Chữ Tầm ở đây tiếng Pali là Vitakkā, nó có một từ đồng nghĩa là Sankappa, có nghĩa là Tư duy. Mà chữ Tư duy ở đây mình không thể hiểu theo cái nghĩa là chánh tư duy, tà tư duy; Tư duy ở đây ám chỉ cho một tâm thức mà có gắn liền với Ngã mạn hay không.
Tôi ôn lại: Thành tựu được mấy cái này mình mới trở thành vị A la hán số 1 được.
- thường xuyên phát hiện coi có phải mình đang sống trong cơn làm biếng hay không?
- có phải mình đang cơn buồn ngủ, đang buông xuôi, bệnh hoạn tâm thức hay không?
- có phải mình đang sống tán loạn, phóng tâm, thất niệm, thiếu định hay không?
- mình đang sống với niềm đam mê nào, trong đây gọi là quan sát Thọ.
- mình để ý coi mình đang sống với cái Tưởng nào, quan điểm nhận thức như thế nào?
- là biết rõ mình đang sống trong cái Tư duy nào? Tư duy ở đây ám chỉ cho cái tâm thức có Ngã mạn hay không có Ngã mạn?
Các vị cần biết rằng tất cả chúng sanh phàm phu đều sống với cái tâm thức Ngã mạn; ít nhiều, sâu cạn, đậm nhạt, nguy hiểm hay không nguy hiểm. Là sao? Ai cũng sống trong tâm thức so sánh, gọi là Ngã mạn.
Chữ Ngã mạn nó hay lắm. Nó từ chữ Māna trong Tiếng Phạn. Mà cái ngữ căn, "verb root" của nó là Mān có nghĩa là cân, đong, đo, đếm. Từ đó mới ra chữ danh từ là Māna là Ngã mạn, lúc bấy giờ nó lại có thêm cái nghĩa nữa là so sánh. Mà đúng vậy, cái cân đong đo đếm để làm chi? Để so sánh, coi cái này nó nặng bao nhiêu, nó nhẹ bao nhiêu? Chữ Mạn trong tiếng Tàu, thật ra là họ tạo âm ra từ chữ Māna.
Trong đây thế nào cũng có người ngạc nhiên hỏi: "Ủa lạ vậy ta. Chữ Māna là Tiếng Phạn bên Ấn Độ, còn Tiếng Tàu bên Trung Quốc tại sao có thể tương quan được? Đâu có cùng cái nhóm ngôn ngữ, linguistic family, mà tại sao nó giống?" Đơn giản thôi. Có 2 triệu từ ngữ Tiếng Hán được bổ xung vào ngôn ngữ của Trung Quốc ngay sau khi Ngài Huyền Trang gác bút ngàn thu năm 64 tuổi không dịch kinh nữa. Từ các bản dịch của Ngài Huyền Trang mà Tiếng Tàu phong phú kinh khủng. Có nhiều từ ngữ mà hôm nay người Tàu không có đọc sách, không phải Phật tử họ không có ngờ được là những chữ đó là từ kinh Phật mà ra. Thí dụ như trái mít họ kêu là "Ba la mật" (波羅蜜), hoa lài kêu là "hoa mạt lợi" (hay mạt lỵ hoa 茉莉花). Chữ "sám hối" là từ chữ Sam trong Sankrit, trong Pali là Kama, Tiếng Tàu là Sám. “Sám tiền khiên hối hậu quá” Có nghĩa là hối hận ray rức cái chuyện cũ để không phạm cái chuyện sau, không tái phạm nữa. Nó đặc biệt như vậy.
Māna là Mạn. Hành giả phải luôn để ý xem mình đang sống với cái loại Tư duy nào ở đây? Chỗ khác nói 3 thứ Tà tư duy (Dục, Sân, Hại) và Chánh tư duy. Nhưng Tư duy ở đây lại chỉ cho cái tâm thức có hay không có Ngã mạn. Là sao? Tất cả phàm phu đều luôn luôn sống trong sự phân biệt, so sánh hơn, bằng, thua.
Bởi vì một người tu hành hiểu đạo thì mình không có lý do gì để mà có 3 cái này. Mình không có lý do gì để mình thấy mình ngon lành hơn người khác. Mình cũng không có lý do gì để mà phải nói cái câu “Nó hơn gì tôi, tôi đâu có ngán nó”. Vì tất cả chỉ là bọt nước, chỉ là mù sương, chỉ là một làn khói thôi, mà mình đi mình nghĩ vậy thì có cái gì tệ hơn? Chúng ta cũng không có lý do gì để tự ti. Lá me thì phải nhỏ hơn lá mít, lá mít thì phải nhỏ hơn lá bàng, lá bàng phải nhỏ hơn lá chuối; chuyện đó là đương nhiên như vậy, chuyện đó rất là bình thường. Chúng ta có quá nhiều chuyện để cho chúng ta bận tâm, để cho chúng ta mất thời gian đầu tư, để mà ra sức, để mà đổ mồ hôi, để mà dồn hết tâm tư. Chứ còn chúng ta không có thời gian để làm cái chuyện so sánh. So sánh không có lợi ích gì hết.
Ấy vậy mà toàn thể cái tâm thức nhân loại đã sinh trưởng trong lối mòn so sánh. Cứ hễ sanh ra là chúng ta có cái máu so sánh đó. Dầu một người nhà quê không biết chữ thì tối thiểu họ cũng có một chút nhẹ nhẹ. Thí dụ như mình đẹp trai hơn cái thằng Tèo kế bên, mình đắc đào hơn nó, mình đi giăng câu đánh lưới nhiều cá hơn nó, mình giỏi hơn nó, mình làm ruộng nhiều hơn nó, ruộng nhà mình rộng lớn hơn nó, cũng có cái Ngã mạn trong đó. Hoặc là mình mặc cảm khi minh nhìn sang nhà hàng xóm nó có máy hát, nó có ti vi, nó có ghe máy mà mình không có, là mình mặc cảm. “Muốn đi lấy vợ mà sợ nhiều miệng ăn”. Quan trọng lắm qúi vị.
Cái quan trọng nhất trong đời sống theo lời Phật dạy mình phải hiểu mình được cấu tạo như thế nào? Thế giới này được cấu tạo ra sao? Và muôn người thiên hạ cũng như vậy cũng như mình được cấu tạo như thế nào? Hiểu được như vậy mình không phải mất thời gian để làm chuyện so sánh. Vì mình thấy mình là cái gì đó quan trọng mình mới làm cái chuyện so sánh, qúi vị. Chứ mình thấy tất cả chỉ là đồ ráp thôi, có đó rồi mất đó.
Hôm qua tôi có nhận tấm ảnh chụp từ Việt Nam gởi sang, hình chụp một vị sư bạn biết nhau 40 năm cũng bằng tuổi tôi, biết nhau hồi còn 10, 12 tuổi. Vị sư đó cách đây một năm phốp pháp, dình dàng, rất lực lưỡng. Là sư huynh của thượng tọa Tuệ Quyền chùa Quảng Nghiêm. Bây giờ bị ung thư kỳ cuối thì mình không có tưởng tượng được. Một người coi như là sức vóc phải nói là lực lưỡng, ngày xưa 10 bây giờ còn chừng 1, 2 thôi. Nhỏ thó, co rút, xương xẩu và kiệt sức, bỏ ăn. Bây giờ là chỉ có ráng uống cái gì đó vào để chờ chết thôi. Chúng ta không có một cái gì để chúng ta tin được cái cuộc đời này hết, và chỉ có 1 năm thôi.
Một năm trước khi thượng tọa Thiện Minh mất, thượng tọa cũng là một người rất là khỏe. Phật tử có lẽ không có dịp thấy cái khỏe của thượng tọa Thiện Minh bởi vì thượng tọa luôn đắp y áo nhưng anh em với nhau thì chúng tôi có dịp thấy trong sinh hoạt bình thường vì sư chỉ mặc một cái ansak đơn giản. Sư là người rất khỏe mạnh, rất lực lưỡng. Nhưng mà tới lúc gần đi rồi thì cái gì cũng suy kiệt hết.
Đó là nói về thân xác. Mà thân xác đã có vấn đề thì tâm lý nó cũng đi theo. Giỏi bằng trời nhưng khi mà đã trọng bệnh rồi thì cái gì cũng xong. Tám cái bằng tiến sĩ, trụ trì 15 ngôi chùa, đệ tử 5000 người toàn là đại gia, đi lại với chánh quyền như là bè bạn chòm xóm, thí dụ như vậy. Nhưng khi trọng bệnh nó đổ xuống rồi thì tất cả những cái mình có nó vô nghĩa và nó mỉa mai lắm qúi vị.
Cho nên hiểu được cái chỗ tâm sinh lý nó đều rất mong manh thì tự nhiên không còn cái so sánh nữa. Cái giá trị thật sự của con người mình không phải nằm ở vật chất, ở thân xác, mà nó nằm ở những thành tựu. Mà nó buồn cười một chỗ những thành tựu ấy nó lại cũng không phải cái mà mình đem so sánh. Là vì sao? Là vì cái mà đáng khoe nhất chính là cái trạng thái tâm hồn không muốn khoe.
Tôi đã nói nhiều lần: Cái đáng khoe nhất chính là những thành tựu tâm linh. Mà đỉnh cao của những thành tựu tâm linh chính là cái tâm trạng không có thích khoe. Cái đỉnh đó mới đáng khoe. Nhưng khổ nỗi người mà có cái để khoe thì họ không có thể khoe được, tại vì bản thân cái để khoe lại là cái tâm trạng không có muốn khoe. Trên đời này duy nhất chỉ có 1 cái đáng để mình khoe đó là không còn muốn khoe nữa. Không còn thấy mình là quan trọng nữa. Cái đó là cái đáng để nhân thiên qùi lạy. Không còn thấy có so sánh nữa. Mình khổ là vì mình có so sánh.
Một vị hành giả tới hỏi một thiền sư: “Thưa Ngài, Ngài có thể thu gọn Phật Pháp trong một câu được không?”
Vị thiền sư lấy một cây que vạch xuống đất một đường rồi hỏi: “Cái đường vạch này dài hay ngắn?”
Ông hành giả tần ngần: “Thưa Ngài, nó có một đường một thì con dựa vào đâu mà con nói nó dài, con dựa vào đâu mà con nói nó ngắn?”
Ngài nói: “Đó chính là toàn bộ Phật Pháp.”
Theo chuyện kể, ông cư sĩ lập tức ngộ đạo. Nhưng mà ở đây có lẽ trong quý vị có nhiều người cần giải thích một chút thì tôi nói nhẹ thôi bởi vì tôi đâu phải người ngộ đạo. Đó là, tại sao vạch một đường như vậy rồi hỏi dài hay ngắn, rồi xác định đó là toàn bộ Phật Pháp? Tại vì chúng ta phải hiểu rằng toàn bộ Phật Pháp chỉ có một nội dung là giúp chúng ta đừng có so sánh nữa. Là vì toàn bộ cuộc sanh tử của mình nó được khởi đi từ sự so sánh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét