Trong kinh nói giống như một chuồng bò có nhiều con. Khi mình mở cái cửa chuồng lên thì có một trong hai lựa chọn. Trường hợp một là con nào mạnh nhất nó lấn ra. Trường hợp thứ hai là con nào đang đứng gần cửa nhất thì con đó ra trước. Nghiệp cận tử chính là con bò đứng gần cửa chuồng nhất. Nghiệp cận tử là trước khi mình chết mình có nghe kinh, niệm Phật, ngồi thiền, hoặc trước khi chết mình có gây lộn với ai.
Có nhiều người họ bị đọa vì một lý do rất vô duyên là đã bực mình với người nuôi. Mình đã không muốn khách vô thăm mà con mình nó cứ "A! Dì Tám tới thăm má con hả? Vô thăm đi dì, má con gần đi rồi”. Cái vụ đó có thiệt mà rất là ngu. Trong khi cái người sống với mình, mình ở với họ biết bao nhiêu lâu, mình biết là họ muốn yên, mà tới giờ đó mà còn nghĩ: “Không được, dì Tám không biết là bả giận.” Chết mà không báo nó giận cả làng luôn. Nó giận lâu lắm. Tới hồi mấy ông thầy xuống thấy cái hình trên bàn thờ mới hết hồn “Má mất rồi hả?” – “Dạ mất rồi” - “Tụi em đâu biết!” Nhưng mà tôi thích như vậy. Bởi vì tôi ghét khi tôi bị bệnh mà họ tới họ thăm. Tôi ưu tiên cho người chết. Chớ còn vì sợ dì Tám buồn, cậu Út buồn, bác Ba buồn, mà cuối cùng để cái thằng nó đi nó lại bị đọa. Bà Má nói một câu mà tôi thấy đúng “Nó tới nó thăm không phải nó thương gì mình. Nó tới coi mình chết chưa. Còn không nó tới để nó thấy nó may mắn nó không có bị như mình”. Nói ra rất là tàn nhẫn nhưng mà tôi nói đó là sự thật.
Mai này về Kalama tôi phải nói với nhiều người để sửa cái suy nghĩ của người ta. Một là bỏ bớt chữ "thăm" nếu không cần thiết. Thứ hai, nói ra thì kỳ, là thông thường phải nói là mình bị mất rất nhiều thời gian cho cái từ lịch sự, cả nể. Thời gian mình không có nhiều. Các vị có gan trừ giùm tôi thời gian dành cho mấy cái cả nể, lịch sự. Cả đời mình mất rất là nhiều thời gian cho nó. Có dịp tôi ngồi tôi phanh phui mấy cái đó. Mấy cái đó là mấy cái mình phải bỏ. Không phải nói như vậy là mình trở thành bất lịch sự. Nhưng mà mình nên hạn chế cái lịch sự không cần thiết. Tôi chống cái vụ bất lịch sự, thiếu văn hóa. Mình gặp nhau mình không chào là bậy. Nhưng mà tôi cũng chống luôn cái lịch sự không cần thiết. Nó mất rất là nhiều thời gian.
Thí dụ như tôi đang bận dữ lắm mà nghe nói cô Lan ở bên Việt Nam mới qua đang ở dưới nhà ông Điệp. Không đi thăm thì bả nói là cũng quen biết mà sao như vậy. Thôi kệ ráng đi xuống thăm. Mà khi tôi đi thì tôi phải dàn xếp rất là nhiều chuyện ở nhà tôi trên đây. Mà ông Điệp này lại ở xa lắm. Tôi phải ở lại ngủ trọ nhà ổng một đêm. Mà xuống dưới mà xui ổng mời mình lại phải ở thêm một đêm nữa. Chỉ vì nể ổng nữa thành ra tôi mất hai ngày đêm mà trong khi công việc lùm xùm trên đây. Cái đó thật sự là không cần thiết. Thay vì xuống gặp thì thôi cầm phone hỏi thăm là đủ rồi. Tôi có thương thì tôi gửi phô mai, cacao hay là sô cô la gì đó thôi. Ngược lại cái người kia cũng phải hiểu mình. Nó không phải cần thiết. Quý vị tưởng tượng như có hai chị ở bên Nepal về Đà Lạt. Mình ở Sài Gòn, mình phải thu xếp lên gặp vì lý do từng quen biết bên Thụy Sĩ. Từ Sài Gòn mình lết lên Đà Lạt, cơm đùm cháo đống hì hà hì hục, mà lên gặp mặt tưởng nó hả hê. Trời ơi nó nản! Tin tôi đi. Lịch sự nó làm mất rất là nhiều thời gian.
Thì ngay lúc cận tử này nó có hai. Một là con bò mạnh nhất, hai là con bò cửa gần chuồng nhất. Chuyện đầu tiên là tâm tái sinh.
Chính ra trong đạo Phật không có chữ "tái". Bởi vì bất cứ một cái gì trong đời này, sau khi một lần xuất hiện, nó sẽ biến mất vĩnh viễn. Mà "tái" là gì? Tái có nghĩa là có một cái cũ nó quay lại, mới gọi là tái. Trong tiếng Mỹ là “re”, tiếng Đức là “wieder”. Cả hai cái "re", "wieder" trong đạo Phật không có. Không có gì mà "trở lại" hết. "Tái" ở đây có nghĩa là có một cái gì đó, nó đi rồi nó quay trở lại thì gọi là tái. Ví dụ tái ngộ, tái sinh, tái tục, tái hôn, tái giá. Tái có nghĩa là một cái gì đó nó quay trở lại. Trong ngôn ngữ thế gian thì chữ tái OK. Nhưng trong ngôn ngữ A Tỳ Đàm thì kỵ. Tục sanh ở đây có nghĩa là tiếp nối. "Tục" là tiếp nối, chớ không xài chữ "tái".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét