Thứ Tư, 13 tháng 1, 2021

Minh sát diễn giải-Vipassanā Dīpanī (phần 2)

 

Minh sát diễn giải-Vipassanā Dīpanī (phần 2)

Tác giả: Trưởng lão Ledi Sayadaw, Aggamahāpaṇḍita, D. Litt.
Anh ngữ: U Nyana, Patamagyaw của tự viện Masoeyein, Mandalay.
Tathāpañña dịch Việt
Tỳ kheo Chánh Minh hiệu đính




(Tiếp theo)


6- Hai Sacca (sự thật)


Sacca hay sự thật là “đúng với sự kiện”,  “đúng với bản chất” qua sự định danh của điều nào đó, hoặc vật nào đó. Có hai loại sự thật: “Sự thật thông thường (sammutisacca – tục đế)” và “sự thật tột cùng (paramatthasacca – chân đế)”.

A- Sự thật thông thường (sammutisacca – tục đế).

Đó là những danh từ, những thuật ngữ được nhiều người sử dụng, như “tôi, người, chư thiên, Phạm thiên, tâm trí, xứ sở…”. Sự thật thông thường này, được định đặt ra để thông tri ý nghĩa giữa người với người, để cùng hiểu với nhau.

Cũng từ sự thật thông thường này, nảy sinh nhiều quan niệm sai lạc, như khi nhận thấy nhiều hiện tượng kỳ lạ trong thiên nhiên, người ta tưởng tượng ra có Đấng Tạo hóa, có “cái tôi tồn tại”, “do thần Thánh phẫn nộ, trừng phạt”….

Tuy sự thật thông thường không phải là lời nói dối, nhưng nó không trung thực thật sự, nó như lớp men đẹp bên ngoài che lấp chất đất thô xấu bên trong của chiếc bình đất.

Khi nói “chiếc bình đẹp”, đó không phải là lời nói dối, chỉ là lời nói thiếu trung thực với hiện vật ấy mà thôi.

Hoặc khi nói “con người tồn tại trong một kiếp sống”, đó không phải là lời nói dối, đó chỉ là cách nói thông thường của đại đa số, nhưng theo chân đế, thì đó là “lời đảo ngược (vipallāsavācā)”; vì có cái gì thường hằng cả trăm năm đâu? Cái luôn luôn biến đổi ấy lại được xem là thường sao?.

Khi có ý nghĩ “cái tôi thường hằng” bấy giờ đã rơi vào bất thiện, rơi vào tà kiến; người này sẽ cho rằng “cái tôi” ấy sau khi chết, hoặc sẽ tồn tại, hoặc sẽ tiêu hoại, hoặc một phần tồn tại, một phần bị tiêu hoại..([25]).

Yā imā Cunda anekavihitā diṭṭhiyo loke uppajjanti attavādapaṭisaṃyuttā vā lokavādapaṭisaṃyuttā vā, yattha cetā diṭṭhiyo uppajjanti yattha ca anusenti yattha ca samudācaranti, taṃ netaṃ mama, neso’ ham asmi, na meso attā ti evaṃ – etaṃ yathābhūtaṃ sammappaññāya passato evam – etāsaṃ diṭṭhīnaṃ pahānaṃ hoti, evam – etāsaṃ diṭṭhīnaṃ paṭinissaggo hoti”.

"Này Cunda, những loại sở kiến này khởi lên trên đời, hoặc liên hệ đến ngã luận, hoặc liên hệ đến thế giới luận, – chỗ nào những sở kiến này tiềm ẩn, và chỗ nào những sở kiến này hiện hành, chỉ có cách như thật quan sát chúng với trí tuệ rằng: “cái này không là của tôi, tôi không phải là cái này. Cái này không phải tự ngã của tôi”, có vậy thời có sự đoạn trừ những sở kiến ấy, có sự xả ly những sở kiến ấy”([26]). (HT. TMC dịch).

Lời dạy trên của Đức Phật khẳng định “tất cả mọi tà kiến” đều xuất phát từ “cái tôi”, “cái của tôi”, “cái chính tôi”. Cần phải quán xét sự vật với trí tuệ “không có cái tôi”, “không có cái của tôi”, nhờ đó diệt trừ được mọi tà kiến, mọi quan niệm sai lầm.

B- Sự thật tột cùng (paramatthasacca – chân đế):

Sự thật tột cùng là “sự xác nhận hay phủ nhận” một sự kiện hoặc một điều nào đó. Tuy phải mượn tục đế (danh từ) để diễn đạt, nhưng nêu bày ý nghĩa “khẳng hay phủ định” một cách trọn vẹn, làm cho ý nghĩa “thật” được phơi bày ra, như khi Đức Phật dạy:

Sabbe saṅkhārā aniccāti: Tất cả pháp hữu vi là vô thường.
Sabbe saṅkhārā dukkhāti: Tất cả pháp hữu vi là khổ.
Sabbe dhammā anattāti: Tất cả pháp là vô ngã.

Lời dạy trên cho thấy tính khẳng định: “Đã là pháp hữu vi thì phải vô thường, phải khổ, không có pháp hữu vi nào là thường, là lạc được”. Mặt khác, lời dạy trên cho thấy tính phủ nhận: “Không có pháp hữu vi nào là thường, không có pháp hữu vi nào là lạc”.…

Ở dạng khẳng định của chân đế, khi nói “chất đất hiện có, chất lửa hiện có, tâm sinh lên…” là nói đến các pháp hữu vi đang hiện bày ở sátna trụ (ṭhitikhaṇa) của chúng.

Ở dạng phủ nhận, khi nói “không có chúng sinh, không có người, không có chư Thiên, không có Phạm thiên, không có voi, không có ngựa…”, có nghĩa là “không có cái gì gọi là chúng sinh đang hiện bày cả, đó chỉ là danh sắc hay ngũ uẩn đang hiện bày mà thôi”.

Chân đế luôn luôn đối lập với ảo giác đồng thời có tính phủ nhận ảo giác. Khi phủ nhận hay phản đối ảo giác, người ấy thường thoát ra những bất thiện pháp và có thể thành tựu bậc Thánh.

Nhưng theo tục đế thì: Có người sống trăm tuổi, có người thường trác táng, có “thiền lạc, có dục lạc”… Theo tục đế, con người tồn tại, chúng sinh tồn tại; con người hay chúng sinh tiếp tục luân hồi từ kiếp này đến kiếp khác trong biển đời.

Nhưng theo chân đế, không có con người hay chúng sinh và không có ai luân hồi từ kiếp này đến kiếp khác cả.

Vậy cái gì chuyển di từ kiếp sống này sang kiếp sống khác? Chính là nghiệp lực (kammabala) liên kết với ái, một khi ái bị trừ diệt hoàn toàn thì nghiệp lực trở thành vô hiệu.

*****

Ở đây, có thể có câu hỏi: “Hai sự thật này dường như  là hai thái cực cách xa nhau?”.

Tất nhiên là như vậy, nhưng chúng ta vẫn có thể đem chúng lại với nhau để làm nổi bật chúng, như đen trắng tuy đối lập nhau, nhưng khi gần nhau thì đen làm nổi bật trắng và ngược lại.

Chúng ta không thể nói theo chân đế lẫn tục đế được sao? Hay bắt buộc phải nói một trong hai sự thật?

Đề cập đến mỗi loại sự thật là đề cập đến cách diễn đạt và đối tượng được thông tri ý nghĩa.

Khi một người trò chuyện với một người, vị ấy nói “có người A đang sống ở Mandalay”, vị ấy không bị phản bác, vì những từ ngữ này mô tả những gì  đang có ở bên ngoài.

Khi thảo luận về chân pháp, một học viên Atỳđàm (Abhidhamma) nói “không có người, không có chư thiên…”, vị ấy cũng không bị phản bác. Vì theo chân đế thì chỉ là “danh sắc”. Người, chư thiên… chỉ là những từ ngữ mô tả danh sắc sau lớp vỏ định danh ấy ([27]). Đây là đề cập đến sự thật theo cách diễn đạt.

Với đối tượng thì sao? Với đối tượng là người chưa làm quen với chân đế, thì dùng tục đế rồi dẫn dắt vào chân đế, như:

“Kiñca, bhikkhave, sabbaṃ? Cakkhuñceva rūpañ ca, sotañca saddā ca, ghānañ ca gandhā ca, jivhā ca rasā ca, kāyo ca phoṭṭhabbā ca, mano ca dhammmā ca. Idaṃ vuccati, bhikkhave, sabbaṃ”.

“ Và này các Tỳkhưu, thế nào là tất cả? Mắt và các sắc; tai và các tiếng; mũi và các mùi; lưỡi và các vị; thân và các xúc; ý và các pháp. Như vậy, này các tỳkhưu, gọi là tất cả”([28]).

Theo lời dạy của bài kinh, chúng ta thấy: Đức Thế Tôn định nghĩa “tất cả” theo chân đế, không theo định nghĩa của tục đế. Và “tất cả” ở đây chỉ cho danh sắc hay 12 xứ (āyatana).

Với đối tượng có trí, hiểu được chân pháp thì dùng ngay những từ ngữ chỉ cho chân đế, như:

Kusala dhammā: Tất cả pháp thiện.
Akusala dhammā: Tất cả pháp bất thiện.
Abyākatā dhammā: Tất cả pháp vô ký”([29])

Như người đào đất từ những nơi khác, nghiền ra thành bụi, trộn vào nước thành bùn và dùng bùn này để làm ra nhiều loại bình, ly, chum… và trong thế gian đang có nhiều loại bình, chum, ly. Nhưng “tất cả” bình, ly, chum… là đất. Và hai sự thật được đặt bên nhau.

Khi thảo luận về vấn đề “các loại hình của bình, ly….” thì danh từ bình, ly..  không bị phản đối, vì sao? Vì bình, ly … có trong thế gian.

Xét ra, tục đế mang tính khằng định theo thế gian, còn chân đế mang tính phủ nhận tục đế, vì chân đế chỉ thừa nhận “chất đất đang hiện hữu” mà thôi, không có bình, ly, chum, vại… chi cả.
Mặt khác, tuy phủ nhận tục đế, nhưng chân đế cũng phải mượn tục đế để diễn đạt. Tức là qua từ ngữ của tục đế làm nỗi bật chân đế, làm cho bản chất thật của sự vật hiển lộ ra.

Có điều “cùng là từ ngữ” nhưng tục đế thường dùng những từ ngữ thông dụng, còn chân đế dùng những thuật ngữ có tính chuyên đề, như mắt là từ ngữ thông thường, nhãn vật (cakkhuvatthu), nhãn xứ (cakkhāyatana), nhãn quyền (cakkhundriya)… là thuật ngữ chuyên đề.

“…Cakkhuṃ, bhikkhave, aniccaṃ…… Mắt, này các Tỳkhưu là vô thường…”([30]).
“… Cakkhuṃ, bhikkhave, anattā…”… Mắt, này các Tỳkhưu là vô ngã…”([31]).

Mắt là từ ngữ thông dụng của tục đế, còn vô thường, vô ngã là thuật ngữ của chân đế. Đức Phật có dạy:

“Desito  Ānanda mayā dhammo anantaraṃ abāhiraṃ karitvā; natatth’ Ānanda Tathāgatassa dhammesu ācariya muṭṭhi”.

“Này Ānanda, Ta giảng pháp thù thắng (mayā) đã thực hành ở giữa, không phải bên ngoài,  vì này Ānanda, đối với các pháp, Như lai không bao giờ là vị thầy còn nắm tay.”([32])

“Pháp bên ngoài” là tục đế”; “pháp ở giữa” là chân đế (là con đường giữa hay bát chánh đạo).

*****

Trong hai sự thật, thì tục đế không cần phải giải thích nhiều vì đó là sự thật theo cách sử dụng đã có, riêng chân đế cần phải giải thích thêm một số điều.

Trong những từ ngữ mà chúng ta gọi là “bình đất, ly đất…”, theo ý nghĩa chân đế thì đó chỉ là “đất”, không phải là “bình hay ly”. "Đất" là một thuật ngữ chỉ cho những gì có đặc tính “cứng hay mềm”, khái niệm "bình hay ly" không có đặc tính này và “bình hay ly…” cũng không phải dùng để mô tả “đất”, chúng dùng để mô tả “khái niệm về hình dạng” của đất bị biến đổi thành hình cầu, hình bầu dục…Bình hay ly không thể áp dụng cho đất không có hình bầu dục, hình cầu.

Lại nữa, nếu những cái bình làm bằng vàng, bạc hay đồng, người ta không gọi là “bình đất” mà là “bình vàng, bình bạc, bình đồng”; nhưng dù là ngọc, vàng, bạc, đồng hay bất kỳ kim loại nào chăng nữa, theo chân đế cũng chỉ là “đất”.

Đặc tính “cứng hay mềm” của đất tuy có thay đổi cũng chỉ chuyển từ “cứng” sang “mềm” hay ngược lại; nói gọn, chúng chỉ hoán chuyển với nhau, nên có thể nói rằng “bản chất đất không thay đổi”, còn bình, ly … có thể thay đổi, chúng chỉ là sự định danh (santhānapaññati), chúng không có bản chất thật nào khác, ngoài “cứng” của đặc tính đất. Chúng chỉ là những khái niệm (paññatti) thể hiện trong tâm do dáng vẻ, hình dạng đặc biệt của bùn được gia công.

Do vậy, theo chân đế, phủ nhận “bình, ly…” là điều hợp lý, không cần phải bàn cải.

Ngọc, vàng, bạc, đồng… sao lại là đất? Như đã giải thích, “đất” là một thuật ngữ chỉ cho đặc tính “cứng hay mềm”, ngọc vàng, bạc… có đặc tính này nên gọi chung là đất.

Lại nữa, ngọc, vàng, bạc bị tán nhuyễn thành bụi, trộn chung vào đất chúng trở thành bụi đất, còn bụi đất trộn chung với bụi vàng chúng vẫn là “bụi đất”.

Bây giờ chúng ta phân tích về các pháp theo chân đế. Trong hai thuật ngữ “danh sắc” được đề cập ở trên thì: Danh pháp có 54 loại, sắc pháp có 28 loại.



7–  Các danh pháp (nāmadhammā).


Danh pháp có 54 loại là:

– Tâm hay thức (citta).
– Tâm sở (cetasika), có 52 loại .
– Nípbàn (Nibbāna)([33]).

  • Tâm hay thức (citta) là pháp có khả năng nhận biết cảnh.
  • Tâm sở (cetasika) là những pháp đồng sinh với tâm, ngoài sự “biết cảnh” như tâm, những tâm sở còn có những đặc tính, chức năng riêng.
  • Nibbāna (nípbàn), theo nguyên ngữ là ni (không có) + varn (liên kết). Nípbàn là pháp không có liên kết với ái, là pháp thoát ra vòng sinh tử, thoát ra mọi đau khổ.

A- Tâm hay Thức.

Thức có sáu loại là: Nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức.

  • Thức sinh lên tại thần kinh nhãn được gọi là nhãn thức, có chức năng thấy. Nhãn thức  có khả năng nhận biết tất cả màu sắc, dáng vẻ, hình dạng…
  • Thức sinh lên tại thần kinh nhĩ được gọi là nhĩ thức, có chức năng nghe. Nhĩ thức có khả năng nhận biết tất cả âm thanh. 
  • Thức sinh lên tại thần kinh tỷ được gọi là tỷ thức, có chức năng ngửi. Tỷ thức có khả năng nhận biết tất cả mùi. 
  • Thức sinh lên tại thần kinh thiệt được gọi là thiệt thức, có chức năng nếm. Thiệt thức có khả năng nhận biết tất cà vị chất. 
  • Thức sinh lên tại thần kinh thân được gọi là thân thức, có chức năng đụng chạm. Thân thức có khả năng nhận biết tất cả đụng chạm. 
  • Thức sinh lên tại sắc ý vật (hadayavatthu) gọi là ý thức. Ý thức có khả năng nhận biết tất cả đối tượng (ārammaṇa – cảnh). Trong cõi vô sắc (arūpa loka) ý thức sanh lên không cần sắc ý vật.

Ý thức được chia ra làm bốn loại: Tâm Dục giới (kāmāvacaracittaṃ) [34]), tâm Sắc giới (rūpāvacaracittaṃ), tâm Vô sắc giới ( arūpāvacaracittaṃ), tâm Siêu thế (lokuttaracittaṃ).

  • Tâm dục giới là loại tâm nằm trong quyền lực của dục tham (kāmataṅhā), nói cách khác dục tham chiếm ưu thế trong các loại tâm dục giới. Tâm Dục giới có bốn thành phần là: Tâm bất thiện (akusalacittaṃ), tâm thiện (kusalacitttaṃ),  tâm quả (vipākacittaṃ) và tâm vô ký (kiriyacittaṃ).
  • Tâm Sắc giới là tâm thiền (jhānacittaṃ), tuy thoát khỏi tham dục (kāmalobha), nhưng vẫn còn trong phạm vi quyền lực của ái sắc (rūpataṅhā), là sự thích thú với cảnh thiền sắc, ái sắc chiếm ưu thế trong tâm thiền Sắc giới. Tâm Sắc giới có ba thành phần là: Tâm thiền (thiện) Sắc giới, tâm quả thiền Sắc giới và tâm vô ký thiền Sắc giới.
  • Tâm Vô sắc giới (arūpāvacara). Cũng là loại tâm thiền, nhưng với đề mục vô sắc, loại tâm này tuy thoát ra được sự kềm chế của ái sắc, nhưng vẫn bị ái vô sắc (arūpataṅhā) chi phối, vẫm nằm trong quyền lực của tham cảnh thiền Vô sắc. Tâm Vô sắc giới cũng có ba thành phần: Thiện, quả và vô ký như tâm Sắc giới.
  • Tâm Siêu thế (lokuttaracittaṃ). Là tâm chứng đắc Nípbàn và thành tựu địa vị bậc Thánh (ariya) thoát khỏi ba loại ái (ái dục, ái sắc, ái vô sắc) diệt trừ nghiệp dẫn tái sinh vào ba cõi. Tâm Siêu thế có hai loại: Tâm Đạo và tâm quả Siêu thế; mỗi loại có bốn bậc là: Tâm Đạo Dự lưu, tâm quả Dự lưu; tâm Đạo Nhất lai, tâm quả Nhất lai; tâm Đạo Bất lai, tâm quả Bất lai; tâm Đạo Alahán, tâm quả Alahán. Tính gọn là 8 tâm (nếu tính rộng thì có 40 tâm).

B- Tâm sở (cetasikā).

Tâm sở có 52 loại, bao gồm các thành phần như sau:

a- Tâm sở tợ tha (vimissaka cetasikā).

Gọi là “tợ tha” nghĩa là “giống như bên ngoài (chúng)”. Tức là khi chúng hợp với thiện thì chúng là thiện, khi chúng hợp với bất thiện thì chúng là bất thiện, chúng hợp với vô ký thì chúng là vô ký. Ngài Shwe Zan Aung gọi chúng là “không thiện” cũng “không bất thiện”, do chúng hợp với cả tâm thiện và bất thiện.

Tâm sở tợ tha bao gồm hai thành phần: Tâm sở biến hành và tâm sở biệt cảnh.

*- Bảy tâm sở biến hành (sabba cittaka). Được gọi như vậy vì 7 tâm sở này có trong tất cả các tâm, đó là: Xúc (phassa), thọ (vedanā), tưởng (saññā), tư (cố ý) (cetanā), nhất hành (ekaggatā), mạng quyền (jīvitindriya) và tác ý (manasikāra).

  1. Xúc (phassa). Là sự chạm mạnh để làm cho cảnh (ārammaṇa) thích hợp hay không thích hợp lộ ra. Xúc là một tác lực cơ bản của danh pháp, mọi danh pháp (ngoài xúc) nếu không có xúc thì không thể sinh lên. Nếu sức  mạnh của xúc yếu ớt, không đủ sức “nhấn mạnh” cảnh, khi ấy cảnh không lộ ra để các danh pháp khác sinh lên.
  2. Thọ (vedanā). Là khả năng nhận lãnh cảnh do xúc làm hiển rộ ra. Tất cả chúng sinh thường chìm đắm trong các loại thọ này.
  3. Tưởng (saññā). Là sự “nhớ lại” để hiểu biết. Tất cả chúng sinh hiểu biết nhiều hơn nhờ tưởng; nếu tưởng đúng pháp thì mang lại rất nhiều lợi ích, còn như tưởng sai pháp sẽ dẫn đến những tai hại lớn. Tưởng thường phù hợp với theo tập quán, tín ngưỡng… hoặc chúng theo “khuôn mẫu” cái đã từng biết (như ví dụ con hươu ở trên).
  4. Tư hay cố ý (cetanā). Là khả năng xác định các hành động của các tâm sở để làm cho chúng hài hoà. Theo cách nói thông thường của thế gian, thì đó là người giám sát, người thực hiện hay tác giả của việc nào đó, của công trình nào đó. Chúng ta thường nói “Ồ, việc này do người này làm ra”, hay “đây là công trình của người này”… Tư (cetanā) được cho là  nghiệp (kamma), vì xác định các hoạt động của  thân, khẩu, ý hay giám sát các tâm sở khác. Mỗi thành tựu trong cuộc đời, là kết quả từ những nỗ lực trong công việc do thân, khẩu và ý thực hiện. Cũng vậy, những kiếp sống mới là kết quả của tâm sở Tư (cetanā) trong các hoạt động của thân, khẩu, ý được thực hiện trong hiện tại, kiếp trước hay kiếp trước trrước đó. Trái đất, nước, núi, cây, cỏ, đồng ruộng, sa mạc… tất cả đều do thời tiết (utu) tạo ra, nhưng vẫn có vai trò của tâm sở Tư trong đó, như xe báu, ngọc báu của vua Chuyển luân vương là do phước riêng của vua Chuyển luân, chúng hiển lộ ra, hay thời nào chúng sinh sống thiện pháp thì mưa thuận gió hòa…([35]).
  5. Nhất hành (ekaggatā). Cũng được gọi là Định (samādhi). Nó nổi bật trong sự chứng đắc định (jhānasamāpatti), hay chứng đạt các tâm thiền siêu thế (lokuttara jhāna).
  6. Mạng quyền (Jīvitindriya). Là danh mạng quyền, nổi trội trong việc giữ gìn sự an trụ cho danh pháp.
  7. Tác ý (Manasikāra). Có chức năng đem cảnh mong muốn đến cho tâm.


*- Sáu tâm sở biệt cảnh (pakiṇṇaka cetasikā). Được gọi như vậy, vì chúng chỉ sinh lên khi gặp cảnh thích hợp. Sáu tâm sở biệt cảnh là: Tầm (vitakka), Tứ (vicāra), Thắng giải (adhimokkha), cần (viriya), hỷ (pīti), và dục (chanda).

  1. Tầm (vitakka). Có chức năng hướng tâm đến cảnh. Tầm cũng được gọi là Tư duy (saṅkappa). Tư duy có hai loại là chánh tư duy (sammāsaṅkappa)([36]), và tà tư duy (micchāsaṅkappa).
  2. Tứ (vicāra). Có chức năng quan sát cảnh.
  3. Thắng giải (adhimokkha). Theo nghĩa đen là “tách rời khỏi tâm (mokkha – thoát ra) với cảnh”. Nó có chức năng làm cho tâm không bị dao động giữa hai điều: “đó là”, hay “đó không là”, “đúng hay không đúng”.
  4. Cần (vīriya). Nghĩa là sự cố gắng; có hai loại là chánh cần và tà cần. Chánh cần là sự cố gắng thực hành thiện pháp, còn tà cần là sự cố gắng thực hành theo bất thiện pháp.
  5. Hỷ (pīti ). Là sự thích thú, hân hoan.
  6. Dục (chanda). Là sự mong muốn, như muốn đi, muốn nói…
Sáu tâm sở này không có thường xuyên trong tất cả các loại tâm, có nhiều tâm không có chúng, do vậy, chúng được gọi là biệt cảnh (pakiṇṇaka).

Bảy tâm sở biến hành hợp với sáu tâm sở biệt cảnh, tổng cộng là 13 tâm sở. Mười ba tâm sở này được gọi là tâm sở tợ tha (vimissaka cetasikā). Chúng có mặt trong ba loại tâm: Thiện, bất thiện và vô ký.

b- Tâm sở bất thiện (akusala cetasikā).

Có 14 tâm sở là: Tham (lobha), sân (dosa), si (moha), tà kiến (diṭṭhi), ngã mạn (māna), ganh ty (issā), bỏn xẻn (macchariya), hối hận (kukkucca), không hổ thẹn (với) tội lỗi (ahirika), không ghê sợ (với) tội lỗi (anottappa), loạn động (uddhacca),  dã dượi (thīna), buồn ngủ (middha) và nghi (vicikicchā).

  1. Tham (lobha). Theo nghĩa đen là tham, nhưng nghĩa mở rộng là “sự dính mắc của tâm vào cảnh”. Đôi khi tham được gọi ái (taṇhā), là đắm nhiễm (abhijjhā), là trìu mến (rāga).
  2. Sân (dosa). Nghĩa đen là nóng nảy, nghĩa mở rộng là “sự đánh mạnh của tâm vào cảnh”. Dosa có hai tên gọi khác là paṭigha (phẫn nộ) và byāpāda (hiềm hận).
  3. Si (moha). Nghĩa đen là “sự mê muội”, nghĩa mở rộng là “sự thiếu hiểu biết về pháp”. Moha cũng được gọi là avijjā (vô minh), aññāṇa (si mê, ngu xuẩn) và adassana (mù lòa). Ba loại tâm sở trên được gọi là ba căn bất thiện (akusalamūla), chúng là nguồn gốc của tất cả các bất thiện pháp.
  4. Tà kiến (diṭṭhi). Là thấy sai, hiểu sai, cho vô thường là thường, vô ngã là ngã, thiện là bất thiện hay phủ nhận quả của nghiệp…
  5. Ngã mạn (māna). Là sự  so sánh danh sắc (nāma-rūpa) này (là danh sắc của chúng sinh ấy) với danh sắc khác, xem là cao thượng hay không cao thượng, theo giòng họ, tài sản, địa vị, hay những gì chứng đạt hoặc không chứng đạt được ….. từ đó nảy sinh tự hào hay tự ti mặc cảm.
  6. Ganh tỵ (issā). Là sự không hài lòng, không tán thành, thiếu xu hướng chúc mừng người, khi thấy người này có những thành công trong đời sống. Issā còn mang ý nghĩa khác, là “có khuynh hướng tìm lỗi người”.
  7. Bỏn xẻn (macchariya). Là sự hẹp hòi, keo kiết, không muốn chia xẻ với người khác những gì mình có.
  8. Hối hận (kukkucca). Là lo lắng thái quá về những nghiệp bất thiện đã làm hay về những nghiệp thiện đã bỏ qua. Có hai cách thể hiện như vầy “Ta đã làm điều ác” hay “ta đã bỏ qua những nghiệp thiện như bố thí, trì giới…”.
  9. Không hổ thẹn tội lỗi (ahirika). Khi sắp phạm một tội gì đó thì không có cảm giác tội lỗi như “ta thật có tội nếu làm điều này”, hoặc là “một số người hay chư thiên có thể biết điều tội lỗi này được ta làm”, cảm giác ấy không sinh lên trong tâm người ấy. Đó chính là “không hổ thẹn với tội lỗi”.
  10. Không ghê sợ tội lỗi (anottappa). Là không sợ hậu quả khi làm điều tội lỗi, khôngg “lo sợ tự mình chê trách mình (attānuvādabhaya) như: “ta là kẻ ngu ngốc; ta đã làm điều sai trái”, không “lo sợ người khác chỉ trích (parānuvādabhaya)”,không “lo sợ bị hình phạt (daṇḍabhaya) của luật nước”, không “lo sợ trong các cõi khổ (apāyabhaya) sau khi mạng chung”.
  11. Loạn động (uddhacca). Là trạng thái tâm tâm tán loạn, không vững vàng, như người bị lạnh run rảy.
  12. Dã dượi (thīna – hôn trầm). Là sự lười biếng của tâm; đó là trạng thái lờ mờ khi nhận biết cảnh của tâm, giống như người uống rượu quá say không còn điều khiển được thân mình.
  13. Buồn ngủ (middha – thuỵ miên). Là sự lười biếng của của các tâm sở, đó là sự lờ mờ trong khả năng nhận biết của mỗi tâm sở như xúc, thọ, tưởng…
  14. Hoài nghi (viicikicchā). Là không tin vào điều cần phải tin.

Mười bốn loại trên được gọi là Pāpajāti (giống ác) hay pháp bất thiện (akusaladhammā), thực tế chúng là bất thiện.


c- Tâm sở tịnh hảo ( sobhana cetasi kā hay kalyānajātika).

Gọi là tịnh hảo (sobhanā), vì nhóm tâm sở này vừa trong sạch vừa tốt đẹp. Nhóm tâm sở này gồm có 25 loại: Vô tham (alobha), vô sân (adosa), vô si (amoha), tín (saddhā), niệm (sati), hổ thẹn tội lỗi (hiri), ghê sợ tội lỗi (ottappa), hành xả (tatramajjhattatā), tịnh thân (kāyapassaddhi), tịnh tâm (cittapassaddhi), nhu thân (kāyalahutā), nhu tâm (cittamudutā), thích thân (kāyakammaññatā), thích tâm (cittakammaññatā), thuần thân (kāyapāguññatā), thuần tâm (cittapāguññatā), chánh thân (kāyujukatā), chánh tâm (cittujukatā), chánh ngữ (sammāvācā), chánh nghiệp (sammākammanta), chánh mạng (sammā ājīva), bi (karuṇā), tùy hỷ (mudutā).

  1. Vô tham (alobha). Là trạng thái tâm không thích thú cảnh. Alobha cũng được gọi là nekkhammadhātu (xuất ly giới)và anabhijjhā (không đắm nhiễm).
  2. Vô sân (adosa). Là trạng thái tâm không khó chịu với cảnh. Adosa cũng được gọi là abyāpāda (không hiềm hận)và mettā (từ).
  3. Vô si (amoha). Là “không mê muội “, nghĩa rộng là “biết các pháp như  thật”. Amoha cũng được gọi là ñāṇa (trí), paññā (tuệ), vijjā (minh), sammādiṭṭhi (chánh kiến). Ba loại này được gọi là ba kalyāṇamūla (cội rễ thiện) do chúng là nguồn gốc của tất cả các pháp thiện.
  4. Tín (saddhā). Là tin điều đáng tin, tin điều cần phải tin. Tín còn được gọi là pasāda (trong sạch).
  5. Niệm (sati). Là ghi nhận rõ để không lãng quên, cũng được gọi là dhāraṇa (nắm bắt), uṭṭhāna (nỗi bật lên).
  6. Hổ thẹn tội lỗi (hiri). Là sự nhún nhường, bao hàm cả sự lưỡng lự khi làm các điều ác do thấy hổ thẹn khi người khác biết việc mình làm.
  7. Ghê sợ tội lỗi (ottappa). Là sự thận trọng, bao hàm cả sự lưỡng lự khi làm các điều ác do lo sợ tự buộc tội, bị người khác buộc tội hay lo sợ phải chịu hình phạt trong hiện tại, hay lo sợ bị trừng phạt trong các cõi khổ (apāyabhaya).
  8. Hành xả (tatramajjhattatā). Là sự cân bằng của tâm, là cách tâm không bám cảnh và cũng không đẩy lùi cảnh. Tatramajjhattatā còn được gọi là upekkhā brahmavihāra  (xả phạm trú) trong bốn loại phạm trú: Từ , bi, hỷ, xả, là xả giác chi (upekkhā sambojjhaṅga) trong các giác chi (bojjhaṅga).
  9. Tịnh thân (kāya passaddhi). Nghĩa là sự an tịnh của các tâm sở.
  10. Tịnh tâm (citta passaddhi). Nghĩa là sự an tịnh của tâm. “An tịnh” nghĩa là các tâm sở và tâm được êm dịu nhờ thoát ra pháp bất thiện (pāpadhamma) khi làm các việc thiện.
  11. Khinh thân (kāyalahutā). Là sự nổi bật của các tâm sở.
  12. Khinh tâm (cittalahutā). Là sự nổi bật của tâm. “Sự nổi bật” có nghĩa là các tâm sở và tâm trở nên sáng chói do thoát khỏi pháp bất thiện quấy nhiễu đến chúng, khi làm các việc thiện. Giảithích tương tự cho phần còn lại.
  13. Nhu thân (kāyamudutā). Là sự mềm dẻo, dễ uốn nắn của các tâm sở.
  14. Nhu tâm (cittamudutā). Là sự mềm dẻo, dễ uốn nắn của tâm.
  15. Thích thân (kāyakammaññatā). Là sự thích hợp trong việc làm của các tâm sở.
  16. Thích tâm (cittakammaññatā). Là sự thích hợp trong việc làm của tâm.
  17. Thuần thân (kāyapāguññatā). Là sự thành thạo của các tâm sở.
  18. Thuần tâm (cittapāguññatā). Là sự thành thạo của tâm.
  19. Chánh thân (kāyujukatā). Là tính ngay thẳng, chính trực của các tâm sở.
  20. Chánh tâm (cittujukatā). Là tính ngay thẳng, chính trực của tâm.
  21. Chánh ngữ (sammāvācā). Là lời nói đúng đắn. Chánh ngữ là không thực hiện bốn việc ác về lời như: Nói dối, nói vu khống, nói lời sỉ nhục và nói vẩn vơ.
  22. Chánh nghiệp (sammā kammantā). Là không làm những việc ác về thân như: sát sanh, trộm cắp và tà dâm.
  23. Chánh mạng (sammā ājīva). Là nuôi mạng một cách đúng đắn. Chánh ngữ, chánh nghiệp và chánh mạng được gọi là ba giới phần.
  24. Bi (karuṇā). Là sự thương xót, có ý muốn giúp đỡ những ai đang đau khổ.
  25. Tùy hỷ (muditā). Là sự vui mừng với thành công của người khác.

Hai tâm sở cuối được gọi là appamaññā (vô lượng). Hai tâm sở này được gọi là karuṇā brahmavihāra (bi phạm trú) và muditābrahmavihāra (hỷ phạm trú). Chúng cũng được gọi là appamaññā citta (vô lượng tâm), theo định nghĩa sau:

 “Appamānesu sattesu bhavāti = appamaññā: Do không có giới hạn chúng sinh, gọi là vô lượng”.

C- Nípbàn (nibbāna).


Nibbāna là sự diệt nghiệp dẫn đi tái sinh. Nípbàn chỉ có một, nhưng tùy theo sự chứng đạt Nípbàn của bậc Thánh, Nípbàn có thể phân thành ba loại: Nípbàn thứ nhất, nípbàn thứ hai và nípbàn thứ ba. Ví như người có mắt nhìn rõ một vật, lần thứ hai nhìn rõ hơn và lần thứ ba thì thấy rõ trọn vẹn.

  • Nípbàn thứ  nhất: Thoát khỏi 4 cõi khổ  (ám chỉ sự chứng đắc Nípbàn của bậc Thánh Dự lưu và bậc Thánh Nhất lai. Hai bậc này đã diệt trọn vẹn nghiệp dẫn đi tái sinh về bốn khổ cảnh – Nd).
  • Nípbàn thứ hai: Thoát thế gian dục lạc (kāmaloka) (ám chỉ sự chứng đắc Nípbàn của bậc Thánh Anahàm – Nd).
  • Nípbàn thứ ba: Thoát ra khỏi cõi Sắc (rūpaloka) và cõi Vô sắc (arūpaloka) (ám chỉ sự chứng đắc Nípbàn của bậc Thánh Alahán. Nd).

Thức, 52 tâm sở và Nípbàn gom lại là 54 danh pháp.


8- Sắc pháp (rūpadhammā).


Sắc pháp là thể vật chất vô tri giác, có tất cả là 28 sắc pháp. Trong đó có 18 sắc gọi là “sắc sinh khởi – jātarūpāni”, là loại sắc có khả năng tạo ra sắc khác. Mười sắc còn lại gọi là “sắc phi khởi sinh – ajātarūpāni”, vì chúng không có khả năng tạo ra sắc khác.

A-Mười tám sắc sinh khởi (Jātarūpāni).


Gồm các loại sắc sau: Bốn sắc tứ đại, (mahābūta), sáu sắc vật (vatthurūpa) làm chỗ nương sinh cho tâm, bốn sắc trần cảnh (gocararūpa), hai sắc tính (bhāvarūpa), sắc mạng quyền (jīvitindriyarūpa), sắc vật thực (āhārarūpa).

1’- Sắc Tứ đại (mahābūta). Gọi là mahābhūta (đại hiển) vì phát triển nhanh chóng. Đó là bốn chất cơ bản của sắc pháp, các loại sắc pháp khác đều nương từ bốn chất này mà sinh ra. Sắc tứ đại là đất (pathavī), nước (āpo), lửa (tejo), gió (vāyo).

  • Yếu tố mở rộng là đất (pathavī);  đất là nền tảng của vật chất. Đất  có đặc tính “cứng hay mềm”, đất thay đổi  đặc tính này với nhiều cách: Cứng, rất cứng, mềm, mềm dẻo, rất mềm…
  • Yếu tố kết dính là nước (āpo); nước có khả năng “kết dính” các vật chất, nhờ đó chúng tạo ra những khối sắt, quặng, mỏ, núi non, lâu đài …. hoặc làm “tan rã” các vật chất. Nhìn bên ngoài, có nhiều loại kết dính cũng như tan rã.
  • Yếu tố nóng – lạnh là lửa (tejo), lửa có khả năng đốt cháy hay làm chín các sắc pháp. Tính chất làm chín này có hai loại là tính chất làm chín của nóng và của lạnh (như cơ thể bị lạnh quá có thể bị hư hoại)…
  • Yếu tố chuyển động là gió (vāyo), gió có khả năng “đẩy tới” hay “cản lại”. Nó có nhiều loại “đẩy tới” như vận chuyển, rung, truyền tin… còn cản lại thì: chậm dần,  rất chậm, đứng hẳn…
Từ tứ đại này, tất cả những dạng sắc pháp khác được bắt nguồn hay tạo ra. Hoặc, nói theo cách khác thì “tất cả sắc pháp là sự kết hợp của bốn chất này, tùy theo từng tỷ lệ”.


2’ – Sáu sắc vật (vatthurūpa). Sắc vật là loại sắc mà từ đó tâm sinh lên và nương trú. Gồm có sáu loại.

  • Sắc thần kinh nhãn (cakkhupasāda). Là thành phần cảm giác bên trong cầu mắt, tại đó nhãn thức được sinh ra. Thần kinh nhãn có khả năng thâu bắt tất cả màu sắc, hình dạng, dáng vẻ…
  • Sắc thần kinh nhĩ (sotapasāda). Là thành phần cảm giác bên trong tai, tại đó nhĩ thức được sinh ra. Thần kinh nhĩ có khả năng thâu bắt tất cả âm thanh.
  • Sắc thần kinh tỷ (ghāṇapasāda). Là thành phần cảm giác bên trong mũi, tại đó tỷ thức được sinh ra. Thần kinh tỷ có khả năng thâu bắt tất cả các mùi.
  • Sắc thần kinh thiệt (jīvhāpasāda). Là thành phần cảm giác phía trên bề mặt của lưỡi, tại đó thiệt thức sinh ra. Thần kinh thiệt có khả năng thâu bắt tất cả các vị chất.
  • Sắc thần kinh thân (kāyapasāda). Là thành phần cảm giác chính, nó toả khắp toàn bộ cơ thể bên trong và bên ngoài từ đầu đến chân, tại đó thân thức sinh lên. Thần kinh thân có khả năng thâu bắt tất cả “đụng chạm” ở thân.
  • Sắc ý vật (hadayavatthu). Là loại sắc rất vi tế bên trong trái tim, tại đó ý thức bao gồm 109 loại tâm sinh lên và nương trú ([37]). Sắc ý vật có khả năng thâu bắt tất cả  đối tượng (ārammaṇa – cảnh)

Tất cả các loại tâm được sinh ra từ sáu loại sắc này, nhưng mỗi loại sắc chỉ dung chứa tâm tương ứng, như thần kinh nhãn chỉ dung chứa nhãn thức, thần kinh nhĩ chỉ dung chứa nhĩ thức… sắc ý vật chỉ dung chứa ý thức.

3’- Bốn sắc trần cảnh (gocararūpa). Sắc trần cảnh là loại sắc làm đối tượng cho các giác quan thâu bắt, làm khởi sinh năm đôi thức (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân thức).

  • Sắc cảnh sắc (rūpārammaṇarūpa). Là tất cả màu hay hình dạng, dáng dấp của nhiều hình ảnh. Sắc cảnh sắc là một trong bốn nhân sinh nhãn thức, tất cả những gì lọt vào thần kinh nhãn, bị nhãn thức biết, đều là cảnh sắc.
  • Sắc cảnh thinh (saddārammaṇarūpa). Là tất cả các tiếng. Sắc cảnh thinh là một trong bốn nhân sinh nhĩ thức. Tất cả những âm thanh lọt vào vùng kiểm soát của thần kinh nhĩ, bị nhỉ thức biết, đều là sắc cảnh thinh.
  • Sắc cảnh mùi (gandhārammaṇarūpa). Là tất cả các mùi. Sắc cảnh mùi là một trong bốn nhân sinh tỷ thức. Tất cả những gì lọt vào vùng kiểm soát của thần kinh tỷ, bị tỷ thức biết, đều sắc cảnh mùi.
  • Sắc cảnh vị (raārammaṇarūpa). Là tất cả các vị chất. Sắc cảnh vị là một trong bốn nhân sinh thiệt thức. Tất cả những gì lọt vào vùng kiểm soát của thần kinh lưỡi, bị thiệt thức nhận biết, đều là sắc cảnh vị.

Ở đây không đề cập đến sắc cảnh xúc (phoṭṭhabbārammaṇarūpa), vì sắc cảnh xúc chính là một trong ba đại: Đất, lửa, gió.

Khi thân đụng chạm vào đất thì đất là cảnh xúc (pathavīphoṭṭhabbārammaṇa). Khi thân đụng chạm với lửa, thì lửa là cảnh xúc (tejophoṭṭhabbārammaṇa). Khi thân đụng vào gió thì gió là cảnh xúc (vāyopjoṭṭhabbārammaṇa).

Còn nước (āpo) là loại sắc vi tế (sukhumārūpa) nên nước không thể đụng chạm được mà chỉ nhận thức.

4’- Hai sắc tính (bhāvarūpa). Bhāva có nghĩa là “bản tính”.

  • Sắc nữ tính (itthibhāvarùpa). Là loại sắc tạo ra hình dạng, dáng dấp, cách thức của người nữ.
  • Sắc nam tính (purisabhāvarūpa). Là loại sắc tạo ra hình dạng, dáng dấp, cách thức của người nam.

Hai sắc tánh này được có riêng biệt trên cơ thể của người nam hay người nữ. Giống như sắc thần kinh thân, hai sắc tính này lan toả toàn bộ cơ thể từ lòng bàn chân đến đỉnh đầu, bên trong và bên ngoài. Chúng có đặc tính nổi trội lên để phân biệt nữ hay nam.

5’- Sắc mạng quyền (jīvitindriyarūpa). Jīvita có nghĩa là “sự sống”, indriya là “khả năng kiểm soát”. Gọi là “sắc mạng quyền” vì có khả năng kiểm soát, gìn giữ “sự sống” của các sắc pháp do nghiệp tạo ra, như nước trong hồ gìn giữ sự sống cho cây sen.

Theo cách nói thông thường là “người sống”, “người chết”, theo chân đế là đề cập đến “có hay không có sắc mạng quyền”. Khi nói “người ấy còn sống” là ám chỉ sắc mạng quyền còn tồn tại, cho dù người ấy đang ở trạng thái hoặc “hôn mê”, hoặc “tỉnh táo”, “hoặc lịm dần”… Khi nó hoại diệt thì người ấy “chết”. Sắc mạng quyền cũng như sắc thần kinh, nó lan tỏa khắp châu thân.

6’- Sắc vật thực(āhārarūpa). Sắc vật thực (āhārarūpa) chủ yếu là dưỡng tố (ojā), dưỡng tố là thành phần chủ yếu nuôi dưỡng và thúc đẩy sự lớn mạnh của các sắc pháp.

Như nước có trong đất hay nước rơi từ trên trời xuống giúp các hạt giống nảy mầm, nuôi dưỡng cây, thúc đẩy sự lớn mạnh của cây. Cũng vậy, sắc vật thực giúp các sắc pháp do bốn nhân tạo ra là: Nghiệp, tâm, thời tiết và vật thực được sinh ra và lớn lên.

Sắc vật thực là nhân tố hỗ trợ chủ yếu của sắc mạng quyền, giúp sắc mạng quyền được tồn tại; sắc vật thực có trong thực phẩm mà chúng sinh dùng hằng ngày.

B- Mười sắc phi khởi sinh (ajātarūpāni).


Đó là : Sắc hư không (ākāsadhātu), hai sắc tiêu biểu (viññattirūpa), ba sắc đặc biệt (vikārarūpa), bốn sắc tướng trạng (lakkhaṇarūpa).

1’- Ākāsadhātu (sắc hư không).

Sắc hư không (ākāsadhātu) là khoảng trống giữa hai sắc pháp, gọi là không giới (ākāsadhātu), hư không là loại sắc pháp “không thực thể – nijjīva”, không phải là nguyên tố “sống” như tứ đại… mà đó chỉ là “khoảng trống”.

Trong đống cát nhiều “khoảng trống” giữa hai hạt cát, do vậy chúng ta có thể nói rằng có rất nhiều hư không trong đống cát. Khi đống cát bị dời đi hay bị gió bốc các hạt cát tung bay, bấy giờ “khoảng trống” giữa hai hạt cát cũng bị hoại đi, các “khoảng trống” trong đống cát cũng không còn.

Tương tự như vậy, trong đá, cẩm thạch hay kim cương, sắt… có nhiều hạt nguyên tử, giữa hai hạt nguyên tử là “khoảng trống”; trong mỗi hạt nguyên tử nhỏ nhất thì cũng có ít nhất là tám sắc là: tứ đại, màu, mùi, vị và sắc vật thực, và mỗi sắc được tách rời với nhau bởi “hư không” ở giữa chúng.

Do có những “khoảng trống” này mà đá, sắt.. có thể bị vỡ ra, bị cắt thành từng miếng, bị nghiền nhỏ hay bị chảy ra.

2’- Hai sắc tiêu biểu (viññattirūpa).

 Gọi là viññattirūpa (sắc tiêu biểu) có nghĩa là “phương thức truyền đạt ý nghĩa” để người khác hiểu được. Đó là:

  • Thân biểu tri (kāyaviññatti). Là sự chuyển động đặc biệt của cơ thể, nhờ đó người khác biết được ý nghĩa như đi, đứng, nằm, ngồi….
  • Ngữ biểu tri (vacīviññatti). Là sự chuyển động đặc biệt của âm thanh trong sự nói, nhờ đó người khác biết được ý nghĩa như ca, ngâm, la, hét, than van….

Tuy không thể nhìn thấy tâm của người khác, nhưng nhờ hai “phương thức truyền đạt” này, một người có thể biết được mục đích, dự định, mong muốn… của người khác.

Hai loại sắc pháp này được dùng không chỉ để truyền đạt ý nghĩa, mà còn dùng trong “mục đích thực hiện ý muốn” như ưởn ngực, vặn mình, đọc lẩm nhẩm khi muốn học thuộc lòng bài kinh…

3’- Ba sắc đặc biệt (vikārarūpa).

Vikāra phân tích thành VI (đặc biệt) + KĀRA (làm). Vikāra nghĩa là sự diễn đạt đặc biệt của các sắc sinh khởi (jātarūpa).

  • Sắc khinh (lahutārūpa). Là sự nhẹ nhàng của sắc pháp.
  • Sắc nhu (mudutārūpa).  Là sự mềm dẻo của sắc pháp.
  • Sắc thích nghiệp (kammaññatārūpa). Là sự thích ứng của hai phương thức truyền đạt.

Khi một trong tứ đại bị bất hoà và không thích ứng với các chất còn lại trong bất kỳ phần nào của cơ thể, thì những phần này không còn như thường lệ trong một số công việc. Khả năng nhẹ nhàng trở nên nặng nề; sự mềm dẻo trở nên cứng rắn, không linh động; khả năng thích ứng theo ý muốn với công việc trở nên khó khăn, miễn cưỡng.

Cũng vậy khi tứ đại bất hòa, lưỡi, môi không thích ứng với mong muốn nói lên mà còn nặng nề, cứng nhắc. Khi tứ đại cân bằng và các phần cơ thể khoẻ mạnh, sắc pháp (rūpa) có những tính chất như: linh hoạt, mềm dẻo và thích ứng; những tính chất này được gọi là ba sắc đặc biệt (vikārarūpa).

4’- Bốn sắc tướng trạng (lakkhaṇarūpa).

Lakkhaṇa có nghĩa là đặc tính nổi bật mà theo đó biết được “tính vô thường” của sắc pháp.

  • Sắc sinh (upacayarūpa) . Có nghĩa là “sinh lên”, “khởi sinh (ācaya)”.
  • Sắc liên tục (santatirūpa). Có nghĩa là “tiếp tục diễn tiến” (còn gọi là sắc tiến). Từ lúc sinh rồi “tăng trường” cho đến khi không thể “tăng trưởng”, giai đoạn này gọi là santati hay pavatta (sự đi tới) (sắc tiến). Việc tạo ra (jati) các nhóm tính chất của sắc pháp nói riêng được hình thành trong gia đoạn “liên tục” này.
  • Sắc già (jaratārūpa). Là trạng thái cũ kỹ, suy tàn, thuần thục, chín muồi (với ý nghĩa chúng sẵn sàng rơi xuống), già cỗi, thối nát, mục nát. Còn gọi là sắc dị.
  • Sắc vô thường (aniccatārūpa). Có nghĩa là vô thường, chết, chấm dứt, hoạt diệt, vỡ ra hay trạng thái biến mất([38]). Còn gọi là sắc diệt.

Một cái cây có năm giai đoạn là ācaya (khởi sinh), upacaya (sinh lên), santati (phát triển), jaratā (cằn cỗi) và aniccatā (chấm dứt). Đầu tiên là nảy mầm (khởi sinh), mầm nhô ra khỏi vỏ (sinh lên) rồi phát triển dần dần hàng ngày và sau khi chấm dứt giai đoạn phát triển, cái cây ở trạng thái phát triển đầy đủ trong một thời gian. Sau đó, nó bắt đầu hư hoại (già cỗi) và cuối cùng thì chết (aniccatā).

Ở đây, sự sinh ra ban đầu của sắc pháp là giai đoạn ācaya; phát triển dần dần là giai đoạn upacaya, ở trạng thái phát triển đầy đủ là giai đoạn santati. Tuy nhiên, trong ba giai đoạn này vẫn có sátna già cỗi (khaṇika jaratā) và sátna diệt (khaṇika aniccatā) nhưng không dễ gì thấy.

Cái cây tàn đi là giai đoạn jaratā (dị), trong giai đoạn này vẫn có sátna sinh (khaṇikajāti) và  sátna diệt (khaṇika maraṇa) nhưng cũng không dễ gì thấy.([39])

Cái cây chết đi và các bộ phận biến mất hoàn toàn được gọi là giai đoạn aniccatā (diệt), trong cái mà chúng ta gọi là chết thì cũng có sinh – trụ  nhưng không thấy được.

Năm giai đoạn được mô tả, chỉ để minh họa cho sắc tướng (lakkhaṇarūpa).

Cũng vậy, chúng ta có thể chia ra trong cuộc sống của một trái cây, các cành, lá, chồi, hoa và quả ra làm năm giai đoạn. Một trái cây có thể được chia ra làm năm giai đoạn như vầy:Giai đoạn đầu tiên là xuất hiện, giai đoạn thứ hai là lớn lên hay phát triển, giai đoạn thứ ba là chững lại, giai đoạn thứ tư là chín và hư thối, và giai đoạn thứ năm là rơi khỏi thân cây, gọi là diệt hay biến mất hoàn toàn.

Cây, trái có năm giai đoạn như trình bày. Tương tự như vậy đối với thành phần vật chất trong cơ thể hay sự chuyển động của thân, khẩu. Sự bắt đầu, giữa và cuối, tất cả được tìm thấy trong sự tồn tại của mỗi sắc pháp.

Năm mươi bốn danh pháp hợp với hai mươi tám sắc pháp thành 82 pháp chân đế. Nói cách khác, tự ngã, linh hồn, chúng sinh, con người … chỉ là nói theo tục đế.

C-  Yếu tố tạo ra sắc pháp.


Có bốn yếu tố tạo ra sắc pháp là: Nghiệp (kamma), tâm (citta), thời tiết (utu) và vật thực (āhāra).

  • Nghiệp (kamma). Nghiệp ở đây chỉ cho nghiệp thiện hay nghiệp bất thiện ở kiếp trước hay kiếp trước trước vào thời điểm tái sinh. Trong thời thường nhựt của cuộc sống, nghiệp được tạo ra cũng góp phần biến đổi hay thay thế một số sắc nghiệp cũ.([40])
  • Tâm (citta). Là tâm và các tâm sở tồn tại trong kiếp hiện tại.
  • Thời tiết (utu). Là chất lửa (tejodhātu – hỏa giới); với hai trạng thái nóng (uṇhatejo), lạnh (sītatejo) của lửa.
  • Vật thực (āhāra). Là hai loại dưỡng tố (ojā) chủ yếu: Dưỡng tố được tích trữ bên trong thân và dưỡng tố từ ngoài đưa vào qua hình thức những thực phẩm.

Trong 28 loại sắc pháp thì:

  • Nghiệp tạo ra chín loại sắc: 6 sắc vật nương (5 sắc thần kinh + sắc ý vật) + 2 sắc tính (nữ, nam) + sắc mạng quyền.
  • Tâm tạo ra 2 sắc biểu tri: Thân + ngữ biểu tri.
  • Sắc cảnh thinh do tâm và thời tiết tạo ra.
  • Ba sắc khinh, nhu và thích nghiệp do tâm, thời tiết và vật thực tạo ra.
  • Do bốn nhân tạo, có 11 sắc: Tứ đại + 3 sắc cảnh (sắc + mùi + vị) + sắc vật thực + sắc hư không + sắc sinh + sắc tiến. Mười một sắc pháp này luôn luôn gắn liền một cách riêng lẽ với các sắc khác (sắc do một nhân tạo, sắc do 2 nhân tạo, hoặc sắc do 3 nhân tạo), từ đó tạo ra nhóm 8, nhóm 9, nhóm 10…, gọi là đoàn sắc (kalāparūpa). Riêng chính 11 sắc này tạo ra đoàn sắc cơ bản gọi là “đoàn sắc bất ly (avinibbhogarūpa – không thể tách rời)”. Đoàn bất ly gồm 8 sắc cơ bản là : Tứ đại, sắc, mùi, vị và vật thực; trong đó tuy có sắc hư không, sắc sinh, sắc tiến nhưng ba sắc này chỉ nhất thời và luôn thay đổi, không phải là thành phần cố định. Như khi hai sắc kết dính nhau do “nước” thì hư không mất, khi nước làm “tan rã” tách rời hai sắc pháp thì sắc hư không hiện ra. Khi có “sắc sinh” thì không có  “sắc liên tục”và ngược lại.
  • Sắc không có nhân tạo. Là sắc hư không, sắc dị và sắc diệt. Tuy sắc dị và diệt có nổi bật, nhưng do chúng phá hoại những gì được tạo ra, nên xem như “không do nhân sinh”


9 – Các nhân (hetu).


Trong 82 pháp có thực tính (sabhāva). Nípbàn là pháp ra ngoài sinh diệt, nên nibbāna không cần bất kỳ nhân nào để sinh lên cũng không cần bất kỳ nhân nào để duy trì, vì nibbāna không ở trong phạm vi của “già- chết” (jarā-maraṇa), do vậy, nibbāna là pháp vô vi (asaṅkhāra dhamma).

Ngoài nibbāna, những pháp chân đế còn lại, tất cả đều nằm trong phạm vi sinh – diệt, gọi là pháp hữu vi (saṅkhāradhamma), nên chúng có nhân sinh ra. Sắc pháp có bốn nhân sinh như đã đề cập, tuy sắc hư không, sắc dị và sắc diệt không có nhân sinh, nhưng chúng vẫn bị  diệt.

Trong bốn nhân vừa đề cập liên quan đến sắc pháp, thì nghiệp (kamma) là nhân; tâm (citta), thời tiết (utu), vật thực (āhāra) đơn giản chỉ là duyên([41]).

Cơ thể vật chất phát triển, chững lại và được duy trì bởi năng lực của chất ấm gọi là utu (thời tiết) và bởi năng lực của sắc vật thực; nếu quyền lực của sắc vật thực hết thì sắc mạng quyền chấm dứt; thế là quyền lực của sắc thời tiết nơi thân) cũng chấm dứt. Sắc do tâm tạo chỉ hiển lộ khi cần thiết.

Như những cái cây, hạt là nhân, chúng phát triển và được duy trì bởi những các thành phần của đất, nước và ánh sáng. Nếu hai thành phần đất và nước không có thì hạt giống không có, hạt giống không có thì làm gì có cây? Mặt khác, cho dù có đất, nước, ánh sáng nhưng không có hạt giống thì cây không thành hình.

Cũng vậy, cây ví như cơ thể vật chất, hạt giống ví như nghiệp (kamma), đất ví như thời tiết (utu), nước ví như sắc vật thực (āhāra) và ánh sáng mặt trời ví như tâm.

Về danh pháp (tâm và tâm sở), có 3 loại danh pháp: thiện, bất thiện và vô ký. Trong đó danh pháp thiện hay bất thiện là quan trọng, vì chúng chính là nhân tạo thành nghiệp thiện hay nghiệp bất thiện; duyên (paccaya) cho danh thiện hay bất thiện là cảnh (ārammaṇa).

Nhân cho danh thiện sinh khởi chính là tác ý đúng (yoniso manasikāra)([42]); nhân cho danh bất thiện sinh khởi là tác ý sai (ayoniso manasikāra).

“Tác ý” được hổ trợ bởi āvajjana (hướng đến), nói cách khác, “hướng đến (āvajjana)” là duyên cho “tác ý”. Đôi khi āvajjana (hướng đến) được dùng đồng nghĩa với tác ý (manasikāra).

Nếu hướng tâm đúng thì tâm thiện sinh lên, nếu hướng tâm sai thì tâm bất thiện sinh lên; cảnh (ārammaṇa) chỉ là điều kiện hổ trợ, không phải là nhân để thiện hay bất thiện sinh khởi.

Tâm có thể được ví như con thuyền, thủy thủ là “tác ý”, hướng đi con thuyền (là āvajjana) nằm trong tay người thủy thủ. Nếu “hướng đi đúng” con thuyền sẽ đến nơi muốn đến; nếu “hướng đi sai”, con thuyền sẽ bị lạc lối, thuận bườm xuôi gió ví như gặp thuận cảnh, gặp phải sóng to, gió lớn ví như gặp nghịch cảnh.

*****

Bây giờ chúng ta nói đến nhân theo cách khác. Mỗi thức (citta) trong sáu thức đều có bốn nhân.

  • Nhân sinh nhãn thức có bốn: Nhãn vật (cakkhu vatthu) hay thần kinh nhãn, cảnh sắc (rūpārammaṇa), ánh sáng (āloka) và tác ý (manasikāra). Trong đó manasikāra (tác ý) chính là tâm Hướng ngũ môn (pañcadvārāvajjana citta)([43]). Nếu thiếu một trong bốn nhân này thì nhãn thức không sinh lên.
  • Nhân sinh nhĩ thức có bốn: Nhĩ vật (sotavatthu) hay thần kinh nhĩ, cảnh thinh (saddārammaṇa), khoảng không (ākāsa) và tác ý (manasikāra). Nếu thiếu một trong bốn thì nhĩ thức không sinh lên.
  • Nhân sinh tỷ thức có bốn: Tỷ vật (ghānavatthu), cảnh mùi (gandhārammaṇa), gió (vāta)([44]) và tác ý (manasikāra). Nếu thiếu một trong bốn thì tỷ thức không sinh lên.
  • Nhân sinh thiệt thức có bốn: Thiệt vật (jīvhāvatthu) hay thần kinh thiệt, cảnh vị (rasārammaṇa), chất nước (āpo)([45]) và tác ý (manasikāra). Nếu thiếu một trong bốn thì thiệt thức không sinh lên.
  • Nhân sinh thân thức có bốn: Thân vật (kāyavatthu), cảnh xúc (phoṭṭhabbārammaṇa), chất thô (thaddha) và tác ý (manasikāra). Ở đây, thaddha là tính chất thô kệch của một trong ba chất: Đất, lửa, gió; chỉ với mức độ xúc chạm thô kệch tối thiểu nào đó mới có thể tác động lên thần kinh thân, nếu quá nhẹ nhàng thì cảnh xúc không thể tác động lên thần kinh thân. Và nếu không có sự  tác động thì thân thức không sinh khởi, đồng thời nếu thiếu một trong bốn nhân thì thân thức cũng không sinh lên.
  • Nhân sinh ý thức có bốn: Sắc ý vật (hadayavatthu), cảnh pháp (dhammārammṇa), ý môn (manodvāra) và tác ý (manasikāra). Cảnh pháp (dhammārammaṇa) bao gồm tất cả đối tượng: Các sắc pháp (ngoài năm sắc cảnh kể trên), tất cả tâm – tâm sở, nibbāna và chế định (paññatti). Trong thực tế, ý thức vẫn biết được năm sắc cảnh (sắc, thinh, mùi, vị và xúc), nhưng nói cảnh pháp là để phân biệt với 5 cảnh trên, vì chúng có liên quan đến 5 giác quan, ý thức thì không liên quan gì đến 5 giác quan. Ý môn (manodvāra), là sự sinh diệt liên tục loại tâm đầu tiên của kiếp sống mới, thuật ngữ gọi là bhavaṅgacitta (tâm hữu phần), tâm đầu tiên của kiếp sống mới, thuật ngữ gọi là paṭisandhiviññāṇa (thức nối liền hay tâm tái tục).

Vì sao cảnh pháp lại xuất hiện trong ý môn mà không ở sắc ý vật?
Sắc ý vật là nơi ý thức sinh lên, nhưng nó không là loại cơ quan nhất định  nào cả, nên sự tác động của các cảnh không thể xuất hiện ở đó, do vậy chúng  phải xuất hiện chỉ ở ý môn, như “sự nhớ lại”, “sự tưởng tượng”, “sự suy gẫm”…

Ở cõi ngũ uẩn thì có sắc ý vật để làm chỗ nương sinh cho tâm, cõi vô sắc thì không cần điều kiện này.

Và nếu thiếu một trong ba nhân (ở cõi Vô sắc) hay bốn nhân (trong cõi ngũ uẩn) thì ý thức không sinh lên, như: Tuy có tác ý đến kiếp trước, nhưng cảnh pháp này không hiện khởi nên không “biết được kiếp trước”, trong đới sống hằng ngày, có khi chúng ta muốn nhớ lại điều gì đó, nhưng không tài nào nhớ được, chỉ vì cảnh pháp ấy không sinh lên…


10- Hai Abhiññā (thắng trí).


Abhiññā là abhi + căn ñā; abhi là cao tột, căn ñā là hiểu biết. Abhiññā được dịch là “thắng trí”, hay khả năng hiểu biết đặc biệt, xuất sắc hơn người thường.

Thắng trí có hai loại là: Định thắng trí (samatha abhiññā) và pháp thắng trí (dhamma abhiññā).

a- Định thắng trí (samatha abhiññā).


Là thắng trí có được nhờ tu tập thiền yên lặng (samatha). Có năm loại:

  1. Thần thông trí (iddhividha abhiññā). Là năng lực siêu nhiên: Đi trong không khí, xuyên qua đất, hóa thân thành sai khác…
  2. Thiên nhĩ trí (dibbasota abhiññā). Là nghe được tiếng của những chúng sinh vô hình như chư thiên, ngạ quỷ…
  3. Tha tâm trí (cetopariya abhiññā). Là biết được ý nghĩ người khác.
  4. Túc mạng trí (pubbenivāsa abhiññā). Là nhớ lại được những kiếp quá khứ.
  5. Sinh tử trí (yathākammupaga abhiññā). Là biết được chúng sinh chết từ cảnh giới nào tái sinh lại cảnh giới này, biết được chúng sinh chết từ cảnh giới này sinh về cảnh giới nào. Sanh tử trí tương tự như thiên nhãn trí của chư thiên.

b- Pháp thắng trí (dhamma abhiññā).


Là sự nhận thức thấu đáo về các pháp chân đế được mô tả trong phần “sự thật – sacca”, cùng với những đặc tính tương ứng của chúng theo chân đế lẫn tục đế.

Pháp thắng trí có ba loại:
  1. Trí do nghe (sutamaya ñāṇa). Là trí có được do học hỏi.
  2. Trí suy tư (cintāmaya ñāṇa). Là trí có được do suy luận.
  3. Trí tu (bhāvanāmaya ñāṇa). Là trí có được do tu tập thiền (jhānabhāvanā).

Trí tu có hai loại là: “Trí nương theo để tỏ ngộ, gọi là anubodha ñāṇa (tùy giác)” và “trí thông đạt, gọi là paṭivedha ñāṇa”.
  • Tùy giác trí (anubodhañāṇa). Là trí quán về vô thường, khổ và vô ngã hay trí quán về các pháp với tất cả các đặc tính của chúng đúng như sự thật.
  • Thông đạt trí (paṭivedhañāṇa). Là tuệ siêu thế về bốn Đạo. Nhờ tuệ này mà có thể xua tan được bóng đêm của các ô nhiễm (kilesa) như tà kiến, phóng dật…, những ai đắc Đạo thì được thấy ánh sáng (vijjā – minh).

(Còn tiếp)


Chú thích:

([25])– Xem D.i, kinh Phạm Võng (brahmajālasuttaṃ ). Nd pc.
([26])– M. i, số 8, kinh Đoạn giảm (Sallekhasuttaṃ).
([27])– Như nhà khoa học, có thể từ “nước” hay thuật ngữ 2HO. Đối với người thường dùng từ “:nước”, đối với nhà khoa học bạn, có thể dùng cả hai từ mà không bị phản bác. Nd pc.
([28])– S.iv,15, Phẩm Tất cả (Sabbavaggo) Kinh Tất cả (Sabbasuttaṃ).
([29])– Dhs, đầu đề tam (mātikā).
([30]) S.iv, 1, Tương ưng sáu xứ (Saḷāyatanasaṃyuttaṃ), Kinh Vô thường (Ajjhattāniccasuttaṃ) (Nd pc).
([31]) S.iv, 2 Tương ưng sáu xứ (Saḷāyatanasaṃyuttaṃ), Kinh Vô ngã (Ajjhattānattasuttaṃ) (Nd pc).
([32])– D,iii, kinh Đại viên tịch (Mahāparinibbānasuttaṃ).
([33])–Nibbāna ở đây được xem như là một pháp thực tính (sabhāva), không phải là một quan niệm mang tính chủ thể hay khách thể.
([34])–  avacara, nghĩa là thường lui tới – Nd pc.
([35])– Xem Jātaka, chuyện trọng pháp (Gurudhamma). – Nd.
([36])– Là chánh tư duy trong Bát chánh đạo. Chánh tư duy là “sụ tìm kiếm đúng”,  là tìm kiến bản thể đúng như thật của các pháp; trong đó có Nípbàn; còn tà tư duy là “tìm kiến sai”, tức là tìm kiến dục lạc – Nd pc.
([37])–  Tính hẹp thì: 89 tâm –  (5 đôi thức + 4 tâm quả Vô sắc giới ) + 2 tâm thần thông =  77 tâm.
 Tính rộng thì : 121 tâm –( 5 đôi thức + 4 tâm quả Vô sắc) + 2 tâm thần thông = 109 tâm. (Nd).
([38])– Phong cách của Ngài Ledi Sayadaw khi mô tả một ý nghĩa, Ngài thường dùng nhiều thuật ngữ “đồng nghĩa”.  Do không thành thạo ngôn ngữ cùng văn hoá Miến Điện nên tôi (dịch giả  bản Anh ngữ – Nd) khó có thể dịch với nhiều thuật ngữ thích hợp.
([39])-Chú giải sư của “dhammasaṅgaṇī”, trong Aṭṭhasālinī có giải thích điều này bằng minh họa về cái hầm trú ẩn bên bờ sông. Trước tiên, nước phun ra khỏi hầm giống như ācaya của chuỗi sắc pháp, phun tia nước là sự tăng trưởng dần dần của nước cho đến khi đầy giống như upacaya và ngập giống như Santati – Dịch giả bản Anh ngữ.
([40])– Như  trong Sớ giải kinh Pháp cú có ghi nhận: Ngài Soreyya từ thân nam biến thành nữ khi xúc phạm đến Ngài Mahā Kaccāyana, từ thân nữ trở thành nam sau khi Soreyya sám hối Ngài Mahā Kaccāyana. Nd.
([41])– Điển hình chúng sinh cõi Vô tưởng do nghiệp sinh ra. Nd pc.
([42])– Manasikāra là “việc làm của ý”. Nd pc
([43])– Tâm hướng ngũ môn là tâm hướng về năm cửa: Mắt, tai, mũi, lưỡi và thân. Nhưng mỗi thới điểm chỉ hướng được một cửa tương ứng với cảnh, như  khi có cảnh sắc xuất hiện thì tâm này hướng về mắt, khi có cảnh thinh xuất hiện thì tâm này hướng về tai…. – Nd.
([44])- Vāta là loại gió đi vào mũi, nhờ đó mùi mới xúc chạm được với thần kinh mũi – Nd.
([45]) – Chất nước ở đây chỉ cho nước bọt có trong lưỡi – Nd.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét