Ledi Sayadaw-37 phẩm trợ đạo...(chương 1-2: Tứ niệm xứ)
The Requisites of Enlightenment
Ven. Ledi Sayadaw
Bản dịch của Phạm Kim Khánh
Chương IPhẩm trợ đạo (Bodhipakkhiya-dhamma)
Hôm nay Sư (Ngài Ledi Sayadaw) sẽ giản lược trình bày ba mươi bảy Phẩm Trợ Ðạo, hay ba mươi bảy Bồ Ðề Phần, những Yếu Tố Cần Thiết cho sự Giác Ngộ [1], mà những ai muốn trau giồi thiền vắng lặng và thiền minh sát phải tận lực và quyết chí thực hành, nhằm tạo cho mình cơ hội hiếm hoi được tái sanh vào cảnh người trong thời kỳ có Giáo Huấn của vị Phật hiện tại (present Buddha Sàsana).
Pháp Bodhipakkhiya dhamma, Phẩm Trợ Ðạo, gồm bảy nhóm là:
1. Satipatthàna, Niệm Xứ (4 yếu tố),
2. Sammappadhàna, Chánh Cần (4 yếu tố),
3. Iddhipàda, Như ý Túc, hay căn bản của sự thành công, (4 yếu tố),
4. Indriya, Căn, hay Khả Năng Kiểm Soát (5 yếu tố)
5. Bala, Lực, hay Năng Lực Tinh Thần (5 yếu tố)
6. Bojjhanga, Giác Chi, những Yếu Tố của sự Giác Ngộ (7 yếu tố)
7. Magganga, Ðạo, những yếu tố của Con Ðường (8 yếu tố)
(Tất cả 37 yếu tố)
Pháp bodhipakkhiya-dhamma, Phẩm Trợ Ðạo, hay Bồ Ðề Phần được gọi như vậy bởi vì nó là những thành phần (pakkhiya) của sự Giác Ngộ (bodhi) mà nơi đây đề cập đến như là tuệ giác của Thánh Ðạo (magga-nàna). Ðây là những pháp, dhammas (những hiện tượng tâm linh) làm nhiệm vụ nguyên nhân kế cận (padatthàna, những thành phần thiết yếu (sambhàra) và những nền tảng, hay điều kiện đầy đủ (upanissaya) của Ðạo Tuệ (magga-nàna).
37 PHẨM TRỢ ĐẠO (Bodhipakkhiya Sangaho)
TỨ NIỆM XỨ (Cattàro satipatthàna)
1. Niệm Thân
2. Niệm Thọ
3. Niệm Tâm
4. Niệm Pháp
TỨ CHÁNH CẦN (Cattàro sammappadhànà)
1. Tinh Tấn lánh xa ác pháp đã phát sanh
2. Tinh Tấn ngăn ngừa ác pháp chưa sanh
3. Tinh Tấn phát triển thiện pháp chưa sanh
4. Tinh Tấn tăng trưởng thiện pháp đã sanh
TỨ THẦN TÚC (Cattàro iddhipàdà)
1. Dục Như ý Túc
2. Tấn Như ý Túc
3. Tư Duy Như ý Túc
4. Trạch Quán Như ý Túc
NGŨ CĂN (Pancindriyàni)
1. Tín Căn
2. Tấn Căn
3. Niệm Căn
4. Ðịnh Căn
5. Tuệ Căn
NGŨ LỰC (Pancabalàni)
1. Tín Lực
2. Tấn Lực
3. Niệm Lực
4. Ðịnh Lực
5. Tuệ Lực
THẤT GIÁC CHI (Sattabojjhangà)
1. Niệm Giác Chi
2. Trạch Pháp Giác Chi
3. Tinh Tấn Giác Chi
4. Phỉ Giác Chi
5. Khinh An Giác Chi
6. Ðịnh Giác Chi
7. Xả Giác Chi
BÁT CHÁNH ĐẠO (Atthamaggangàni)
1. Chánh Kiến
2. Chánh Tư Duy
3. Chánh Ngữ
4. Chánh Nghiệp
5. Chánh Mạng
6. Chánh Tinh Tấn
7. Chánh Niệm
8. Chánh Ðịnh
Tổng cộng: 37
&&&
Chương IITứ niệm xứ (Satipatthàna)
Danh từ satipatthàna được định nghĩa như sau:
Bhusam titthatì'ti patthànam; sati eva patthànam satipatthànam.
Có nghĩa là: cái gì được kiên cố thiết lập, vững chắc áp đặt, vào là "niệm xứ", nền tảng của niệm; công phu "chú niệm" tự chính nó là một niệm xứ như vậy.
Có bốn Niệm Xứ:
1. Kàyànupassanà-satipatthàna (Thân Quán Niệm Xứ),
2. Vedanànupassanà-satipatthàna (Thọ Quán Niệm Xứ)
3. Cittànupassanà-satipatthàna (Tâm Quán Niệm Xứ),
4. Dhammànupassanà-satipatthàna (Pháp Quán Niệm Xứ).
1. Kàyànupassanà-satipatthàna, Thân Quán Niệm Xứ, vắn tắt gọi Niệm Thân, là sự chú niệm kiên cố áp đặt vào những hiện tượng của thân, như hơi-thở-vào và hơi-thở-ra.
2. Vedanànupassanà-satipatthàna, Thọ Quán Niệm Xứ, vắn tắt gọi Niệm Thọ, là sự chú niệm kiên cố áp đặt vào những cảm thọ.
3. Cittànupassanà-satipatthàna, Tâm Quán Niệm Xứ, vắn tắt gọi Niệm Tâm, là sự chú niệm kiên cố áp đặt vào những tư tưởng hay những tiến trình tâm, như ý nghĩ liên hợp hoặc không liên hợp với khát vọng.
4. Dhammànupassanà-satipatthàna, Pháp Quán Niệm Xứ, vắn tắt gọi Niệm Pháp, là sự chú niệm kiên cố áp đặt vào những hiện tượng như những chướng ngại tinh thần (nìvaranas, pháp triền cái) v.v...
Trong bốn niệm xứ nếu niệm, hay chú tâm ghi nhận, được kiên cố áp đặt trên một phần của thân, như hơi-thở-ra và hơi-thở-vào chẳng hạn, điều đó hàm xúc ý nghĩa là sự chú tâm đã được vững chắc thiết lập trên tất cả. Như vậy bởi vì ta đã có khả năng đặt sự chú tâm vào bất luận nơi đâu trong thân.
"Vững chắc thiết lập" có nghĩa là nếu muốn đặt sự chú tâm vào hơi-thở-ra và hơi-thở-vào trong một giờ, ta có thể an trụ tâm vững chắc vào hơi thở trọn thời gian ấy. Nếu muốn giữ tâm an trụ vào hơi thở trong hai giờ, ta có thể giữ tâm vững chắc áp đặt vào hơi thở trong hai giờ. Không có lúc nào tâm chú niệm rời khỏi đề mục bởi vì chi thiền Tầm (vitakka) không ổn định vững chắc.
Muốn có thêm chi tiết về satipatthàna, xem "Satipatthàna Sutta", bản dịch trong "The Wheel" số 18. Cũng đọc Chú Giải bài kinh nầy trong "The Way of Mindfulness", bản dịch do Soma Thera (Buddhist Publication Society, Kandy).
Tại sao ta phải vững chắc gom tâm an trụ và kiên cố áp đặt trên đề mục như hơi-thở-ra và hơi-thở-vào, không thể sơ khuyết? Là bởi vì ta cần phải tập trung tư tưởng để canh chừng và kiểm soát lục thức (vinnàna) [2], vốn nhanh chóng bay nhảy và trôi giạt bềnh bồng một cách bất định từ quá khứ xa xôi không thể quan niệm, trong vòng luân hồi (samsàra) vô tận.
Sư xin nói rõ thêm. Tâm có thói quen chạy rong từ đầu nầy sang đầu kia quanh quẩn tới lui sáu trần cảnh, khởi hiện ở sáu căn môn. [3]
Sư lấy một thí dụ, như trường hợp anh chàng kia mất trí, không thể kiểm soát tâm mình. Chí đến giờ ăn cơm anh cũng không nhớ mà cứ mãi thênh thang rong rỗi đầu nầy đầu kia, cha mẹ phải đi tìm, gọi về ăn. Rồi sau khi ăn năm sáu miếng thì anh lật úp chén lại, bỏ đi, không dùng hết bửa. Anh chàng lãng trí đến mức độ như vậy. Ăn uống cũng không biết dùng cho đủ no. Khi nói chuyện anh cũng không thể nói hết trọn câu. Nói đầu quên đuôi, đang chuyện nầy bắt sang câu chuyện khác. Ðoạn đầu, đoạn giữa và đoạn cuối của một câu không phù hợp với nhau. Nói không ai hiểu. Anh chàng không thể làm gì hữu ích trên thế gian nầy, và không ai biết anh muốn gì. Anh không thể hoàn tất một công việc gì. Người như thế không thể được xem là một chúng sanh trong cảnh người, sống cũng như không.
Anh chàng mất trí ấy có thể trở lại bình thường, với tinh thần ổn kiện, nếu anh gặp một vị lương y tâm thần tài giỏi, chữa bịnh cho anh với những phương pháp nghiêm nhặt. Ðược chữa trị như vậy, dần dần anh chàng có thể trở lại đời sống bình thường, đến bửa có thể ăn uống no bụng. Trong những công việc khác hằng ngày anh cũng có thể kiểm soát tâm và hoàn thành đến nơi đến chốn, nói chuyện mạch lạc có trước có sau như thường. Ðó là một thí dụ.
Trong thế gian nầy có những người bình thường, tâm thần ổn kiện, nhưng cũng giống như anh chàng mất trí, không thể kiểm soát tâm khi ngồi lại hành thiền, thiền vắng lặng (samatha) hay thiền minh sát (vipassanà). Cũng giống như anh chàng mất trí kia không thể ăn trọn bửa cơm mà bỏ đi sau khi trợn trạo năm sáu miếng, người có tâm trí bình thường nầy ngồi xuống hành thiền cũng để tâm rong rỗi đầu nầy đầu kia bởi vì mình không thể kiểm soát nó. Mỗi khi lễ Phật và quán niệm về những phẩm hạnh thánh thiện của Ðức Phật anh không thể gom tâm vào những phẩm hạnh thánh thiện ấy mà để tâm phóng dật bay nhảy hết ý nghĩ nầy đến những tư tưởng khác và không thể đọc hết một câu kinh cúng Tam Bảo như "Iti' pi so ...", Phẩm Hạnh của Ðức Thế Tôn quả thật như thế nầy ..."
Cũng giống như người lâm bịnh chó dại (sợ nước), khát nước đến khô môi khô cổ, nhưng khi thấy xa xa một ao hồ nước mát thì sợ hải bỏ chạy. Lại cũng như một người bịnh mà phải dùng những thức ăn nên thuốc để chữa trị thì cảm nghe đắng miệng và không thể nuốt, phải phun nhổ ra hết. Cùng thế ấy, có những người tự thấy mình không thể thực hành pháp quán niệm những hồng danh thánh thiện của Ðức Phật, một cách linh nghiệm. Họ không thể tiếp tục giữ tâm an trụ vào đề mục. Khi bắt đầu đọc "Iti' pi so" thì tâm phóng và bị gián đoạn, và nếu khởi đầu trở lại, mỗi lần đều bị gián đoạn, vị ấy không bao giờ đọc đến cuối bài kinh, mặc dầu đọc cả ngày, cả tháng hay cả năm. Giờ đây vị ấy cố gắng học thuộc lòng từng đoạn, và nhờ vậy có thể đọc đến cuối bài kinh, mặc dầu tâm phóng.
Cùng thế ấy, trong những ngày giới (uposatha, bố-tát), có những vị dự tính tìm nơi vắng vẻ yên tĩnh để quán niệm ba mươi hai phần của thân như kesà (tóc), lomà (lông), v.v... hoặc hồng danh Ðức Phật, nhưng rốt cuộc lại gặp bạn bè, vui chơi trò chuyện, quên mất những ý định tu niệm. Ðến chùa, vào lúc mọi người cùng đọc kinh chung, mặc dầu cố gắng chú tâm vắng lặng đọc tụng kinh brahma-vihàra (Tứ Vô Lượng Tâm) [4], như công thức rải mettà (tâm từ), nhưng vì không kiểm soát được tâm, tinh thần tán loạn, những ý nghĩ bay nhảy tứ tung bất định và rốt cùng chỉ có hình thức đọc tụng bề ngoài, ngồi đọc lời kinh mà tâm ở đâu nơi nào khác.
Bấy nhiêu trường hợp ấy đủ cho thấy bao nhiêu người tuy bình thường, nhưng có cuộc sống giống như anh chàng mất trí trong lúc tạo thiện nghiệp, kusala kamma, gieo trồng nhân thiện tạo phước.
"Pàpasmim ramate mano" -- Tâm thỏa thích trong ác pháp.
(Dhammapada, Kinh Pháp Cú, câu 116)
Giống như bản chất thiên nhiên của nước là chảy từ trên cao xuống thấp, tâm của chúng sanh cũng dường thế ấy, tự nhiên xít lại gần ác pháp. Ðó là khuynh hướng thiên nhiên của tâm. Sư kể thêm một câu chuyện thí dụ để so sánh người không thể kiểm soát tâm với anh chàng mất trí.
Trên một con sông nước chảy thật nhanh, có người lái buôn nọ chở đầy ghe những hàng hóa quý giá nhưng không thông thạo công việc chèo chống, hay lèo lái. Anh xuôi dòng, xuyên qua những khúc sông chảy dài theo rừng núi hoang vu không bến đậu, không chỗ thuận tiện để cặp ghe. Và như thế anh tiếp tục không ngừng thả trôi theo dòng nước. Ðêm đến, thuyền đi ngang qua những xóm làng, thành thị, và những nơi có bến để ghe đậu, nhưng vì đêm tối anh không thấy, nên cứ tiếp tục để thuyền trôi ngang qua mà không dừng lại cặp bến. Rồi ngày đến, thuyền trôi ngang qua những nơi có phố phường thành thị, nhưng vì không nắm vững tay lái, anh không thể hướng thuyền vào bến và lại phải tiếp tục để thuyền trôi, dần dần ra khơi, giữa biển cả mênh mông.
Vòng quanh luân hồi những kiếp sống (samsàra) dài dẳng vô cùng tận cũng tựa hồ như con sông nước chảy nhanh. Những chúng sanh không kiểm soát được tâm giống như người lái buôn đi thuyền mà không biết chèo chống hay lèo lái con thuyền. Tâm như chiếc thuyền. Chúng sanh bị trôi giạt trong dòng nước lũ của những kiếp sinh tồn, hết kiếp nầy đến kiếp khác, xuyên qua những chu kỳ thế gian "sunna" không có Giáo Pháp của một vị Phật giống như chiếc thuyền của người lái buôn đi xuyên qua những vùng rừng núi hoang vu không bến đậu hoặc chỗ cặp ghe. Đôi lúc những chúng sanh ấy được sanh vào chu kỳ thế gian có Giáo Huấn của một vị Phật (Buddha Sàsana) truyền bá rộng rãi và thịnh vượng, nhưng không hay biết vì bất hạnh phải tái sanh vào một trong tám trường hợp không thuận lợi (atthakkhanas) [5], cũng giống như thuyền người lái buôn trôi ngang qua những phố phường hay xóm làng có bến cho thuyền ghe đậu, nhưng vì đêm tối, anh lại không hay biết. Rồi đến khi, trong những lúc khác được sanh làm người, làm chư thiên hay chư Phạm Thiên (devas hay Brahmas) trong thời kỳ có Giáo Pháp của một vị Phật (Buddha Sàsana) nhưng không thể thành tựu Ðạo và Quả (magga và phala) bởi vì không thể kiểm soát tâm và không đủ chuyên cần tinh tấn để thực hành vipassanà (minh sát), tu tập satipatthàna (Tứ Niệm Xứ), nên vẫn phải tiếp tục lăn trôi trong vòng luân hồi (samsàra).
Những chúng sanh ấy cũng giống như người lái buôn đã thấy được phố phường, làng xóm và bến nước để ghe đậu, nhưng không thể hướng chiếc thuyền của mình vào bến vì không thể điều khiển bánh lái và như thế tiếp tục bị dòng nước lũ kéo trôi ra biển cả mênh mông. Xuyên qua vô số những kiếp sinh tồn nhiều như số cát trên bờ sông Hằng (Ganges) trong vòng luân hồi dài dẵng, những ai đã giải thoát ra khỏi những khổ đau của đời sống là những vị đã kiểm soát được tâm mình và có đủ khả năng gom tâm an trụ vào đề mục tu tập đã chọn như mình muốn, qua pháp hành Tứ Niệm Xứ, Satipatthàna.
Ðiều nầy chỉ rõ khuynh hướng trôi giạt trong vòng quanh những kiếp sinh tồn của những chúng sanh không thực hành satipatthàna, Tứ Niệm Xứ, mặc dầu hay biết rằng mình không thể kiểm soát tâm trong khi thực hành thiền vắng lặng và minh sát (samatha và vipassanà).
Chúng ta cũng có thể lấy thí dụ người luyện tập bò tơ để cho nó kéo cày hoặc kéo xe, hay người luyện voi để vua xử dụng hoặc để dùng trong lúc có chiến tranh.Trường hợp bò tơ. Trước hết phải cho nó nhập bầy và quen ở chuồng, rồi xỏ vàm, tức xỏ sợi dây vàm xuyên qua mũi con bò và cột đầu dây vào một trụ cột. Rồi dùng dây vàm điều khiển cho nó quen làm theo ý mình. Phải luyện như thế cho đến khi bò đủ thuần thục để có thể gác ách, cho nó kéo xe hoặc kéo cày. Ðến chừng ấy bò mới có thể sẵn sàng để xử dụng hoặc bán. Ðó là thí dụ người luyện bò tơ.
Trong thí dụ nầy, quyền lợi và sự thành công của người luyện bò tùy thuộc nơi tình trạng bò có thể được xử dụng hữu hiệu trong công tác kéo xe hay kéo cày không, sau khi được rèn luyện, cùng thế ấy lợi ích thật sự của người tu Phật, cư sĩ hay tỳ khưu, sống trong thời kỳ có Giáo Huấn của vị Phật hiện tại, tùy thuộc nơi công phu tu luyện trong thiền vắng lặng và thiền minh sát (samatha và vipassanà).
Trong Giáo Pháp của vị Phật hiện tại (present Buddha Sàsana), pháp hành Giới Tịnh (sìla visuddhi) giống như trong pháp luyện bò, cho bò nhập bầy và tập nó quen sống trong chuồng.
Cũng như bò tơ, nếu không nhập bầy và sống trong chuồng sẽ phá khuấy, làm hư hoại mùa màng hay sở hữu của người khác, và đó là trách nhiệm của người chủ bò, cùng thế ấy người thiếu Giới Tịnh sẽ không trong sạch giữ gìn tam nghiệp [6], do đó sẽ gặp những hoàn cảnh bất hạnh trong đời và sẽ gặt hái những quả xấu trong tương lai, như Giáo Pháp dạy.
Cố gắng trau giồi kàyagatà satipatthàna [7], thân quán niệm xứ, giống như xỏ sợi dây vàm qua mũi con bò, và sau khi cột dây vàm vào trụ cột, luyện cho bò tuân theo lịnh điều khiển của mình. Cũng như bò bị cột vào trụ phải tuân theo lịnh, chủ biểu làm gì thì làm theo ý muốn của chủ, không thể chạy loạn, cùng thế ấy, khi bị cột vào thân bằng sợi dây satipatthàna (tứ niệm xứ), tâm không thể chạy loạn mà phải an trụ vào bất luận nơi nào mà người chủ muốn. Thói quen khuấy động và phóng dật chạy loạn của tâm từ xa xưa trong vòng luân hồi không thể quan niệm, giờ đây lắng đọng, trở nên vắng lặng.
Thực hành samatha (thiền vắng lặng) và vipassanà (thiền minh sát) mà trước đó không niệm thân thì cũng như người chủ bò gác vào ách xe hay ách cày một con bò chưa từng được xỏ vàm. Người ấy sẽ không điều khiển được bò theo ý muốn. Bởi vì bò còn hoang dại và vì chưa có vàm để điều khiển, nó sẽ chạy hoang loạn, lệch ra khỏi đường hoặc vùng vằng phá ách để thoát thân.
Ðàng khác, người đã có tu luyện để kiểm soát và lắng tâm bằng pháp Niệm Thân trước khi hướng về pháp hành thiền vắng lặng và minh sát (samatha và vipassanà) thì tâm dễ dàng an trụ, và người ấy sẽ thành công.
Trong trường hợp luyện voi, trước hết phải đem con voi hoang dại ra khỏi rừng, đưa đến một vùng đất rộng, nơi chuyên dùng để luyện voi có hàng rào bằng cột kiên cố, rồi cột voi chắc chắn vào một nơi an toàn, giữ đó cho đến khi nó được rèn luyện thuần thục, trở nên yên tĩnh và không còn hung hăng hoang dại. Sau đó người ta mới bắt đầu luyện tập voi làm những công việc mà nó sẽ phải làm cho vua. Ðến chừng ấy voi mới trở nên hữu ích, mới được xử dụng hữu hiệu trong những phận sự khác nhau trong nước, và ở chiến trường khi quốc gia hữu sự.
Lãnh vực của những lạc thú trần gian cũng giống như khu rừng mà con voi hoang dại thỏa thích hưởng thụ. Giáo Huấn của một vị Phật (Buddha Sàsana) tựa hồ như vùng đất rộng rãi mà người ta đưa voi rừng đến để rèn luyện. Voi rừng giống như cái tâm. Ðức tin (saddhà) và lòng ham muốn (chanda) trong Giáo Pháp (sàsana-dhamma) giống như con voi cần phải được luyện mà người ta buộc chung với con voi đã được huấn luyện, rồi đem ra ngoài trời trong một vùng đất rộng. Giới Tịnh (sìla visuddhi), tức giới đức trong sạch, là cái hàng rào kiên cố bao quanh chỗ cột voi. Cơ thể vật chất hay những phần trong thân như hơi-thở-ra và hơi-thở-vào giống như những cột trụ vững chắc ở bên trong rào mà voi bị cột vào. Pháp Niệm Thân (kàyagatà-sati) [8] giống như sợi dây cột voi vào trụ. Những công trình chuẩn bị luyện voi cũng giống như những pháp hành, chuẩn bị đưa đến thiền vắng lặng và thiền minh sát (samatha và vipassanà). Công phu hành thiền, vắng lặng hay minh sát, là những công việc khác nhau như diễn binh, tập trận hay xông pha trên chiến trường.
Những thí dụ khác giờ đây có thể được nhận ra dễ dàng.
Như vậy, Sư đã chỉ rõ những thí dụ người mất trí, người đi thuyền mà không biết lèo lái chiếc thuyền của mình, người luyện bò tơ, và người luyện voi. Ðó là những điểm chánh yếu trong pháp Niệm Thân mà tập tục cổ truyền xem là bước đầu của công phu hành thiền từ giai đoạn Giới Tịnh (sìla visuddhi) trở lên, trong Giáo Huấn của tất cả chư Phật đã thị hiện trong vòng luân hồi dài dẳng từ quá khứ xa xôi không thể quan niệm.
Ý nghĩa chánh là dầu niệm hơi-thở-ra và hơi-thở-vào, hay niệm iriyàpatha (bốn oai nghi -- đi, đứng, ngồi, nằm) với sampajanna (tâm giác tỉnh, hiểu biết rõ ràng) hoặc bằng cách dhàtu manasikàra (gom tâm niệm vào Tứ Ðại), hoặc bằng cách atthikasannà (niệm xương), ta phải chuyên cần tinh tấn để thâu đạt khả năng tập trung chú niệm vào thân và vào bốn oai nghi của mình bao lâu cũng được, suốt ngày suốt đêm ngoại trừ lúc ngủ, và do đó vững vàng kiểm soát tâm mình. Làm như vậy ta thoát khỏi trạng thái bất hạnh của người mất trí. Giờ đây ta giống như người đi thuyền đã nắm vững tay lái, hay người chủ của một con bò đã được rèn luyện thuần thục, hoặc giống như nhà vua đang xử dụng một thớt voi đã được áp phục và thuần hóa.
Có nhiều loại và nhiều mức độ làm chủ tâm mình. Trong Giáo Huấn của Ðức Phật (Buddha Sàsana), công phu thực hành pháp Niệm Thân một cách viên mãn là giai đoạn đầu tiên trên bước đường đưa đến khả năng vững vàng làm chủ tâm mình.
Những vị hành giả không muốn theo con đường samatha (vắng lặng) mà chỉ muốn theo con đường minh sát thuần túy (pure vipassanà), tức là con đường của vị sukkha vipassaka [9], phải tiến thẳng vào vipassanà sau khi đã kiên cố thành công pháp Niệm Thân.
Nếu những vị nầy không muốn hành pháp Niệm Thân riêng rẽ mà tận lực chuyên cần hành Minh Sát đến độ có thể bao gồm luôn pháp niệm thân, kàyagatà-sati, thì cũng có thể thành công, nếu họ có đủ tinh tấn và trí tuệ. Pháp Niệm Thân (kàyagatà-sati) liên hợp với Tuệ Sanh Diệt (udayabbaya-nàna), thấy rõ ràng trạng thái phát sanh và hoại diệt của những hiện tượng tâm-vật-lý, quả thật là rất quan trọng.
Theo phương pháp hành vắng lặng (samatha), bằng cách niệm hơi-thở-ra và hơi-thở-vào của pháp Niệm Thân, ta có thể tiến đạt đến mức rùpàvacara catuttha jhàna, Tứ Thiền Sắc Giới; bằng cách niệm vanna manasikàra [10], ba mươi hai phần của thân như kesà (tóc), lomà(lông), v.v... ta có thể chứng đắc tất cả tám tầng Thiền, samàpattis [11], và bằng cách hànhpatikkùla manasikàra [12] cũng của pháp Niệm Thân, ta có thể đắc Sơ Thiền. Nếu trong khi thiền, phát triển Minh Sát (vipassanà) ta cũng có thể thành tựu Ðạo và Quả.
Dầu không trọn vẹn thành công trong pháp hành vắng lặng và minh sát (samatha và vipassanà) mà chỉ đến mức kiểm soát tâm và có khả năng giữ tâm an trụ vào đề mục, Ðức Phật dạy, người như thế có thể được xem là đã thỏa thích hưởng thụ hương vị của amatta nibbàna [13].
"Amatam tesam paribhuttam, yesam kàyagatà sati paribhuttà." [14]
"Những ai hoan hỷ thỏa thích trong pháp Niệm Thân (kàyagatà-sati) an vui thỏa thích trạng thái Bất Diệt (Niết Bàn)."
Nơi đây danh từ amata -- để chỉ Niết Bàn -- có nghĩa là trạng thái tâm thanh bình an lạc và vắng lặng. [15]
Trong tình trạng sơ khởi, tâm rất chao động và bất ổn định khi ta muốn chăm chú vào đề mục. Như thế bản chất nguyên thủy của tâm là khô cằn và nóng nảy. Giống như con sâu nằm trong trái ớt, không hay biết gì đến sức nóng của ớt, con người có bản chất tham ái (tanhà) không nghe sức nóng của ái dục, người có bẩm tánh sân hận và tự cao tự đại không cảm nhận sức nóng của sân hận và tánh tự phụ, cùng thế ấy chúng sanh không hay biết gì đến sức nóng của một cái tâm khuấy động. Chỉ đến khi, do công phu thực hành pháp Niệm Thân, kàyagatà-sati, trạng thái tâm tán loạn chấm dứt, ta mới nhận thức nhiệt độ của tình trạng bất ổn. Ðã tiến đạt đến trạng thái tan biến của tâm khuấy động ta mới biết sợ sức nóng của tâm ấy tái phát. Trường hợp người đã thành đạt tầng Sơ Thiền hay tầng Tuệ Sanh Diệt (udayabbaya nàna) xuyên qua pháp hành Niệm Thân (kàyagatà-satipatthàna), ta không cần phải giải bày dài dòng nữa.
Từ đây, càng thành đạt những mức độ cao siêu nhiều hơn càng thấy mình khó tự tách rời khỏi pháp kàyagatà-sati (Niệm Thân).
Các bậc Thánh Nhân (ariya puggalas) áp dụng pháp Tứ Niệm Xứ (satipatthàna) để nuôi dưỡng tâm linh cho đến khi nhập Ðại Niết Bàn (parinibbàna).
Ðể thành đạt khả năng giữ tâm an trụ vào một phần nào trong thân, như hơi-thở-ra và thở-vào chẳng hạn, có thể cần phải mất từ 7 ngày hay 15 ngày, hoặc một tháng, 2 tháng, 3 tháng, hay 4 tháng, hay 5 tháng, 6 tháng hay một năm, 2 năm, hay 4 năm, tùy theo mức độ chuyên cần tinh tấn của mỗi người.
Về phương pháp thực hành pháp niệm hơi-thở-ra và hơi-thở-vào, nên đọc quyển "Ànapàna Dìpanì" [16].
Có nhiều sách dạy về pháp hành niệm ba mươi hai phần của thân. Trong pháp hành nầy, kesà(tóc), lomà (lông), nakhà (móng tay, móng chân), dantà (răng), taco (da) được xem là taca pancaka (nhóm năm phần của thân, chấm dứt bằng taco). Nếu có thể
vững chắc an trụ tâm vào năm điểm ấy công phu Niệm Thân (kàyagatà-sati) đã được viên mãn thành tựu.
Về những pháp niệm catu dhàtu vavatthàna (Phân Tách Tứ Ðại), rùpa vipassanà (quán niệm các hiện tượng vật lý, tức các sắc pháp), và nàma-vipassanà (quán niệm các hiện tượng tâm linh, danh pháp), xem những quyển "Lakkhana Dìpanì", "Vijjà-magga Dìpanì", "Ahàra Dìpanì", và "Anattà Dìpanì" của Sư.
Ðến đây chấm dứt phần giảng giải ngắn gọn pháp kàyagatà-sati bhàvanà, Thân Quán Niệm Xứ, vốn là một trong bốn pháp "Tứ Niệm Xứ", và là pháp mà những người ở hạng Neyya và Padaparama cần nên kiên cố nắm vững trong công trình luyện tâm (bhàvanà), nhằm mục tiêu thành đạt Ðạo và Quả trong Giáo Huấn của một vị Phật.
(Còn tiếp)
Ghi chú:
[1] Về ý nghĩa của danh từ, xem Phần Nói Ðầu của Chủ Biên.
[2] Lục thức: sáu loại hay biết là: nhãn thức tức hay biết qua mắt (thấy), nhĩ thức hay biết qua mũi (hửi) v.v... tỷ thức, thiệt thức, thân thức, và ý thức.
[3] Tức nhãn căn, nhĩ căn v.v...
[4] Brahma-vihàra (tứ vô lượng tâm) là: mettà (tâm từ), karunà (tâm bi), mudità (tâm hỷ), và upekkhà (tâm xả). Xem The Wheel số 6.
[5] Xem chú giải trong phần Nhập Ðề.
[6] Tam nghiệp là thân nghiệp, khẩu nghiệp, và ý nghiệp. Ba loại nghiệp nầy bao gồm mười (10) hành động tạo bất thiện nghiệp là:
- Kàyakamma, 3 thân nghiệp: sát sanh, trộm cắp, tà hạnh;
- Vacìkamma, 4 khẩu nghiệp: nói dối, nói đâm thọc, nói thô lỗ cộc cằn và nói nhảm nhí.
- Manokamma, 3 ý nghiệp: lòng tham lam, sân hận và tà kiến.
[7] Thân quán niệm xứ: chú tâm niệm trở vào thân. Niệm Thân.
[8] Kàyagatà-sati, Thân Quán Niệm Xứ. Nơi đây để cho gọn, pháp nầy được gọi là "Niệm Thân".
[9] Sukkha vipassaka, người chỉ thực hành minh sát (vipassanà) mà không qua thiền vắng lặng trước.
[10] Vanna manasikàra, chú tâm niệm vào màu sắc hay hình thể, vốn là một phần của pháp niệm 32 phần trong thân.
[11] Tám tầng samàpattis là 4 tầng Thiền Sắc Giới và 4 tầng Thiền Vô Sắc.
[12] Niệm về trạng thái bất tịnh (ô trược) của thân.
[13] Amatta nibbàna, trạng thái Bất Diệt của Niết Bàn -- một danh từ khác để gọi Niết Bàn.
[14] Anguttara, Tăng Nhứt A Hàm, Ekaka-nipàta; Bản dịch tiếng Anh trong "The Wheel", số 155/158, trang 6.
[15] Danh từ nầy hàm xúc kilesa-nibbàna, trạng thái đã "dập tắt mọi ô nhiễm" trong đời sống của vị A-La-Hán.
[16] Ànàpàna Dìpanì, sách tiếng Pàli, không có bản tiếng Anh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét