Thứ Năm, 8 tháng 4, 2021

Ly dục

 


Khi chúng ta tán thán Đức Như Lai hiểu rõ về thiền định thì mình phải nhớ cái này. Thì ra cái mà Đức Như Lai lìa bỏ trước khi thành Phật là Ngài lìa bỏ thiền định chứ không phải lìa bỏ dục. Dục là Ngài đã lìa bỏ trước đó rồi. Cái mà Phật bỏ để thành đạo là các thiền chứ không phải dục nữa vì Ngài đã ly dục rồi mới đắc thiền. Có nghĩa là Ngài đã xa cảnh dục từ lâu rồi. Coi kỹ lại coi, trong cái đêm mà cuối cùng thành đạo là đầu hôm Ngài sống với túc mạng minh, canh giữa là sanh tử minh, canh cuối là lậu tận minh, có nghĩa là lúc đó dục nó đã cách Ngài ngàn trùng rồi.

Cho nên mình mới thấy là "Ồ thì ra cái cảnh giới của Đức Phật cách mình xa lắm, khoan nói đến cái trí tuệ, cái đức hạnh của Ngài. Chỉ nói đến cái khoản mà hành trình Ngài đi cách mình xa lắm." Ngài ly dục đợt một là sao?

Ly dục đợt một là bỏ ngôi vua mà đi, bỏ vợ đẹp con ngoan mà đi, bỏ hoàng cung sự nghiệp đế vương mà đi. Đó gọi là ly dục đợt một. Ly dục đợt hai là khi Ngài vào trong rừng không màng đến chuyện ăn mặc và buông hết, sống lỏa thể trần truồng trong rừng sâu núi thẳm đó là ly dục đợt hai. Chớ không phải như mình, mình bỏ cái nhà là mình tưởng mình hay rồi, tới hồi đắp y sống sung sướng như một ông hoàng như vậy, đó là chưa.

Còn Ngài là Ngài làm từng đợt, từng đợt. Đợt một là Ngài bỏ hoàng cung, ngai vua; đợt hai là Ngài có thể sống một đời sống tu sĩ tiện nghi nhưng mà cũng không, Ngài bỏ hết. Mở dùm tôi bài kinh Đại kinh sư tử hống trong Trung bộ coi Ngài nói như thế nào về Ngài? Trong thời gian mà Ngài khổ tu 6 năm trời mình mẩy trần truồng bò lết vô trong cái chuồng bò, ăn phân bò rồi mới đi vệ sinh ra rồi ăn cái mà mình mới vừa bài tiết ăn ngược trở vô. Ngài làm đủ cách gọi là khó khăn cùng cực để chi? Bởi vì theo niềm tin của người thời đó là phải tự đày đọa như vậy để trục, để đuổi, để xua, để tống khứ cái trược phiền não của mình.

Hồi đó giờ do có thích mới có ghét, thích cái này mới có ghét cái kia, mà hễ có thích có ghét là phiền não, bây giờ mình dẹp hết mình không còn sống trong cái thích nữa thì như vậy mình sẽ không còn ghét, nghĩa là không còn khổ. Có nghĩa là mai này đã lên đến mức trần truồng ăn phân thì các vị tưởng tượng người đó nó còn cái gì nữa? Các vị có dám làm cái đó không? Trần truồng rồi ăn phân, phân của mình. Mình ăn phân bò xong mình đi ra rồi mình mới móc cái của mình mới vừa đi đó ăn ngược trở vô. Thì Ngài tính là Ngài thử qua tất cả các cái pháp khổ tu nhưng cuối cùng Ngài thấy không xong. Ngài thấy rằng khổ phải được thấy mới dẫn đến thoát khổ, chứ không phải là chịu khổ để thoát khổ.

Làm ơn nhớ cái câu này: "Phải thấy khổ để hiểu nó mới thoát khổ chớ không phải gồng mình chịu khổ rồi thoát khổ". Trong quý vị đây tôi nghĩ các vị có thấy cái đó. Thí dụ như bây giờ mình bị nhức răng. Ông nha sĩ ổng biết rất rõ vì đâu mà cái răng nó bị nhức, phải thấy rõ cái đó, phải thấy rõ cái chuyện nhức răng nó đến từ đâu, cái đau này đau chỗ nào và vì sao nó đau? Phải hiểu rất rõ đau răng hiểu tới nơi tới chốn rồi nha sĩ họ mới giải quyết cái nguồn cội của cái đau răng đó thì mình mới hết. Chứ còn mà quí vị ôm một họng sưng như là mõm lợn vậy làm sao mà cứ ôm vậy thì làm sao mà hết. Trong thời gian làm răng phải uống trụ sinh nè, phải ngậm muối nè, rồi phải ăn cháo, ăn súp, thậm chí là húp nước nữa kìa, ở Mỹ là ngậm nước súc miệng Listerine, giữ sạch nó xong rồi là đừng có để cho nó bị nhiễm trùng bằng cách là uống trụ sinh. Rồi nha sĩ coi cái nào phải nhổ thì nhổ, rút gân máu thì rút. Nói chung là họ phải biết rất rõ mình đau chỗ nào và vì đâu mình bị đau họ mới giải quyết được.

Cái khổ chỉ có thể được giải thoát bằng cách là nhận thức. Cho nên 4 việc phải làm đối với 4 đế là gì? Khổ đế cần được hiểu, tập đế cần được trừ, diệt đế cần được chứng, đạo đế cần được hành. Chớ khổ đế không phải là để mình gồng mình chịu, hổng phải.

Cho nên Ngài ly dục là bỏ hoàng cung là đợt một, ly dục đợt hai là Ngài từ chối luôn cả sự dễ chịu tối thiểu của một con người. Cái đợt một là từ bỏ cái nhu cầu tào lao của con người, danh lợi, tình yêu Ngài bỏ đó là đợt một. Bước hai ly dục của Ngài là từ bỏ nhu cầu thiết yếu của một con người là ăn, mặc, ở, dẹp luôn. Nhưng mà Ngài thấy coi bộ cái này không xong, nó hơi bị cực đoan.

Tôi đã nói nhiều lần: Khi mà mình tu là mình đi theo cái hành trình như sau: Lúc chưa biết gì thì chỉ chạy theo cái thích. Biết tu ba mớ thì hạn chế cái thích quan tâm tới cái cần. Tu thêm một bước nữa thì mất luôn cái thích chỉ giữ lại cái cần và cuối cùng chỉ giữ lại cái tối cần. Đây là công thức tu hành. Không có chi pháp. Không có chữ Pali. Không có cái chữ gì chuyên môn hết. Chỉ toàn là có hai: chữ thích và chữ cần.

Ngày chưa biết gì ta cắm đầu chạy theo cái thích như là một con chó, như là một con heo, chỉ chạy theo cái thích và trốn cái ghét thôi. Bước hai, khi biết Phật Pháp rồi giảm cái thích chỉ còn lại cái cần. Bước ba, bỏ hẳn cái thích chỉ còn giữ lại cái cần. Và bước bốn, chỉ còn giữ lại cái tối cần. Mới nghe qua thì thấy lời Phật tu khó quá, nhưng mà không. Khi mà các vị hiểu đạo, hành đạo các vị mới ngộ ra cái điều thú vị này: Anh càng nhiều nhu cầu thì đời sống của anh sẽ càng nhiều bất tiện. Không biết quý vị có hiểu câu này không?

Càng nhiều nhu cầu thì càng nhiều bất tiện.

Thí dụ như bây giờ, tôi ngồi là cái chỗ đó phải sạch tôi mới ngồi được, mà sạch bằng cách nào? Là phải có tấm trải tôi mới ngồi được, mà cái đó ngồi phải êm chứ còn mà tấm trải chỉ là tấm vải ngồi nó đau dữ lắm, cho nên tôi ngồi ở đâu là chỗ đó phải sạch mà phải êm. Nước tôi uống là tôi phải biết gốc tích đó là nước suối, nước có hiệu đàng hoàng chớ tự nhiên đưa một cái ly ba xàm ở đâu, đưa cái ly không biết gốc tích nước đó múc ở đâu, mà cái ly này sạch dơ hỏng biết múc đưa tôi uống, tôi uống hỏng được. Ăn cũng vậy, tôi phải ăn đồ nóng, chút xíu tanh hoặc là hơi mặn quá, hơi nhạt quá, hơi chua quá, hơi ngọt quá tôi ăn không có được. Thuốc men phải là đồ hiệu, thí dụ thuốc Mỹ, thuốc Châu Âu tôi mới uống. Tôi ngủ tôi cần cái đồng hồ reo mà nó kêu lớn quá tôi ngủ không có được cho nên tôi phải xài đồng hồ pin, mà lỡ bữa nào nó hết pin nó bị trời ẩm nó bị mát điện là cái đồng hồ đó xài hỏng có được là tôi phải xoay sở để có đồng hồ reo tôi xài; còn bây giờ nó có cái phone rồi thì tôi hỏng có xài đông hồ reo nhưng phải có cái phone.

Rồi cái giường tôi nằm cái nệm nó phải làm sao, ba cái dép tôi mang, tôi đi ra khỏi nhà tôi phải mang loại dép gì? Tôi về tới nhà cái dép tôi mang trong phòng phải loại dép gì? Cái nón tôi xài là loại nón sao chứ không phải nón nào chụp trên đầu tôi tôi cũng đội, rồi bóp đầm, xách tay, mắt kính, đồng hồ, dây nịt, mọi thứ tất cả tôi xài đều phải có lý do hết. Váy, rồi đầm, rồi khẩu trang, tất cả đều là đồ hiệu hết.

Thì khi mà tôi có quá nhiều cái nhu cầu như vậy thì các vị phải đồng ý với tôi là tôi càng nhiều nhu cầu là sẽ càng nhiều bất tiện. Là sao? Có nghĩa là tôi đi đâu tôi cũng thấy thiếu hết trơn. Yeah. Tôi đi đâu tôi cũng thấy thiếu hết. Tôi đi về Tàu, qua Nhật, đi Mỹ, về Châu Âu, trở lại Việt Nam, đi qua Thái, qua Miến đi đâu tôi cũng thấy nó thiếu điều kiện. Là vì sao? Vì nhu cầu của tôi nhiều quá.

Cho nên ở đây khi nói đến thiền định là mình phải nhớ cái đó. Chuyện đầu tiên là phải ly dục. Người ly dục là người không còn cái nhu cầu vật chất tùm lum nữa, chỉ còn giữ lại cái tối cần thôi, đó là khi họ còn mang thân nhân loại. Khi mà họ đã làm phạm thiên thì họ không còn nhu cầu vật chất nữa và nói theo thánh kinh, thánh kinh không có câu này nhưng mà tôi thích cái giọng của thánh kinh thì "Phúc thay cho cái kẻ nào mà có ít hoặc không còn cái nhu cầu vật chất." Bởi vì nếu mà nói cho rốt ráo tại sao ta có nhu cầu vật chất? Một là lòng ta muốn thế, hai là thân ta muốn thế. Cả hai cái này đều khổ.

Lý do ta có nhu cầu vật chất vì lòng ta muốn thế hay thân ta đòi hỏi vậy. Các vị nghe cái này là thấy đã có vấn đề rồi. Khổ quá, khổ quá. Các vị nghĩ kỹ lại đi có đúng vậy không? Lý do ta có nhu cầu vật chất vì hai điều thôi, một là vì lòng ta muốn thế, hai là thân của ta nó đòi thế.

Thí dụ như bây giờ mình già, mình đi phải có cây gậy. Già rồi lưng còng, đau mỏi phải nằm nệm chứ đâu có nằm cái chỏng gỗ, chỏng tre được. Rồi ngồi cũng phải ngồi ghế làm sao, có cái gì lót, cái gì bọc. Đi đâu phải có đồ quấn, đồ choàng không thôi nó lạnh. Tuổi già nó kỳ lắm. Xứ nóng vậy chứ người già phải mang vớ, người già phải có khăn quàng, người già phải có dầu gió, người già phải có hai ba lớp áo, thí dụ như vậy. Thì những nhu cầu đó do cái thân ta đòi thế. Còn khi ta còn trẻ mà ta có nhu cầu này, nhu cầu kia thì đó là do lòng ta muốn thế. Các vị thấy rõ ràng chỉ cần nghe hai cái lý do này, bắt đầu một người có lòng tu là họ đã oải rồi. Chỉ cần họ đọc cái câu này "Ta có nhu cầu vật chất là vì lòng ta muốn thế hoặc thân ta nó đòi hỏi vậy".

Cho nên Đức Thế Tôn biết rất rõ những cái gì về thiền định và thần thông là chỗ đó. Chuyện đầu tiên là Ngài biết rất rõ rằng muốn đắc tới thiền là anh phải ly dục. Cho nên ở đoạn sau của bài kinh Ngài dạy rất rõ, Ngài dạy là tất cả sáu trí này chỉ có ở người thành tựu thiền định.

Trích bài giảng ngày 03.06.2019 KTC.6.64 Sư Tử Hống
Kalama xin tri ân bạn LTT ghi chép


Ghi chú của web admin (theo Wikipedia)

Tam minh là Thánh trí siêu việt của Đức Phật và các vị đã chứng được Thánh quả A La Hán. Khi đó vị ấy nhập vào Tứ thiền bắt buộc phải trải qua kinh nghiệm tam minh.

  1. Túc mạng minh: Đây là một loại Thần thông của Đức Phật và các Vị A-la-hán. Vị này thấy rõ những đời sống quá khứ của mình. Là ai, tên gì, sinh trong gia đình nào, khi sống đã tạo những hạnh nghiệp gì, và mất ở đâu,...v.v Và vị ấy thấy rõ đầu mối của luân hồi. Tới đây Vị ấy thành tựu Túc Mạng Minh.
  2. Thiên nhãn minh: Đây là một loại Thần thông của Đức Phật và các Vị A-la-hán. Vị này thấy rõ các đời sống quá khứ của tất cả chúng sinh trong Lục Đạo Luân Hồi, Vị ấy thấy rõ nguyên nhân vì sao chúng sinh bị trôi lăn trong vòng Luân Hồi Sinh Tử vô tận là do hạnh nghiệp gì. Khi vị này chứng được Thiên Nhãn Minh thì lần lượt 3 Thần Thông sau cũng được thành tựu đó là: Thiên Nhĩ Thông, Tha Tâm Thông, Thần Túc Thông.
  3. Lậu tận minh: Đây không phải là Thần Thông mà là một Minh Triết cuối cùng được rút ra khi vị ấy đã trải nghiệm qua Túc Mạng Minh và Thiên Nhãn Minh:
    • Vị ấy thấy rõ dẫu chúng sinh có sinh về bất kỳ nơi đâu trong Pháp Giới Vũ Trụ này, thậm chí sinh về các cõi Trời rất cao vi diệu thì vẫn chỉ là chúng sinh đau khổ và tận cùng của đau khổ là Địa Ngục ít dần cho đến các tầng Trời.
    • Vị ấy thấy rõ nguyên nhân của đau khổ là vì chúng sinh Vô Minh chấp Ngã dẫn đến tham ái.
    • Vị ấy thấy rõ Niết Bàn là nơi chấm dứt mọi luân hồi sinh diệt hoàn toàn không còn đau khổ.
    • Vị ấy thấy rõ con đường Bát Chánh Đạo là con đường duy nhất đưa đến được Niết Bàn tịch tĩnh, phá trừ được Vô Minh, đạt được Vô Ngã hoàn toàn.
    • Vị ấy rút ra được Tứ Diệu Đế chính là chân lý tuyệt đối của Pháp Giới Vũ Trụ này. Tới đây vị ấy viên mãn và hoàn toàn giải thoát.

Tam minh thường xuất hiện kèm với Lục thông.

Lục thông: Nghĩa là Sáu phép thần thông của chư Phật, và các vị A-la-hán.

  1. Thần túc thông: Biến hiện tuỳ theo ý muốn, thân có thể bay lên trời, đi trên biển, đi vào trong núi, đi trên mặt nước, một thân biến nhiều thân, nhiều thân biến thành một thân, tay có thể chạm vào Mặt Trời, mặt trăng, các ngôi sao, ... tất cả mọi động tác đều tuỳ theo ý muốn, không hề chướng ngại.
  2. Thiên nhãn thông: Thấy sự lưu chuyển của Chúng Sinh trong các cõi giới luân hồi.
  3. Thiên nhĩ thông: Nghe và hiểu hết mọi âm thanh trong thế gian, nghe và hiểu hết mọi ngôn ngữ của chúng sinh trong các cõi giới luân hồi.
  4. Tha tâm thông: Biết hết tất cả mọi ý nghĩ trong tâm của chúng sinh trong lục đạo.
  5. Túc mệnh thông: Đối Đức Phật và các Vị Alahan - ngài biết được vô lượng kiếp trước của chính bản thân mình vị ấy nhớ rõ sinh ra ở đâu, cha mẹ là ai, tên gì, làm gì.
  6. Lậu tận thông: Vị ấy thấy rõ Tứ Diệu Đế là chân lý của Pháp Giới Vũ Trụ này cuối cùng vị ấy đạt được giác ngộ giải thoát viên mãn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét