Nếu chúng ta nhen lửa sai cách thì dầu cho chúng ta có thiết tha cỡ nào đi nữa nó cũng không cháy. Trong khi nếu chúng ta nhen lửa một cách hờ hửng không màn gì tới kết quả nhưng có điều chúng ta làm đúng cách thì tự nhiên lửa nó lên.
Chuyện tu hành cũng vậy. Khi chúng ta tận dụng, chúng ta huy động, phát huy đúng mức các nguồn đạo lực thì kết quả tu hành không phải là chuyện khó. Mà các nguồn đạo lực ấy là cái gì? Thưa bà con, đó chính là 7 Sức mạnh mình sắp nghe đây. Tôi đánh một cái vòng xa thật là xa để các vị thấy rằng, dầu muốn dầu không, khi ta làm đúng phương pháp thì chắc chắn có được lợi ích.
Các vị thấy trước khi nền khoa học hiện đại phát triển thì có cái thời kỳ nào mà trên hành tinh này không có gió, có cái thời kỳ nào trên hành tinh này không có nước, có cái thời kỳ nào trên hành tinh này lại không có nắng. Nắng, nước và gió thời kỳ nào cũng có hết. Nhưng phải đợi tới một khả năng, một trình độ khoa học đủ dùng thì người ta mới có thể tận dụng được các nguồn năng lượng ấy trong thiên nhiên mà xưa giờ tổ tiên loài người không biết dùng đến. Đó là sức mạnh của nước, của gió và năng lượng mặt trời.
Ở đây cũng vậy, trong vô số kiếp luân hồi cái thành phần chính, yếu tố chính, thành tố cấu tạo nên vũ trụ này chính là chúng sinh. Thành tố ấy gồm có Danh và Sắc:
Sắc pháp hay vật chất gồm có 4 đại là đất, nước, lửa, gió cộng với 24 thành tố vật chất đi ra từ 4 đại.
Nói về Danh hay tinh thần gồm có 2 công thức cấu tạo như sau:
- 1 Tâm thức chỉ là cái Biết không thiện không ác + 13 Tâm sở trung tính + 14 Yếu tố tâm lý tiêu cực (tham, sân, si, ái, mạn, kiến, nghi, vô tàm, vô úy, ích kỷ, nhỏ mọn, toan tính, tỵ hiềm v v...) thành ra Tâm bất thiện, tâm xấu.
- 1 Tâm thức + 13 + 25 Thành tố tâm lý tích cực (tín, tấn, niệm, định, tuệ, từ bi, hỷ xả, bao dung, thương yêu, độ lượng, cảm thông, liêm sĩ, tàm, úy v v...) thành ra Tâm thiện, tâm lành.
Như vậy thành tố cấu tạo nên vũ trụ này chính là chúng sinh, chúng sinh là yếu tố căn bản tạo nên vũ trụ, mà nói tới chúng sinh thì gồm có Danh (tinh thần) và Sắc (vật chất).
Vật chất là vô tri, vô giác thôi để qua một bên.
Do hạnh nghiệp thiện ác của mình mà có những kiếp mình sanh ra trong một thế giới có vật chất, có một lúc thì chúng ta sanh ra trong một thế giới không có vật chất, thậm chí vì hạnh nghiệp mà chúng ta có khi sanh ra trong một thế giới không có tâm thức giống như con búp bê vậy đó, nhưng mà phải còn lại 1 trong 2 là Danh và Sắc.
Có lúc chúng ta sanh ra trong một cảnh giới không có tâm thức giống như con búp bê vậy đó nhưng thời gian tối đa chỉ có 500 đại kiếp trái đất.
Rồi có kiếp chúng ta tu tập thiền định vô sắc chúng ta sanh về cõi vô sắc cao nhất là cõi phi tưởng phi phi tưởng trên đó chúng ta không có hình danh sắc tướng vật chất mà chỉ có tâm thức thôi và tuổi thọ cõi vô sắc lâu nhất là tuổi thọ của 84 ngàn trái đất.
Tuổi thọ của một trái đất là nhiều tỷ năm. Tiếng Sankrit gọi một trái đất là (?) có nghĩa là một ngày của Phạm thiên. Thì dầu sao đi nữa hễ còn có mặt trong dòng sanh tử này thì chúng ta phải quẩn quanh trong các cõi như vậy.
Hễ phàm phu thì có đủ thiện và ác. Quí vị thấy đó. Cái thiện luôn luôn ít hơn cái ác. Là sao? Có nghĩa là khuynh hướng tâm lý của đa phần chúng sinh không có thích thiện. Đặc biệt chỗ này: Người không tu hành thích hưởng quả lành nhưng không thích gieo nhân lành. Còn người tu hành ngon lành thì thích gieo nhân lành nhưng không lụy trong quả lành.
Quả lành là gì? Là đẹp trai, con nhà giàu, học giỏi, có được tiếng tăm, quyền lực, tình cảm, v.v …
Nhân lành là gì? Là bố thí, trì giới, phục vụ, trí tuệ, thiền định, v.v …
Thì người không học đạo họ khoái Quả lành nhưng không thích Nhân lành, đối với người xấu tạo Nhân lành không có vui, hưởng Quả lành mới sướng, ai cũng thích hái trái chứ đâu có chịu siêng canh tác bao giờ!
Nhưng đối với người hiền trí thì ngược lại. Họ chỉ được vui khi họ sống lành, sống thiện thôi. Nhưng khi Quả lành Quả thiện nó trổ đến thì họ lại không có lấy đó làm niềm vui, làm sự hứng thú. Thí dụ như họ coi tiền như rác, họ coi điều kiện tiện nghi chẳng là gì hết, họ chỉ cầu được một chỗ vắng, chỗ yên, chỗ sạch để họ ngồi họ hít vào thở ra trong sự tỉnh thức và họ sung sướng lắm rồi. Khi đói họ kiếm cái gì đó họ nhai nhẹ nhẹ họ nuốt cái ực là xong, khát nước thì uống, bệnh hoạn cần thiết lắm thì làm một, hai viên rồi thôi. Đối với người tu hành hiểu đạo thì cái chuyện tiện nghi sung sướng nó chỉ làm mất thời gian, là cái họa nhiều hơn phúc. Họ thích làm người có tu hành, thích gieo Nhân lành nhưng không đam mê trong Quả lành.
Còn người không có tu hành không học đạo thì thích hưởng Quả lành nhưng lười tạo Nhân lành. Và hễ lười tạo Nhân lành thì đương nhiên, tức nhiên, mặc nhiên, cố nhiên là siêng tạo Nhân xấu. Không ai trong đời sống này mà không có lành, không có ác. Không thể có. Phải chọn một trong hai. Khi mà lười làm lành thì dứt khoát người này siêng làm bậy, mà người lười làm bậy thì đương nhiên phải siêng làm lành, làm thiện. Đó là cái luật.
Đừng có nói với tôi là: "Bây giờ tôi muốn nằm yên không làm gì hết. Ông nói sai bét. Tôi không có đâm cha chém chú, câu cá săn bắn, tôi cũng không thích đi chùa tụng kinh ngồi thiền, bố thí trì giới. Vậy ông nói sai rồi. Trong đời này có cái hạng không thích làm thiện, không thích làm ác, cái nào cũng lười hết." Dạ tôi xin thưa, cái hạng đó nếu có, cỡ mình chưa có đủ tư cách để mà nhắc tới tên người ta chứ đừng có nói mà giống người ta. Đó là vị A la hán. Họ không có còn thiện ác nhưng nhiều người nghe như vậy tưởng lầm tưởng là Ngài lười. Không phải. Ngài không còn đủ điều kiện Vô minh để đầu tư thiện ác chứ không phải là Ngài sống thiếu lửa, thiếu năng lượng. Ngài sống rất là nhiều lửa, rất là nhiều năng lượng, nhưng lửa và năng lượng ấy là những hạnh lành trong đời sống thường nhật. Ngài tinh tấn thiền định chỉ vì không còn cách sống nào khác. Khi nhìn về chúng sinh Ngài luôn luôn có lòng yêu thương bi mẫn. Vì sao? Vì Ngài không còn cách nào để nghĩ về chúng sanh ngoài ra tâm từ bi và cảm thông, tha thứ. Ngài hết cách rồi. Vị A la hán sống thiện chỉ vì hết cách nên phải sống thiện, chứ ác làm sao sống? Và chính vì hết cách nên mới sống thiện và vì vậy cái thiện của các Ngài không phải là cái thiện đầu tư như mình.
Mình là cho ra miếng cơm là cầu kiếp sau làm chủ cái vựa lúa, cúng có nải chuối là kiếp sau là chủ cái đồn điền, phàm phu của mình như vậy. Còn bậc thánh thì các Ngài có đắc thiền, thần thông, có đi hoằng pháp, Ngài có giúp ai đi nữa thì các Ngài chớ hề cầu một mảy may quả báu vui sướng cho đời sau kiếp khác, bởi vì các Ngài không còn đủ điều kiện tâm lý.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét