Giải thoát
Giải thoát có hai: giải thoát ra khỏi quả xấu và giải thoát ra khỏi nhân xấu.
Quả xấu là những quả được tạo từ những nhân xấu quá khứ. Những cái gì làm cho mình đau khổ khó chịu về thân về tâm thì cái đó được gọi là quả xấu. Khi mình ra khỏi cái đó thì gọi là giải thoát. Giải thoát khỏi nhân xấu là khi mình đang đắm đuối đê mê một cái gì đó mà bây giờ mình buông được nó. Quý vị có từng yêu một ai đó mà khi quý vị buông được họ, quên được họ, quý vị có thấy cái đó là một giải thoát không? Đừng có vì quê mà chối, tôi nghĩ là có. Khi mình quên được một cái người nào đó là điều mình mứng lắm. Hoặc khi giận người nào đó cũng vậy. "Đã quê thì khó huề mà đã huề vẫn còn quê." Nhiều khi mình quên được một cái giận, quên được một người mình thương mình phải quỳ lạy tạ ơn trời đất.
Napoleon có nói một câu rất là hay: "Trong chiến trường, thương trường, chính trường, kẻ bỏ chạy là người thất bại nhưng trong tình trường người biết bỏ cuộc lại là bậc chứng thánh." Đôi khi cái bỏ chạy lại là cái hay.
Nhắc lại, giải thoát quả xấu là ra khỏi được những cái đau khổ khó chịu tạo ra từ nghiệp trong quá khứ. Còn giải thoát nhân xấu có nghĩa là tránh được những cái phiền não nào đó, lìa bỏ được một cái gì mà mình đã một thời yêu mê, lìa bỏ được một cơn giận, một sự hiểu lầm.
Bồ tát sợ nhânchúng sanh sợ quả.
Đối với bậc thượng trí thì giải thoát quả xấu không quan trọng bằng giải thoát nhân xấu. Đối với người hiểu đạo thì chuyện mình hết bệnh không đáng mừng bằng thấy được mình giảm được tâm tham, tâm sân. Trước giờ mình không có khả năng ngồi thiền hay sống chánh niệm trong một giờ hai giờ hay một ngày nhưng bây giờ mình có khả năng đó thì mình thấy điều đó đáng mừng hơn là mình giàu hơn xưa, đáng mừng hơn là mình đẹp hơn xưa, đáng mừng hơn là đời mình sung sướng hơn xưa. Những thành tựu về thiện pháp mới là những cái mình thực sự đáng mừng.
Sư Giác Nguyên giảng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét