Trong kinh có cái giai thoại này. Ngày kia có hai vị Tỳ kheo ngồi nói chuyện với nhau, một vị thì nói rằng tội lỗi trầm luân là do mắt, tai, mũi, lưỡi, mà ra, do sáu căn mà ra. Một vị thì nói tội khổ trầm luân là do sáu trần sắc, thanh, hương, vị, mà ra. Hai vị đó đều là phàm tăng.
Có một vị cư sĩ thánh nhân đắc quả Thánh tình cờ nghe được vị đó mới xin góp ý: "Thưa ngài, mắt tai mũi lưỡi không có tội, sắc thanh khí vị xúc, những gì ta nghe thấy nếm ngửi đụng cũng không có tội. Cái tội ở chỗ chính là chúng ta khi mắt thấy tai nghe mà ta đem lòng đam mê, tội khổ trầm luân. Giống như con bò trắng rất là riêng biệt, con bò đen rất là riêng biệt. Sở dĩ hai con bò này dính chùm với nhau là vì nó bị kết nối bằng một sợi dây thưa hai vị".
Câu chuyện này na ná bên Thiền Tông Bắc truyền có câu chuyện ngày kia Tổ Huệ Năng trong thuở cơ hàn vô danh, nghe hai vị tăng nói chuyện với nhau, Một vị nói lá cờ lá phướng phất phơ, vị kia nói do gió thổi phất phơ. Ngài Huệ Năng nói: "không phải phướng động hay gió động mà tâm các vị động. Các vị thấy nó động là nó động."
Thì ở đây mình thấy bài kinh này ở trên nói về xúc ở dưới nói về ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai. Quá khứ đã đi qua hãy để nó trôi vào dĩ vãng, tương lai nó chưa đến hãy để tương lai ngủ yên, đừng quấy động tương lai. Hãy sống hết mình với hiện tại, nghĩa là sống chánh niệm. Tôi nói thiệt với bà con, khi bà con là một hành giả rốt ráo, bà con sẽ thấy chúng ta không có nhiều thời giờ để tưởng tiếc quá khứ, chúng ta không dư thời gian để hoài vọng tương lai. Chúng ta chỉ làm việc với hiện tại đã bở hơi tai rồi quý vị. Chúng ta chỉ ghi nhận hơi thở vào ra, ghi nhận cảm giác buồn vui, dễ chịu khó chịu, ghi nhận tâm thiện, tâm ác, ghi nhận mình đang muốn gì, mình đang bực mình với cái gì, mình đang đi đứng nằm ngồi, mình đang ăn uống, nhai nuốt, tắm rửa, co tay, duỗi tay, mình đang mặc áo, mặc quần, tắm rửa, tiểu tiện, chỉ sống chánh niệm là mình đã hết thời gian rồi. Mình không có nhiều thời gian để tưởng tiếc quá khứ hay hoài vọng tương lai đâu quý vị.
Nhưng chính vì kẻ phàm phu không có tu tập, không có học hỏi giáo pháp, không có hiểu được cái đó, cho nên chúng ta làm mất cái hiện tại, bằng cách là đợi nó thành quá khứ rồi mới quan tâm, hoặc là quan tâm quá sớm khi nó chưa đến. Cứ nghĩ nhiều về tương lai và tiếc nuối quá khứ. Một đời chúng ta là một đời lầm lỡ, một đời lỡ làng, một đời dỡ dang. Cái hiện tại để nó trôi đi, qua rồi thì tưởng tiếc, mà chuyện này xảy ra nhiều lắm quý vị. Khi chúng ta có nhau, chúng ta coi thường nhau, chà đạp nhau, xúc xiểm, báng bổ, chúng ta làm tổn thương nhau, xúc phạm nhau. Khi mất nhau rồi chúng ta mới tiếc thương nhau, thì khi đó hình như đã muộn.
Có bao nhiêu người con biết quý mẹ, biết quý cha, biết quý ông bà, khi mà các bậc trưởng thượng ấy còn sống? Đợi họ khuất núi rồi mới bắt đầu thấy tiếc: Tại sao bữa đó không chịu khó đi chuyến tàu trễ hơn về để gặp? Tại sao buổi đó sợ trời tối? Tại sao hôm đó sợ tuyết rơi? Tại sao hôm đó giận chi câu nói của mẹ? Tại sao buồn phiền chi lời nói của cha mà không về thăm? Để rồi bây giờ họ đã về đất. Bây giờ có ra mộ nằm đó mà khóc ba ngày đêm thì có được gì đâu. Tại sao ngày xưa ngoại còn mình không thương ngoại? Tại sao ngày xưa chị còn, anh còn, em gái mình còn mình không thương? Để bây giờ mình thương nhớ khi đã mất họ. Tại sao ngày xưa mình nói chi câu nói đó? Tại sao ngày xưa mình nghĩ bậy về nhau như vậy? Tại sao ngày xưa mình có hành động kỳ cục như vậy?
Chúng ta toàn là sống như vậy không thưa quý vị. Đa phần chúng ta dành phần lớn thời gian cho chuyện cũ, tiếp theo chúng ta dành thời gian cho trù hoặc toan tính cho tương lai. Không có ai mà sống hết mình cho hiện tại. Trong khi đó chúng ta biết rằng thời gian để mình sống chỉ là những gì đang diễn ra trước mắt, và khoảng thời gian ấy chỉ là từng tích tắc, tích tắc. Các vị nhớ cái này mới thấy run, ở đây trong đây phân tích rất là rõ, tương lai là cái gì đó rất riêng, hiện tại là cái gì đó rất riêng và quá khứ là cái gì đó rất riêng. Những gì ta thấy rất là riêng...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét