Đoạn 17 Phẩm Phi Pháp có câu "Phóng dật, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp bị lu mờ và biến mất."
KTC I: "Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỷ-kheo, khiến diệu pháp bị lu mờ, biến mất như vậy, này các Tỷ-kheo, như phóng dật. Phóng dật, này các Tỷ-kheo, đưa đến diệu pháp bị lu mờ và biến mất."AN I: “Nāhaṃ, bhikkhave, aññaṃ ekadhammampi samanupassāmi yo evaṃ saddhammassa sammosāya antaradhānāya saṃvattati yathayidaṃ, bhikkhave, pamādo. Pamādo, bhikkhave, saddhammassa sammosāya antaradhānāya saṃvattatī”
Trong Chú giải nói có 5 cái biến mất:
- adhigamaantaradhanam: sự biến mất của việc chứng Đạo.
- patipattiantaradhanam: sự biến mất của công phu Chỉ Quán.
- pariyattiantaradhanam: sự biến mất của việc học hỏi Giáo lý-Pháp học.
- lingaantaradhanam: sự biến mất của Tăng tướng.
- dhatuantaradhanam: sự biến mất của Xá lợi.
Giáo Pháp gọi là Mạt pháp đi từng bước. Bước một là adhigamaantaradhanam nghĩa là buổi đầu tiên khi Đức Thế Tôn mới vừa viên tịch, thì chư Tăng đắc lục thông, tam thiền, tứ thiền, tứ tuệ vô ngại, ... vẫn còn. Nhưng dần dần mất việc chứng đắc gọi là thần thông thiền định, Đạo Quả, mà nhường lại cho việc hành trì suông thôi. Nghĩa là chư Tăng đa phần đi tu xong rồi đều kéo nhau vô rừng núi để thiền định. Có đắc gì đó cũng không bằng ngày xưa. Nhưng hình ảnh một ông Sư ngồi dưới gốc cây, hang động, mắt lim dim lim dim thì rất là phổ biến.
Rồi sẽ có một ngày cái hình ảnh đa phần Tăng chúng thiền định độc cư, tu tập chỉ quán mất dần. Còn lại là hình bóng của những ông Sư, chạy đôn chạy đáo, ngồi miệt mài trong các giảng đường, trong lớp học, trong thư viện, trở thành những vị học giả có bằng cấp. Giai đoạn đó là giai đoạn thứ ba.
Giai đoạn 1 là mất đắc chứng, giai đoạn thứ 2 là mất công phu hành trì, giai đoạn 3 là chỉ còn những học giả, còn lại những vị học giỏi thôi.
Nhưng mà dần dần cái này cũng mất luôn! Còn lại tiếp theo giai đoạn thảm thương gọi là lingaantaradhanam nghĩa là đắc thì không đắc, rồi hành cũng không hành, mà học cũng không thèm học, nhưng còn được Tam Y Quả Bát.
Rồi dần dần Tam Y Quả Bát mất luôn. Bởi vì họ thấy rằng cái bình bát cực kỳ bất tiện. Ngày xưa chư Tăng theo Nguyên Thủy người ta chỉ ăn một ngày một bữa, mọi thứ trong bình bát là đủ xoay sở cho một ngày. Nhưng dần dần khi chư Tăng không còn Nguyên Thủy nữa, thì cái nhận được trong bình bát không có đủ, đâu còn đâu hết. Cho nên hôm nay xảy ra cái hiện tượng gọi là đi bát mà có đệ tử đi theo cầm cái bao. Bát đầy thì tuôn ra bao, rồi tiếp tục đi nữa. Cứ hễ bát đầy là tuôn ra bao. Cái đó không riêng gì Việt Nam mà bên Thái Lan cũng vậy. Bên Thái Lan một ông Sư đi bát nuôi một chục người. Chuyện đó bình thường nhưng đó là dấu hiệu của mạt pháp. Chứ còn Nguyên Thủy thì đi chỉ một bát một. Nó ghét nó quất cho một trái dừa là cũng về cạp dừa, chứ không có xoay sở gì được hết. Còn bây giờ không ngán. Nó để cái gì cũng không sợ hết. Nó để dưa hấu thì lấy trái dưa hấu liệng ra, nó liệng trái dừa khô, là móc trái dừa khô liệng ra. Nó cúng cái gì cúng kệ nó. Mình có nguyên một cái bị to đùng mà ngán ai! Từ từ các vị thấy bát bất tiện quá các vị mới sử dụng cái vật khác. Thí dụ như từ từ họ sẽ đi bát bằng xe kéo. Sư đi đằng trước có đệ tử bỏ vô xe kéo đằng sau. Chuyện này có thiệt bên Thái rồi! Rồi từ từ trong Kinh nói đến một lúc vị Tỳ-kheo sẽ còn đi bát bằng cái đòn gánh cho nó nhiều, đồ nào chín thì đựng đằng trước, đồ nào sống cần nấu nướng thì đựng đằng sau. Rồi từ từ chỗ nào nhiều quá thì gánh thêm gánh là 2 gánh về ăn cả làng luôn!
Và cuối cùng tới giai đoạn gọi là dhatuantaradhanam nghĩa là cả Xá lợi của Thế Tôn ở chân trời góc biển nào từ trên cõi Phạm thiên xuống tới cõi Long cung, tất thảy đều tập trung về Bồ đề Đạo tràng và hoá hiện ra một vị Phật có đầy đủ hảo tướng, hào quang chói lòa, thuyết giảng trong vòng 7 ngày 7 đêm cho chư Thiên mười ngàn vũ trụ về nghe. Và chư thiên nói với nhau rằng "Hôm nay mới đúng là ngày cuối cùng. Và chúng ta không còn gặp được Thế Tôn nữa!" Sau khi bức tượng đó thuyết giảng đúng 7 ngày 7 đêm, thì tự nhiên phát hỏa và tiêu tan - tuyệt đối hoàn toàn, không còn dư sót mảy may tí ti gì nữa hết! Kể từ đó coi như lịch sử 5000 năm của Phật giáo chính thức chấm hết. Không còn phẩy, không còn xuống hàng!
Đó được gọi là 5 sự biến mất của Diệu Pháp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét