Thứ Năm, 1 tháng 4, 2021

Gác cổng thành

 


Gác Cổng Thành

Kể từ bây giờ chúng ta phải nhớ rằng: Lúc nào tôi không có chánh niệm thì giây phút đó tôi là cương thi. Không biết quý vị có hiểu chữ cương thi không? Cương thi là cái trường hợp xác người chết, theo bên Tàu, họ nói bị ma nhập hoặc bị mấy thầy bùa điều khiển; cái xác nó dựng thẳng người lên rồi hai cái bàn tay nó xỉa thẳng về phía trước vuông góc với thân hình, nó nhảy cà xom cà xom, cà tưng cà tưng gọi là cương thi. Nếu mà chúng ta không có chánh niệm thì chúng ta sẽ trở thành những cương thi, có nghĩa là chỉ có nhúc nhích di động chớ chúng ta không có biết cái gì hết trơn. Cái niệm nó lớn chuyện lắm, không có chánh niệm là chúng ta sống như vậy. Và chính vì không có chánh niệm, không biết cái gì nó đang diễn ra, nó đang xảy ra, nó đang hoạt động; chính vì không biết cho nên cơ hội cho thích và ghét là coi như đầy dẫy. Người sống có chánh niệm, nói theo ngoài đời là sống có chừng mực, có ý tứ thì luôn luôn sống trong sự kiểm soát. Còn thiếu chánh niệm rồi là chúng ta luôn luôn bỏ ngỏ cái nội tâm của mình. Các vị nghe cái chữ bỏ ngỏ là dễ sợ lắm. Bỏ ngỏ là không còn kiểm soát, không còn quan sát, không còn kềm chế, không nằm trong tầm ngắm, tầm nhìn của mình nữa được gọi là bỏ ngỏ.

Thì cái chánh niệm nó là gốc của các thiện pháp. Như trong kinh Thất Giác Chi, Đức Phật đã dạy cái đỉnh cao của thiện pháp là trí tuệ, đúng, nhưng ở trong thất giác chi thì có lúc trí tuệ nó đóng vai trò chủ đạo, có lúc nó lùi xuống còn thứ yếu, riêng chánh niệm thì không. Vì sao vậy? Vì trí tuệ có lúc nó trồi sụt, có lúc nó quá mạnh, có lúc nó quá yếu. Nhưng mà riêng chánh niệm thì không như vậy. Chánh niệm là cái giác chi duy nhất không bao giờ bị dư. "Này các tỳ kheo riêng niệm giác chi là nó cần thiết trong mọi lúc."

Thí dụ như Ngài dạy khi nào cái tâm mình nó bị tiêu cực, nó bị xuống dốc, nó bị sa đà, nó bị yếu đuối; thì mình nên dùng ba cái giác chi là trạch, cần, hỷ để kéo nó lên. Mà khi nào nó bung xung, nó lừng lẫy quá muốn kéo nó xuống thì mình phải dùng ba cái giác chi tĩnh, định, xả. Riêng niệm giác chi là đặc biệt cần thiết trong mọi tình huống. Nhớ cái đó rất là quan trọng bởi vì chánh niệm chính là người gác cổng. Dầu thời chiến hay thời bình, dầu nhà dân hay cửa quan, thậm chí trong tử cấm thành, thì cái người gác cổng luôn luôn là quan trọng. Là vì sao? Là vì ông bà xưa đã nói: "Gác thành trăm năm không có giặc, quên gác một đêm liền có giặc". Không biết quý vị có nghe qua câu này không? Gác cổng thành, gác thành trăm năm thì hỏng có giặc, mình cứ gác tới giờ đổi phiên vậy đó hỏng bao giờ thấy, nhưng mà bỏ gác một đêm liền có giặc. Cái câu này rất là quan trọng. Tôi nhắc lại một lần nữa, gác thành trăm năm thì không thấy giặc nào tới hết, nhưng mà thử bỏ, có ngon bỏ một đêm đi, là giặc nó ập vô liền.

Cái cơ thể mình cũng vậy, ăn uống, thuốc men, sinh hoạt, vận động phải thật là cẩn thận, kêu quí vị cẩn thận như vậy thì mấy cái bệnh nó đi đâu mất tiêu, mà chỉ cần các vị lơ đễnh, thiếu kiểm soát trong vòng một tháng là nó lòi ra đủ thứ bệnh hết, ngộ lắm, hỏng biết nó trốn ở đâu mình hỏng có biết. Tôi biết có trường hợp có cái ông đó là ổng khám bệnh định kỳ, cứ là 6 tháng đi một lần, 6 tháng đi một lần. Có một lần đó, lần cuối cùng trong đời của ổng, ổng ở bên Mỹ, lần cuối cùng ổng vừa khám lần định kỳ cuối cùng, ổng khám xong xuôi ổng quay về thì hai tháng sau bệnh nó phát. Mà ổng thấy nó kỳ kỳ vậy thôi, ổng đi bác sĩ gia đình thôi, mà ổng trước khi đi bác sĩ gia đình thì ổng cũng đợi nó quá thời ổng mới chịu đi vì ổng nghĩ mới đi khám định kỳ, đi chụp tùm lum, thử đàm, phân, máu, nước tiểu tùm lum hết thì bây giờ làm gì có bệnh. Bây giờ nghe kỳ kỳ, chắc cũng tại ăn uống, tại thời tiết bậy bạ, ổng nghĩ vậy đó. Ổng không ngờ, ổng không ngờ. Tới lúc mà ổng nghe nó kỳ quá đi mới đem đi bệnh viện thì coi như là đã quá muộn màng. Nhớ nhe, cho nên nó ngộ lắm.

Giữ thành trăm năm không có giặc, mà quên gác một đêm, giặc liền đến. Cái chánh niệm nó lớn chuyện như vậy đó quí vị, lơ đễnh là chết liền.

Sư Giác Nguyên giảng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét