Ledi Sayadaw-37 phẩm trợ đạo...(chương 3: Tứ chánh cần)
The Requisites of Enlightenment
Ven. Ledi Sayadaw
Bản dịch của Phạm Kim Khánh
CHƯƠNG III
Tứ chánh cần(Sammappadhàna)
Danh từ sammappadhàna được định nghĩa như sau:
Bhusam dahati vahatì'ti padhànam sammadeva padhànam sammappadhànam.
Có nghĩa: padhàna là tận lực chuyên cần tinh tấn, mạnh mẽ cố gắng; nếu chuyên cần một cách thích đáng và chân chánh thì đó là sammappadhàna, Chánh Cần, hay Chánh Tinh Tấn.
Ðó là quyết tâm, tận lực chuyên cần tinh tấn, một sự cố gắng không mảy may hàm ý gượng gạo, cũng được gọi là "nhiệt thành tinh tấn" (àtàpa-vìriya). Ðó là một cố gắng có bốn đặc tính được nêu lên trong đoạn văn sau đây:
Kàmam taco ca nahàru ca atthi ca avasissatu, sarìre upasussatu mamsalohitam; yam tam purisathàmena purisavìriyena purisaparakkamena pattabbam, na tam apàpunitvà viriyassa santhànam bhavissati.
"Hãy để cho da, gân và xương, thịt còn lại, máu trong thân tôi khô cạn dần, tôi sẽ không chấm dứt chuyên cần tinh tấn cho đến khi thành đạt những gì mà khả năng của con người, tánh chuyên cần của con người, và sự cố gắng của con người, có thể thành đạt." (Anguttara Nikàya, Tăng Nhứt A-Hàm, Duka Nipàta; Wheel 155/158, tr.9).
Những đặc tính nầy có thể được tóm gọn như sau:
1. Hãy để cho da còn lại,
2. Hãy để cho gân còn lại,
3. Hãy để cho xương còn lại,
4. Hãy để cho thịt và máu khô cạn dần.
Ðây là loại tinh tấn cần phải có sự quyết tâm dũng mãnh, "Nếu đây là mục tiêu mà con người có thể đạt đến, ta sẽ không dể duôi ngừng nghỉ hay hững hờ buông lơi cho đến khi viên mãn thành tựu, ta quyết tâm phải vượt tới cho bằng được và vững chắc nắm lấy mục tiêu ấy." Ðó là loại tinh tấn mà Ðại Ðức Sona [1] và Ðại Ðức Cakkhupàla [2] đã tận lực gia công.
Khi đã chuyên cần tinh tấn trọn cuộc đời như Ðức Phật đã chỉ dạy mà không đạt được các tầng Thiền hay các Ðạo, các Quả, chỉ đến chừng đó mới có thể nói rằng nguyên nhân của tình trạng không thành công nầy là do thiếu sót điều kiện trong kiếp sống hiện tại, vì được sanh ra với chỉ có hai nhân thiện (dvi-hetuka), hay vì trong quá khứ ta tích trữ không đủ ba-la-mật (pàrami).
Có vài người không chịu khó tinh cần đúng mức như Ðức Phật chỉ dạy, cũng không cố gắng hành pháp Niệm Thân để chữa trị cái tâm tán loạn hoang dại của mình mà vẫn đổ lỗi là tại có những thời kỳ mà không ai có thể chứng đắc tầng Thiền (Jhàna) nào hay Ðạo (magga) và Quả (phala) gì. Có những vị khác cũng thuộc về hạng những người nầy nói rằng con người, nam hay nữ, trong thời hiện tại nầy không có tích trữ đầy đủ ba-la-mật cần thiết để có thể đắc Ðạo và Quả. Lại có người khác nữa, cũng thuộc hạng người trên, chủ trương rằng trong thời nầy con người chỉ được sanh ra với hai nhân thiện (dvi-hetuka). Tất cả những người ấy nói như vậy bởi vì họ không biết rằng có những thời kỳ mà chúng sanh trong hạng Neyya [3] không thể thành đạt Ðạo và Quả nếu không tinh tấn chuyên cần đúng mức, chánh cần (sammappadhàna).
Nếu chuyên cần tinh tấn thích nghi (sammap-padhàna), nhiệt thành quyết chí (pahitatta) đúng mức, nơi nào có một ngàn người quyết tâm gia công như vậy, có thể có ba, bốn, hay năm trăm người đủ khả năng thành tựu những mức độ cao siêu; nếu có một trăm người tinh tấn như vậy có thể có ba mươi, bốn mươi, hay năm mươi vị đủ khả năng thành tựu. Nơi đây, "sự quyết tâm" (pahitatta) có nghĩa là "dũng mãnh quyết định gia công chuyên cần tinh tấn trọn đời, chí đến khi chết, trong giây phút cuối cùng vẫn tận lực cố gắng."
Ðại Ðức Sona quyết định không ngủ, thức suốt ba tháng mùa mưa (vassa), chỉ đi và ngồi. Mức tinh tấn của Ngài Cakkhupàla cũng dường thế ấy. Ðại Ðức Phussadeva [4] chỉ đắc Ðạo và Quả sau hai mươi lăm năm tinh tấn ở mức độ ấy. Trường hợp của Ngài Ðại Ðức Mahàsiva [5], mức tinh tấn như vậy kéo dài ba mươi năm.
Ngày nay chúng ta rất cần phải có những mức độ tinh tấn (sammappadhàna, chánh cần) như thế ấy. Có những vị gia công chuyên cần tinh tấn đúng mức nhưng không có đủ pariyatti (pháp học, hay Sức Học Giáo Lý) để làm nền tảng vững chắc cho pháp hành, trong khi ấy những vị khác có nền tảng pariyatti (Sức Học Giáo Lý) vững chắc, nhưng lại phải vấn vương trong những công tác Phật sự của vị tỳ khưu có tánh cách gây palibodhas (trở ngại), như thảo luận Giáo Pháp, thuyết giảng giáo lý, viết sách về Giáo Pháp v.v... Ðó là những vị không thể tận lực gia công chuyên cần (sammappadhàna, chánh cần) suốt một thời gian lâu dài không gián đoạn.
Vài người có thói quen nói rằng đến chừng nào các ba-la-mật (pàramis) của mình đủ chín mùi, thời gian sẽ trở nên thuận tiện và chừng ấy họ sẽ đủ thuần thục để giải thoát ra khỏi mọi khổ đau của thế gian. Ð?n lúc ấy họ sẽ dễ dàng thành đạt giải thoát, hiện giờ họ không tận lực gia công vì không biết chắc công trình khổ nhọc ấy có đưa đến thành quả tốt đẹp không. Hình như các vị ấy không so sánh những khổ đau mà họ phải chịu trong thời gian ba mươi năm chuyên cần tinh tấn với những hoàn cảnh bất hạnh vô cùng kham khổ mà họ sẽ phải gặp, nếu trong khoảng thời gian chờ đợi cho đến ngày giải thoát họ phải sa đọa vào cảnh địa ngục cả trăm ngàn năm. Có vẻ như các vị ấy không nhớ rằng những khổ nhọc mà họ phải chịu trong ba mươi năm chuyên cần tinh tấn không đến đổi cùng cực khổ đau như chỉ ba tiếng đồng hồ trong cảnh địa ngục.
Những vị ấy có thể nói rằng nếu họ không giải thoát thì hoàn cảnh vẫn như thế nầy sau ba mươi năm chuyên cần tinh tấn. Nhưng nếu người đủ thuần thục chín mùi để giải thoát thì công phu chuyên cần ấy sẽ giúp họ thành đạt giải thoát. Nếu không đủ thuần thục chín mùi, họ sẽ thành tựu giải thoát trong kiếp sống tới kế đó. Dầu không thể giải thoát trong thời kỳ có Giáo Huấn của vị Phật (Buddha Sàsana) hiện tiền, nghiệp lành của công trình liên tục tinh tấn trau giồi tâm trí (bhàvanà àcinna kamma) là một nghiệp lực dũng mãnh. Nhờ cái nghiệp có năng lực hùng mạnh ấy họ có thể tránh xa những khổ cảnh (apàya), và gặp vị Phật tương lai kế sau đây, sau chuỗi dài những kiếp sống trong những cảnh giới hữu phúc (sugati). Trong trường hợp những vị không gia công chuyên cần tinh tấn, họ sẽ mất cơ hội dù đã đủ thuần thục chín mùi để thành tựu giải thoát sau ba mươi năm tinh tấn. Vì thiếu chánh cần những vị nầy không thành đạt được gì, và để mất tất cả. Do vậy, tất cả chúng ta hãy mở rộng "Cặp Mắt Trí Tuệ", và để ý
coi chừng hiểm họa.
Có bốn loại sammappadhàna [6], chánh cần, là:
1. Uppannànam akusalànam dhammànam pahànàya vàyàmo,
2. Anuppannànam akusalànam dhammànam anuppà-dàya vàyàmo,
3. Anuppannànam kusalànam dhammànam uppàdàya vàyàmo,
4. Uppannànam kusalànam dhammànam bhiyyo-bhàvàya vàyàmo.
1. Tinh tấn chế phục hoặc loại trừ những hành động bất thiện đã khởi sanh, hoặc đang trên đà phát sanh;
2. Tinh tấn xa lánh (chẳng những trong kiếp sống hiện tiền mà luôn cả trong những kiếp về sau), ngăn ngừa những hành động bất thiện chưa phát sanh, không để cho nó khởi sanh;
3. Tinh tấn làm phát sanh những hành động thiện chưa khởi sanh;
4. Tinh tấn tăng trưởng và duy trì bền lâu những hành động thiện đã khởi sanh hoặc trên đà phát sanh.
Bên trong cá tính của mỗi chúng sanh còn thênh thang trong vòng luân hồi (samsàra) có hai loại nghiệp bất thiện (hành động có tác ý bất thiện), đó là:
1. Uppanna akusala kamma, và
2. Anuppanna akusala kamma.
Uppanna akusala kamma (những hành động bất thiện đã phát sanh) có nghĩa là những nghiệp bất thiện đã tạo trong quá khứ và trong hiện tại. Các nghiệp nầy bao gồm những hành động bất thiện có tác ý, bằng thân, khẩu, ý, mà mình đã làm trong chuỗi dài vô tận những chu kỳ thế gian và trong những kiếp sống quá khứ.
Trong những akusala kammas (nghiệp bất thiện) ấy có vài nghiệp đã trổ quả đưa đến tái sanh vào những apàya-lokas (khổ cảnh, bốn cảnh giới thấp kém và khốn khổ của những kiếp sống). Những nghiệp khác đang chờ đợi để đúng lúc trổ quả đưa tái sanh vào những khổ cảnh (apàya-lokas), và như vậy còn chứa đựng những tiềm năng dính liền với chúng sanh từ chu kỳ thế gian nầy đến chu kỳ khác, từ kiếp sống nầy đến kiếp khác, để đưa đến tái sanh vào các cảnh khổ [7].
Tất cả những ai còn mang nặng sakkàya-ditthi (Thân Kiến), dầu là người, chư Thiên, hay chư Phạm Thiên, đều có tích trữ một kho tàng rộng lớn những món nợ cũ, bao gồm akusala kammas (nghiệp bất thiện). Chính những nghiệp bất thiện nầy tự nó có tiềm năng đưa đến tái sanh vào cảnh Avìci, a-tỳ địa ngục, thấp nhất. Cùng thế ấy, có vô số kho tàng tích trữ những nghiệp khác có thể trổ quả đưa đến tái sanh vào những apàyalokas (khổ cảnh) khác. Các nghiệp quá khứ ấy chờ một cơ hội thuận tiện để trổ quả đưa đến tái sanh và sẽ theo dính liền chúng sanh từ kiếp nầy sang kiếp khác cho đến khi khô cạn tiềm lực, được gọi là uppanna (đã phát sanh).
Những nghiệp bất thiện đã phát sanh (uppanna akusala kammas) ấy bắt nguồn từ sakkàya-ditthi (Thân Kiến, lầm lạc chấp thủ ý niệm rằng cơ thể vật chất nầy là chính mình). Ngày nào còn chấp thủ Thân Kiến thì còn tạo nghiệp mới. Nhưng đến khi tuệ minh sát rọi sáng vào anattà-lakkhàna (đặc tướng vô ngã) thì sakkàya-ditthi, Thân Kiến sai lầm ấy đương nhiên chính nó tự loại trừ. Ðến chừng ấy tất cả uppanna akusala kammas, nghiệp bất thiện đã phát sanh, mất dần tiềm năng và biến tan trong kho tàng của những akusala kammas, nghiệp bất thiện. Kể từ kiếp sống ấy trở đi ta sẽ không còn phải tái sanh vào những khổ cảnh, apàya-lokas, dầu chỉ là trong giấc mộng.
Anuppanna akusala kammas (những nghiệp bất thiện chưa phát sanh) có nghĩa là nhữngakusala kamma, nghiệp bất thiện, trong tương lai. Trong kiếp sống nầy, bắt đầu từ khoảnh khắc kế tiếp trong đời sống hiện tại, tất cả những nghiệp bất thiện mới của ta mỗi khi phát sanh, bất luận lúc nào trong kiếp hiện tiền và trong chuỗi dài những kiếp sau đó, được gọi làanuppanna, chưa phát sanh. Những akusala duccarita kammas (nghiệp ác và không trong sạch) mà ta có thể sẽ tạo, dầu chỉ trong một kiếp sống, có thể nhiều vô số kể.
Tất cả những anuppanna akusala kammas, nghiệp bất thiện chưa tạo ấy bắt nguồn từ Thân Kiến (sakàya-ditthi).
Nếu Thân Kiến ấy chấm dứt, tất cả những nghiệp bất thiện chưa phát sanh cũng tan biến ngay trong khoảnh khắc ấy, không để lại dấu vết. Nơi đây danh từ "tan biến" có nghĩa là kể từ giờ phút nầy, trong những khoảnh khắc tương lai, trong chuỗi dài những kiếp sống tương lai, và trong chuỗi dài những chu-kỳ-thế-gian tương lai, không còn cơ hội nào để có thể tái phạm những akusala kammas, nghiệp bất thiện mới. Xuyên qua trọn cuộc sống tương lai trong anamatagga samsàra (vòng quanh những kiếp sống vô cùng tận), những chúng sanh ấy sẽ không còn vi phạm, dầu trong giấc mộng, bất luận bất thiện nghiệp nào như sát sanh, pànàtipàta. Nếu còn chấp thủ Thân Kiến, dầu chúng sanh ấy là một vị Ðại Ðế thống trị toàn thể vũ trụ, cũng sẽ còn bị kẹp ở giữa, trước là lửa địa ngục, và sau là lửa địa ngục. Hai ngọn lửa akusala kammas của uppanna và anuppanna (nghiệp bất thiện đã phát sanh và nghiệp bất thiện chưa phát sanh) chằn chịt bao vây, không thể tới, mà lui cũng không được. Vị ấy chỉ thuần túy là một tạo vật của lửa địa ngục. Cùng thế ấy, vị vua của những cảnh trời (deva-lokas), Sakka, vua của cảnh trời Ðạo Lợi, Tàvatimsa-deva-loka, tức Tam Thập Tam Thiên, chư Phạm Thiên ở những cảnh Phạm Thiên Sắc Giới và Vô Sắc Giới, tất cả cũng đều chỉ là tạo vật của lửa địa ngục. Tất cả đều là những tạo vật cố bám lấy những xiềng xích của địa ngục và những khổ cảnh. Trong cái xoay tròn rộng lớn của vòng luân hồi (samsàra) tất cả chỉ thuần túy là những tạo vật lăn trôi và lặn hụp trong dòng nước lũ của những kiếp sinh tồn.
Trong vòng luân hồi dài dẳng vô cùng tận, chúng sanh ham muốn được gặp Giáo Huấn của một vị Phật, điều ấy cực kỳ khó thành tựu.
Chúng sanh bị hai ngọn lửa-địa-ngục uppanna và anuppanna akusala kammas -- những nghiệp bất thiện đã phát sanh và những nghiệp bất thiện chưa phát sanh -- ngăn trước chận sau, tấn thối lưỡng nan, phải tận lực gia công, và thành tâm nghiêm trọng trau giồi ý nguyện dập tắt hẳn hai ngọn lửa ấy. Từ đây về sau, những ai đã gặp được Giáo Huấn của Ðức Phật (Buddha Sàsana) phải xem sự dập tắt hai ngọn lửa-địa-ngục đã và chưa phát sanh ấy là công trình tối quan trọng, tối cần thiết, nhiệm vụ duy nhất, để thành đạt trạng thái an lành trong tương lai.
Công trình dập tắt nghiệp bất thiện của những hành động đã và chưa phát sanh (akusala kammas of uppanna and anuppanna) là loạị trừ Thân Kiến (sakkàya-ditthi) bên trong chính mình, không có gì khác.
Nếu ta có thể nhổ tận gốc rễ sakkàya ditthi, Thân Kiến, hai nghiệp bất thiện (akusala kammas) đều trọn vẹn tắt hẳn.
"Bon-sin-san" Sotàpannas [8], như bà Visàkhà và Trưởng Giả Anàthapindika (Cấp Cô Ðộc), đã vô số lần được sanh trong cảnh người, cảnh trời (deva) và cảnh Phạm Thiên (brahmas), là những vị đã thành đạt giải thoát ra khỏi trạng thái lặn hụp lăn trôi trong đại trùng dương của vòng luân hồi (samsàra) từ khi đã tận diệt Thân Kiến (sakàyaditthi). Có những chúng sanh đã thành tựu Niết Bàn lần đầu tiên được gọi là saupadisesa nibbàna, Hữu Dư Niết Bàn [9]. Mặc dầu còn phải thênh thang trong vòng sanh-tử tử-sanh nhiều lần và nhiều chu kỳ thế gian, các Ngài không còn là một chúng sanh tại thế (phàm tục). Ðã trở thành bậc Thánh "Bon-sin-san", Ngài đã là chúng sanh Siêu Thế (lokuttara).
Ðến đây chấm dứt phần giải thích hai danh từ uppanna và anuppanna akusala kamma, nghiệp bất thiện đã phát sanh và nghiệp bất thiện chưa phát sanh.
Nghiệp Thiện Ðã Phát Sanh Và Chưa Phát Sanh (Uppanna and Anuppanna Kusala Kamma)
Giờ đây Sư sẽ chỉ rõ cách phân chia những thiện nghiệp (kusala kammas) đã phát sanh và chưa phát sanh (uppanna và anuppanna), làm hai phân hạng. Trước tiên, liên quan đến ba phẩm hạnh sìla (Giới), samàdhi (Ðịnh), pannà (Tuệ) và sau đó liên quan đến satta visuddhi (bảy giai đoạn Thanh Tịnh) - Xem phần Nhập Ðề.
Tà Kiến (ditthi)
Khi nói rằng Samsàra, Vòng Luân Hồi, thật vô cùng khủng khiếp, đó là vì những Hành Ðộng Bất Thiện (duccarita), đã phát sanh (uppanna, trong quá khứ và trong hiện tại) và những hành động chưa phát sanh (anuppanna, tức có tiềm năng sẽ phát sanh trong tương lai) đều bắt nguồn từ Tà Kiến (ditthi). Khi nói rằng không có nơi nào để lẫn trốn, không có cảnh trời nào để nương tựa, cũng là vì những Hành Ðộng Bất Thiện và những Tà Kiến.
Khi đã dập tắt Tà Kiến thì cả hai, những Hành Ðộng Bất Thiện (duccarita) mới và cũ cũng đều bị dập tắt cùng lúc. Dập tắt những nghiệp bất thiện cũ và mới tức là đóng chặt cánh cửa mở vào những khổ cảnh (apàya, xem chú thích 1, trang 154). Chỉ còn tái sanh vào những cảnh người, trời và Phạm Thiên. Bởi vì chúng sanh phải phát triển lòng ham muốn gặp Giáo Huấn của một vị Phật (Buddha Sàsana) để chắc chắn khỏi rơi vào khổ cảnh, cùng với những nghiệp bất thiện cũ và mới, giờ đây đã có duyên may gặp Phật Giáo trong chính kiếp sống hiện tại ta phải cố gắng chuyên cần dập tắt cái nghiệp bất thiện vô cùng quan trọng là Tà Kiến. Tà Kiến có ba tầng lớp kiên cố nằm bên trong chúng sanh, đó là:
1) Vìtikkama, lớp "Vượt Ra Ngoài", (tâm bộc lộ, biểu hiện ra ngoài bằng hành động hay lời nói, thân hay khẩu),
2) Pariyutthàna, lớp "Quấy Nhiễu", (tâm bị những tư tưởng bất thiện, những trạng thái tinh thần liên quan đến ô nhiễm, kilesa, làm rối loạn),
3) Anusaya, lớp "Khuynh Hướng Tâm Tánh Ngủ Ngầm", hay bản tánh bất thiện của những ô nhiễm [10] tiềm ẩn ngấm ngầm trong tâm.
Những lớp ấy là phạm vi sinh hoạt, nơi an trú của Thân Kiến (Sakkàya-ditthi). Có thể gọi ba tầng lớp ấy của Tà Kiến là thô thiển, trung bình, và tế nhị.
Giờ đây Sư (Ngài Ledi Sayadaw) sẽ thảo luận về hậu quả của Tà Kiến, mười hành động bất thiện (ducarita: xem chú thích ở Chương II), bên trong những tầng lớp của Tà Kiến.
Tầng lớp thô thiển của Tà Kiến, "Vượt Ra Ngoài" (vìtikkama), bao gồm những hành động tạo nghiệp bất thiện (akusala kamma), biểu lộ ra hành động bằng thân và khẩu. Tầng lớp trung bình, "Quấy Nhiễu" (pariyutthàna), bao gồm những ác pháp phát sanh dưới hình thức tư tưởng trong tâm. Tầng lớp tế nhị nhất, "Khuynh Hướng Tâm Tánh Ngủ Ngầm" (anusaya) là những ác pháp tiềm tàng ngủ ngầm bên trong cá tính của chúng sanh xuyên qua suốt những kiếp sanh-tử, tử-sanh của vòng luân hồi vô tận (anamatagga-samsàra), mặc dầu là chưa phát hiện ra ngoài bằng hành động, lời nói, hay tư tưởng.
Ta có thể nói đó là ba loại lửa trong hộp diêm quẹt. Ðầu tiên là ngọn lửa tiềm tàng ngủ ngầm trong toàn thể hộp diêm. Thứ nhì là ngọn lửa phát hiện khi ta quẹt cây diêm trên cái hộp. Thứ ba là ngọn lửa từ cây quẹt chuyển sang một vật khác khi ta đưa ngọn lửa tiếp xúc với vật ấy. Ngọn lửa như vậy có thể đốt cháy một đống rác, quần áo, nhà cửa, chùa chiền hay làng xóm.
Ngọn lửa ấy, từ vật nầy chuyển sang vật khác giống như loại Tà Kiến thô thiển(vìtikkama ditthi), vượt ra ngoài, biểu hiện dưới hình thức hành động bằng thân hay khẩu. Ngọn lửa đốt cháy cây quẹt giống như Tà Kiến loại trung bình, pariyutthàna ditthi, phát hiện trong tâm mỗi khi tâm tiếp xúc với một đối tượng. Lửa ngủ ngầm trong hộp quẹt giống như anusaya ditthi, khuynh hướng tà kiến ngủ ngầm, tiềm tàng nằm trong cá tính của chúng sanh xuyên qua chuỗi dài những kiếp sống trong vòng luân hồi vô cùng tận, anamatagga samsàra.
Lửa ngủ ngầm trong hộp diêm không bật phát lên cháy nếu ta không quẹt đầu cây diêm lên trên mặt nhạy cháy của hộp diêm. Trong trường hợp nầy, nó không gây tai hại nào dầu ta để chung với những vật dễ cháy như dầu lửa hay thuốc súng chẳng hạn. Cùng thế ấy anusaya ditthi, tức khuynh hướng tà kiến ngủ ngầm bên trong luồng nghiệp, không tự biểu hiện nếu không tiếp xúc với những đối tượng bất thiện của tâm hoặc bất thiện pháp nào khác. Tuy nhiên, khi những đối tượng bất thiện của tâm hoặc những nguyên nhân khác tiếp xúc với lục căn, anusaya ditthi, khuynh hướng tâm tánh ngủ ngầm liên quan đến tà kiến bị khuấy động, bắt đầu tự biểu hiện ở ý căn, hoặc ở từng lớp pariyutthàna (Quấy Nhiễu) do năng lực của tác ý. Sự biểu hiện nầy có thể bị đè nén nếu vào lúc ấy có giáo lý tốt đẹp phát sanh kịp thời, nó sẽ tan biến ở tầng lớp pariyutthàna, Quấy Nhiễu, và trở lại tầng lớp anusaya, ngủ ngầm, ở đó như khuynh hướng tâm tánh ngủ ngầm thiên nhiên. Nếu ta không thể đè nén, nó sẽ tiếp tục tự biểu
hiện dưới hình thức tác ý. Nếu, trong tầng lớp pariyutthàna, Quấy Nhiễu, mà còn bị khuấy động nó sẽ tự biểu hiện trong tầng lớp vìtikkama (Vượt Ra ngoài), dưới hình thức lời nói hay việc làm, tức tạo khẩu nghiệp hay thân nghiệp.
Trên thế gian nầy, nếu người kia có thể tự kiểm soát mình trong tầng lớp vìtikkama và pariyutthàna (Vượt Ra Ngoài và Quấy Nhiễu) và do đó những việc làm, lời nói và tư tưởng tương đối trong sạch, không bị nhiễm ô, người ấy được xem là người tốt, có tâm đạo nhiệt thành, con người đạo đức.
Nhưng vị ấy chưa hay biết để canh chừng anusaya, lớp khuynh hướng tâm tánh ngủ ngầm. Nếu chưa loại trừ lớp khuynh hướng tâm tánh ngủ ngầm, dầu có kiểm soát chặt chẽ hai lớp vìtikkama và pariyutthàna (Vượt Ra Ngoài và Quấy Nhiễu), tình trạng kiểm soát nầy chỉ có tánh cách tạm bợ nhứt thời. Nếu người kia dũng mãnh hành trì các nguyên tắc đạo đức tốt đẹp, sự kiểm soát nầy chỉ kéo dài đến suốt kiếp sống. Nhưng không có gì bảo đảm cho kiếp sống sắp đến sau, khi hai tầng lớp kia có thể trổi dậy.
Lobha (Tham), dosa (Sân), và mohà (Si), mỗi tật xấu cũng có ba tầng lớp.
Nhằm tận diệt ba lớp Tà Kiến (ditthi) nầy, ta phải chuyên cần tinh tấn thực hành ba Pháp Tu Học (sikkhàs): Giới (sìla), Ðịnh (samàdhi), và Tuệ (pannà). Phải thực hành bảy Thanh Tịnh (visuddhis).
Ðối với người tại gia cư sĩ, sìla (Giới) có nghĩa là Ajìvatthamaka sìla [11], vốn là niccasìla, giới hành trì thường xuyên. Hành Bát Quan Giới trong những ngày giới (Atthàngauposatha-sìla) và Thập Giới (Dasanga-sìla) thêm phần tinh luyện cho giới thường xuyên (nicca-sìla). Nếu có thể nghiêm trì các giới nầy thì tốt lắm; nhưng nếu không thể hành được thì cũng không quan trọng lắm. Những ai đã đắp y vàng của nhà tu ẩn sĩ (Isis) thì Ajìvatthamaka-sìla và Dasanga-sìla (Thập Giới) là giới (sìla) phải đuợc hành trì đầy đủ. Bát Quan Trai Giới (Atthanga-upasatha-sìla) được bao gồm trong Thập Giới (Dasanga-sìla). Ðối với chư vị tỳ khưu (bhikkhu), Tứ Thanh Tịnh Giới (Catupàrisuddhi-sìla) là nhóm Giới (sìla),[12] Tạm Ðịnh, Cận Ðịnh, và Toàn Ðịnh [13] bằng cách Niệm Thân (như niệm hơi-thở-ra và thở-vào), hay niệm 32 phần trong thân) là nhóm Ðịnh (samàdhi).
Bốn Thanh Tịnh tại thế [14] cùng với Tri Kiến Tịnh (lokuttara-nànadassana-visuddhi) siêu thế là nhóm Tuệ (pannà).
Trong ba lớp Tà Kiến (ditthi), nhóm Giới (sìla) loại trừ lớp "Vượt Ra Ngoài" (vìtikamma). Ðiều nầy có nghĩa là nếu có phát triển đầy đủ Giới Tịnh (sìla-visuddhi), ắt thân và khẩu nghiệp không thể trổi dậy. Nhóm Ðịnh (samàdhi) có thể loại trừ Tà Kiến ở lớp "Quấy Nhiễu" (pariyutthàna) những tư tưởng trong tâm. Ðiều nầy có nghĩa là nếu tâm định trong pháp hành (bhàvanà-manasikàra) được thiết lập kiên cố, ắt ý nghiệp không thể trổi dậy. Nhóm Tuệ (pannà) loại trừ Tà Kiến ở lớp anusaya, "Khuynh Hướng Tâm Tánh Ngủ Ngầm." Ðiều nầy có nghĩa là nếu tuệ minh sát được phát triển đầy đủ, ta hiểu biết rằng toàn thể cái thường gọi là cá nhân, người, chỉ là một nhóm tiến trình danh và sắc (nàma và rùpa) và như sự cấu thành của một nhóm những thành phần vô thường, khổ, và vô ngã. Chừng ấy khuynh hướng Tà Kiến tiềm tàng ngủ ngầm trong luồng anusaya tự biểu hiện trong ý niệm lầm lạc thấy có một người (puggala), một chúng sanh (satta), và thấy trạng thái thường còn (nicca) sẽ tan biến. Ngày nào mà "Khuynh Hướng Tà Kiến Ngủ Ngầm" (ditthi-anusaya) còn hiện hữu, tình trạng loại trừ lớp "Vượt Ra Ngoài", biểu hiện qua hành động và lời nói bằng nhóm Giới (sìla), và lớp "Quấy Nhiễu" (pariyutthàna) bằng nhóm Ðịnh (samàdhi) chỉ có tánh cách tạm bợ.
Trong phân hạng những hành động "đã phát sanh" và "chưa phát sanh" (uppanna, anuppanna), có hai phương pháp, đó là:
1. phân hạng căn cứ trên kiếp sống hiện hữu như khởi điểm, và
2. phân hạng căn cứ trên quá khứ vô tận trong vòng luân hồi (samsàra) như khởi điểm.
Sư sẽ chỉ rõ phương pháp căn cứ trên kiếp sống nầy làm khởi điểm. Bên trong những người chưa bao giờ giữ giới (sìla) trong kiếp sống nầy, ắt không có Giới "đã phát sanh" (uppanna sìla). Bên trong những ai có giữ giới, vào một lúc nào trong kiếp sống nầy, ắt có Giới "đã phát sanh" (uppanna-sìla). Ðịnh và Tuệ "không phát sanh" và "đã phát sanh" cũng được hiểu cùng một thế ấy.
Theo phương pháp căn cứ trên quá khứ trong vòng luân hồi như khởi điểm có hai loại Giới, tại thế và siêu thế (lokiya và lokuttara-sìla). Giới Tại Thế là "đã phát sanh" (uppanna), bởi vì không có ai mà trong vòng (samsàra) luân hồi từ quá khứ xa xưa, chưa có lần nào giữ Giới Tại Thế. Nhưng Giới Siêu Thế (lokuttara-sìla) thì đối với người phàm (puthujjana), là "chưa phát sanh" (anuppanna). Ðịnh (samàdhi) cũng có hai loại, Tại Thế và Siêu Thế. Vì Ðịnh Tại Thế đã được chúng sanh thành đạt nhiều lần trong quá khứ xa xôi của vòng luân hồi (samsàra) nên là "đã phát sanh". Ðịnh Siêu Thế là "không phát sanh", đối với hạng phàm nhân (puthujjana).
Tuệ (pannà) cũng vậy, có hai loại, Tại Thế và Siêu Thế. Bốn loại Thanh Tịnh (lokiya visuddhi) [15], là Trí Tuệ Tại Thế và "đã phát sanh" (uppanna) đối với những ai đã có gặp Giáo Huấn của một vị Phật (Buddha Sàsana) trong quá khứ và đã thực hành bốn loại Thanh Tịnh nầy; nó là "không phát sanh" (anuppanna) đối với những ai chưa hề gặp Phật Giáo trong quá khứ. Tri Kiến Tịnh (nànadassana-visuddhi) là Trí Tuệ Siêu Thế (lokuttara pannà). Ðối với hạng phàm nhân, đó là Trí Tuệ "không phát sanh" bởi vì nó chưa bao giờ phát sanh trong quá khứ xa xôi của vòng luân hồi (samsàra).
Giờ đây Sư sẽ giảng về bốn pháp Tinh Tấn (padhàna, Tứ Chánh Cần).
1. Cơ hội tận diệt các nghiệp bất thiện đã phát sanh (uppanna-akusala-kamma) chỉ có thể được nếu có gặp Giáo Huấn của một vị Phật (Buddha Sàsana).
2. Cơ hội ngăn ngừa sự khởi sanh của nghiệp bất thiện mới (anuppana-akusala-kamma) trong chuỗi dài những kiếp sống từ đây về sau cũng chỉ có thể được nếu gặp Giáo Huấn của một vị Phật (Buddha Sàsana). Mặc dầu cuộc đi quanh quẩn trong vòng luân hồi quả thật dài vô tận, nhưng nếu ta không gặp được Giáo Huấn của một vị Phật, ắt không có cơ hội để loại trừ hai loại nghiệp bất thiện ấy. Ðó là bởi vì nhiệm vụ loại trừ các nghiệp bất thiện đã phát sanh tức là nhiệm vụ tận diệt tầng lớp anussaya, khuynh hướng tâm tánh ngủ ngầm của Thân Kiến (sakkàya-ditthi), tức khuynh hướng tâm tánh tiềm tàng nằm trong luồng nghiệp như một tà kiến. Và tận diệt khuynh hướng ngủ ngầm (anussaya) nầy là công phu của pháp hành thiền quán niệm vô ngã (anattà-bhàvanà), chỉ có thể có vào thời kỳ có Giáo Huấn của một vị Phật (Buddha Sàsana).
Những vị sẽ chứng đắc Pacceka-Buddha, Ðộc Giác Phật, trước tiên phải thành tựu hột giống anattà-bhàvanà, hành thiền quán niệm Vô Ngã trong khi gặp Giáo Huấn của một vị Phật.
Khi không còn Giáo Huấn của một vị Phật trên thế gian, chí đến tiếng Anattà, hay vô ngã, cũng không được nghe. Và khi nói "tiếng vô ngã", danh từ nầy có nghĩa là tiếng nói những danh từ hàm ý bản chất vô ngã của kiếp sinh tồn như rùpa (sắc), nàma (danh), khandha (uẩn), dhàtu (tứ đại), àyatana (lục căn) và paticcasammupapàda (thập nhị duyên khởi). Tiếng nói của Anattà, Vô Ngã, hàm xúc toàn bộ Tạng Luận (Abhidhamma-Pitaka) ; và như vậy toàn bộ quyển Vi Diệu Pháp Toát Yếu, Abhidhammattha-Sangaha. [16]
Công phu hành Anattà-bhàvanà (phát triển ý niệm về đặc tướng Vô Ngã) bao gồm trước tiên Giới Tịnh (sìla-visuddhi), rồi chú tâm Niệm Thân (kàyagatà-sati), và sau khi đã vững vàng kiểm soát và an trụ cái tâm hoang dại bất ổn và chao động, nỗ lực chuyên cần tinh tấn thực hành thiền vắng lặng (samatha) và thiền minh sát (vipassanà). Chỉ đến khi tận diệt tầng lớp Khuynh Hướng Tà Kiến Ngủ Ngầm trong luồng nghiệp (ditthianusaya) bằng cách cố gắng như mô tả trên, tất cả những Tà Kiến "đã phát sanh" và "không phát sanh" (uppanna và anuppanna-micchà-ditthi) và những hành động bất thiện (duccarita) mới hoàn toàn tan biến.
3. Sự tinh tấn làm phát sanh những nghiệp thiện (kusala kamma) trước đó chưa phát sanh, và
4. Sự tinh tấn để bảo tồn và duy trì những thiện nghiệp đã phát sanh -- những công trình ấy phải được gia công chuyên cần để viên mãn hoàn thành công phu quán niệm đặc tướng vô ngã (Anattà-bhàvanà) sau khi vững chắc trong pháp Niệm Thân.
Giới Ðã Phát Sanh và Giới Chưa Phát Sanh (Uppanna và Anuppanna-Sìla)
Anuppanna-sìla -- tức Giới chưa bao giờ phát sanh trong đời của hạng Phàm Nhân (puthujjana) xuyên qua vô số những kiếp sống trong vòng luân hồi -- bao gồm ba chi của Bát Thánh Ðạo là Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, và Chánh Mạng. Ba chi nầy được bao gồm trong Tu-Ðà-Huờn Ðạo (sotàpatti-magga) và lấy Niết Bàn làm đối tượng.
Nhóm Giới nầy loại trừ những bất thiện nghiệp tự biểu hiện ra ngoài bằng hành động, lời nói và những phương cách sinh sống lầm lạc. Kể từ khi đã bị tận diệt, những bất thiện nghiệp dưới ba hình thức kể trên không còn phát hiện trở lại, dầu trong khoảnh khắc, liên tục suốt những kiếp sống và những chu kỳ thế gian về sau.
Tầng lớp Giới Siêu Thế nầy chỉ được thành tựu khi đã viên mãn thực hành quán niệm Vô Ngã (Anattà-bhàvanà). Chúng sanh phải cố gắng làm phát sanh "Giới Chưa Phát Sanh", anuppanna-sìla nầy, trong lúc còn sống trong thời kỳ có Giáo Huấn của một vị Phật. Ðiều nầy có nghĩa là từ ngày vững chắc trong Giới Tịnh (sìla-visuddhi) cùng với pháp Niệm Thân (kàyagatà-sati), cho đến khi hoàn tất viên mãn pháp hành quán niệm Vô Ngã (Anattà-bhàvanà) chúng sanh phải cố gắng thực hành không ngừng nghỉ 37 Phẩm Trợ Ðạo (Bodhipakkhiya-dhammas).
Uppanna-sìla, Giới Ðã Phát Sanh, đã phát sanh nhiều lần trong vòng luân hồi (samsàra) vô tận, có nghĩa là Giới Tại Thế (kàmàvacara-sìla). Khi nói phải tinh tấn bảo trì loại sìla nầy (tức kiên cố giữ gìn, nghiêm trì loại giới nầy, đó là loại Chánh Tinh Tấn thứ tư), ta nên hiểu biết rằng có hai tầng lớp Giới Tại Thế, đó là niyàma (tầng lớp ổn định, bất lay chuyển, không đổi thay) và aniyàma (bất ổn định, còn biến chuyển).
Trạng thái Giới của bậc Thánh Nhân (Ariya) là ổn định (niyàma), trong khi trạng thái Giới của hạng Phàm Nhân (puthujjana) là bất ổn định (aniyàma).
Giới Tại Thế (lokiya-sìla) của cảnh Dục Giới tiến đạt đến mức "ổn định" trong phẩm chất của bậc Tu-Ðà-Huờn (sotàpanna, Nhập Lưu). Suốt chuỗi dài những kiếp sống và những chu kỳ thế gian về sau, cho đến khi nhập Ðại Niết Bàn (Parinibbàna), những bậc Thánh Tu-Ðà-Huờn không còn vi phạm Ajivatthamaka-sìla [17] (tám giới chấm dứt với Chánh Mạng), dầu trong giấc mơ.
Tuy nhiên, trong trường hợp của hạng Phàm Nhân (puthujjana), Giới Tại Thế trong cảnh Dục Giới vẫn còn ở mức độ "bất ổn định" (aniyàma). Những người nầy đã là những cá nhân đạo đức vô số lần trong quá khứ. Họ cũng đã bị sa đọa vào những khổ cảnh (apàya-loka) vô số lần, cũng đã là những tỳ khưu và những đạo sĩ ẩn dật phẩm hạnh trong sạch trong vô số lần. Tuy nhiên trong những kiếp sống quá khứ họ chưa bao giờ thoát khỏi hiểm họa còn phải bị sa đọa vào những Cảnh Giới Thấp Kém trong vô số lần làm người, làm trời (deva), làm chư Phạm Thiên (Brahmas), vốn luôn luôn ở bên bờ vực thẩm phải tái sanh, sa đọa vào Khổ Cảnh.
Do đó, những chúng sanh có Giới Tại Thế của cảnh Dục Giới (kàmàvacara-lokiya-sìla) vẫn còn "bất ổn định" (aniyàma) và chỉ giữ được Giới bên trong mình một cách tạm bợ nhất thời.
Trong khi còn cơ hội sống vào thời kỳ có Giáo Huấn của một vị Phật (Buddha Sàsana) những vị ấy phải cố gắng chuyển biến trạng thái "bất ổn" ấy trở thành "ổn định" (niyàma), phải nỗ lực kiên cố trong pháp Niệm Thân và sau đó thực hành các Phẩm Trợ Ðạo, Bodhipakkhiya-dhammas, cho đến khi viên mãn hoàn tất công phu quán niệm đặc tướng Vô Ngã (anattà-bhàvanà).
Ðịnh Ðã Phát Sanh và Ðịnh Chưa Phát Sanh (Uppanna và Anuppanna Samàdhi)
Ðịnh (samàdhi) và Tuệ (pannà) cũng có hai tầng lớp, "ổn Ðịnh" (niyàma) và "Bất ổn Ðịnh" (aniyàma).
Trạng thái Toàn Ðịnh (của các tầng Thiền, Jhànas, appanà-samàdhi), vốn là một với Bát Thiền hay Cửu Thiền (samàpatti) [18], chỉ trở thành "ổn định" khi tiến đạt đến giai đoạn Bất Lai (Anàgami, A-Na-Hàm). Tuệ (pannà) bên trong phẩm hạnh tàdi (xả) [19] chỉ trở thành "ổn định" ở mức A-La-Hán.
Giờ đây Sư sẽ chỉ rõ trạng thái tâm Ðịnh và Tuệ của một vị Nhập Lưu (sotàpanna, Tu-Ðà-Huờn).
Ðúng theo kinh Cùla-Vedalla Sutta [20], Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Ðịnh được bao gồm trong Tu-Ðà-Huờn Ðạo (Sotàpatti-magga) lấy Niết Bàn làm đối tượng, được gọi là Ðịnh Siêu Thế (lokuttara samàdhi).
Ba thành phần ấy của nhóm Ðịnh (nằm bên trong Bát Thánh Ðạo), bằng cách tinh tấn diệt trừ đến tận cùng (samuccheda-pahàna), hay có thể hoàn toàn loại trừ tận gốc rễ, những bất thiện pháp Tham ái (abhijjhà) và Sân Hận (vyàpàda), vốn bắt nguồn từ micchà-vàyàma (tà tinh tấn), micchà-sati (tà niệm) và micchà-samàdhi (tà định). Khi đã bị tận diệt, những bất thiện pháp Tham ái và Sân Hận ấy không còn phát sanh trở lại trong suốt nhiều kiếp sống và nhiều chu kỳ thế gian tương lai. Loại Ðịnh Siêu Thế nầy chỉ có thể thành đạt trong thời kỳ có Giáo Huấn của một vị Phật (Buddha Sàsana), khi hành giả quán niệm và phát triển đặc tướng Vô Ngã (anattà bhàvanà). Do đó, hiện nay mà chúng sanh đang có duyên lành gặp Phật Giáo (Buddha Sàsana), chúng ta phải tận lực chuyên cần thành tựu cho được, làm phát sanh loại "Ðịnh Chưa Phát Sanh" (anuppanna-samàdhi), trước khi phải thăng trầm lặn hụp trong vòng quanh những kiếp sinh tồn của vòng luân hồi (samsàra). Ðiều nầy có nghĩa là ta phải bắt đầu với pháp Niệm Thân, rồi thực hành các Phẩm Trợ Ðạo (Bodhipakkhiya-dhammas) cho đến khi hoàn thành viên mãn công phu quán niệm đặc tướng Vô Ngã (Anattà-bhàvanà).
Uppanna-samàdhi, "Ðịnh Ðã Phát Sanh", đã phát sanh vô số lần trong quá khứ vô tận của vòng luân hồi, bao gồm Ðịnh của Dục Giới (kàmàvacara-samàdhi, tức cận định), Ðịnh của Sắc Giới (rùpàvacara-samàdhi), và Ðịnh của Vô Sắc Giới (arùpàvacarasamàdhi). Khi nói rằng ta phải cố gắng tiến đạt đến trạng thái "ổn định" (niyàma) của "Ðịnh Ðã Phát Sanh", phải hiểu rằng Ðịnh Tại Thế cũng có hai tầng lớp, ổn định và bất ổn định.
Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Ðịnh của bậc Thánh Nhân (Ariya) ở tầng lớp "ổn định". Các nghiệp Tham ái và Sân Hận bất thiện (duccarita) không phát sanh đến các Ngài, dầu trong giấc mơ, trong suốt chuỗi dài những kiếp sống tương lai, cho đến khi nhập Ðại Niết Bàn (Parinibbàna).
Nhóm Ðịnh gồm ba chi [21] của hạng Phàm Nhân (puthujjana) ở trong tầng lớp "bất ổn định" (aniyàma). Trong quá khứ vô tận của vòng luân hồi những vị nầy đã có lần là những người có nhập định, những đạo sĩ ẩn dật hay những vị tỳ khưu có nhập định,
những vị đã đắc Thiền (jhàna) và đã đắc thần thông (idhi) trong chuỗi dài vô tận những kiếp sống. Trong thời gian của mỗi hệ thống thế gian có bốn chu kỳ (kappa), mỗi chu kỳ dài vô tận. Ba trong bốn chu kỳ thế gian ấy, các người Phàm Nhân (puthujjana) nầy đã là chư vị Phạm Thiên trong những cảnh Trời. Trong mỗi hệ thống thế gian họ cũng đã có ở trong khổ cảnh (apàya). Và trong những khổ cảnh ấy đầy những người mà trước kia đã là trời Phạm Thiên, không ai khác. Những hạng Phàm Nhân ấy đã là Trời Phạm
Thiên, đã là Ngạ Quỉ (peta), đã ở trong địa ngục, đã làm thú, hay a-tu-la (asura).
So với vòng luân hồi (samsàra) dài vô tận, mỗi kiếp sống trong những hệ thống thế gian nầy chỉ giống như thời gian một nháy mắt.
Như vậy, trong khi được duyên may sống giữa thời kỳ còn Giáo Huấn của một vị Phật (Buddha Sàsana), tất cả chúng ta phải nỗ lực chuyển biến trạng thái "bất ổn định" (aniyàma) của ba chi nằm trong nhóm Ðịnh (Samàdhi) -- mà ta đã nhiều lần thành tựu trong quá khứ -- thành trạng thái "ổn định" (niyàma). Do đó, sau khi thiết lập vững chắc trong pháp Niệm Thân, ta phải thực hành 37 Phẩm Trợ Ðạo, Bodhipakkhiya-dhammas, chí đến khi viên mãn hoàn tất quán niệm đặc tướng Vô Ngã (Anattà bhàvanà).
Trí Tuệ Ðã Phát Sanh và Trí Tuệ Chưa Phát Sanh (Uppanna và AnuppannaPannà)
Theo kinh Cùla Vedalla Sutta, Chánh Kiến (sammà-ditthi) và Chánh Tư Duy (sammà-sankappa), nằm trong Tu-Ðà-Huờn Ðạo (sotàpatti-magga) và lấy Niết Bàn làm đối tượng, được gọi là Trí Tuệ Siêu Thế (lokuttara-pannà). Trí Tuệ nầy tận diệt tầng lớp khuynh hướng tâm tánh ngủ ngầm (anusaya) của Thân Kiến (sakkàya-ditthi) trong luồng nghiệp, và "khắc phục bằng cách loại trừ tận cùng" (samuccheda-pahàna) mọi dấu vết tiềm ẩn của Tà Kiến (micchà-ditthi) và Tà Tư Duy (micchà-sankappa), cùng với những hành động bất thiện (duccarita) và Tà Mạng (duràjiva). Kho tàng tích trữ những nghiệp bất thiện trong quá khứ (duccarita kamma) cũng hoàn toàn tan biến. Cánh cửa mở vào vòng quanh những khổ cảnh (Apàya-Samsàra) hoàn toàn khóa chặt. Từ đây những nghiệp bất thiện của Tà Kiến và những hành động sai lầm tuyệt đối không còn phát sanh trong suốt chuỗi dài những kiếp sinh tồn và những chu kỳ thế gian tương lai.
Loại Trí Tuệ nầy chỉ có thể phát sanh vào thời kỳ có Giáo Huấn của một vị Phật (Buddha Sàsana), khi pháp quán niệm đặc tướng Vô Ngã (Anattà-bhàvanà) còn được lưu truyền hiện hữu. Do đó, là những chúng sanh đã được diễm phúc sống trong thời kỳ Phật Giáo còn lưu truyền, chúng ta phải chuyên cần tinh tấn để thành tựu cho được, làm phát sanh "Trí Tuệ Chưa Phát Sanh (Anuppanna-Pannà), loại Trí Tuệ chưa bao giờ đến với ta, trước khi mất đi Giáo Huấn nầy (trong tương lai). Ðiều nầy có nghĩa là, bắt đầu với pháp Niệm Thân chúng ta phải nỗ lực thực hành 37 Phẩm Trợ Ðạo (Bodhipakkhiyadhamma) chí đến khi hoàn tất viên mãn pháp quán niệm đặc tướng Vô Ngã (Anattà-bhàvanà).
Những loại Trí Tuệ đã thường phát sanh (uppanna) trong quá khứ vô tận là: Chánh Kiến, hiểu biết chân chánh rằng chúng sanh là sở hữu chủ (hay người chịu trách nhiệm) của những hành động, tức cái nghiệp (kammassakatà-sammà-ditthi) của mình; tất cả những loại tuệ giác và trí tuệ (tại thế) thuộc về Dục Giới (kàmàvacara) và những thần thông (abhinnà) như nhãn thông (dibba-cakkhu) và nhĩ thông (dibba sota).
Khi nói phải tận lực cố gắng tiến đạt đến trạng thái Trí Tuệ "ổn định", ta phải hiểu rằng Trí Tuệ tại thế nầy cũng có hai tầng lớp, "ổn định" và "bất ổn định". Chánh Kiến và Chánh Tư Duy tại thế của chư vị Thánh Nhân (Ariyas) được kiên cố thiết lập ở mức độ "ổn định" (niyàma). Từ khi Chánh Kiến và Chánh Tư Duy thiết lập Trí Tuệ "ổn định", và suốt chuỗi dài những kiếp sống sau đó cho đến khi nhập Ð?i Niết Bàn, luôn luôn có Chánh Kiến hiểu biết rằng mình là Sở Hữu Chủ của Nghiệp (kammassakatà-sammà-ditthi), của Tuệ Giác về Pháp Học (pariyatti-nàna) [22], của Tuệ Giác về Pháp Hành (patipatti-nàna) và Tuệ Giác về Bốn Chân Lý (catu-sacca-nàna).
Tuy nhiên, Trí Tuệ Tại Thế của hạng Phàm Nhân (puthujjana) còn ở mức độ "bất ổn định" (aniyàma). Trong khi thênh thang bất định trong vòng luân hồi các vị nầy đôi khi có học được Giáo Pháp (Dhamma), đôi khi nổi danh về sức học rộng hiểu nhiều của mình, đôi khi là những vị Ðại Ðức Tỳ Khưu hay lương y trứ danh, trong khi ở những lúc khác đã là sâu bọ, sò ốc, côn trùng, đỉa, chí, rệp, dòi, bò chét v.v... những con vật có thể được xem là chỉ có sự sống.
Do đó, trong khi có duyên may gặp được Giáo Huấn của một vị Phật (Buddha Sàsana) ta phải tận lực chuyên cần nhằm chuyển biến "Trí Tuệ bất ổn định" (chỉ tạm bợ nhất thời) thành "Trí Tuệ ổn định", như đã trình bày ở phần trên.
Ðến đây chấm dứt phần trình bày hai loại Giới, Ðịnh và Tuệ, đã phát sanh và chưa phát sanh.
Do đó, những người tại gia cư sĩ, những vị đạo sĩ ẩn dật và Tỳ Khưu đã gặp Giáo Huấn của một vị Phật trong kiếp sống hiện tại nầy mà muốn tự thoát ra khỏi những khổ đau của những kiếp sống tương lai, và muốn củng cố bền bỉ vững chắc các Pháp như Giới Tịnh v.v... phải thực hành thích nghi những Niệm Xứ (satipatthàna), phải chuyên cần tinh tấn theo những loại Chánh Cần (sammappadhàna, xem phần trên), nhằm tiêu diệt những khuynh hướng tâm tánh ngủ ngầm (anusaya) của Thân Kiến.
Nếu muốn tự thoát ra khỏi cảnh điên cuồng và hoang dại loạn tâm như người mất trí, người không biết lái thuyền, người bị bịnh chó dại, và người bịnh uống thuốc mà ói mửa ra hết (như được mô tả trong Chương II, liên quan đến pháp Tứ Niệm Xứ, satipatthàna), và muốn củng cố tâm Ðịnh hoặc chuyển biến trạng thái Ðịnh của
mình trở thành vững bền "ổn định" (niyàma), nhằm giữ tâm vắng lặng, bất lay chuyển, và chăm chú vào bất cứ đề mục thiền định nào (kammatthàna), muốn được vậy phải thực hành thích nghi pháp Niệm Xứ đến mức độ tinh tấn chân chánh (sammappadhàna, Chánh Cần) nhằm tận diệt khuynh hướng tâm tánh ngủ ngầm (anusaya) của Thân Kiến.
Nếu những vị ấy muốn tự thoát ra khỏi những lý thuyết và những điều kiện Si Mê lầm lạc (sammoha-dhamma) có thể lôi cuốn họ vào những cảnh Vô Minh tăm tối; có thể tuyệt trừ tận gốc rễ, không còn để lại dấu vết gì trong những kiếp sống tương lai, tất cả lòng kỉnh mộ sùng kính mà họ đã nuôi dưỡng trong lòng đối với những phẩm hạnh thánh thiện của Phật Bảo, Pháp Bảo và Tăng Bảo Thánh Thiện cũng như Giáo Huấn của Ðức Phật; nếu họ muốn tự thoát ra khỏi những Giáo Pháp Sai Lầm (micchà-dhamma), trong vòng luân hồi (samsàra) vô cùng tận, đã dẫn dắt họ đến gần, tôn kính và lễ lạy tất cả đủ hạng Phật (hay đạo sư) giả mạo, bởi vì họ còn là Phàm Nhân (puthujjana) không ở trong vị thế có thể hiểu biết vị Phật thiệt, Giáo Pháp thiệt và Tăng Già thiệt; nếu, trong chuỗi dài những kiếp sống và những chu kỳ thế gian, bắt đầu từ giờ phút hiện tại, họ muốn có đức tin được gọi là Ðức Tin Kiên Cố Vững Chắc (adhigama-saddhà) và trí tuệ được gọi là Trí Tuệ Kiên Cố Vững Chắc (adhigamapannà), nương nhờ nơi oai lực của đức tin và trí tuệ ấy họ có thể cảm nhận bên trong họ mà không bị trở ngại, lòng kỉnh mộ và sùng kính vị Phật thật sự, Giáo Pháp thật sự và Tăng Già thật sự; và nếu muốn chuyển biến đức tin và trí tuệ ấy đến mức "ổn định" (niyàma) -- họ phải thực hành thích nghi những Niệm Xứ (satipatthàna) với Chánh Cần (sammappadhàna), nhằm tận diệt Thân Kiến ở tầng lớp ngủ ngầm (anusaya-bhùmi). Nơi đây thực hành Chánh Cần thích nghi có nghĩa là quyết tâm tận lực chuyên cần với chú nguyện như sau:
"Hãy để cho da, gân và xương, thịt còn lại, máu trong thân tôi khô cạn dần, tôi sẽ không chấm dứt chuyên cần tinh tấn cho đến khi thành đạt những gì mà khả năng của con người, tánh chuyên cần của con người và sự cố gắng của con người, có thể thành đạt."
(Con tiep)
Ghi chú:
[1] Vinaya Pitaka, Mahàvagga, câu 13. Sammohavinodàni (Chú Giải của Patisambhida Magga)
[2] Chú Giải Kinh Pháp Cú (Dhammapada Commentary) câu chuyện liên quan đến câu 1.
[3] Hạng Neyya, xem trang 1-2, Phần Nhập Ðề.
[4] Xem Chú Giải kinh Niệm Xứ (Satipatthàna Sutta), The Way of Mindfulness, trang 68.
[5] Xem Chú Giải Sakkapanha Sutta, (Dìgha Nikàya, Trường A Hàm)
[6] Xem Anguttara Nikàya, Tăng Nhứt A Hàm. Những con số bốn, số 13f. "The Book of Analysis" (Vibhanga) do U Thittila chuyển dịch (Pali Text Society, London) trang 271ff.
[7] Apàya-loka là bốn cảnh khổ bao gồm: cảnh a-tu-la, cảnh ngạ quỷ, cảnh thú và cảnh địa ngục.
[8] Bon-sin-san là một danh từ Miến Ðiện, có nghĩa là một hạng Tu-Ðà-Huờn (Sotàpanna) sẽ tiến đến giải thoát cuối cùng của một vị A-La-Hán sau nhiều kiếp sống cao thượng liên tục. Danh từ nầy không có gì tương đương trong Kinh Tạng (Sutta).
Trong Kinh Tạng chỉ gọi Sotàpanna, là những vị tối đa chỉ còn tái sanh bảy lần trong cảnh người hoặc cảnh trời. Bon-sin-san là một khái niệm quen thuộc trong truyền thống Phật Giáo ở Miến Ðiện. Danh từ nầy được nhắc đến trong những đoạn chú giải sau đây:
- Chú giải bộ Indriya-Samyutta, phẩm Chalindriya Vagga, bài kinh Ekabiji Sutta, giảng giải danh từ sattakkhattuparamo.
- Chú giải Dìgha Nikàya, Trường A Hàm, bài kinh Sakkapanha Sutta (đoạn cuối), giảng giải những chữ so nivàso bhavissati.
- Chú giải Puggala-pannatti (Pancappakarana Atthakatha), Ekata-nidesa, giảng giải danh từ ekabiji.
Vị Chủ Biên The Wheel Publication (Ðại Ðức Nyanaponika) tri ân Ngài Mahasi Sayadaw, Agga-Maha-Pandita, Rangoon, đã giúp soạn thảo những chú thích nầy và chú thích kế sau đây.
"Có thể ghi nhận rằng Bon-sin-san có hai loại:
- Người trở thành một vị Tu Ðà Huờn (Sotàpanna) trong cảnh Dục Giới (Kàmabhùmi) và thành tựu ba tầng Thánh cao hơn (Sakadàgàmi, Tư-Ðà-Hàm v.v...) trong năm cảnh Vô Phiên Thiên (Suddhàvàsa) của Sắc Giới (Rùpaloka);
- Người trở thành Tu-Ðà-Huờn, Tư-Ðà-Hàm, A-Na-Hàm (Sotàpanna, Sakadàgàmi, Anàgàmi) trong Dục Giới (Kàmabhùmi) và A-La-Hán (Arahat) trong năm cảnh Vô Phiên Thiên (Suddhàvàsa) của Sắc Giới.
Do đó danh từ Bon-sin-san có nghĩa là tiến lên trong những giai đoạn của kiếp sinh tồn, tầng nầy đến tầng khác.
"Hai hạng nầy hiển nhiên là khác biệt với những hạng được đề cập đến trong Tạng Kinh (Suttas): (1) Sattakkhattuparama Sotàpanna, "người còn tái sanh tối đa là bảy lần", (2) Kolankola Sotàpanna, "người đi từ tầng Thánh nầy sang một tầng Thánh khác, (3) Ekabiji Sotàpanna, "người chỉ còn tái sanh một lần".
"Ba hạng nầy trở thành Sotàpanna (Tu-Ðà-Huờn) trong Kàma-bhùmi (Dục Giới), hoặc trong chính kiếp sống nầy hoặc về sau, nhưng không hơn bảy kiếp, trở thành A-La-Hán cũng trong cảnh giới (bhùmi) nầy.
Xem chương VIII của sách nầy, phần "Tu Ðà Huờn" (Chủ Biên The Wheel).
[9] Ðây là thói quen của riêng tác giả, Ngài Ledi Sayadaw, dùng chữ sa-upàdisesa, Hữu Dư Niết Bàn, áp dụng cho một vị Tu Ðà Huờn (và nơi đây áp dụng cho vị "Bon-sinsan"). Trong kinh điển và chú giải Pali danh từ nầy chỉ áp dụng cho vị A-La-Hán, đã tận diệt tất cả mười triền cái, trong khi vị Tu-Ðà-Huờn chỉ loại trừ có ba. Cách xử dụng có phần khác biệt nầy có thể vì vị Tu-Ðà-Huờn được nói là "nhoáng thấy Niết Bàn lần đầu tiên" (pathama-dassana), Ðạo và Quả siêu thế của Ngài có đối tượng là Niết Bàn
(chớ không phải là những hiện tượng được cấu tạo, tức các pháp hữu vi, như tất cả các loại tâm tại thế). Vì lẽ ấy có thể nói là lần đầu tiên Ngài chứng nghiệm Niết Bàn, mặc dầu là chứng nghiệm một cách tạm thời và không toàn vẹn. (Lời của vị Chủ Biên, The
Wheel).
[10] Xem "Manual of Insight" (The Wheel số 31/32) trang 79ff.
[11] Ajìvatthamaka-sìla, xem chú thích trong phần Nhập Ðề.
[12] Những danh từ Pàli trong đoạn nầy đã được giải thích ở phần Nhập Ð?.
[13] Tạm định, cận định, toàn định: parikamma-, upacàra-, appanà-samàdhi. Xem Path of Purification (Visuddhi Magga, Thanh Tịnh Ðạo), chương II, trang 26, chương IV, trang 32.
[14] 4 Bốn Thanh Tịnh tại thế là: Kiến Tịnh, Ðoạn Nghi Tịnh, Ðạo Phi Ðạo Tri Kiến Tịnh và Ðạo Tri Kiến Tịnh.
[15] Xem chú thích 4, trang 210.
[16] Bản dịch của Ð.Ð. Nàrada Thera, dưới tựa đề "A Manual of Abhidhamma" (Buddhist Publication Society, Kandy).
[17] Ajivatthamaka-sìla, xem chú thích trong phần Nhập Ðề.
[18] Tám tầng Thiền (attha-samàpatti) là bốn tầng Thiền Sắc Giới (rùpa- jhàna) và bốn tầng Thiền Vô Sắc Giới (arùpajjhàna). Chín tầng Thiền là tám tầng kể trên và tầng thứ chín là nirodha-samàpatti, Diệt Thọ Tưởng Ðịnh, tức tạm thời ngưng những sinh hoạt tâm linh.
[19] Tàdi (theo nghĩa đen là: giống như, cùng một thứ) là trạng thái tâm quân bình, tâm xả, không thể bị ảnh hưởng của những thăng trầm trong đời sống. Ðây cũng là một cách nói Phật và A-La-Hán.
[20] Yo ca Visàkha sammà-vàyàmo yà ca sammà-sati yo ca sammà-samàdhi, ime dhammà samàdhikkhandhe sangahità -- "Và bất luận nơi nào có Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Ðịnh, những điều ấy được bao gồm trong phân hạng Ð?nh". (Majjhima Nikàya, Trung A Hàm, số 44)
[21] Ba chi của nhóm Ðịnh là: Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Ðịnh
[22] Pariyatti: "Học Giáo Lý". Trong sự tiến bộ của vị đệ tử, có thể phân biệt 3 giai đoạn: Lý Thuyết, Thực Hành và Chứng Ngộ. Tức pariyatti (Pháp Học, nghiên cứu học hỏi Giáo Lý), patipatti (Pháp Hành, thực hành Giáo Lý) và pativedha (Pháp Thành, soi thấu Giáo Lý và chứng ngộ mục tiêu). -- Buddhist Dictionary, Nyànatiloka
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét