Thứ Hai, 4 tháng 1, 2021

Con đường hạnh phúc


 

CON ÐƯỜNG HẠNH PHÚC

Ai đã dứt bỏ các thằng thúc ở cảnh người
và vượt ra khỏi những vấn vương ở cảnh trời
là đã hoàn toàn thoát ra khỏi mọi ràng buộc.
Như Lai gọi người ấy là bậc thiện trí thức.
PHÁP CÚ KINH

Ðức Phật đã vạch con đường để thoát ra khỏi mọi sự trói buộc ở cảnh giới người và trời, con đường dẫn đến tự do tuyệt đối. Ðối với người thế gian, còn vấn vương trong những thằng thúc của thế gian như khát khao danh vọng, tiền tài, thì chắc là khỏi cần phải đề cập đến các dây trói buộc ở cảnh trời. Người như vậy chưa kịp nhận ra ý nghĩa của tự do thì cái chết đã sù sù đến trước mặt. Họ sống với những rung động của lòng tham trần tục, và chết với những rung động ấy. Nếu đến giờ lâm chung mà những khát vọng ấy chưa được thỏa mãn như bao nhiêu trường hợp đã xảy ra - vì có bao giờ ta biết là đủ - thì hy vọng có được một tái sanh tốt đẹp thật là mỏng manh.

Tuy nhiên cũng có người sáng suốt, biết từ khước những khát vọng thô lỗ của thế gian để tìm cái gì thanh tao cao quý hơn. Những người ấy nhận định rằng cái chết phải đến với tất cả mọi người, và chết nghĩa là bỏ tất cả của cải, sự nghiệp, danh vọng và quyền thế trần gian. Thay vì nghĩ đến những thành công ở hiện tại, họ sống với một con mắt hướng về tương lai. Người ta có thể cho rằng họ không thực tiễn, là họ sống ngoài thế gian. Thật ra họ chỉ thấy xa. Hơn là không thực tiễn. Họ cũng như người kia nhịn xài, để ra một số tiền, tạo vốn làm ăn, thay vì làm ra bao nhiêu thì xài hết. Như vậy họ vẫn thực tiễn, vẫn sống trong thế gian này.

Thấy xa vẫn có lợi, trong hiện tại và trong các kiếp tương lai, Ðức Phật dạy như vậy. Sáng suốt vẫn có ích. Người tối tăm khờ dại không có lý do nào để cảm thấy mình hơn người trí tuệ vì mình không cần nghĩ đến ngày mai. Và khi ngày mai đến, người khờ dại không có lý do nào để bào chữa cho sự rung sợ của mình trong những hoàn cảnh bất hạnh.

Người trí tuệ bỏ vốn trong hiện tại để hưởng lợi ở tương lai thì không phải là không thực tiễn. Người ấy sẽ gặt hái quả lành như là phần thưởng cho sự thấy xa của mình. nhưng dầu có được tái sanh trong cảnh trời đi nữa, nhưng phần thưởng ấy vẫn còn là phàm tục. Người ấy vẫn còn vấn vương trong những dây trói buộc và vẫn còn phải chết. Tuổi thọ trong những cảnh trời thật là dài, dài lắm. Nhưng rồi một ngày nào, khi duyên kỳ đến, nghiệp lực dứt, thì người kia phải chết, và từ cảnh trời sẽ tái sanh vào cảnh giới tương xứng với chiều hướng của luồng nghiệp lúc lâm chung. Người ấy có thể tái sanh vào cảnh người trở lại mà cũng có thể tái sanh vào một cảnh giới thấp hơn. Và như thế mẫu chuyện của đời sống liên tục tiếp diễn, mãi mãi, triền miên, đến khi chứng ngộ đạo quả Niết Bàn. Tất cả chúng ta đều sống ở thế gian và tất cả những ước vọng của chúng ta về một kiếp sống hạnh phúc và an toàn là phàm tục, nếu ta không thể vượt lên và đi xa hơn nữa.

Cái nguy cơ đáng sợ là tính cách biến đổi không ngừng của tâm. Người kia có một đời sống lương thiện và sáng suốt, tích trữ nghiệp lành, và nhờ đó, tái sanh vào cảnh trời. Nhưng có thể là trong cảnh giới đầy lạc thú này người ấy không còn lương thiện và sáng suốt nữa. Giai đoạn nhộng của người tinh tấn, vững bước trên đường tiến bộ ở kiếp sống này có thể biến thành giai đoạn bướm trong cảnh trời, ở kiếp sống kế. Và nếu tái sanh trở lại vào cảnh người, quên hết dĩ vãng, người ấy không biết tại sao mình được giàu sang may mắn và có thể trở nên phóng túng hư hèn.

Vì lẽ ấy, Ðức Phật khuyên ta nên tháo bỏ mọi trói buộc ở cảnh người và cảnh trời để tiến đến mức giải thoát hoàn toàn. Bỏ vốn để hưởng lợi trong kiếp tương lai là tốt, nhưng chưa đủ. Trong khi bỏ vốn ra, ta phải hướng nó về con đường dẫn đến Niết Bàn. Hạnh phúc tương lai và an toàn phải là những phương tiện đưa ta đến cứu cánh. Cứu cánh là Tự Do, là Giải Thoát Hoàn Toàn.

-ooOoo-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét