Thứ Hai, 4 tháng 1, 2021

Chọn thầy và pháp hành



TRÍ TUỆ TRONG ÐỨC TIN

Pháp hành nhằm phát triển tâm là tiến trình rất tế nhị. Nó bao gồm một kiến thức sâu rộng và toàn vẹn để tránh khỏi có thể hiểu biết lầm lạc. Không phải tất cả những nhận thức phát sanh đến hành giả trong lúc hành thiền đều là chân thật hết, bởi vì những nhận thức ấy có thể phát xuất từ hai nguồn khác nhau: Chánh Kiến và Tà Kiến. Hai nguyên nhân này đưa đến hậu quả hoàn toàn khác biệt. Một kiến thức thâu thập bằng Chánh Kiến dạy cái tâm và nâng tâm lên một tầng Giáo Pháp cao siêu hơn - pháp hành thuận chiều với Thánh Ðạo (Magga), dẫn đến Mục Tiêu Cứu Cánh Cùng Tột (Niết Bàn), chấm dứt mọi ô nhiễm và mọi khổ đau. Trái lại, kiến thức phát sanh từ Tà Kiến dẫn dắt tâm theo một chiều hướng mãi mãi sai lầm, và cơ may trở về đường lối chân chánh quả thật là mỏng manh.

Như vậy, người học Giáo Pháp phải hay biết sớm sủa về ngã rẽ chia hai lối đi này và hiểu biết đủ rõ ràng để kịp thời sửa sai mọi quan kiến sai lầm. Bây giờ có nhiều hành giả tranh luận với nhau về những thành quả đã chứng nghiệm do pháp hành của mình. Mỗi vị đều tin chắc rằng chứng nghiệm của mình là đúng. Sư xin có lời ngợi khen những vị đã hành đúng theo đường hướng của Chánh Kiến. Tuy nhiên, nếu chứng nghiệm phát sanh từ một cái tâm đã thâm nhiễm sâu đậm Tà Kiến thì rất khó cho bất cứ ai muốn hướng dẫn họ trở lại đường lối chân chánh, bởi vì một cái tâm sai lạc cũng rất hãnh diện với kiến thức của nó. Con người tà kiến không nghe lời ai. Họ quá tự tin, quá ngoan cố. Họ hành động lố lăng và sỗ sàng dường như họ tinh thông Giáo Pháp và hiểu biết tất cả Chân Lý. Quả thật rất khó sửa sai người như vậy.

Ðức tin (saddhà) và lòng tự tin, nếu không có trí tuệ, có thể đi lạc đường. Niềm tin tưởng sai lạc đâm chồi mọc rễ, ăn sâu vào tâm mà mình không hay biết. Cái tâm chứa chấp Tà Kiến sẽ đưa đến hiểu biết lầm lạc và, trong nhiều trường hợp, tạo nên những tri kiến bất thường. Do vậy, phải hết sức thận trọng căn cứ pháp hành của mình trên nền tảng Chánh Kiến, xem Chánh kiến là kim chỉ nam đưa hành giả vào chiều hướng chân chánh.



CHỌN THẦY VÀ CHỌN PHÁP HÀNH

Nếu không tin chắc nơi phương pháp của mình quý vị nên tìm sự hướng dẫn của một vị thầy. Nếu với Chánh Kiến và quý vị tìm đúng thầy thì pháp hành của quý vị chắc chắn sẽ tiến bộ suôn sẻ xuyên qua Thánh Ðạo và suốt đến Mục Tiêu Cứu Cánh Cùng Tột trong kiếp sống này, hoặc sớm sủa trong một kiếp tương lai. Ðàng khác, nếu vị thầy hướng dẫn là người mang nặng Tà Kiến ắt pháp hành của ta sẽ không đi đến đâu mà chỉ trôi giạt đó đây, bất định.

Chọn đúng vị thầy là bước đầu tiên rất quan trọng. Quả thật là hữu phúc nếu quý vị gặp đúng minh sư. Cũng giống như lái xe vào đúng con đường thì chắc chắn sẽ đến nơi đến chốn không sai. Nhưng nếu lái vào con đường sai lạc mà không hay biết, quý vị sẽ hoang phí thì giờ mà không bao giờ đến nơi mong mỏi. Vậy, hãy sử dụng trí tuệ để phân tách xem quý vị có đi "lọt" vào con đường Chánh Kiến hay đang đi trên đường Tà Kiến. Ðó là bước đầu. Nếu quý vị khởi hành trên một nền tảng sai lầm, pháp hành sẽ sai lạc và rất khó mà sửa đổi trong kiếp sống hiện tiền. Hoặc có thể là không sửa được. Vào thời Ðức Phật có nhiều trường hợp hành đúng và hành sai. Mỗi vị giáo chủ có nhiều tín đồ đặt trọn niềm tin nơi thầy một cách vững chắc. Họ vững lòng liên tục thực hiện và sẵn sàng nhắm mắt tin tưởng nơi thầy. Ðó là đức tin không có trí tuệ và không suy xét. Làm theo những gì người khác làm và tin chắc rằng những gì thầy dạy sẽ trực chỉ dẫn đến chấm dứt đau khổ mà không suy luận, không thắc mắc. Nếu trọn cuộc đời mà không thể nương tựa nơi chính mình và có những lập luận của riêng mình thì bao giờ mới có thể thành đạt Mục Tiêu Cùng Tột? Có một số khá đông những người thực hành như thế đó rồi nảy ra những ý kiến mâu thuẫn với nhau. Hậu quả là có những quan điểm bất đồng về phương pháp thực hành. Do đó có nhiều trường dạy thiền do các nhà sư hay những vị cư sĩ tại gia, nam hay nữ, hướng dẫn. Những gì mà vị thầy của mỗi trường cho là đúng và hợp lý được trao truyền xuống đến các đệ tử, vốn sẵn sàng và thật lòng thọ nhận. Các đệ tử một dạ trung thành với thầy đến độ không còn tìm học với thầy nào khác.

Nhiều người còn ở giai đoạn đang tìm thầy. Họ lắng nghe Giáo Pháp đã được thâu vào băng nhựa, trực tiếp nghe những bài giảng do nhiều vị thầy khác nhau thuyết giảng, hoặc đọc sách. Họ có thể hoang mang với những lời dạy khác nhau và không thể lãnh hội phần tinh túy của Giáo Pháp. Khi họ nêu lên thắc mắc thì lời giải đáp lại khác biệt nhau. Nếu chính ta không có kiến thức căn bản vững chắc, ắt sẽ đâm ra hoang mang, không thể tin vào phương pháp vào để chọn và cuối cùng chấm dứt trong tình trạng rối loạn. Pháp hành có nhiều trình độ: Một vài trình độ thô thiển và có những trình độ tinh vi. Tình trạng hoang mang có thể phát sanh vì kém khả năng phân biệt, không sắp xếp Giáo Pháp đúng theo trình độ. Có thể ta đã pha trộn lẫn lộn Giáo Pháp thô thiển của một vị thầy với Giáo Pháp vi tế của một vị khác và nghĩ rằng hai vị này dạy khác nhau. Vậy ta phải chọn Giáo Pháp và đặt đúng vào vị trí của nó, làm với trí tuệ. Ðó là sáng suốt thực hành Giáo Pháp.

Tất cả những lời chỉ dẫn trên là để gợi ý quý vị nên sáng suốt suy gẫm tận tường và hợp lý về ý nghĩa thật sự của mỗi pháp trước khi bắt đầu thực hành. Mỗi hành giả đều có nguyện vọng chứng ngộ Chân Lý và chấm dứt đau khổ. Nhằm đạt đến mục tiêu ấy ta phải bắt đầu với Chánh Kiến, xem sự hiểu biết chân chánh là nền tảng của pháp hành. Nếu quý vị đặt chân lên con đường sai lạc thì dầu can đảm bao nhiêu hay nhất quyết đến đâu quý vị sẽ không bao giờ đạt đến mục tiêu.

Thâu hoạch thành quả lầm lạc, ta có thể đi đến tuyệt vọng và cảm nghe thấp kém. Thật ra, vấn đề khó khăn của ta là đã căn cứ pháp hành của mình trên nền tảng Tà Kiến. Khi điều nào đã sai thì dầu ta có suy tới nghĩ lui thế nào, nó vẫn là sai. Cũng như vàng giả mà ta có thể lừa gạt người không có cặp mắt kinh nghiệm. Chỉ có cái màu của nó là vàng, bấy nhiêu đó không đủ làm cho một vật thật sự trở thành vàng. Người thiển trí có thể đeo một sợi chuyền làm bằng vàng giả mà không biết và cũng có thể từ chối, không chấp nhận sự thật khi có người chỉ bảo cho biết. Trong công trình thực hành Giáo Pháp, Tà Kiến có thể dễ dàng phát sanh đến một cái tâm kém sáng suốt. Một khi nó phát sanh thì tâm bị ô nhiễm (Kilesa) và những sinh hoạt tâm linh (sankhàra, hành uẩn) làm mê hoặc và đắm chìm ngày càng sâu thẳm trong si mê và hiểu biết sai lầm.

Rồi người thâm nhiễm Tà Kiến kia sớm tự cao tự đại, kiêu hãnh với cái tâm phát triển cao siêu của mình và thuyết giảng cho người khác về Ðịa Ngục, Thiên Ðàng, Thánh Ðạo và Mục Tiêu Cứu Cánh trong khi tâm mình thật sự đầy bợn nhơ và tham ái. Giáo lý mà vị ấy truyền bá trong hàng tín đồ thảy đều sai lạc vì nó phát sanh từ những tư tưởng có tính cách lừa dối, phỉnh gạt tâm. Nếu ta kém sáng suốt, nhẹ dạ tin tưởng nơi những lời dạy sai lầm ấy một cách mù quáng, si mê và kiến thức lầm lạc của ta có thể tệ hại đến độ không có bậc trí tuệ nào có thể cứu vãn. Cũng như bác sĩ đành bó tay trước một bệnh nhân mắc phải ung thư ở thời kỳ cuối cùng. Ðó là điều xảy diễn đến người quá đỗi tự trọng nghĩ rằng tâm mình phát triển cao siêu hơn người. Dầu thầy có muốn giúp đỡ thế nào cũng bị từ chối. Người mang nặng Tà Kiến cũng giống như bệnh nhân từ chối thuốc của bác sĩ.



KHẢO SÁT TƯỜNG TẬN BÁT CHÁNH ÐẠO

Người học Giáo Pháp phải khảo sát và hiểu biết Bát Chánh Ðạo đúng theo những quy tắc nguyên thủy mà Ðức Bổn Sư đã ban truyền theo một thứ tự toàn hảo. Không nên sửa đổi hay thay thế, bởi vì Ðức Phật thấu hiểu hơn ai hết, chi nào của Bát Chánh Ðạo phải đi trước và chi nào đi sau.

Ðể hành đúng với Thánh Ðạo ta phải khởi đầu bằng bước đầu tiên, sammàditthiChánh Kiến, hay hiểu biết chân chánh. Từ Chánh Kiến phát triển Chánh Tư Duy (sammàsankappa, suy tư chân chánh), chi thứ nhì, và từ đó sang các chi khác. Do vậy, Chánh Kiến và yếu tố lãnh đạo, dẫn đầu các chi khác của Bát Chánh Ðạo. Chánh Kiến hỗ trợ sự phát triển của toàn thể Thánh Ðạo. Nếu không có Chánh Kiến, Bát Chánh Ðạo có thể dễ dàng bị sai lạc.

Như vậy, khả năng phân biện hay trí tuệ căn cứ trên Chánh Kiến là quy tắc chánh yếu của pháp hành. Pháp hành sẽ không đi đúng chiều hướng với Chân Lý nếu không có trí tuệ để quản chiếu sự vật đến tận nguồn gốc. Thực hành Giáo Pháp mà không có trí tuệ cũng giống như người dốt giữa đống giấy mực và viết, đồ dùng có sẵn trong tay nhưng không biết sử dụng. Dầu anh chàng có cố gắng bao nhiêu để viết gì, không ai có thể hiểu nổi.

Người học Giáo Pháp phải biết tầm quan trọng của trí tuệ. Không có trí tuệ ắt không thể thực hành Thánh Ðạo nhằm chứng ngộ Niết Bàn.

Yếu điểm nòng cốt của pháp hành là sử dụng trí tuệ để quán chiếu sự vật trọn vẹn và tận tường. Thí dụ, nếu muốn hành trì Ngũ Giới, Bát Quan Trai Giới, Thập Giới, hay 227 Tỳ Khưu Giới, phải có trí tuệ để thành công thực hành một cách thích nghi.

SammàvàcàChánh Ngữ, chi thứ ba của Bát Chánh Ðạo, cũng đòi hỏi phải có trí tuệ để thận trọng quán niệm xem lời nói của mình ảnh hưởng đến mình và đến người khác như thế nào. Với trí tuệ, chỉ nói những lời thanh tao nhã nhặn và hữu ích bởi vì ta nhận thức rằng lời nói, một khi đã thốt ra, không bao giờ có thể lấy trở lại. Phải luôn luôn sử dụng trí tuệ để tránh những lời lẽ sai lầm và để trang nghiêm thực hành Chánh Ngữ.

SammàkammantaChánh Nghiệp, sinh hoạt chân chánh, chi thứ tư của Bát Chánh Ðạo, bao gồm những hành động bằng thân. Trước khi làm việc gì ta phải dùng trí tuệ để quán niệm, xem hậu quả của hành động ấy sẽ như thế nào. Người có trách nhiệm phải suy tư trước khi hành động để có thể viên mãn hoàn tất việc làm và thâu hoạch thành quả tốt đẹp. Người ấy sẽ không chịu thiệt thòi do hành động của mình và hậu quả của việc làm thông thường là hữu ích, cho chính mình và cho kẻ khác. Dầu là sinh hoạt ngoài đời hay trong đạo ta cũng phải sáng suốt xem xét cặn kẽ trước khi làm, như câu chữ Phạn: "NASAMMA KARANAM SEYYO", "Phải khảo sát tận tường với trí tuệ trước khi hành động". Làm như vậy ta có thể hy vọng là ít bị lầm lạc, hoặc không lầm lạc gì hết. Người sáng suốt phải thận trọng suy tư và xem xét, chỉ làm những việc hữu ích. Trong thực tế, chính sự lựa chọn điều phải để làm là một tiến trình của trí tuệ mà ta phải áp dụng trong tất cả mọi sinh hoạt, dầu là xây cất nhà cửa, công việc hành chánh, hay công tác xã hội. Một hành động thiếu suy tư với trí tuệ có chiều hướng sai lầm, giống như hành động của người thiển trí.

SammàjìvaChánh Mạng, chi thứ năm, cũng phải căn cứ trên nền tảng trí tuệ. Phải dùng trí tuệ để thâu đạt những nhu cầu thiết yếu cho đời sống như vật thực, bằng những phương tiện trong sạch và không vi phạm các giới (năm, tám, mười, hoặc 227 giới) mà ta đã nguyện trang nghiêm hành trì. Người tại gia cư sĩ tìm miếng ăn trong khuôn khổ giới luật dã thọ, trong khi chư vị tỳ khưu và sa di thì gìn giữ trong sạch những giới của mình.

Trong thực tế, thực hành Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp và Chánh Mạng của Bát Chánh Ðạo là Trì giới. Người có ý nguyện hành trì nghiêm chỉnh giới luật để thanh lọc tâm phải có trí tuệ. Nếu không, ắt có chiều hướng chỉ hành suông theo nghi lễ và theo từ ngữ của giới luật, được gọi là giới cấm thủ (sìlabbataparàmàsa). Không có trí tuệ không thể có giới hạnh trong sạch. Muốn thực hành Giáo Pháp phải hiểu biết nguyên do và hoàn cảnh nào Ðức Phật ban hành giới.

SammàvàyàmaChánh Tinh Tấn, cố gắng chân chánh, chi thứ sáu, cũng cần phải có trí tuệ. Có hai loại tinh tấn: tinh tấn của thế gian và tinh tấn trong Giáo Pháp. Ở đây chỉ đề cập đến tinh tấn trong Giáo Pháp. Phải dùng trí tuệ để phân biệt nỗ lực nào là chân chánh và nỗ lực nào là sai lầm rồi gia công tinh tấn chân chánh và tránh tinh tấn sai lầm.

Bất luận nỗ lực nào của thân hay của khẩu cũng là sự biểu hiện ra bên ngoài của nỗ lực tinh thần. Như vậy tất cả những cố gắng biểu lộ ra bên ngoài dưới hình thức hành động hay lời nói đều phát xuất từ tâm. Chánh Tinh Tấn phát sanh từ cái tâm có Chánh Kiến và Chánh Tư Duy. Nếu không có trí tuệ để phân biệt sự vật một cách chân chánh nỗ lực có thể được áp dụng một cách sai lầm, ta cố gắng không nhằm chỗ mà không hay biết. Tà Tinh Tấn tích trữ ô nhiễm, tham ái, ngã mạn, kiêu căng và si mê trong tâm. Do đó tâm thâm nhiễm, lún sâu trong tham ái, sân hận, si mê, tham dục, ganh tỵ, dã dượi và buồn chán. Một cái tâm điên rồ không hiểu biết Chân Lý và trôi giạt giữa dòng lôi cuốn của dục lạc.

Như vậy, phải sáng suốt giải phóng cái tâm, cứu vớt cho tâm khỏi đắm chìm trong nhục dục ngũ trần mà từ lâu vốn điều khiển và kiểm soát tâm. Chỉ bằng cách suy niệm sáng suốt hạnh tin tấn trong Giáo Pháp mới có thể dẫn dắt ta theo chiều hướng chân chánh. "Tinh Tấn" ở đây có nghĩa là nỗ lực đè nén bất thiện pháp và phát triển thiện pháp, mà cũng là nỗ lực cải thiện, làm cho quan kiến của mình trở nên chân chánh. Như vậy, đây là trung tâm điểm của pháp hành. Nếu không căn cứ trên nền tảng trí tuệ từ lúc khởi đầu nó có thể dễ dàng trở thành Tà Tinh Tấn. Ðàng khác, nếu có trí tuệ luôn luôn nằm phía sau làm hậu thuẫn cho sự nỗ lực thực hành Giáo Pháp thì đây là cây thang đưa đến tận Mục Tiêu Cùng Tột. Trong khi thực hành Giáo Pháp ta phải cố gắng suy niệm về những lý do mà Ðức Thế Tôn truyền dạy hàng môn đệ, đúng theo Chánh Tinh Tấn.

Sammàsati, Chánh Niệm, chi thứ bảy, là dùng trí tuệ để quán chiếu xem cái tâm đang chăm chú vào điều gì. Niệm (sati), riêng rẽ một mình, không thể giải quyết các vấn đề khó khăn của tâm. Niệm chỉ suông là sự hay biết một đối tượng của tâm, trong quá khứ, hiện tại hay tương lai. Nói cách khác, nó chỉ là sự hay biết những gì mà tâm nghĩ đến, nhưng không thể diệt trừ nguyên nhân của điều suy tư. Một vài đối tượng của tâm (àrammana), do ảnh hưởng của ô nhiễm và ái dục, có thể mạnh đến đỗi làm cho tâm đã bị các bợn nhơ và tham dục thâm nhiễm trước khi ta chú niệm. Tâm mà chưa hết sạch ô nhiễm thì luôn luôn có tham ái và si mê phát sanh. Chú niệm (sati) đôi khi có thể đủ mạnh để hiểu biết ô nhiễm nào để làm nhơ bẩn tâm mình và, vào lúc bấy giờ, có thể loại trừ ô nhiễm. Tuy nhiên, chú niệm chỉ có thể loại trừ ô nhiễm một cách tạm thời. Khi tâm niệm giảm suy thì ô nhiễm và ái dục trỗi dậy trở lại mạnh mẽ như xưa.

Như vậy, riêng rẽ một mình chú niệm không thể trọn vẹn diệt trừ ô nhiễm, tham ái và si mê. Năng lực thật sự có thể tận diệt ô nhiễm là trí tuệ, và trí tuệ có thể thành công bằng cách quán niệm rồi dạy tâm, làm sáng tỏ vấn đề cho tâm. Trí tuệ là dụng cụ để đào xới tận gốc rễ ô nhiễm và ái dục. Cái tâm được trau giồi theo phương cách ấy có thể giải quyết vấn đề như câu Pàli: "PANNAYA PARISUJJHATI", có nghĩa "trí tuệ thanh lọc, làm cho tâm trong sạch". Vì lẽ ấy, trí tuệ phát sanh từ Chánh Kiến là trung tâm điểm của Thánh Ðạo. Chánh Niệm là sự chú niệm đúng theo đường hướng của Chánh Kiến.

Sammàsamàdhi, Chánh Ðịnh, chi thứ tám, cũng nằm trên nền tảng Chánh Kiến. Tâm Ðịnh (Sammàdhi), xem như một tiến trình đưa đến giác ngộ Chân Lý, phải được căn cứ trên nền tảng trí tuệ. Chánh Kiến giúp tâm an trụ theo đường hướng chân chánh, và như thế, có thể hỗ trợ tâm định một cách rất hữu hiệu.

Trong khi hành pháp trụ tâm, ta không thể trông đợi rằng trí tuệ sẽ tự nhiên do đó mà phát sanh. Tất cả quý vị đều có trí tuệ và quý vị dùng nó trong cuộc sống hàng ngày ở thế gian. Nhưng có thể quý vị không dùng nó để quán chiếu sự vật nhằm chứng ngộ chân lý của Giáo Pháp. Giờ đây quý vị là người học Giáo Pháp. Quý vị phải tự rèn luyện tâm trí, quán chiếu tất cả sự vật theo đường lối của Giáo Pháp - vào lúc ban sơ, bằng trí tuệ trần thế. Hành như thế ấy, quý vị sẽ dần dần quen thuộc với tiến trình suy tư và quán niệm đúng theo Chân Lý. Mặc dầu là lúc sơ khởi trí tuệ của quý vị không được sắc bén, nhưng rồi cứ lặp đi lặp lại, thường xuyên trau giồi nó sẽ trở nên ngày càng sâu sắc hơn, khi mà quý vị phát triển khả quan tâm định. Trái lại, nếu trước kia không có rèn luyện trau giồi trí tuệ thì tâm định chỉ có thể đem lại thành quả là những giây phút vắng lặng trong khi an tụ.

Tâm định chính tự nó không tạo trí tuệ. Nó chỉ là dụng cụ để cho tâm tạm thời dừng lại trạng thái chao động. Trí tuệ, phải được phát triển bằng cách quán chiếu tiến trình nhân-quả đúng theo Chân Lý. Nhằm trau giồi, làm cho trí tuệ trở nên sắc bén, ta phải hành pháp định tâm cho đến khi tâm vắng lặng, rồi rút tâm ra khỏi trạng thái vắng lặng ấy để suy niệm. Bằng cách hành xen kẽ, định tâm và quán chiếu sự vật, ta phát triển trí tuệ. Trí tuệ có thể hỗ trợ, giúp định tâm vững vàng hơn, và năng lực của trạng thái vắng lặng phát sanh từ tâm định trở lại tăng trưởng trí tuệ.

Thực hành đúng như trên được gọi là Chánh Ðịnh trong Thánh Ðạo và đưa đến tiến bộ trong pháp hành. Ðịnh mà không có Chánh Kiến là Tà Ðịnh. Dầu tâm có an trụ được phần nào vẫn không làm cho trí tuệ trở nên sắc bén. Một đạo sĩ rất thuần thục trong pháp hành có thể tập trung tâm tốt đẹp đến một tầng khá cao trong một thời gian lâu dài, nhưng không thể từ đó mà tự nhiên có trí tuệ. Chưa bao giờ có trường hợp một đạo sĩ thành đạt các Thánh Quả bằng cách chỉ hành Thiền Vắng Lặng. Như vậy, những ai cố gắng phát triển tâm bằng phương pháp của vị đạo sĩ ấy, ngỡ rằng trạng thái vắng lặng của tâm định có thể tự nó phát sanh trí tuệ, phải nhận thức rằng trí tuệ chỉ có thể phát triển bằng cách tu tập luyện tâm minh sát quán niệm chớ không phải chỉ hành thiền Vắng Lặng.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét