Các vị còn nhớ cái câu chuyện mà tôi kể là "Hai con một hột" không? Tôi khoái câu chuyện đó lắm quí vị biết không? Là trong tù, có cái anh chàng ảnh vô duyên, mà ảnh phải kể chuyện tếu cho tù nghe. Thì bữa đó thằng đại ca nó nói: "Lâu nay anh cứ nghe người ta kể chuyện hoài. Vậy không có được. Bây giờ anh phải kể cho người ta nghe chứ." Ảnh nói: "Chuyện của em vô duyên lắm." Thằng đại ca nói: "Kệ đi cứ kể đi". Ảnh bắt đầu kể: "Nhà tôi hồi đó bán gạo. Rồi tới mùa nước lũ nó lên thì phải dời mấy cái bao gạo sợ nước nó ngập. Thì khi dời như vậy thì, trời ơi, nó bể cái bao gạo. Rồi có kiến, mấy con kiến nó đói nó tha gạo. Cứ hai con một hột, hai con một hột, rồi là cứ hai con một hột, hai con một hột, ... " Mà ảnh cứ bao nhiêu đó ảnh kể hoài, cả cái đám tù nguyên cái phòng mấy chục đứa nó ngủ sạch. Lát sau thằng đại ca nó giựt mình thức dậy nó vẫn còn nghe thằng này, cứ ngủ gà, ngủ gật mà miệng thì cứ: "... hai con một hột, hai con một hột, ...". Nó mới chửi thề: "Trời ơi, cái câu chuyện gì mà nó vô duyên quá vậy?" Anh kia nói: "Đại ca ơi, nãy giờ em mới làm có nửa bao hà. Nếu mà đại ca thấy ồn, thôi mai em làm nửa bao nữa."
Chính vì vô minh trong 4 đế, mình không thấy rằng mọi sự ở đời là khổ nên chúng ta mới thích tùm lum. Mà thích cái này cái kia cũng là thích trong khổ, mà hễ còn thích trong khổ thì còn tiếp tục khổ. Cho nên 4 sự thật ở đây là gì? Một, mọi hiện hữu là khổ. Thứ hai, thích cái gì cũng là thích trong khổ, còn thích trong khổ là còn đầu tư khổ. Muốn hết khổ thì đừng thích trong khổ nữa. Sống bằng ba nhận thức này thường xuyên, liên tục, chính là con đường thoát khổ. Khi không hiểu được 4 sự thật này được gọi là vô minh lậu. Đó là giảng về tứ lậu.
KTC VI IX 63 Một Pháp Môn Quyết TrạchNày các Tỷ-kheo, cần phải biết các lậu hoặc ... cần phải biết con đường đưa đến các lậu hoặc đoạn diệt, đã được nói như vậy. Chính do duyên nào đã được nói như vậy? Này các Tỷ-kheo, có ba lậu hoặc này: dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu.
dục lậu hữu lậu vô minh lậu pháp dẫn đến diệt lậu kāmāsava bhavāsava avijjāsava āsavanirodhagāminī AN 6. 9. 63. Nibbedhika suttaĀsavā, bhikkhave, veditabbā ... āsavanirodhagāminī paṭipadā veditabbāti, iti kho panetaṃ vuttaṃ. Kiñcetaṃ paṭicca vuttaṃ? Tayome, bhikkhave, āsavā – kāmāsavo, bhavāsavo, avijjāsavo.
Nhưng trong kinh này Ngài không nói tứ lậu, Ngài nói ba lậu thôi. Ngài nói là dục lậu, sắc lậu và vô sắc lậu. Là sao? Dục lậu ở đây có nghĩa là tứ lậu trong cõi dục. Sắc lậu là tứ lậu mà trong cõi sắc. Và vô sắc lậu ở đây là tứ lậu trong cõi vô sắc.
Có nghĩa là trong một bài kinh khác Phật dạy: "Con chó mà nó bị trói vô gốc cột, nó có cắn cào quào sủa cỡ nào đi nữa thì nó cũng không rời gốc cột." Kẻ phàm phu còn sống ở trong tà kiến, trong ngã chấp thì nó có đi lên trời hay nó về biển thì nó vẫn tiếp tục quẩn quanh ở trong chừng ấy, cảnh giới của ái, mạn, kiến, nghi. Nhớ nha, cái này quan trọng lắm. Nó cứ quẩn quanh đời này sang đời khác. Bây giờ nó có xuống biển sâu nó làm cái loài vi sinh vật ở trong cái rãnh núi Marina hay nó lên nó làm con vi khuẩn trên đỉnh Everest, nó làm con anaconda ở trong rừng Amazon Nam Mỹ, hay nó làm con còng gió, con thòi lòi ở rừng Năm Căn, Cà Mau, nó có đi đâu đi nữa, nó làm một quí bà ở New York, ở Roma, hay ở Paris, London, hay là ở Thượng Hải, sống trong lòng người đẹp Tô Châu hay là chết bên bờ sông Danube, tất thảy nó đi đâu, nó cũng mang theo cái vốn liếng hành trang của nó là 4 lậu thôi.
- Dục Lậu là nó muốn hưởng tùm lum.
- Hữu Lậu là nó muốn có mặt đời đời không mất.
- Kiến Lậu là nó không chịu hiểu rằng mọi thứ do duyên mà có, có rồi phải mất.
- Vô Minh Lậu là nó không chịu hiểu được 4 sự thật:
- cái gì ở đời cũng là khổ;
- thích cái gì cũng là thích trong khổ; còn thích là còn tạo khổ, còn đầu tư khổ;
- muốn hết khổ đừng thích trong khổ nữa;
- thường xuyên sống trong ba nhận thức đó được gọi là con đường thoát khổ.
Mà chính vì 4 cái lậu này theo mình từ cõi dục, cõi sắc và cõi vô sắc cho nên Đức Phật trong trường hợp này Ngài không nói 4 lậu mà Ngài nói Dục lậu, Sắc lậu và Vô sắc lậu, là như vậy đó, thưa quí vị. Bốn cái này nó theo chúng ta đời đời kiếp kiếp. May là gặp Phật Pháp thì có cơ hội nghe, đọc lai rai chút đỉnh. Còn cái thứ không biết Phật Pháp cái đầu nó đơ ra: nó không biết mình là ai, ở đâu mình tới, mình sẽ về đâu và bây giờ mình nên làm gì, mình hoàn toàn không hề biết, sống như là một cái con gì, thuần túy là bản năng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét