Thứ Năm, 15 tháng 4, 2021

Sống và Chết



Trong buổi giảng chiều nay tôi đề nghị quí vị hãy định nghĩa lại một số từ ngữ mà hồi đó tới giờ mình hiểu nhầm : Sống và Chết.

Hồi mình chưa biết đạo mình tưởng sống tức là còn hít thở, còn ăn uống còn co duỗi nhúc nhích, động đậy, sinh hoạt, thì đó gọi là sống. Còn chết tức là hết thở, cứng ngắt không còn co duỗi hoạt động nữa, thì gọi là chết.

Nhưng mà theo trong tinh thần Phật pháp là khác. Theo trong kinh Pháp Cú Đức Phật ngài dạy người sống mà không có thiện pháp là đã chết rồi. Trong kinh có giải thích tại sao người sống mà không có thiện pháp là đã chết như thế này: Chỉ có xác chết nó mới không biết đắn đo ưu tư, cân nhắc, còn cái người sống bất thiện tuy tay chân họ còn nhúc nhích nhưng họ giống xác chết một điểm là họ muốn nói gì họ nói không có cân nhắc, muốn làm gì thì làm họ không có cân nhắc, thì những cái người sống mà không có trí không có nhẫn, không có bi, không có niệm, không có tuệ như vậy đó được gọi là những xác chết chưa có chôn. Có nghĩa là mình nói năng hành động và suy tư không có khả năng tự chịu trách nhiệm thì cái người đó được gọi là chết rồi mà chưa có chôn. Và nói một cách khác trong kinh giải thích thêm là trong mỗi một giây phút trôi qua là chúng ta chết rất là nhiều lần.

Chết là sao ?

Có nghĩa là đời sống tinh thần và vật chất của mình nó luôn luôn ở trong tình trạng trở thành cái mới.

Chúng ta không phải là cái gì đó đứng yên, mà chúng ta luôn luôn hiện hữu tồn tại có mặt trong đời này theo cái cách của một dòng chảy trên sông. Có nghĩa rằng cách đây một phút chúng ta vui, bây giờ chúng ta có thể buồn, chúng ta có thể giận,cách đây một phút cơ thể chúng ta ở cái tình trạng khác, nhưng bây giờ ở tình trạng khác, vì sao vậy ? Vì nếu cơ thể chúng ta nó không có những thay đổi qua từng phút, thì làm gì trong lỗ tai mình có ráy tai, nếu mà cơ thể mình không thay đổi từng phút thì làm gì thỉnh thoảng mình đi vệ sinh một lần, nó phải thay đổi để nó làm việc chứ, nếu cơ thể chúng ta nó không làm việc nó không thay đổi, thì làm sao mà mồ hôi chúng ta lúc có lúc không. Cho nên tấm thân mỗi người là một nhà máy rất lớn, nó làm việc liên tục, và ở trong giáo lý A Tỳ Đàm nói rằng nó già đi từng phút. Đó là tấm thân sinh lý. Còn đời sống tâm lý nó còn khôn lường tiến triển mau hơn như vậy nữa. Nghĩa là lúc thiện, lúc ác, lúc buồn, lúc vui, lúc vui, lúc thiện, liên tục và liên tục như vậy.

Ở ngoài đời, lúc đầu chúng ta tưởng giá trị hôn nhân nó nằm ở tờ hôn thú, chiếc nhẫn cưới, có trường hợp nhẫn cưới còn đó, chưa kịp hủy tờ giá thú còn đó chưa kịp xé, hai đứa chưa kịp dắt nhau ra luật sư để mà ly dị, nhưng mà trong lòng hai người đã không còn có nhau nữa, đã bắt đầu đồng sàng dị mộng.

Cho nên ở trong đạo Phật chữ sống và chết hiểu khác đi nhiều lắm và chữ vui buồn cũng vậy và chữ được mất cũng vậy.

Trong Phật pháp có 2 cách sống thọ :

1- Là sống chậm

Một ngày chỉ có 24 tiếng đồng hồ thôi, mà sống trong tỉnh thức, sống trong chánh niệm, làm cái gì biết cái nấy. Biết mình đang vui, biết mình đang buồn, biết mình đang thiện biết mình đang ác, biết mìnhđang có lòng hại người, biết mình đang có lòng giúp người, sống như vậy là sống trọn vẹn với những giờ đồng hồ mà có trong ngày. Các vị còn nhớ người ta ăn cơm gạo lức muối mè, người ta ăn chậm, nhai từ từ, nhai cho nát cho bể, vỡ từng hạt cơm từng hạt mè, họ thưởng thức từng hạt cơm mè một cách trọn vẹn không bỏ sót cái nào hết. Người sống chánh niệm là người cảm nhận đời sống trọn vẹn nhất, và tôi nói không biết bao nhiêu lần, chỉ có người sống chánh niệm mới có hạnh phúc này, không có ai có thể nói cho người khác nghe được hết.

2- Sống lâu

Sống lâu trong đạo phật có nghĩa là sống hữu ích. Có nghĩa là sao ?

Có nghĩa là dầu mình sống đến 40 tuổi mình chết, nhưng mà khi mình đi rồi bóng dáng của mình vẫn còn đó.

Tôi chỉ ví dụ: những ai đã làm nên những con đường những chiếc cầu, những ai là những nhạc sĩ, những nhà thơ những nhà khoa học, triết gia, những văn sĩ, họ đã chết rồi, thậm chí họ sống không bao lâu nhưng mà cái họ để lại đóng góp cho nhân gian nó vẫn hoài có giá trị mà những đóng góp thì người đời không phủ nhận được, như vậy họ đi nhưng bóng dáng họ vẫn còn ở lại, người ta nói họ mất nhưng họ vẫn còn ở lại, thì người như vậy đó gọi là trường tại vĩnh cữu sống hoài không mất.

Biết bao nhiêu người, Khổng Tử, Lão Tử, Trang Tử ở những vùng đất xa xôi đối với người Việt nào, tuổi trẻ nào mà đọc sách đọc báo mà không biết những vị đó, những đóng góp đó đến bây giờ vẫn còn đó và ngạn ngữ Tây phương có một câu thế này: “Tôi suy tư, tức là tôi tồn tại“ nhưng mà theo tinh thần Phật giáo câu đó phải sửa lại một chút : “Tôi được nhớ tới có nghĩa là tôi tồn tại“.

Không biết đạo, mình cứ nghĩ là người ta còn thấy mặt tôi, tôi còn thấy mặt người ta là đang tồn tại, mình hiểu như vậy nó nghèo lắm, mà nó còn ghê hơn như vậy nữa. Có nghĩa là bao giờ tôi còn được nhớ đến nghĩa là tôi đang còn đó.

Bằng chứng là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, ngài tịch mất rồi, ngài đã ra đi cách đây đã hơn 25 thế kỷ, nhưng mà phải nói nếu hôm nay ai học đạo, ai hành đạo đúng thì bóng dáng của ngài vẫn sừng sững vẫn lừng lững vẫn chói loà trước mặt. Còn ai mà hiểu sai mà hành sai thì không có hình dung được bóng dáng của Đức Phật đẹp cỡ nào. Nói như vậy có nghĩa là Đức Phật vẫn tiếp tục sống hoài sống mãi trong tâm tưởng của những người biết tu biết học. Cho nên tôi mới vừa nói đó là “ Được nhớ tới có nghĩa là tôi tồn tại“.

Toại Khanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét