên quan đến tà kiến tự ngã, nơi nghỉ của họ là thân tâm (danh sắc). Một khi danh sắc này bị vỡ ra họ không còn chỗ nương, nên phải rơi xuống như trái cây rụng.

Với tà kiến “đại ngã”, “đại ngã” vốn không có, khi thân tâm này vỡ ra họ cũng chẳng tìm được chỗ nương, thế là phải rơi xuống cảnh giới tái sinh thấp hơn.

Như đàn chim, cho dù những cành cây mà chúng đang đậu có bị gãy thì chúng không bao giờ ngã mà dễ dàng bay trong không trung đến bất kỳ cây nào khác. Vì những cành cây không phải là nơi nghỉ thường hằng của chúng mà chỉ là nơi ngụ tạm thời, chúng hoàn toàn phụ thuộc vào đôi cánh của mình và không trung.

Cũng vậy, khi trở thành bậc Thánh và thoát khỏi mọi tà kiến thì dù là người, chư Thiên hay Phạm thiên, các Ngài không hề xem cơ thể mình là attā hay tự ngã. Các Ngài có chánh kiến là nơi nương, hướng đến Nípbàn diệt trừ mọi sinh hữu, với đôi cánh mạnh của Bát Chánh đạo đủ sức đưa các Ngài đến cảnh giới tái sinh cao hơn, tốt đẹp hơn so với chỗ các Ngài đang tạm ngụ.

Đây là sự  khác biệt giữa hai gati, tức là “sự luân chuyển của phàm nhân” và “sự luân chuyển của bậc Thánh".

(Còn tiếp)

Chú thích:
([1])– Như Pāli: Sabbesaṅkhārā aniccāti: Các pháp hữu vi là vô thường.
Sabbe saṅkhārā dukkhāti: Các pháp hữu vi là khổ.
Sabbe dhammā anattāti: Các pháp là vô ngã. (Dhp- câu số 277, 278, 279 ) – Nd phụ chú..
Và theo ý nghĩa này, ngay cả Nípbàn cũng không có “ngã”, nhưng Nípbàn  là p háp vô vi (asaṅkhāradhamma)  nên Nípbànlà thường, lạc, tịnh.
Gọi là thường, không phải Nípbàn luôn có trong danh sắc của bậc Thánh, mà do “nhân sinh khổ” bị diệt, vĩnh viễn không còn sinh lên nữa, nên gọi là “thường”.
Gọi là lạc, vì nhân sinh khổ bị diệt vĩnh viễn, nên khổ  sinh lên do nhân đó không còn, thế là “lạc”.
Gọi là tịnh, vì những nhơ bẩn do nhân sinh khổ không có, thế là “trong sạch”-  (Nd phụ chú).
([2])– A.ii, 52. Pháp bốn chi, Vipallāsasuttaṃ (kinh Đảo ngược).
([3])– Đức Phật có dạy: Māyūpamañca viññāṇaṃ: Thức uẩn như nhà ảo thuật. (S.iii, 114; kinh Bọt nước – Pheṇabiṇḍūpamasuttaṃ) (Nd pc).
([4])–  “Sattā kammayoni: Chúng sinh có nghiệp là thai tạng”.  M. iii, kinh Tiểu Nghiệp phân biệt – Cūlakammavibhaṅgasuttaṃ. (Nd trích dẫn).
([5])– Nibbānaṃ paramaṃ sukhaṃ :Nípbàn là hạnh phúc tối thượng (Dhp- câu) – ND pc.
([6])– Ám chỉ đoạn kiến (ucchedadiṭṭhi) – Nd pc.
([7])– Bốn khổ cảnh là: Địa ngục, súc sinh, ngạ quỷ và Atula – ND pc.
([8])– A.i,282, pháp ba chi, kinh Che dấu  (Paṭicchannasuttaṃ) – Nd pc
([9])– Xem M.i, (số 22), kinh Ví dụ con rắn (Alagaddūpamasuttaṃ) – Nd pc.
([10])– Xem D.i, kinh Phạm võng – Brahmajālasuttaṃ – Nd pc.
([11])– Xem M,iii Kinh Tiểu nghiệp phân biệt. Nd pc.
([12])– Āsava còn được dịch là “thấm rịn, rỉ chảy, ô nhiễm”, như rỉ sét sinh ra từ sắt lại làm mòn sắt, ở đây dịch là “trầm luân” nghĩa là “chìm đắm trong luân hồi”. Pháp “chìm đắm này có bốn là:
– Chìm đắm trong cõi dục, hay trong ngũ trần: Sắc, thinh, hương, vị, xúc, gọi là kāmāsava: Dục trầm luân, hay dục ô nhiễm.
– Chìm đắm trong trong cõi Sắc hay cõi Vô sắc, gọi là bhavāsava: Hữu trầm luân hay hữu ô nhiễm.
– Chìm đắm trong kiến thức sai quấy, gọi là diṭṭhāsava: Kiến trầm luân, hay kiến ô nhiễm.
– Chìm đắm trong sự mê muôi, gọi là Avijjāsava: Vô minh trầm luân, hay vô minh ô nhiễm.
Chi pháp của dục trầm, hữu trầm là tâm sở tham (lobhacetasika); của kiến trầm là tâm sở tà kiến (diṭṭhicetasika); cùa vô minh trầm là tâm sở Si (mohacetasika). Tâm sở tham chính là ái – Nd pc.
([13])– Gati thường được hiểu theo nghĩa  saṃsāra (luân hồi), đây chúng tôi dùng theo nghĩa gốc là đi, nên dịch là “luân chuyển”. Nd pc.
([14])– Trái dừa có thể bốc lên cao khi gặp gió trốt, nhưng khi gió dứt thì trái dừa lại rơi xuống. Cũng vậy, một số phàm nhân có thể tái sinh vào cõi cao hơn khi gặp  gió trốt “thiện nghiệp”, nhưng khi phước ấy hết, thì phàm nhân lại rơi xuống – Nd pc.
([15])– Riêng các vị chư thiên (devā) có thể rơi thẳng xuống địa ngục như Ác ma Dūsī trong kinh Hàng ma (Māratajjanīyasuttaṃ), được ghi chép trong Trung bộ Kinh I- Nd  pc.
([16])– S.ii, 263; chương IX; Tương Ưng ví dụ (Opammasaṃyuttaṃ).
([17])– S.v, 455. kinh lỗ khóa 1 (Paṭhamachiggaḷayugasuttaṃ).
([18])– S.v, 474 . Tương ưng sự thật (Saccasaṃyuttaṃ), Phẩm năm sanh thú (Pañcagatipeyyālavaggo).
([19]) S.v, 475,  Tương ưng sự thật (Saccasaṃyuttaṃ), Phẩm năm sanh thú (Pañcagatipeyyālavaggo).
([20])– Ở đây chỉ cho bậc Thánh Hữu học . Nd.
([21])– Xem DhpA- kệ ngôn số 16. Nd pc.
([22])– Tất nhiên dối với các cõi Phạm thiên, vị Thánh phải chứng đắc thiền định
([23])– Nếu bậc Thánh  Dự lưu  là chư Thiên, các Ngài cũng không tái sinh vào cõi người, là Phạm thiên  Dự lưu,  các Ngài cũng không tái sinh vào cõi Dục – Nd pc.
([24])– S.ii,133. Tương ưng Minh kiến (Abhisamayasam.yuttaṃ), kinh Đầu ngón tay (Nakhasikhāsuttaṃ)(Nd)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét