Có cái gì ở trên đời này nó nằm ngoài sáu trần không? Ví dụ như mặt trời nó thuộc vào trần nào trong sáu trần? Nhãn trần, pháp trần. Tại sao có cái pháp trần? vì mình nghĩ đến nó được. Xa như mặt trời mà mình còn nghĩ được thì không có cái gì nằm ngoài sáu trần. Bây giờ tôi hỏi: Một người đã chết nó có thuộc về trần nào không? Một người không mặc áo thuộc về trần nào? "Ở trần". Cái bánh nếp mà không gói là thì gọi là "ít trần". Nên cái thế giới này không gì nằm ngoài sáu trần kể cả "ít trần" và "ở trần".
Không có cái gì trên trời đất này nằm ngoài sáu trần hết và tùy thuộc vào căn tánh của mỗi người mà ta sống nhiều với trần nào và sống kiểu nào, "what" và "how". "What" là sống nhiều bằng trần nào, mà còn có cái " How" nữa, sống nhiều với trần đó như thế nào.
Trong kinh Nam Truyền có những cái nói rất là xúc động mà thực tế: Người cư sĩ họ tích lũy tài sản bằng cách nào? Họ đi làm, mua nhà mua cửa, vàng bạc, đất đai, gia súc, vườn ruộng. Nhưng mà người xuất gia nếu có lòng tích lũy tài sản, họ tích lũy cái gì? Người đời ham vật chất họ thích tiền, vàng, ngọc, châu báu, nhà đất, bất động sản. Còn người tu không bỏ được tính ham tích lũy vật chất, thì họ tích lũy mấy cái lon sữa đặc, xà bông, kem đánh răng, bàn chải, giày dép, y áo ...Tùy căn tánh của chúng sinh mà chúng ta thích cái gì và thích kiểu nào. Có người rất là thích khi có tiền gửi nhà băng rồi coi statement mỗi tháng, họ thấy có vô mà không có ra là họ thấy sung sướng. Có người thích có tiền để họ đi shopping. Có người tiền không bao nhiêu mà có khuynh hướng thích "kéo thẻ". Có người thích ăn ngon mặc đẹp, có người thích du lịch, có người thích xài đồ đắc tiền. Du lịch không màng, ăn xì dầu mì gói, mà tay đeo cái Rolex, có người không cần gì hết cần chiếc xe xịn thôi. Tôi không nói chuyện vô ích đâu, tôi muốn phanh phui cho bà con thấy cái thị dục của chúng sinh nó khác nhau nhiều lắm và chính cái khác đó nó dẫn chúng ta về những phương trời khác nhau. Cái cách tích lũy tài sản của người tu nó khác cái cách tích lũy tài sản của người đời. Rồi người đời khi họ hờn giận ai họ có nhiều cách bày tỏ, biểu lộ. Người tu cũng có nhiều cách bày tỏ, biểu lộ không giống người đời. Như vậy thì cái thương, cái ghét của người tu nó cũng không giống người đời. Trong đám người đời đó tiếp tục lại khác nữa. Thằng Tèo nó thương nó ghét bằng cách của nó, không giống với cách của thằng Tí. Tôi biết có người họ thương vợ thương con bằng cách họ giấu trong nhà không cho đi đâu hết trơn, có người họ thương họ đem đi khoe. Tôi thấy ngộ lắm có người cái gì họ thích họ đem đi giấu, có người họ thích họ đem đi khoe. Còn nói đến lí do thì ông nào nói cũng có lí hết. Có người họ thương bằng cách họ chăm sóc, có người họ thương bằng cách họ đày đọa. Ra đường mà cười với người này người kia là chết mà lí do là vì họ quá thương. Có người họ thương họ làm cho người kia cười, có người họ thương họ làm cho người kia khóc họ mới chịu, bởi vì trong lúc người kia khóc họ mới biết người kia thuộc về họ. Thuộc loại bị bệnh mà quên uống thuốc.
Thế giới qua sáu căn là sao? Có một lần Đức Thế Tôn ngồi giữa một đại chúng, có Long Vương, Phạm Thiên ... đông lắm, lúc đó có vô số Chư Thiên các cõi kéo về chầu hầu Thế Tôn. Lạ lắm, trong đời của Chư Phật có ít nhất là vài lần đại hội thiên chúng như vậy. Có những cái nhóm từ xa đến là mình nghe một cái loại âm thanh rất là lạ. Có những cái nhóm đến bằng hào quang, cái màu không giống ai hết. Có nhóm thân tướng nguyên màu xanh lè, nhóm đỏ rực, nhóm đen thui, nhóm vàng chói. Có nghĩa là tùy thuộc vào khuynh hướng tâm lí mà chúng ta sanh ra trong cái chủng loại nào. Các vị có thấy dưới biển cá rất là nhiều mà mỗi loại cá có hình dáng khác nhau. Rồi bướm cũng vậy. Cho nên trong Kinh nói: thích ăn ngon mà không tu hành, không làm công đức, không làm phước thì đời sau sanh ra làm loài ăn tạp. Thích mặc đẹp mà không tu hành đời sau sanh ra làm loài sặc sỡ. Có mấy con bướm, con sâu, con cá nó quá trời màu luôn. Chim, sâu, bướm, cá, côn trùng. Thích sức mạnh, thích cơ bắp mà không có tu thì đời sau sanh ra làm mấy cái loài ùng ục như trâu rừng... Tánh nóng mà không tu tập thì đời sau sanh ra làm loài hung dữ. Tánh nóng mà có tu tập thì sanh ra làm loài atula thiên hoặc làm dạ xoa. Tánh tham mà có tu tập thì đời sau sanh ra làm những vị dục thiên hưởng thụ. Còn tánh tham mà không có tu tập thì đời sau sanh ra làm loài đa dục như dê, chim sẻ, gà...
Tôi nhắc lại là do cái khuynh hướng tâm lí của mình mà chúng ta sống nhiều với trần nào trong sáu trần và kiểu nào. Sống nhiều với cái gì và sống kiểu nào. Chính cái đó nó mới đưa mình về với những cảnh giới khác nhau, với hình hài khác nhau, chi tiết, khía cạnh sinh hoạt không giống nhau. Đều là hoa hậu, hoa hậu năm trước với hoa hậu năm sau mặt đâu có giống nhau. Song sinh mình nói nó giống nhau như hai giọt nước nhưng nhìn kĩ nó trớt quớt. Giống nhau như hai giọt nước tôi nghĩ trên đời này chỉ có một trường hợp là hai giọt nước nó giống nhau thôi. Cho đến hai vị Chánh Đẳng Giác có ba mươi hai tướng tốt giống nhau, ba la mật giống nhau, trí tuệ giống nhau, từ bi giống nhau, hạnh lành giống nhau, khi hai vị ngồi gần nhau cũng không giống nhau. Vì sao? Vì cái tâm tánh trước khi thành Phật khác nhau, cái sở hành khác nhau. Ví dụ, vị nào cũng có ba la mật giống nhau, có vị rất là thích chuyện phục vụ bên cạnh việc học Đạo, ngồi thiền, chưa kể có những vị họ thích khi họ thành Phật họ có những cái nét đặc biệt nào đó.
Nhưng Đức Phật Thích Ca thì không như vậy, Ngài tu hạnh trí. Ngài muốn đi nhanh và không muốn có cái gì đặc biệt hết. Đức Phật Thích Ca ngài tu hạnh trí tuệ, tất cả Ngài đều coi thường hết, cho nên Ngài chỉ muốn đi nhanh nhất, thời gian ngắn nhất như có thể và Ngài không cần nguyện gì thêm. Còn mấy vị Phật khác lúc còn Bồ Tát nguyện thành Phật trong lúc chúng sanh sống lâu. Có nhiều vị thích đi đâu trên đầu có một cái lộng để che. Có vị muốn thành Phật là đi đâu ở dưới chân cũng có bông sen. Có vị muốn thành Phật thì coi như hào quang sáng một góc trời. Có vị nguyện chỉ thành Phật khi nào Trái đất này phồn vinh, cây cối sum xuê, chúng sanh giàu có thì Ngài mới chịu ra. Từ cái bài kinh của Nam Truyền nó mới dẫn đến bốn mươi tám lời nguyện của Phật A Di Đà của Bắc Truyền. Có vị chỉ thành Phật khi nào chúng sanh có phước.
Thiên nhiên có bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thì chúng sanh cũng có tới mấy mùa, mùa này mùa kia nó luân phiên với nhau. Mùa thứ nhất gọi là giai đoạn hắc ám, ác nhiều hơn thiện. Giai đoạn này sẽ qua đi đến giai đoạn thứ hai là thiện ác bằng nhau. Đến giai đoạn thứ ba là thiện nhiều hơn ác. Mà cứ mỗi thời kì như vậy nó kéo dài được ít lâu, ít lâu có nghĩa là vài ngàn năm, nó mất đi rồi nó thế bằng chu kỳ thứ hai. Tức là ban đầu ác cho đã, ác nhiều hơn thiện, rồi nó lên thiện ác bằng nhau, rồi lên cái thiện nhiều hơn ác, rồi nó xuống thiện ác bằng nhau, rồi ác nhiều hơn thiện, rồi xuống tới đáy là toàn ác không, sau đó nó lại đi lên thiện ác bằng nhau ... Cứ mỗi lần nó ở trong giai đoạn thiện nhiều hơn ác thì dĩ nhiên lúc đó chúng sanh trên Trái Đất này sống sung sướng. Lúc đó có nhiều vị Phật họ muốn ra là ra lúc đó. Còn Phật Thích Ca, Ngài không vậy. Ngài chỉ nguyện đủ duyên thì "bùm" một phát, tụi nó cỡ nào Ngài cũng ra hết. Bởi vậy mới có truyền thuyết Bắc Truyền nói rằng bởi vì Ngài thị hiện trong cõi Ta Bà chịu khổ ... trong kinh Nam Tông không nói vậy. Vì Ngài muốn nhanh nhất như có thể, cái duyên nó chín lúc nào thì Ngài thành lúc đó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét