Bài kinh này nó gồm có 6 phần, ở đây cái vị tỳ kheo không có cách chi, không có tài nào thành tựu các đạo nghiệp nếu mà không có 6 khả năng này. Đầu tiên là khả năng biết rõ những gì ta đang sống cùng, đang hoạt động, và những cái đó nó có đẩy cho ta bị lui sụt hay không.
Phải ghi nhớ:
- biết rõ cái gì có thể đi xuống, thụt lùi.
- biết rõ cái gì có thể dậm chân tại chỗ.
- biết rõ cái gì hay cách nào để giúp mình vươn lên cao hay tiến xa về phía trước.
- biết rõ làm cách nào để mọi đạo nghiệp có thể trở thành đạo giải thoát, cái phần thể nhập. Phần này hơi khó.
Trong quý vị đây thế nào cũng có người họ thắc mắc "Ủa. Thiện là số một rồi tại sao phải ngoi ra?" Dạ thưa, nó như thế này, chúng sanh có 3 hạng:
- không biết thiện ác là gì hết, chỉ biết chạy theo cái thích và biết trốn cái ghét thôi.
- là biết làm lành lánh dữ nhưng họ lại thỏa mãn, họ lại tâm đắc với cái đạo hạnh của mình, họ lại tâm đắc thỏa mãn với cái quả báu nhân thiên.
- là họ chán cái ác đã đành rồi, nhưng mà đối với cái thiện họ cũng biết rằng đây là cái nhân sanh tử. Bởi vì cái thiện nó có 2 loại, một cái thiện chỉ nhắm tới cái quả báu nhân thiên, rồi cái thiện thứ hai là nhắm tới cái quả vị giác ngộ. Thì cái hạng thứ 3 này là họ nhắm tới cái tinh thần đó đó. Họ chỉ làm thiện, lánh ác để nhắm đến một cứu cánh không còn thiện ác nữa. Cái đó nó mới khó!
Cái ở đây mình đang học là cái điều thứ tư này, biết cái gì "dự phần thể nhập" là vậy đó. Tức là biết làm sao mà dầu mình có tu bố thí, trì giới, có phục vụ, có nghe pháp, có tu chỉ, có tu quán gì đi nữa thì phải biến tất cả đạo nghiệp đó trở thành chất xúc tác để dẫn đến giác ngộ. Chứ còn không, đắc sơ thiền kẹt cứng trong sơ thiền, đắc nhị thiền kẹt cứng trong nhị thiền, có thần thông kẹt cứng trong thần thông, là tiêu!
Đọc kỹ bài Kinh Ví Dụ Lõi Cây của Trung bộ. Trong đó Ngài dạy có những người đi tìm lõi cây nhưng mà gặp bông hoa, cành lá đẹp quá quên mất cái mục đích đi tìm lõi cây. Cũng vậy, có những người đến với đạo giải thoát, buổi đầu cũng có tâm lý, cũng có lý tưởng ngon lành nhưng về lâu về dài được chút danh, được chút lợi, quên sạch lý tưởng ban đầu. Hoặc có người cũng theo đuổi lý tưởng giải thoát nhưng mà có được chút đỉnh kiến thức Phật Pháp, có một miếng thiền định, một miếng thần thông, một chút giới hạnh, rồi cho đó là tất cả, còn ngoài ra là rác, quên mất lý tưởng giải thoát ban đầu.
Cho nên ở đây vị tỳ kheo phải biết rõ trong đời sống của mình khi mình tu giới, tu định, tu tuệ thì phải biết rõ cái nào là cái con đường dẫn đến thụt lùi, thối đọa, cái nào mà có sự can thiệp của cái tà tư duy, cái nào mà có sự can thiệp của 5 triền cái, cái nào mà có sự can thiệp của 10 kiết sử, nói chung là phiền não cho nó dễ nhớ. Đó! Thì cái đạo nghiệp nào mà còn dính líu, còn dây dưa, còn mắc míu với phiền não thì cái đạo nghiệp đó sớm muộn cũng chỉ quẩn quanh trong cái chuyện thụt lùi mà thôi, nhớ cái đó.
Thứ hai là vị đó phải biết rõ cái nào, ở trong đây chữ dịch nghe rất là sang nhưng tối nghĩa "pháp này dự phần an trú". Ở đây, hāna-bhāgiyā có nghĩa là mình biết cái kiểu sống nào, kiểu hành động nào mà nó khiến cho mình bị thụt lùi, tức là thối đọa. Biết kiểu sống nào, biết kiểu hành động nào mà nó khiến cho mình dậm chân tại chỗ. Chữ thiti ở đây có nghĩa là đứng yên, dậm chân tại chỗ.
Như vậy phải cần tới cái thứ ba, là biết rõ cách nào để có thể vượt lên trên cao, tiến xa về phía trước. Nghĩa là sao? Là biết chán cái thấp, biết chê cái cũ, biết hướng tới cái cao, biết nghĩ tới cái xa. Khi mình không chán được cái cũ, không thấy được cái gì là thấp, thì mình cả đời cứ đứng yên. Nhưng mà khi mình biết ngoài cái cũ, cái xưa giờ nó còn có cái hơn nữa, và khi biết có cái hơn nữa thì mình mới đi xa được. Khi biết có cái hơn nữa thì mình mới chán cái thấp để mà vươn lên cái cao. Còn nếu như không có được cái khả năng nhận thức đó, cứ dìm mình, gục mặt ở trong cái quả chứng hiện tại, thì dầu bất cứ cái thiện pháp, công đức, đạo nghiệp nào đi nữa mà chỉ biết đó là tất cả, cho đó là cao nhất, thì thua.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét