Ledi Sayadaw-37 phẩm trợ đạo, một toát yếu về những yếu tố cần thiết cho sự giác ngộ
The Requisites of Enlightenment
Ven. Ledi Sayadaw
Bản dịch của Phạm Kim Khánh
Phần Nhập Đề
Thể theo lời yêu cầu của Pyinmana Myo-ok Maung Po Mya và Trader Maung Hla, trong tháng Nayon, 1266 Kỷ Nguyên Miến Ðiện (tháng 6, 1904 D.L.), Sư sẽ trình bày ngắn gọn ý nghĩa và mục đích của ba mươi bảy Bodhipakkhiya-dhamma, Yếu Tố Thiết Yếu Của Sự Giác Ngộ (thường được gọi là 37 Phẩm Trợ Ðạo, hay 37 Bồ Ðề Phần).
Bốn Hạng Người Có Khả Năng Thành Tựu Con Ðường
Trong bộ Puggala-Pannatti, Nhân Thi Thuyết (sách phân hạng những cá tính, 160, của Tạng Luận, Abhidhamma Pitaka) và trong Anguttara Nikàya, Tăng Nhứt A Hàm (Những Con Số Bốn, số 133) có lời dạy rằng trong số những chúng sanh được gặp "Giáo Huấn của Ðức Phật" (Buddha Sàsana), có thể phân làm bốn hạng.
1. Ugghàtitannu,
2. Vipancitannu,
3. Neyya, và
4. Padaparama.
Trong bốn hạng chúng sanh nầy Uggahàtitannu là hạng "hiểu được tức khắc", người đã gặp một vị Phật [1] và có đủ khả năng thành tựu Ðạo và Quả sau khi chỉ nghe Ngài giảng một thời pháp ngắn gọn.
Vipancitannu là hạng chúng sanh không đủ khả năng thành tựu Ðạo Quả sau khi nghe một thời Pháp ngắn do Ðức Phật giảng, nhưng có đủ khả năng chứng ngộ Ðạo Quả khi thời Pháp ngắn kia được giảng rộng thêm.
Neyya là hạng chúng sanh không thể chứng đắc Ðạo Quả khi được nghe một thời Pháp ngắn do Ðức Phật giảng hoặc khi nghe thời Pháp ấy được giảng rộng thêm nhưng cần phải học hỏi, thận trọng ghi chép, và nghiền ngẫm suy tư về những lời dạy được trình bày rồi đem ra tu tập thực hành nhiều ngày, nhiều tháng và nhiều năm, mới có thể thành tựu Ðạo Quả.
Hạng Neyya nầy có thể lại được phân làm nhiều hạng tùy theo thời gian tu tập cần thiếtcủa mỗi người để có thể chứng đắc Ðạo Quả, và hơn nữa, tùy thuộc số lượng ba-la-mật (pàrami), và số ô nhiễm (kilesa) mà mỗi người đã tích trữ trong luồng nghiệp.
Những hạng cá tính nầy bao gồm một đàng, những người phải cần một thời gian bảy ngày và đàng khác, những vị phải cần đến ba mươi hoặc sáu mươi năm chí công tu tập thực hành.
Cũng có những hạng chúng sanh khác, thí dụ như trường hợp những vị chỉ cần phải thực hành trong bảy ngày; những vị nầy có thể thành tựu được Ðạo Quả A La Hán nếu cố gắng chuyên cần trong thời kỳ thứ nhất và thời kỳ thứ nhì [2] của đời sống, nhưng không thể vượt quá hơn hai tầng Thánh đầu nếu chỉ đến thời kỳ thứ ba mới chuyên cần tinh tấn.
Lại nữa, khi nói "chuyên cần tinh tấn trong bảy ngày", điều nầy có nghĩa là phải tận lực cố gắng, vận dụng hết mọi khả năng để thành tựu mục tiêu. Nếu không tinh tấn đến mức độ cao nhất, thời gian tinh tấn cần thiết sẽ kéo dài tùy thuộc tình trạng dể duôi, buông lơi tinh tấn, và bảy ngày có thể trở nên bảy năm hay hơn nữa.
Nếu tình trạng tinh tấn chuyên cần trong kiếp sống nầy không đủ mạnh để có thể thành tựu Ðạo và Quả, ắt không thể giải thoát ra khỏi những khổ đau của đời trong thời kỳ Giáo Huấn của vị Phật hiện tiền [3] còn được lưu truyền trong thế gian. Trong khi ấy cầu mong được giải thoát nhờ Giáo Huấn của vị Phật tương lai (future Buddha Sàsana), chỉ có thể thành tựu nếu ta hội đủ duyên lành gặp được Giáo Huấn ấy. Không gặp Giáo Huấn của một vị Phật không thể giải thoát. Chỉ có trường hợp những vị nào đã được một vị Phật thọ ký (niyata vyàkarana, lời tiên tri chắc chắn của một vị Phật) mới chắc chắn sẽ gặp Giáo Huấn của một vị Phật (Buddha Sàsana) và giải thoát. Người không được một vị Phật thọ ký (niyata vyàkarana) không thể chắc chắn sẽ gặp được Giáo Huấn của một vị Phật (Buddha Sàsana) hay thành tựu giải thoát ra khỏi mọi khổ đau của thế gian, dầu đã có tích trữ đầy đủ ba-la-mật (pàrami) để có thể gặp cả hai -- Giáo Huấn của một vị Phật và giải thoát. Trên đây là những vấn đề liên quan đến người có khả năng chứng ngộ Ðạo và Quả bằng cách chuyên cần tinh tấn trong bảy ngày, nhưng không được có một vị Phật thọ ký.
Những vấn đề tương tợ áp dụng cho trường hợp những người có khả năng thành tựu Ðạo và Quả bằng cách cố gắng trong mười lăm ngày hoặc một thời gian dài hơn.
Padaparama là người, mặc dầu được gặp Giáo Huấn của một vị Phật (Buddha Sàsana) và mặc dầu đã tận lực học hỏi và thực hành Giáo Pháp, vẫn không thể chứng đắc Ðạo và Quả trong kiếp sống hiện tiền. Tất cả những gì người nầy có thể làm được chỉ là tạo cho mình một thói quen tốt và những khả năng tiềm ẩn (vàsanà).
Một người như thế đó không thể thành tựu giải thoát ra khỏi khổ đau của thế gian trong kiếp sống nầy. Nếu lìa đời trong khi đang hành samatha, thiền vắng lặng, hay vipassanà, thiền minh sát, và tái sanh và cảnh người hay cảnh trời, vị ấy có thể thành đạt giải thoát trong kiếp kế, trong Giáo Huấn của vị Phật hiện tại. Ðức Phật tuyên ngôn như trên về vấn đề bốn hạng cá tính.
Ba Loại Bệnh Nhân
Cũng theo những nguồn kinh điển được đề cập trên đây Ðức Phật nêu lên một phân hạng chúng sanh khác, chia làm ba hạng giống như ba loại bệnh nhân [4], đó là:
(1) Một loại bệnh nhân chắc chắn sẽ được lành bệnh đúng lúc, dầu không uống thuốc hay được chữa trị.
(2) Một bệnh nhân chắc chắn sẽ không được phục hồi và sẽ chết vì chứng bệnh, dầu chữa trị và uống thuốc cách nào.
(3) Một bệnh nhân sẽ được phục hồi nếu thuốc men thích nghi, được chữa trị đầy đủ và đúng mức, nhưng sẽ không được phục hồi và sẽ chết nếu không dùng đúng thuốc và chữa trị thích nghi.
Ðó là ba loại bệnh nhân.
Những người đã được một vị Phật quá khứ thọ ký (niyata vyàkarana), và như vậy chắc chắn sẽ giải thoát trong kiếp sống nầy, giống như loại bệnh nhân đầu tiên.
Người ở hạng padaparama giống như loại bệnh nhân thứ nhì. Giống như loại bệnh nhân thứ nhì không hy vọng được chữa trị, người hạng padaparama không thể có hy vọng được giải thoát ra khỏi những khổ đau của đời sống. Tuy nhiên, trong những kiếp sống tương lai vị ấy có thể giải thoát, hoặc trong Giáo Huấn của Ðức Phật hiện tiền, hoặc trong Giáo Huấn của một vị Phật tương lai. Câu chuyện của chàng thanh niên Chattamànava [5], của con ếch trở thành một vị trời và của đạo sĩ Saccaka [6] là trường hợp của những chúng sanh đã giải thoát trong kiếp kế liền sau kiếp hiện tại, trong Giáo Huấn của vị Phật hiện tại.
Chúng sanh hạng Neyya giống như loại bệnh nhân thứ ba. Cũng giống như một bệnh nhân trong loại thứ ba có thể, hoặc được phục hồi tình trạng sức khoẻ, hoặc phải chết vì bệnh, cùng thế ấy chúng sanh hạng Neyya có thể, hoặc được giải thoát ra khỏi những khổ đau của thế gian trong kiếp hiện tại, hoặc sẽ không giải thoát.
Nếu một người ở hạng Neyya, hiểu biết điều gì là tốt cho mình, hợp theo tuổi tác, lánh xa những gì cần phải xa lánh, tìm đúng thầy, thực hành đúng theo sự hướng dẫn chân chánh của thầy và tinh tấn chuyên cần đúng mức, vị ấy sẽ có thể giải thoát ngay trong kiếp hiện tiền. Tuy nhiên, nếu vị ấy khư khư chấp thủ tà kiến và tà mạng; nếu tự mình không thể lánh xa dục lạc; nếu mặc dầu có thể xa lánh dục vọng nhưng không được sự hướng dẫn của một vị thầy tốt; nếu mặc dầu có được sự hướng dẫn của một vị thầy tốt nhưng không thể chuyên cần tinh tấn đúng mức; nếu mặc dầu muốn cố gắng tu tập nhưng không thể thực hành vì tuổi tác quá cao; nếu mặc dầu tuổi còn trẻ nhưng phải ươn yếu bệnh hoạn, ắt không thể giải thoát trong kiếp hiện tại. Vua Ajàtasattu (A Xà Thế) [7], con của trưởng giả triệu phú Mahàdhana [8], Tỳ Khưu Sudinna [9], là trường hợp những vị không thể giải thoát trong kiếp hiện tiền.
Vua Ajàtasattu không giải thoát được vì phạm tội giết cha. Ðược biết rằng ông phải lăntrôi lặn hụp trong vòng luân hồi (samsàra, vòng quanh những kiếp sinh tồn) trong thờigian hai a-tăng-kỳ (asankheyyas), và sau đó trở thành một vị Paccekabuddha, Ðộc GiácPhật.
Con của trưởng giả triệu phú Mahàdhana có thói quen quá đổi lợi dưỡng trong nhục dục ngũ trần lúc thiếu thời nên không thể thành tựu tâm vắng lặng khi niên cao tuổi lớn.
Con đường giải thoát xa xôi diệu vợi, chí đến cơ hội sống quen thuộc với Tam Bảo, TiRatana [10] anh cũng không được có. Khi thấy tình trạng khốn khổ của anh Ðức Phật nói với Ðức Ananda: "Nầy Ananda, nếu con của nhà triệu phú kia xuất gia, trở thành một tỳ khưu trong Giáo Huấn (Sàsana) của Như Lai trong thời son trẻ, thời kỳ thứ nhất của cuộc đời, anh ta đã chứng ngộ Ðạo Quả A-La-Hán và sẽ nhập Ðại Niết Bàn (Parinibbàna) [11] trong kiếp sống nầy. Nếu xuất gia, trở thành tỳ khưu vào thời kỳ thứ nhì của đời sống, anh ta đã là một vị A-Na-Hàm (Anàgàmi, Bất Lai) [12] và khi chết sẽ tái sanh vào cảnh Vô Phiên Thiên (Suddhàvàsa brahma loka) [13] của các vị Phạm Thiên, rồi từ đó chứng đắc Ðạo Quả A-La-Hán và nhập Ðại Niết Bàn (Parinibbàna).
"Còn một trường hợp khác nữa, nếu xuất gia sống đời tỳ khưu trong Giáo Huấn của Như Lai vào đầu thời kỳ thứ ba của đời sống, anh ta sẽ chứng đắc hoặc Tư-Ðà-Hàm (Sakadàgàmi,Nhứt Lai) -hoặc Tu-Ðà-Huờn (Sotàpanna, Nhập Lưu) và đã vĩnh viễn không còn bao giờ tái sanh vào khổ cảnh (apàya lokas)" [14]. Ðức Thế Tôn nói với Ngài Ananda như vậy. Mặc dầu con của nhà trưởng giả triệu phú đã có tích trữ ba-lamật (pàrami) đủ chín mùi để làm cho kiếp sống hiện tại là cuối cùng, nhưng vì không có được một vị Phật "thọ ký" (niyata vyàkarana), nên không có gì bảo đảm chắc chắn rằng những ô nhiễm còn tiềm tàng trong dòng nghiệp của anh không nổi dậy mạnh mẽ, vì thế dầu có được duyên may gặp Giáo Huấn của một vị Phật (Buddha Sàsana) anh không thể thành tựu giải thoát ra khỏi khổ đau của vòng luân hồi. Nếu kiếp sống của anh trong khổ cảnh (apàya loka) còn kéo dài vì những hành động bất thiện trong kiếp hiện tại anh ta sẽ không thể thoát khỏi những cảnh khổ (apàya loka) vào thời kỳ Giáo Huấn của Ðức Phật Di Lạc, Metteya, vị Phật tương lai. Và sau đó, còn vô số những châu kỳ không được có một vị Phật [15]. Bất hạnh thay! Quả thật còn xa, rất xa vời, thời kỳ mà con nhà triệu phú trưởng giả có thể giải thoát, mặc dầu trong hiện tại anh đã có tích trữ đủ ba-la-mật để giải thoát trong kiếp nầy.
Thông thường, ngày nay người ta nghĩ rằng nếu đã có tạo đủ ba-la-mật ta sẽ không mất cơ hội, mà chắc chắn sẽ gặp Giáo Huấn của một vị Phật (Buddha Sàsana), dầu muốn dầu không, và ta sẽ vượt thoát ra khỏi mọi khổ đau của những kiếp sinh tồn, chắc như vậy, dầu có muốn giải thoát hay không. Những người nầy quên để ý rằng có niyata (tức được một vị Phật thọ ký) và aniyata (không được có một vị Phật thọ ký). Xét theo hai bài trong Tam Tạng Kinh Ðiển (Tipitaka) được nêu trên và câu chuyện con nhà triệu phú, ta nên nhớ rằng người không được một vị Phật thọ ký, aniyata neyya, chỉ có thể giải thoát ra khỏi khổ đau của đời sống khi tận lực chuyên cần đầy đủ tinh tấn, dầu đã có ba-la-mật (pàrami) tích trữ đầy đủ để thành tựu giải thoát. Nếu thiếu chuyên cần và tinh tấn, không thể thành tựu Ðạo và Quả trong thời kỳ Buddha Sàsana nầy.
Ngoài những hạng người nầy còn có vô số chúng sanh khác, như đạo sĩ Alàra và Uddaka (Majjhima Nikàya, Trung A Hàm 28) đã có tích trữ đủ ba-la-mật để giải thoát nhưng không may phải sanh trưởng nhằm một trong tám nơi không thuận tiện (atthakkhanas) [16], những nơi mà ta không thể thành tựu Ðạo và Quả.
Những Ðiều Kiện Thực Hành Cần Thiết Cho Hạng Neyya và Padaparama
Trong bốn hạng chúng sanh được kể ở phần trên, hạng Ugghàtitannù và hạng Vipancitannù có thể chứng đắc Sotàpatti-magga (Tu-Ðà-Huờn Ðạo) và những tầng trí tuệ cao siêu hơn -- như Bà Visàkhà và trưởng giả Cấp Cô Ðộc, Anàthapindika [17] khi chỉ nghe thuyết giảng Giáo Pháp một lần. Những vị ấy không cần phải thực hành Giáo Pháp qua những giai đoạn Thanh Tịnh, như Giới Tịnh (sìla-visuddhi), tâm tịnh (citta-visuddhi) v.v... Cũng nên nhắc lại rằng đây cũng là trường hợp giải thoát của chư Thiên và chư Phạm Thiên.
Do vậy nên ghi nhận rằng pháp hành như giới tịnh (sìla visuddhi) và tâm tịnh (citta visuddhi) được dạy trong Kinh Ðiển Pàli chỉ áp dụng cho hai hạng chúng sanh Neyya và Padaparamatrước khi những vị nầy chứng đắc Sotàpatti-magga (Tu- Ðà-Huờn Ðạo). Pháp hành nầy cũng dành cho ba hạng người trước khi thành đạt các tầng Ðạo và Quả cao siêu. Vào thời kỳ mới thành tựu A La Hán Quả cũng vậy, các Ngài cũng áp dụng pháp hành nầy nhằm mục đích dittha-dhamma-sukha-vihàra (an trụ thoải mái trong cuộc sống hiện tại) [18], bởi vì vị A La Hán đã trải qua những giai đoạn của pháp hành nầy.
Sau khi ngàn năm đầu tiên (của nền Phật Giáo -- Buddha Sàsana -- hiện tại) đã trôi qua, vốn là thời kỳ của chư vị Patisambhidhà -- patta (A-La-Hán với Trí Tuệ Phân Tách), chỉ còn hai hạng chúng sanh Neyya và Padaparama. Ngày nay chỉ còn có hai hạng chúng sanh nầy.
Neyya-puggala
Trong hai hạng chúng sanh nầy, những vị ở hạng Neyya có thể chứng đắc tầng Nhập Lưu (sotàpanna, Tu-Ðà-Huờn) trong kiếp sống nầy nếu cẩn trọng và nhiệt thành thực hành bodhipakkhiya dhamma (ba mươi bảy Pháp Trợ Ðạo, hay 37 Bồ Ðề Phần) như satipatthàna (Tứ Niệm Xứ), sammappadhàna (Tứ Chánh Cần) v.v... Nếu hờ hững dể duôi trong pháp hành, vị nầy chỉ có thể chứng đắc Ðạo và Quả Sotàpanna (Tu Ðà Huờn) trong kiếp kế, sau khi tái sanh vào cảnh trời (deva). Nếu ở trong cảnh giới sau nầy mà còn lánh xa, không thực hành các pháp Trợ Ðạo (bodhipakkhiya) như Tứ Niệm Xứ v.v... vị nầy sẽ hoàn toàn mất cơ hội trong Giáo Huấn của vị Phật hiện tại (Buddha Sàsana), nhưng vẫn có thể thành tựu giải thoát nếu được duyên may gặp Giáo Huấn của vị Phật tương lai.
Padaparama-puggala
Một vị trong hạng Padaparama có thể thành tựu giải thoát trong kiếp tới, trong Giáo Huấn của vị Phật hiện tại, sau khi tái sanh vào một cảnh trời (deva loka) và thành tâm thực hành những Phẩm Trợ Ðạo (Bodhipakkhiya).
Thời Ðại Chư Thánh Nhân Vẫn Còn
Thời gian năm ngàn năm của vị Phật hiện tại bao gồm Thời Ðại Chư Thánh Nhân. Thời Ðại Chư Thánh Nhân nầy sẽ tồn tại ngày nào mà Tam Tạng Kinh Ðiển (Ti-pitakas) còn tưu truyền trên thế gian. Hạng chúng sanh padaparama nên nhân cơ hội được gặp Phật Giáo (Buddha Sàsana) để tích trữ mầm mống hay hột giống ba-la-mật càng nhiều càng tốt trong kiếp sống nầy. Phải tích trữ hột giống sìla (giới). Phải tích trữ hột giống samàdhi (định). Phải tích trữ hột giống pannà (tuệ).
Giới (Sìla)
Trong ba loại tích trữ, sìla (Giới), samàdhi (Ðịnh), pannà (Tuệ), hột giống sìla có nghĩa: Panca Sìla [19], Ajìvatthamaka Sìla [20], Atthànga Uposatha Sìla [21], Dasanga Sìla [22] đối với nam nữ tại gia cư sĩ, và Bhikkhu Sìla [23] đối với hàng xuất gia.
Ðịnh (Samàdhi)
Hột giống Ðịnh (samàdhi) có nghĩa là những cố gắng để thành tựu parikammasamàdhi (tạm định, định sơ khởi, hay trạng thái chuẩn bị nhập định) bằng cách áp dụng một trong bốn mươi đề mục hành thiền như mười kasinas (những dụng cụ để chú tâm vào), hoặc nếu có thể chuyên cần tinh tấn hơn, thành tựu upacàra-samàdhi (cận định) hoặc tinh tấn chú tâm hơn nữa, thành tựu appanà-samàdhi (toàn định).
Tuệ (Pannà)
Hột giống trí tuệ (pannà) có nghĩa là trau giồi khả năng phân tách những đặc tính và những phẩm chất của rùpa (sắc, những hiện tượng vật chất), nàma (danh, những hiện tượng tâm linh), khandhà (uẩn, các nhóm cấu thành cuộc sống), àyatana (căn, sáu cửa giác quan), dhàtu(nguyên tố, hay thành phần căn bản cấu thành vật chất, tứ đại), sacca (chân lý, hay diệu đế), và paticcasamuppàda (duyên khởi, hay phát sanh do điều kiện) cùng với công phu trau giồi minh sát về ba đặc tướng của đời sống (lakkhana) tức là anicca (vô thường), dukkha (khổ), anattà (vô ngã).
Trong ba loại hột giống của Ðạo Tuệ (magga-nàna) và Quả Tuệ (phala-nàna) [24], sìla (giới) và samàdhi (định) cũng tương tợ như những món đồ trang sức thường xuyên tô điểm thế gian cho đến thời kỳ không có Phật Giáo (sunna, hư không, tức chu kỳ thế gian không có Phật, thời kỳ không có giáo huấn của một vị Phật). Hột giống giới và định có thể được thành đạt bất luận lúc nào. Nhưng hột giống pannà (trí tuệ), liên quan đến rùpa, nàma, khandha, àyatana, dhàtu, sacca, và paticcasamuppada (sắc, danh, ngũ uẩn, lục căn, tứ đại, diệu đế và pháp thập nhị duyên khởi) chỉ được có trong thời kỳ có giáo huấn của một vị Phật (Buddha Sàsana). Ngoài thời kỳ có Phật Giáo (Buddha Sàsana) -- xuyên qua vô số "sunna" tức chu kỳ thế gian không có Phật Giáo -- không thể có cơ hội để nghe những lời nói liên quan đến pannà (trí tuệ), dù chỉ nghe thoáng qua. Do đó, người có được duyên may tái sanh ngày nay trong thế gian nầy, trong khi Giáo Huấn của một vị Phật còn đang lưu truyền thịnh vượng, nếu muốn tích trữ hột giống của Ðạo Tuệ và Quả Tuệ nhằm bảo đảm sự giải thoát ra khỏi những đau khổ trong một kiếp sống tương lai, phải đặc biệt thận trọng chú tâm đến paramatha [25] (chân đế, chân lý cùng tột), vốn rất khó gặp, vô cùng khó hơn là tích trữ hột giống sìla (giới) và samàdhi (định). Tối thiểu ta phải cố gắng thấu hiểu rõ ràng phương cách mà Tứ Ðại (mahà-bhùta) -- pathavì, àpo, tejo, và vàyo [26] -- cấu thành cơ thể vật chất nầy. Nếu minh sát hiểu biết tận tường bốn nguyên tố nầy ắt ta thâu hoạch một số khá nhiều những hột giống trí tuệ (pannà), vốn rất khó thành đạt, mặc dầu chưa thấu đạt tuệ giác nào trong những phần khác của Abhidhamma, Vi Diệu Pháp. Có thể nói rằng sự kiện khó được tái sanh vào thời kỳ có Giáo Huấn của một vị Phật (Buddha Sàsana) đáng cho ta gia công.
Vijjà (Minh) và Carana (Hạnh)
Sìla (giới) và samàdhi (định) hợp thành carana (Hạnh) trong khi pannà là vijjà (Minh). Như vậy, giới, định, tuệ là Minh Hạnh. Minh (vijjà) giống như đôi mắt của chúng sanh, Hạnh (carana) như cặp chân. Vijjà giống như mắt của chim, carana như cánh. Người có đủ Giới và Ðịnh nhưng thiếu Tuệ giống như có đầy đủ hai chân nhưng mù mắt.
Người có Minh (vijjà) nhưng thiếu Hạnh (carana) giống như có mắt tốt nhưng hai chân bệnh tật. Một người có đầy đủ cả hai, Minh (vijjà) và Hạnh (carana), giống như người đầy đủ hai mắt sáng và cặp chân khoẻ mạnh. Thiếu cả hai, Minh và Hạnh, thì giống như người mù mà chân cẳng què quặt, không đáng được gọi là người.
Hậu Quả Của Tình Trạng Chỉ Có Carana (Hạnh)
Trong những chúng sanh cùng chung sống vào thời kỳ có Giáo Huấn của một vị Phật (Buddha Sàsana), có những người đầy đủ Giới và Ðịnh, nhưng không có hột giống Minh (vijjà), như tuệ minh sát hiểu thấu bản chất của sắc pháp, danh pháp và ngũ uẩn.
Vì có Hạnh dõng mãnh, những vị nầy có nhiều triển vọng sẽ gặp Giáo Huấn của một vị Phật tương lai, nhưng vì thiếu hột giống Minh, họ không thể thành đạt Giác Ngộ, mặc dầu có được nghe lời thuyết giảng của chính vị Phật tương lai.
Họ cũng giống như Ðại Ðức Làludàyì [27], Ðại Ðức Upananda [28], những vị tỳ khưu Chabbaggìya [29], và Vua xứ Kosala [30], tất cả những người đã sống dưới thời Ðức Phật Toàn Giác. Nhờ trong những kiếp sống quá khứ đã tích trữ nhiều Hạnh (carana) tốt như bố thí và trì giới nên các vị nầy có được cơ hội sống liên hợp với Ðức Phật Tối Thượng, nhưng vì thiếu tích trữ hột giống Minh (vijjà) nên những lời dạy của Ðức Phật mà các vị ấy thường nghe trong kiếp nầy thất bại, như đã rơi vào tai điếc.
Hậu Quả Của Trường Hợp Chỉ Có Vijjà (Minh)
Có những người khác đã tích trữ đầy đủ hột giống Minh (vijjà) như thấu hiểu sắc pháp và danh pháp và các uẩn, nhưng thiếu Hạnh (carana) như bố thí (dàna), thường xuyên trì giới (nicca sìla) và giữ bát quan trong những ngày giới (uposatha sìla). Nếu những vị nầy có duyên may gặp được Ðức Phật vị lai và nghe những thời Pháp do Ngài thuyết giảng ắt có thể Giác Ngộ vì có đủ Minh (vijjà), nhưng vì thiếu Hạnh (carana) nên rất khó, cực kỳ hiếm hoi cho các vị nầy có cơ hội gặp vị Phật tương lai. Như thế bởi vì có một antara-kappa (chu kỳ thế gian) giữa Buddha Sàsana, Giáo Huấn của Ðức Phật hiện tại và vị Phật kế đó.
Vào khoảng thời gian ấy, các vị thiếu Hạnh (carana) kể trên lang thang bất định trong Dục Giới, có nghĩa là các vị ấy phải lặn hụp lăn trôi trong một chuỗi dài những kiếp sống và tái sanh, sanh-tử, tử-sanh. Cơ hội gặp được vị Phật tương lai chỉ có thể thành tựu nếu những kiếp sống ấy ở trong lạc cảnh [31]. Nếu trong thời gian ấy chẳng may phải sa đọa vào bốn cảnh khổ [32] thì cơ hội gặp được vị Phật tương lai đã mất, rất khó tìm lại được, bởi vì một kiếp sống trong Khổ Cảnh thường đưa đến một cảnh giới khác trong bốn cảnh khổ, triền miên liên tục kéo dài.
Những người trong kiếp sống nầy thiếu công đức bố thí (dàna), không giữ gìn trong sạch hành động bằng thân, không thận trọng thu thúc lời nói, và có những tư tưởng nhơ bẩn nhiễm ô, và như vậy thiếu Hạnh (carana), có chiều hướng mạnh mẽ sẽ tái sanh vào một trong Bốn Khổ Cảnh sau khi chết. Nếu may nhờ một vài nghiệp tốt nào đã tạo, người ấy được tái sanh vào một trong những cảnh giới nhàn lạc (suggati-loka), bất luận ở cảnh giới nào mà người ấy tái sanh vào, vì thiếu Hạnh (carana) trong quá khứ như bố thí (dàna), người ấy cũng thiếu thốn và rất có thể gặp nhiều khó khăn, thử thách và nhiều nỗi khổ tâm trong cuộc sinh sống, do đó có chiều hướng tạo nghiệp bất thiện và tái sanh vào khổ cảnh (apàya lokas). Bởi vì thiếu Hạnh (carana) như thường xuyên hành trì các giới căn bản và bát quan trai giới (uposatha sìla), những người ấy có thể gặp rất nhiều cơ hội để cãi vã, tranh chấp, sân hận, thù oán, trong cuộc sống khi giao dịch với người khác, lại có thể còn thường bị ốm đau ươn yếu, và như vậy gặp nhiều cơ hội có chiều hướng làm cho mình gây nhiều bất thiện nghiệp và sa đọa vào khổ cảnh (apàya loka). Như vậy người ấy sẽ kinh nghiệm những hoàn cảnh đau thương trong mỗi kiếp sống, sẽ tích tụ những khuynh hướng tâm tánh bất thiện, và do đó gây nhiều trở ngại trong kiếp sống ở lạc cảnh (suggati loka) và tạo những nhân bất thiện có chiều hướng đưa tái sanh vào khổ cảnh (duggati loka). Như vậy hy vọng được gặp vị Phật tương lai của người thiếu Hạnh (carana) quả thật hiếm hoi.
Ðiểm Chánh Yếu
Tóm lược, điều chánh yếu là, chỉ khi nào ta hội đủ những hột giống Minh (vijjà) và Hạnh (carana) mới có thể giải thoát ra khỏi những khổ đau của đời sống trong một kiếp tới. Nếu chỉ có hột giống Minh (vijjà), thiếu hột giống Hạnh (carana) như bố thí và trì giới, ta sẽ không được bảo đảm có cơ hội gặp Giáo Huấn của vị Phật tương lai, Buddha Sàsana. Nếu đàng khác, hội đủ những hột giống Hạnh (carana) nhưng thiếu hột giống Minh (vijjà), mặc dầu ta có thể gặp được Giáo Huấn của vị Phật tương lai, nhưng không thể giải thoát. Do đó những người ở hạng padaparama ngày nay, dầu nam hay nữ, có chú nguyện được gặp Giáo Huấn của vị Phật tương lai, phải cố gắng tích trữ trong thời Phật Giáo, Buddha Sàsana, hiện tại những hột giống Hạnh (carana) bằng cách thực hành bố thí (dàna), trì giới (sìla), và thiền vắng lặng (samatha bhàvanà), và cũng phải, tối thiểu, cố gắng minh sát Bốn Nguyên Tố Chánh Yếu Căn Bản, Tứ Ðại, nhờ đó được bảo đảm sẽ gặp Giáo Huấn của vị Phật tương lai, và khi đã gặp, có hy vọng sẽ thành tựu giải thoát.
Khi nói rằng dàna, bố thí, là Hạnh (carana), bố thí nằm trong phân hạng saddhà (đức tin), vốn là một trong những saddhammas, bảy phẩm hạnh thực tiễn của người tốt, lại một lần nữa nằm trong mười lăm carana-dhammas, hạnh pháp.
Mười lăm caranadhammas là:
1. Sìla (Giới);
2. Indriya-samvara (thu thúc lục căn);
3. Bhojane mattannutà (ẩm thực độ lượng):
4. Jàgariyànuyoga (tỉnh thức):
5-11. Saddhamma (bảy đặc tính của người tốt và có đức hạnh);
12-15. Bốn Jhànas (Tứ Thiền, bốn tầng Thiền Sắc Giới).
Mười lăm pháp kể trên là đặc tính của người chứng đắc tầng Thiền cao nhất (jhànalàbhi). Vị hành giả chỉ hành thiền minh sát (sukkhavipassaka) [33] phải có mười một hạnh pháp (catarana dhammas) [34], tức mười lăm trừ bốn tầng Thiền (Jhànas).
Người có chú nguyện muốn gặp Giáo Pháp của vị Phật tương lai (Buddha Sàsana) cần thiết phải thực hành đầy đủ bố thí, trì giới và bảy pháp saddhammas (phẩm hạnh của người tốt).
Những ai muốn thành đạt các Ðạo và Quả trong chính kiếp sống hiện tại phải hội đủ mười một hạnh pháp (carana-dhammas) đầu tiên: sìla, indriyasamvara, bhojane mattannutà, jàgariyànuyoga, và bảy saddhammas. Nơi đây sìla, giới, có nghĩa là Ajìvatthamaka nicca sìla(Thường xuyên thực hành chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng), Indriyasamvara có nghĩa thu thúc lục căn -- nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý. Bhojane mattannutà là ẩm thực có độ lượng, chỉ lấy thức ăn vừa đủ để làm cho cơ thể được quân bình. Jàgariyànuyoga có nghĩa là không ngủ ngày, và chỉ ngủ một canh trong đêm [35], trong hai canh còn lại thì thực hành bhàvanà (hành thiền, trau giồi tâm).
Saddhamma có nghĩa bảy phẩm hạnh của người tốt:
1. Saddhà (đức tin),
2. Sati (niệm),
3. Hiri (hổ thẹn tội lỗi),
4. Ottappa (ghê sợ hậu quả của tội lỗi),
5. Bàhusacca (học nhiều hiểu rộng),
6. Viriya (tinh tấn),
7. Pannà (trí tuệ).
Người muốn chứng ngộ Ðạo và Quả Sotàpannas (Tu-Ðà-Huờn) trong kiếp sống hiện tại không đặc biệt cần thiết phải thực hành hạnh bố thí (dàna). Nhưng những ai tự biết mình không đủ khả năng chuyên cần tinh tấn để có thể giải thoát trong thời kỳ Giáo Huấn của vị Phật hiện tại phải đặc biệt cố gắng thực hành dàna, hạnh bố thí, và uposatha-sìla, bát quan trai giới trong những ngày giới.
Thứ Tự Thực Hành Và Những Người Mong Chờ Vị Phật Tương Lai
Vì công phu thực hành của những vị còn tùy thuộc và mong chờ vị Phật tương lai không bao gồm gì hơn là tích trữ ba-la-mật (pàrami), không hẳn cần thiết phải theo đúng thứ tự của những giai đoạn thực hành được chỉ dẫn trong Kinh Ðiển Pàli, tức sìla, samàdhi và pannà (giới, định, tuệ). Không nên triển hoãn, gát chờ hành xong sìla (giới) rồi mới bắt đầu thực hành samàdhi (định), hay triển hoãn công phu thực hành pannà (tuệ) để chờ hoàn tất pháp hành samàdhi (định). Theo thứ tự của bảy giai đoạn thanh tịnh (visuddhis) như:
1. Sìla-visuddhi (giới tịnh),
2. Citta-visuddhi (tâm tịnh),
3. Ditthi-visuddhi (kiến tịnh),
4. Kankhàvitarana-visuddhi (đoạn nghi tịnh),
5. Magg-àmagga-nànadassana-visuddhi (đạo phi đạo tri kiến tịnh),
6. Patipadànànadassana-visuddhi (đạo tri kiến tịnh), và
7. Nàna-dassana-visuddhi (tri kiến tịnh).
Hành giả không nên bỏ sót hay trì hoãn công phu thực hành pháp nào mà phải viên mãn hoàn tất trước khi thực hành giai đoạn kế, theo đúng thứ tự. Vì đây là những người có chú nguyện tích trữ ba-la-mật càng nhiều càng tốt nên phải tận lực chuyên cần nhằm tích trữ sìla, samàdhi và pannà (giới, định tuệ) càng nhiều càng tốt.
Khi Kinh điển Pàli dạy rằng citta-visuddhi (tâm tịnh) chỉ phải được thực hành sau khi hoàn tất tròn đủ sìla-visuddhi (giới tịnh), rằng chỉ nên thực hành ditthi-visuddhi (kiến tịnh) sau khi đã hoàn mãn hành xong citta-visuddhi (tâm tịnh), rằng chỉ nên thực hành kankhàvitarana-visuddhi (đoạn nghi tịnh) sau khi đã hoàn tất thực hành viên mãn ditthi-visuddhi (kiến tịnh), rằng công phu trau giồi pháp hành thiền về anicca, dukkha, và anattà bhàvanà (vô thường, khổ, vô ngã) chỉ nên được bắt đầu sau khi đã thực hành đầy đủ kankhàvitarana-visuddhi (đoạn nghi tịnh), thứ tự thực hành nầy được chỉ dạy để áp dụng cho những vị cố gắng thành tựu Ðạo và Quả chính trong kiếp sống nầy.
Trong trường hợp những người tự thấy mình không thể chuyên cần đến mức cao độ như vậy mà chỉ cố gắng góp nhặt ba-la-mật (pàrami) tạo nên do pháp hành được bao nhiêu càng tốt, không nên bảo họ rằng pháp hành thiền vắng lặng nhằm thanh lọc tâm (samatha manasikàra citta-visuddhi) chỉ nên được bắt đầu sau khi thực hành đầy đủ sìla-visuddhi (giới tịnh).
Với người thợ săn và người thợ câu, không nên bảo họ nếu không bỏ nghề để hành một nghề khác thì đừng nên thực hành quán niệm, hướng tâm về vắng lặng và minh sát (samatha-vipassanà-manasikàra). Nói như vậy sẽ gây trở ngại cho Giáo Pháp (dhammantaràya, chướng ngại, cản trở người ta trên con đường dẫn đến Giáo Pháp).
Trái lại nên khuyến khích người thợ săn hoặc thợ đánh cá nên quán niệm những phẩm hạnh thánh thiện của Phật, Pháp, Tăng. Nhắc nhở họ nên tận lực quán niệm tính chất ô trược của cơ thể vật chất nầy. Khuyên nhủ họ nên quán niệm tánh cách vô thường, bất ổn định, hết sức bấp bênh, của kiếp sinh tồn, trước cái chết chắc chắn sẽ phải đến với ta, và với tất cả mọi chúng sanh. Sư (Ngài Ledi Sayadaw) có biết trường hợp một người thợ chài lưới chuyên nghiệp, sau khi được khuyến khích như trên, có thể đọc thuộc lòng Kinh Ðiển Pàli và "nisaya" (bản dịch từng chữ) quyển Abhidhammattha Sangaha (Vi Diệu Pháp Toát Yếu) và những duyên hệ, Paccaya Niddesa, của bộ Patthàna (Tương Quan Duyên Hệ) của Tạng Luận trong khi vẫn hành nghề đánh cá. Những công trình tu học như vậy là nền tảng vững chắc rất tốt để gieo trồng mầm giống vijjà (Minh).
Ngày nay, mỗi khi gặp thiện tín (dàyaka upàsakas), đúng theo truyền thống của một nhà Sư, Sư khuyên họ rằng mặc dầu là thợ săn hay thợ câu chuyên nghiệp, lúc nào cũng nên ghi nhớ, quán niệm những phẩm hạnh thánh thiện của Tam Bảo và ba đặc tướng của đời sống. Quán niệm những phẩm hạnh thánh thiện của Tam Bảo (Ti-Ratana) là gieo trồng hột giống Hạnh (carana). Quán niệm ba đặc tướng của đời sống là gieo trồng hột giống Minh (vijjà).
Dầu là đối với người thợ săn hay thợ câu ta cũng nên khuyến khích họ thực hành niệm tâm như vậy. Không nên nghĩ rằng sẽ không thích nghi nếu ta khuyên người thợ săn hay thợ câu nên hành thiền vắng lặng (samatha) và thiền minh sát (vipassanà). Ðàng khác, nếu họ gặp khó khăn, nên giúp đỡ cho họ hiểu biết. Nên sách tấn và khuyến khích họ nên kiên trì cố gắng. Họ ở trong hoàn cảnh mà dù chỉ có hành động nào tích trữ bala-mật (pàrami) và có chiều hướng tốt cũng nên được tán dương.
Mất Cơ Hội Gieo Trồng Hột Giống Vijjà (Minh) Vì Không Biết Giá Trị Của Thời Hiện Tại
Vài vị đạo sư chỉ chú trọng đến những lời dạy trực tiếp và rõ ràng, không thể hiểu lầm, trong Kinh Ðiển Pàli về thứ tự phải thực hành bảy giai đoạn thanh tịnh (visuddhi), nhưng không quan tâm đến giá trị của thời gian hiện tại. Các vị ấy dạy rằng pháp hành thiền vắng lặng (samatha) hay thiền minh sát (vipassanà), dầu tận lực tinh tấn thế nào, không thể đưa đến thành quả nếu trước đó không hoàn tất giai đoạn giới tịnh (sìla-visuddhi).
Vài hành giả kém hiểu biết bị dẫn dắt lầm đường vì tin theo những lời dạy tương tợ. Như vậy, đó là dhammantaràya (chướng ngại cho Giáo Pháp).
Những người ấy, vì không hiểu biết bản chất của giờ phút hiện tại, sẽ mất cơ hội để gieo trồng mầm giống vijjà (Minh), vốn chỉ có thể thành tựu khi gặp được Giáo Huấn của một vị Phật (Buddha Sàsana). Trong thực tế, họ không thể giải thoát ra khỏi những khổ đau của đời sống và vẫn phải còn lặn hụp lăn trôi trong vòng luân hồi (samsàra) bởi vì trong quá khứ xa xôi dài không thể quan niệm, trải qua vô số chu kỳ nhiều hơn cát trên bờ sông Hằng (Ganges), mặc dầu đôi khi họ có cơ hội gặp Giáo Huấn của một vị Phật (Buddha Sàsana) nhưng không thâu thập nền tảng mầm giống vijjà (Minh).
Khi nói đến mầm giống, nên hiểu rằng có những hột giống đủ chín mùi để có thể nở mộng và trở thành cây non mạnh khoẻ sởn sơ, và có nhiều mức độ chín. Cũng có những hột giống chưa chín, chưa đủ mùi. Người không hiểu biết ý nghĩa của đoạn kinh mình đang đọc, hoặc không hiểu biết phương pháp thực hành chân chánh, dầu thông hiểu ý nghĩa nhưng chỉ đọc, tụng, và lần chuỗi theo thói quen thông thường trong khi ấy quán niệm phẩm hạnh của Ðức Phật và những đặc tướng vô thường, khổ, và vô ngã, đọc tụng kinh mà không theo dõi lời kinh, ắt sẽ có hột giống không đủ chín, không mùi. Những hột giống nầy có thể chín và đủ mùi nếu hành giả tiếp tục hành như thế trong những kiếp sau kế đó, nếu có được cơ hội.
Pháp hành vắng lặng (samatha) cho đến mức parikamma nimitta [36] và pháp hành minh sát (vipassanà) đến tuệ phân biệt sắc và danh (rùpa và nàma), dầu chỉ một lần, là hột giống chín mùi có đủ tiềm năng và thể chất. Pháp hành thiền vắng lặng đến mức uggaha nimitta và pháp hành thiền minh sát đến mức sammasana-nàna [37], dầu chỉ một lần, là hột giống càng chín mùi hơn. Thiền vắng lặng đến mức Patibhàganimitta [38] và thiền minh sát đến Udayabbayanàna [39], dầu chỉ một lần, là hột giống càng chín mùi hơn. Nếu càng chuyên cần tinh tấn hơn trong công phu thực hành thiền vắng lặng và thiền minh sát hột giống vijjà (Minh) càng già giặn chín mùi hơn có thể đưa dến thành công quan trọng.
Adhikàra (Pháp Hành Nhiệt thành Tinh Tấn Và Thành Công)
Kinh Ðiển Pàli nói rằng chỉ trường hợp có adhikàra trong thời kỳ Giáo Huấn của những vị Phật (Buddha Sàsana) quá khứ mới có thể thành tựu các tầng Thiền (Jhànas), các Ðạo (Maggas) và các Quả (Phalas) trong thời Phật Giáo sau nầy. Danh từ "adhikàra" có nghĩa là "hột giống thành công", tức là những mầm giống có thể trổ sanh thành quả tốt đẹp. Ngày nay có những người trải qua cuộc đời của mình thực hành theo những phương pháp cổ truyền, vốn chỉ là những pháp mô phỏng theo thiền vắng lặng (samatha) và thiền minh sát (vipassanà) mà không chính thực là những hột giống samatha và vijjà có thể gọi là adhikàra.
Trong hai loại hột giống, những người đã gặp được Phật Giáo (Buddha Sàsana) mà không có đủ hột giống vijjà (Minh) thì quả thật là một mất mát lớn lao. Ðáng tiếc như vậy bởi vì những hột giống vijjà (Minh) liên quan đến rùpa và nàma dhamma (tiến trình sắc pháp và danh pháp) chỉ có thể có trong thời kỳ còn Giáo Huấn của một vị Phật (Buddha Sàsana) và chỉ khi nào đủ nhạy cảm để hay biết mới có thể thấu đạt.
Do đó hiện nay, dầu nam hay nữ, những ai tự cảm thấy mình không thể suy niệm và quán xét tận tường bản chất của sắc và danh pháp (rùpa nàma dhamma) nên cố gắng tìm hiểu cặn kẻ nằm lòng bốn nguyên tố chánh yếu (Tứ Ðại) của vật chất, suy niệm về ý nghĩa và bản chất của Tứ Ðại, và hiểu biết nó hợp thành cơ thể vật chất nầy như thế nào.
Ðến đây chấm dứt phần chỉ dẫn, với những thảo luận về bốn hạng và ba loại người đã được đề cập đến trong Tạng Kinh và Tạng Luận đó là:
1. Những người sống trong thời kỳ có Giáo Huấn của một vị Phật mà không thực hành vắng lặng (samatha) và minh sát (vipassanà) để cho thời gian trôi qua với những pháp hành mô phỏng, giả mạo, bị mất mát rất quan trọng vì lỡ mất cơ hội được sanh làm người trong thời kỳ có Phật Giáo,
2. Ðây là thời gian mà những người trong hạng Padarama và Neyya [40] nếu đủ chuyên cần tinh tấn, có thể thâu gặt những hột giống samatha (vắng lặng) và vipassanà (minh sát) chín mùi, và dễ dàng thành tựu những lợi ích siêu thế trong kiếp sống nầy hay trong một cảnh trời (deva loka) vào kiếp tới -- trong Giáo Huấn của vị Phật nầy hoặc của vị Phật tương lai,
3. Những vị nầy có thể thâu hoạch những lợi ích rộng lớn bao la trong kiếp sống làm người, trong Giáo Huấn của một vị Phật.
Ðến đây chấm dứt phần trình bày ba loại và bốn hạng cá nhân.
Một Lời Khuyên Và Cảnh Giác
Nếu những thời kinh được Ðức Phật thuyết giảng trong suốt bốn mươi lăm Hạ (vassas) được súc tích cô đọng và những phần chánh yếu trong Tam Tạng Kinh (Tipitaka) được rút tỉa ngắn gọn lại thì ta còn ba mươi bảy Phẩm Trợ Ðạo (bodhipakkhiyadhamma, những pháp cần thiết phải có để thành tựu trạng thái giác ngộ, cũng gọi là 37 Bồ Ðề Phần). Ba mươi bảy pháp cần thiết giúp đưa đến giác ngộ (bodhipakkhiyadhamma) nầy là phần cốt tủy chánh yếu của Tam Tạng kinh. Bảy giai đoạn thanh lọc (visuddhi), là phần thâu gọn của những phẩm trợ đạo nầy, trở thành sìla (Giới), samàdhi (Ðịnh), và pannà (Tuệ). Những pháp nầy được gọi là adhisìla sàsana (Giáo Huấn của Giới Luật Cao Siêu), adhicitta sàsana (Giáo Huấn Của Tâm Cao Siêu), và adhipannà sàsana (Giáo Huấn Của Trí Tuệ Cao Siêu). Những pháp nầy cũng được gọi là sikkhàs, những pháp tu học.
Khi nói đến sìla (Giới). điều chánh yếu đối với người cư sĩ tại gia là nicca sìla (những giới cần phải thường xuyên hành trì). Những ai tròn đủ nicca sìla là đã có đủ carana (Hạnh). Chính Hạnh (carana) cùng với Minh (vijjà) giúp ta thành tựu Ðạo và Quả. Nếu những vị ấy có thể hành thêm Bát Quan Trai Giới (uposatha sìla) trong những ngày giới thì càng tốt hơn nicca sìla nhiều. Ðối với hàng cư sĩ, nicca sìla (giới thường xuyên) có nghĩa là àjivatthamaka sìla [41]. Những giới nầy phải được nghiêm chỉnh và thật lòng nhiệt thành hành trì.
Nếu, vì còn là phàm nhân (putthujjana) ta vi phạm một giới nào, thì có thể sám hối và xin giới lại, lặp lại lời chú nguyện, xin trong sạch giữ giới từ đây về sau, đến trọn đời. Nếu, trong tương lai lại còn phạm giới nữa thì có thể lặp lại lời chú nguyện, và mỗi lần xin giới như vậy thì giới hạnh được thanh lọc trong sạch trở lại. Sự cố gắng không phải khó. Mỗi khi nicca sìla, giới thường xuyên, bị vi phạm thì nên sám hối và như vậy giới hạnh trở nên trong sạch trở lại. Ngày nay có rất nhiều người giới đức trong sạch Tuy nhiên người có tâm định vững chắc trong pháp hành niệm kasina (dùng một hình thể tròn làm bằng đất nhồi rồi gom tâm an trụ vào đó) hay thực hành niệm những ô trược của thân (asubha-bhàvanà) v.v... quả thật hiếm hoi, cũng như người có thể thấu đạt minh sát những hiện tượng vật lý và tâm linh, hay ba đặc tướng của vạn pháp v.v... Thật hiếm hoi có những người thành công như vậy vì ngày nay nhiều Giáo Pháp Sai Lầm (micchàdhamma) đã chín mùi, tạo nhân gây hiểm họa và chướng ngại cho Giáo Pháp.
Những Giáo Huấn Sai Lầm
Giáo Huấn Sai Lầm (micchà-dhamma) tức "những lời dạy rất có thể gây chướng ngại cho Giáo Pháp" (dhammantaràya), có nghĩa là những quan kiến tương tợ như những pháp hành và những giới hạn như không thể thấy hiểm họa của vòng luân hồi samsàra, niềm tin cho rằng thời bây giờ không ai có thể thành tựu Ðạo và Quả, chiều hướng triển hoãn mức độ chuyên cần, chờ cho đến khi ba-la-mật (pàramis) đủ chín mùi, niềm tin cho rằng người thời nay chỉ là dvi-hetuka [42], những người sanh ra với hai nhân thiện, niềm tin cho rằng những vị đại sư thời xưa không còn nữa.
Mặc dầu không đưa đến mục tiêu cùng tột, không có thiện nghiệp (kusala kamma) nào là vô ích. Nếu ta chuyên cần cố gắng, thiện nghiệp (kusala kamma) lúc nào cũng là phương tiện tạo ba-la-mật (pàrami) cho những ai còn thiếu ba-la-mật. Nếu không cố gắng tạo ba-la-mật ắt cơ hội thâu gặt ba-la-mật đã mất. Nếu những người mà ba-la-mật chưa chín mùi ra sức cố gắng thì ba-la-mật của họ sẽ chín mùi. Những người nầy có thể thành đạt Ðạo và Quả trong kiếp tới trong Giáo Huấn của vị Phật hiện tại. Nếu không chuyên cần tinh tấn, cơ hội để làm cho ba-la-mật chín mùi sẽ mất. Nếu những người mà ba-la-mật đã chín mùi chuyên cần tinh tấn, những vị ấy có thể chứng đắc Ðạo và Quả trong kiếp sống nầy. Nếu không cố gắng, cơ hội thành đạt Ðạo và Quả sẽ mất.
Nếu những người sanh ra với hai nhân thiện (dvi-hetuka) chuyên cần tinh tấn, họ có thể trở thành ti-hetuka [43] trong kiếp sống tới. Nếu không chuyên cần cố gắng, họ không thể tiến lên từ trạng thái dvi-hetuka (sanh ra với hai nhân thiện) mà sẽ còn tuột xuống mức ahetuka [44]. Thí dụ như anh kia trù định xuất gia, trở thành tỳ khưu (bhikkhu).
Nếu có người nói với anh rằng "chỉ nên dự định xuất gia nếu anh có thể sống suốt đời cuộc sống của một vị tỳ khưu. Nếu liệu làm không được vậy, chớ nên dự định xuất gia như thế", -- đó là dhammantaràya, chướng ngại cho Giáo Pháp.
Ðức Phật dạy: "Như Lai tuyên ngôn rằng chỉ một tác ý thiện khởi sanh đã tạo lợi ích lớn lao" -- (Majjhima Nikàya, Trung A Hàm, số 8)
Làm giảm giá trị một hành động bố thí (dàna) hoặc làm ngã lòng một người phát tâm bố thí, có thể là một punnantaràya, chướng ngại cho hành động tạo thiện nghiệp của người có ý định bố thí. Nếu làm thối chí những người có hành động trì giới, tham thiền, và phát triển trí tuệ thì đó là tạo dhammantaràya, chướng ngại cho Giáo Pháp. Người gây chướng ngại cho những hành động tạo thiện nghiệp sẽ mất quyền lực và ảnh hưởng, tài sản và sự nghiệp và sẽ nghèo đói trong những kiếp tới. Nếu gây chướng ngại cho Giáo Pháp người ấy sẽ có khuyết điểm trong giới đức và phẩm hạnh và kém nhạy cảm hiểu biết, và như vậy, rõ ràng là thấp kém và hèn hạ trong những kiếp vị lai. Do đó hãy coi chừng!
Ðến đây chấm dứt phần trình bày nên xử dụng xứng đáng cơ hội hiếm hoi được sanh làm người, bằng cách loại trừ những Giáo Huấn sai lạc được kể trên và chuyên cần tinh tấn trong đời sống hiện tại nhằm khóa chặt cánh cổng vào bốn cảnh khổ (apàya), -- cho những kiếp vị lai trong vòng luân hồi (samsàra) -- hoặc nữa, nhằm tích trữ những hột giống tốt giúp ta thoát ra khỏi những khổ đau trong kiếp sống tới hoặc trong Giáo Huấn của vị Phật kế sau đây, do nhờ thực hành vắng lặng (samatha) và minh sát (vipassanà) một cách quyết định, nhiệt thành và chuyên cần.
(Còn tiếp)
Ghi chú:
[1] Gặp một vị Phật: Ðiểm nầy không thấy ghi chép trong kinh sách và chú thích được đề cập đến ở phần trên. (Chủ biên Buddhist Publication Society -- Kandy)
[2] Ðời sống thường được phân làm ba giai đoạn: thiếu niên, trung niên, và lão niên. Xem "Path of Purification" (Visuddhi Magga - Thanh Tịnh Ðạo) do Ðại Ðức Nànamoli chuyển dịch từ Pàli sang Anh, trang 721.
[3] Giáo Huấn của vị Phật hiện tiền -- nơi đây được dịch sang tiếng Việt từ chữ: the present Buddha Sàsana.
[4] Puggala-Pannatti, chương 100f; Anguttara, Tika-nipàta (những số Ba) số 22. (Xem "The Wheel" số 155/158, trang 18)
[5] Vimàna Vatthu.
[6] Majjhima Nikàya, Trung A Hàm, số 36.
[7] Dìgha Nikàya, Trường A Hàm, số 2: kinh Sàmannaphala Sutta.
[8] Dhammapada Commentary, Chú Giải kinh Pháp Cú -- Peta Vatthu.
[9] Vinaya Pitaka, Tạng Luật, Pàràjikà.
[10] Ti-ratana = "Tam Bảo": Phật Bảo, Pháp Bảo, Tăng Bảo. (Buddha, Dhamma, Sangha)
[11] Ðại Niết Bàn: Sự viên tịch của một vị A-La-Hán được gọi là nhập Ðại Niết Bàn, parinibbàna.
[12] A-Na-Hàm, hay "Bất Lai" là tầng Thánh thứ ba trong Tứ Thánh. Vị Thánh nầy được gọi là Bất Lai vì không bao giờ còn trở lại cảnh Dục Giới (kàma-loka).
[13] Vô Phiên Thiên -- cảnh giới hoàn toàn tinh khiết, bao gồm năm cảnh trời thuộc Sắc Giới, cảnh giới mà chỉ có những vị Thánh "Bất Lai" tái sanh vào và nơi đây các Ngài sẽ chứng đắc Ðạo và Quả A-La-Hán và nhập Ðại Niết Bàn.
[14] Apàya-loka là bốn cảnh khổ bao gồm: cảnh a-tu-la, cảnh ngạ quỷ, cảnh thú và cảnh địa ngục
[15] Sunna-kappas -- những châu kỳ "hư không", tức những a-tăng-kỳ không có Phật Giáo, không có Giáo Huấn của một vị Phật.
[16] Atthakkhana: Dìgha Nikàya, Trường A Hàm, Pàthika-vagga, phẩm Pàthika, bài kinh Dasuttara Sutta; Anguttara Nikàya III, Atthaka-nipàta, Akkhana Sutta, trang 60:-- (i) paccantaro, sống một nơi mà Giáo Huấn của một vị Phật, Buddha Sàsana, không được lưu truyền; (ii) Arino, tái sanh vào bốn cảnh giới Phạm Thiên Vô Sắc; (iii) Vitalingo, những người sanh ra đần độn ngu si hay bệnh tật về tâm thần, v.v... ; (iv) Asannasatta, sống trong cảnh giới những vị Phạm Thiên Vô Tưởng, không có thức; (v) Micchà-ditthi, sanh trưởng giữa những người mang nặng tà kiến; (vi) Peta, trong cảnh ngạ quỉ; (vii) Tirachàna, trong cảnh thú; và (viii) Niraya, trong cảnh địa ngục.
[17] Dhamma Commentary, tích chuyện liên quan đến câu 1 và câu 18.
[18] Dittha-dhamma-sukha-vihàra -- Phát sanh đến vị A-La-Hán sự hiểu biết rằng mình đã giải thoát, và Ngài chứng ngộ: "Không còn tái sanh nữa; ta đã sống cuộc sống trong sạch; ta đã hoàn thành viên mãn những gì cần phải làm; ta không còn gì nữa phải làmđể chứng ngộ Ðạo và Quả A La Hán." Như vậy Ngài an trụ thoải mái trong cuộc sống hiện tại.
[19] Panca Sìla, Ngũ Giới. Ðây là những giới căn bản bao gồm mức tối thiểu mà mỗi người, nam hay nữ, cần phải hành trì. Ðó là: cử kiêng không sát sanh, không trộm cắp, không tà hạnh, không nói dối và không dùng những chất say.
[20] Ba phần của nhóm "Giới" trong Bát Chánh Ðạo (chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng), khi được kể với chi tiết, trở thành Ajìvatthamaka sìla như sau: 1. Con nguyện sẽ không sát hại hay làm tổn thương sanh mạng; 2. Con nguyện sẽ không trộm cắp; 3. Con nguyện sẽ không phạm tà hạnh và dùng các chất say; 4. Con nguyện sẽ không nói dối; 5. Con nguyện sẽ không nói lời đâm thọc, làm cho người nầy hờn giận người kia; 6. Con nguyện không nói lời thô lỗ cộc cằn; 7. Con nguyện không nói lời nhảm nhí; 8. Con nguyện không sinh sống bằng tà mạng.
[21] Atthànga Uposatha Sìla = Tám giới, hay bát quan trai giới, là kiêng cữ: 1. sát sanh, 2. trộm cắp, 3. tà hạnh, 4. nói dối, 5. dùng chất say, 6. ăn sau giờ ngọ, 7. khiêu vũ, hát xướng, đờn kèn, và ca nhạc, đeo tràng hoa, dùng nước hoa, son phấn và trang sức v.v... 8. nằm giường đẹp và cao.
[22] Dasanga Sìla, mười giới, là một hình thức tế nhị của tám giới. Giới số (7) trong Bát Quan Trai Giới chia làm hai, và cộng thêm giới thứ 10 là cữ kiêng, không nhận vàng và bạc.
[23] Bhikkhu Sìla, Tứ Thanh Tịnh Giới, bốn loại giới giúp chư Tăng giới đức trong sạch (catupàrisuddhi-sìla) là:-- 1. Kiêng cữ, khép mình trong 227 giới luật của nhà sư (Giới Bổn); 2. Thu thúc lục căn; 3. Giới luật liên quan đến chánh mạng; 4. Giới luật liên quan đến bốn đồ dùng cần thiết (tứ vật dụng: y phục, chỗ ở, vật thực và thuốc men).
[24] Magga-nàna: Trí tuệ của bốn Thánh Ðạo, tức Tu Ðà Huờn Ðạo, Tư Ðà Hàm Ðạo, v.v... Phala-nàna là trí tuệ của bốn Thánh Quả.
[25] Paramatha: chân lý trong ý nghĩa cùng tột; chân lý tuyệt đối, chân đế. Sách Abhidhammattha Sangaha, Vi Diệu Pháp Toát Yếu, kể ra bốn paramatha dhammas là: Citta, tâm vương; Cetasika, tâm sở; Rùpa, sắc; và Nibbàna, Niết Bàn.
[26] Pathavì (nguyên tố Ðất), Àpo (nguyên tố Nước, hay nguyên tố có đặc tính làm dính liền), Tejo (nguyên tố Lửa) và Vàyo nguyên tố Gió, có đặc tính di động hay nâng đỡ); ta thường gọi là đất, nước, lửa, gió.
[27] Dhammapada Commentary, Bản Chú Giải Kinh Pháp Cú, câu chuyện liên quan đến câu 64.
[28] Bản Chú Giải Kinh Pháp Cú, liên quan đến câu 158, câu chuyện vị tỳ khưu tham ái
[29] Vinaya Pitaka, Tạng Luật, phẩm Mahàvagga.
[30] Dhammapada Commentary, Bản Chú Giải Kinh Pháp Cú, câu chuyện liên quan đến câu 60.
[31] Lạc cảnh, suggati loka, là cảnh người (manusa) và sáu cảnh trời Dục Devaloka.
[32] Khổ cảnh, duggati loka, là cảnh a-tu-la, ngạ quỉ, thú, và địa ngục.
[33] Sukkhavipassaka: (Lời người dịch) Vị hành giả không dựa trên thiền vắng lặng để phát triển tuệ minh sát mà hành thẳng thiền minh sát.
[34] Mười một: từ số 1 đến 11, tức 15 trừ bốn tầng Thiền (Jhàna)
[35] Ðêm được xem là có ba canh.
[36] Nimitta là hình ảnh phát hiện trong tâm khi hành giả thành công tu tập một phương pháp hành thiền. Hình ảnh ấy là bước đầu đưa vào tâm định nên gọi là Chuẩn Bị hoặc Parikamma Nimitta, đề mục sơ khởi. Ðây là hình ảnh trong tâm. Hình ảnh vẫn chưa vững chắc và rõ ràng lắm, phát hiện trong tâm sau đó được gọi là Uggaha-Nimitta. Ðây là hình ảnh trong tâm.
[37] Sammasana-nàna, tuệ thấu đạt, quán sát, nghiên cứu, nắm vững và nhận định rằng tất cả những hiện tượng trong kiếp sống là vô thường, khổ và vô ngã. Vào thời kỳ cuối cùng của tuệ nầy hành giả nhoáng thấy minh sát rõ ràng.
[38] Patibhàga-nimitta, hình ảnh khái niệm. Thiền vắng lặng đến mức gom tâm an trụ thật vững chắc, thấy hình ảnh rõ ràng và không chao động. Ðây cũng là một hình ảnh trong tâm.
[39] Udayabbayanàna, tuệ sanh diệt, là tuệ giác phát sanh do công phu quán sát trạng thái phát sanh và hoại diệt của các pháp hữu vi. Ðây là tuệ giác đầu tiên trong chín tuệ hợp thành giai đoạn thanh lọc Patipadànànadassana-Visuddhi, Tri Kiến Tịnh.
[40] Xem từ trang 147 sách nầy.
[41] Ajivatthamaka sìla. Xem chú thích số 2, trang 158 , sách nầy.
[42] Dvi-hetuka-patisandhi, sanh ra với hai nhân. Câu nầy hàm ý là được sanh ra với hai nhân thiện, tức hai nhân vô-tham (alobha) và vô-sân (adosa). Người sanh ra với hai nhân thiện như vậy không thể thành tựu Ðạo và Quả trong kiếp hiện tiền, vì còn thiếu nhân thiện thứ ba là vô si (amoha).
[43] Ti-hetuka-patisandhi, sanh ra với ba nhân thiện: alobha (vô tham), adosa (vô sân) và amoha (vô si).
[44] ahetuka: một chúng sanh sanh ra không có nhân thiện nào.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét