ÐỘ THỰC
"Một là gì?- Là tất cả chúng sanh phải nhờ vật thực để sống".
Ðó là câu hỏi và câu trả lời đầu tiên trong mười câu mà một thầy sa-di phải học. Ðó là chân lý căn bản có thể áp dụng cho tất cả chúng sanh. Từ chúng sanh to lớn nhất đến chúng sanh nhỏ bé nhất, từ cao nhất đến thấp nhất, tất cả đều sống nhờ vật thực. Nếu lột bỏ tất cả những lớp ngoài cho đến phần tinh túy nhất của nó thì đời sống là một tiến trình ăn và cố tránh khỏi bị ăn.
Ðặt một giọt nước dơ dưới ống kính hiển vi thật mạnh, sự thật sẽ được chứng minh một cách rõ ràng. Xuyên qua ống kính, ta sẽ thấy bao nhiêu sinh vật tý ty, mỗi sinh vật là một chúng sanh, một cá nhân. Mỗi sinh vật đều lăn xăn lích xích, rối rích nhộn nhịp để giành lấy sự sống. Những hoạt động ấy là gì? Là ăn có cố tránh khỏi bị ăn. Nếu quan sát kỹ từng con vật bé nhỏ ấy ta sẽ thấy rằng cuộc tranh đấu của chúng nó để giành quyền sống vô cùng gay cấn, vô cùng ác liệt, không khác nào cuộc tranh hùng giữa hai con cá kình. Con này vồ lấy con kia. Con kia cố sức vùng vẫy để thoát. Một đàng cố bắt cho kỳ được. Một đàng cố chạy để khỏi chết. Cả hai đều tận lực, dằn co cho đến lúc con yếu hơn quá mệt mỏi, bỏ cuộc và bị ăn. Ðó là thảm kịch của đời sống, và thảm kịch này tiếp tục diễn tiến trong mỗi giọt nước chưa có nấu chín, trong mỗi ly khối đất. Cao hơn một bậc, trong thế gian hữu hình, cuộc tranh đấu lại càng ác liệt. Trong lòng đất, dưới nước, trên mặt đất, giữa không trung, từng phút, từng giây, đều có những sinh vật đang ăn và những con khác đang bị ăn.
Xuyên qua những cảnh tượng khủng khiếp của đời sống, đức tính ôn hòa hiền lương và dịu dàng rất là ly hữu, tựa hồ như không bao giờ có. Khi mà tiến trình của đời sống chỉ có nghĩa là bảo vệ mạng sống và căn cứ trọn vẹn trên sự ăn và cố tránh khỏi bị ăn thì những đức tính như ôn hòa, hiền lương và dịu dàng chỉ dẫn đến chỗ tự sát. Một con vật hiền lương sẽ không sống được lâu, dầu ở trong trí nhớ của một con khác đã ăn nó. Một con cọp hay một con cá mập cũng vậy. Ái dục (Tanha) là loại tâm mạnh nhất trong mỗi chúng sanh. Ái dục là ham ăn. Càng ăn nhiều càng to lớn, càng mạnh bạo, càng lánh xa tai họa bị kẻ khác ăn, càng có nhiều hy vọng được sống sót.
Ðó cũng là một chân lý đối với đời người mặt dầu hiện tượng sống của con người phức tạp hơn nhiều. Trong thời sơ khai của nhân loại, con người phải săn bắn để tìm thức ăn. Con người cố gắng để trở thành một người thợ săn thiện xạ. Con người cũng cố gắng trở thành một tay thiện chiến để rồi cưới được nhiều vợ và sanh được nhiều con, hơn người bạn yếu kém. Nhưng xã hội đã tiến hóa, đổi thay, và trở nên phức tạp vì nhiều yếu tố mới đã chen vào đời sống. Như người kia ăn ít, nhỏ bé, nhưng khéo tay khéo chân, sản xuất được những vật đặc biệt, làm ra tiền nhiều hơn anh thợ săn. Nhưng bên trong, con người của anh cũng bị định luật trên chi phối, anh có nhiều hy vọng sống sót hơn những người kém khả năng.
Trong xã hội sang trọng hơn của loài người, người ham ăn, người ăn nhiều, được thay thế bằng người đến mức, hãnh tiến, vô sở bất vi. Con người ấy biết mình muốn gì và có đủ khôn ngoan, đủ khéo léo, đủ thủ đoạn để thành tựu nguyện vọng. Ðó cũng là một lối ăn. Quyền lực và danh vọng là một thức ăn. Càng có thế lực càng được trọng vọng. Trò chơi ăn và cố trách khỏi bị ăn vẫn tiếp tục diễn tiến, trong một ý nghĩa rộng rãi hơn. Thay vì ham ăn, người ta ham quyền thế, địa vị, của cải, sự nghiệp và những cái mà ta gọi là "những vật tốt đẹp của đời sống". Người ta chiến đấu để giành những điều ấy.
Ngược hẳn với tất cả, Giáo Lý của Ðức Phật dạy một tiến trình "lên đường" để đi đến tự do. Ðức Phật vạch ra cái chân lý căn bản của thế gian là phải tùy thuộc nơi vật thực, nơi sự kiện ăn và tránh khỏi bị ăn. Nhưng Ngài cũng vạch ra một con đường, một lối sống để đạt đến tự do, để thoát ra khỏi những hoạt động thô bỉ, ra khỏi vòng sanh, lão, bệnh, tử đáng ghê sợ. Ngài dạy một lối tranh đấu trường kỳ để đạt cho được cái cần thiết và cố giữ cái đã đạt được. Một cách rất giản dị ta nói rằng Giáo Lý của Ngài nhấn mạnh trên điểm: Tự Do (Giải Thoát) là mục tiêu tối hậu mà người thông minh đặt nguyện vọng cố đạt cho kỳ được. Ngoài ra, tất cả đều là vô thường, tạm bợ, không đáng cho ta mong muốn, tất cả chắc chắn đều phải diệt. Không nên bám bíu vào bất luận cái gì trên thế gian này.
-ooOoo-
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét