Vô ngã ở đây không phải là "nothing", không phải là không có gì, mà là "nobody", là không có ai hết. Nhớ cái đó, nothing khác và nobody khác. Hai cái này khác nhau nhiều lắm. Chớ có học ba mớ rồi tưởng vô ngã là nothing là sai. Có chứ. Nó có, nó có cái kiểu đó, kiểu tạm bợ, lắp ráp, do vô vàn điều kiện nhân duyên, môi trường, hoàn cảnh cộng ghép nên nó mới ra một cái gì đó.
Một người không thấy được cái đó, không thấy được vạn hữu nó tồn tại theo cái cách như thế đó, thì cái người đó không có cái cửa nào mà đắc chứng thánh quả hết. Bởi vì sao? Vì chuyện đó rất đỗi căn bản. Anh không có hiểu nên anh mới hỏi là đứa nào tu? Không có đứa nào tu hết. Không có đứa nào bất thiện hết. Không có đứa nào chứng đắc, vô đắc, vô sở đắc, vô sở chứng,... . Không có cái gì để đắc và cũng không có ai đắc. Ở đây là một cái hành trình của các duyên. Khi mà duyên đủ thì phiền não còn, mình còn sanh tử. Khi mà mình có bát chánh đạo, bát chánh đạo là duyên hỗ trợ cho phiền não biến mất, mà phiền não biến mất thì cái duyên cho luân hồi cũng biến mất. Chỉ vậy thôi.
Tôi kể hoài cái câu chuyện riết tôi nhục luôn. Tôi kể bữa nay đếm lại là 3 ngàn 8 trăm lần rồi.
Có cái anh đó ảnh đến ảnh gặp một vị thiền sư, ảnh hỏi: "Thầy ơi thầy, mình chết rồi mình đi về đâu hả thầy?" Lúc đó trong chánh điện có cây nến, thì ông thầy ổng nói: "Anh lên anh thổi cái cây nến đó đi." Anh thanh niên lên thổi nến, thổi xong thì ông thầy ổng nói: "Muốn biết ngọn lửa tắt rồi đi về đâu thì phải nhớ lại xem trước đây ngọn lửa từ đâu đến."
Các vị có hiểu câu này không? Cái câu này nó sâu kinh dị lắm. Anh học trò hỏi: Thưa thầy chết rồi mình đi về đâu? Thì ông thầy ổng không trả lời mà ổng chỉ kêu anh này lên thổi cây nến. Xong rồi ổng mới nói thế này: Muốn biết ngọn lửa tắt rồi đi về đâu thì phải tìm hiểu xem ngọn lửa trước đây nó đã từ đâu đến. Khi có đủ duyên thì ngọn lửa có mặt trên cây nến. Khi duyên nó cạn rồi thì cây nến nó ra đi theo cái cách mà nó đã đến. Một người không hiểu được cái đó mà hỏi đắc chứng thì đắc cái gì?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét