Thứ Ba, 6 tháng 4, 2021

Dục & Xúc

 


Bài kinh này tôi giảng mấy ngày trời vì bài kinh này quá sâu.

KTC 6. 9. Một Pháp Môn Quyết Trạch
Này các Tỷ-kheo, thế nào là các dục duyên khởi? Xúc, này các Tỷ-kheo, là các dục duyên khởi. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các dục sai biệt? Này các Tỷ-kheo, dục trên các sắc là khác, dục trên các tiếng là khác, dục trên các hương là khác, dục trên các vị là khác, dục trên các xúc là khác. Này các Tỷ-kheo, đây là các dục sai biệt.

AN 6. 9. Nibbedhikasuttaṃ
Katamo ca, bhikkhave, kāmānaṃ nidānasambhavo? Phasso, bhikkhave, kāmānaṃ nidānasambhavo. Katamā ca, bhikkhave, kāmānaṃ vemattatā? Añño, bhikkhave, kāmo rūpesu, añño kāmo saddesu, añño kāmo gandhesu, añño kāmo rasesu, añño kāmo phoṭṭhabbesu. Ayaṃ vuccati, bhikkhave, kāmānaṃ vemattatā.

Dục, Thọ, Tưởng, Lậu, Nghiệp, Khổ. Tổng cộng là sáu đề tài. Mà mỗi đề tài phải được biết qua sáu khía cạnh.

Ví dụ như nói đến Dục, thì chuyện đầu tiên mình phải biết Dục là cái gì. Thứ hai là con đường nào dẫn đến các Dục. Thứ ba chúng ta phải biết rằng Dục nó có nhiều thứ sai biệt, khác nhau. Thứ tư chúng ta phải biết rằng chính những cái Dục đã đưa đến quả báo nào. Cái thứ năm chúng ta phải biết rằng hễ Dục biến mất chính là Khổ biến mất. Cái thứ sáu chúng ta phải biết rằng con đường dẫn đến chấm dứt tất cả mọi ước muốn đó là Bát Chánh Đạo.

Thứ nhất là Dục. Đầu tiên mình phải biết Dục là cái gì. Có đủ thứ dục, rất nhiều thứ Dục, tùy mỗi người chúng ta thích cái gì. Chính vì cái trình độ dẫn đến thái độ, do tiền nghiệp, khuynh hướng tâm lý, và môi trường sống mà nó dẫn đến chuyện chúng ta thích cái gì và ghét cái gì. Đầu tiên chúng ta phải biết các Dục. Thứ hai là dục duyên khởi, nghĩa là Xúc.

Xúc rất là quan trọng. Bởi vì xúc là do sáu căn tiếp xúc sáu trần. Nói một cách khác, do sự gặp gỡ, sự hội ngộ, sự tương phùng giữa căn và trần nó mới tạo ra các Dục. Đức Phật và các Bậc Thánh nói chung người ta cũng có Xúc, cũng có sáu căn, sáu trần, nhưng Xúc của họ không giống như mình. Cách tiếp xúc của người ta là một người có niệm có tuệ. Còn cách tiếp xúc của mình chỉ có Tham Sân Si Ái Mạn Kiến Nghi thôi. Nên nhớ chỗ đó. Bản thân Xúc không có tội. Nhưng có trường hợp Ngài nhắc đến Xúc để ngài lưu ý mình một điều: Nhiều khi vấn đề tệ hại nhất lại được khởi đi từ cái mấu chốt không có gì đáng nói.

Thí dụ như ban đêm trước khi mình ngủ mình nghe người lớn nhắc coi chừng cửa nẻo nghe. Thật ra cái cửa mà mình quên cài chốt, cái chuyện quên cài chốt không có chết người. Hoặc là coi chừng củi lửa nghe. Thật ra một đám lửa, đóm lửa đầu tiên được thắp trong bếp hoặc trên bàn thờ, hoặc chốt cửa mình quên gài, ba cái này không có cái nào gây chết người. Tôi hứa như vậy, tôi bảo đảm như vậy, nó không gây chết người. Nhưng vấn đề là ở đằng sau nó, đằng sau chốt cửa không được cài, đằng sau đóm lửa trong bếp không được để ý, đằng sau cái đóm lửa nến trên bàn thờ, trong gian nhà thờ không được để ý, từ đằng sau cái mà không đáng chi nó dẫn đến bao nhiêu cớ sự can tràng.

Thì ở đây chữ Xúc, bản thân Xúc không có cái gì hết. Nó chỉ là chỗ gặp mặt của sáu căn với sáu trần thôi. Thánh hay phàm đều có sáu căn sáu trần hết. Nhưng vấn đề là Ngài lưu ý cho mình một chuyện rất là quan trọng. Hãy nhớ rằng ngay cái chỗ không có gì mà bất cẩn thì chết người như chơi. Nhớ chỗ này, chỗ này rất là đặc biệt. Có nhiều khi ngài nói thẳng vô phiền não: đây là gốc khổ, đây là tham, đây là sân, đây là si, ái, mạn, kiến, nghi, có chỗ ngài nói như vậy. Nhưng có chỗ ngài không nói ngay cái điểm nguy hiểm mà ngài nói cho mình thấy một chuyện rất là nhẹ nhàng. Chỗ này không nguy hiểm nhưng mà con bất cẩn là con chết, chết ngay chỗ này. Như hồi nãy tôi nói cái chốt cửa mà không được gài. Có biết bao nhiêu người ngủ mà không gài cửa? Điều đó có nghĩa là cái chốt cửa không được gài không đủ để cho mình chết mà cái vấn đề là đằng sau cái chốt cửa không được gài cẩn thận ấy, đằng sau cái đóm lửa được nhen lên từ nhà bếp ấy, đằng sau ngọn nến được thắp lên trong gian thờ ấy, nó lại là tiền đề, là cớ sự để khởi lên vô vàn hệ lụy ngay sau đó. Nhớ chỗ đó.

Cho nên đầu tiên phải lưu ý. Chúng ta luôn luôn sống lẫn lộn, sống chung với lũ, luôn luôn sống với ý tưởng ước muốn này nọ. Việc đầu tiên phải biết sự có mặt của các ước muốn.

Thứ hai là phải biết rõ những ước muốn đó từ đâu nó đi ra? Từ Xúc, chính từ cái Xúc.

Tôi nhắc lại để bà con khỏi quên: Toàn bộ cái chuyện bà con giữ giới, giữ giới Bát quan hay vô thiền viện ngồi thiền toàn chỉ là để giải quyết cái chữ Xúc thôi. Tại sao mà bà con không tiếp tục ở nhà? Tại vì các vị không muốn có những cuộc hội ngộ với sáu trần mà có khả năng phương hại cho tâm tư của mình. Chứ tu đâu chẳng được? Tu tâm chứ đâu phải mình tu tướng, tu hình, tu dáng, tu vẽ đâu. Tu là tu Tâm. Nhưng tại sao anh phải giữ Bát Quan? Vì chính từng cái giới Bát Quan nó ngăn anh. Nó là những bờ đê, bờ chắn, ngăn anh, hạn chế anh tiếp xúc với những trần cảnh mà có khả năng phương hại cho nội tâm của anh. Đó là tu Xúc đó, thưa quý vị. Tại sao mình không ở nhà mình tu thiền mà phải khổ cực mình chạy lên thiền viện làm cái gì? Vì trong bối cảnh, trong điều kiện của thiền viện chúng ta có thể kiểm soát cảm xúc của mình tốt hơn. Nhớ nhe, quan trọng lắm. Tại sao mình phải đi tụng kinh, tại sao mình phải nghe pháp, tại sao mình phải gần gũi bạn lành, tăng ni hành giả, tại sao? Là vì qua những cuộc gặp gỡ đó sáu xúc chúng ta được kiểm soát, được quan sát.

Việc đầu tiên mình học về Dục là biết rõ Dục là gì. Biết rõ con đường dẫn đến Dục ở đây chính là Xúc. Và biết rõ các Dục sai biệt.

Ở đây Ngài nói căn cơ sở tánh của nhiều người đều không giống nhau, mỗi người không giống nhau, mỗi người thích một kiểu, và thích kiểu nào. Ngay trong số những người thích, cách nhìn đã có trăm ngàn kiểu cách nhìn. Trong số những người thích nghe, có trăm ngàn kiểu thích nghe. Mình nói mấy ông đó thích nghe nhạc. Ông A, Ông B thích nghe nhạc. Loại nhạc ông A, ông B nghe không giống nhau. Cho dù thích cùng một loại nhạc, cùng một bài nhạc mà ca sĩ họ thích cũng không giống nhau. Chưa hết, cái goût hòa âm phối khí của mỗi ông không giống nhau. Có ông thích mộc mạc đơn giản, có ông thích cầu kỳ đầy đủ ổng mới chịu nghe. Cho nên ngay trong cái hình ảnh, cái âm thanh mình thích đã không giống nhau rồi. Đó gọi là Dục sai biệt (kāmānaṃ vemattatā).

Trích bài giảng KTC.6.63. Pháp Môn Quyết Trạch
Kalama xin tri ân bạn ghi chanvinghiem chép

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét