Trong kinh kể một câu chuyện. Bồ tát Thích Ca Mâu Ni có một kiếp đó Ngài là một thầy thuốc rất là giỏi. Ngài mát tay lắm. Bệnh gì vô Ngài rờ rờ, người ta mới thấy mặt Ngài là người ta hết bệnh rồi. Có người nghe Ngài nói một câu là họ thấy khỏe rồi. Có người thì Ngài đang ăn cơm, Ngài hốt cho nắm rau đưa về sắc nước uống cũng hết. Đám người tới coi bệnh nó đông như quân Nguyên. Có một lần, Ngài thấy người ta đông quá, Ngài nói với người nhà: "Họ đông quá vậy trưa nay họ ăn cái gì, thôi nấu cơm cho họ ăn đi." Họ chỉ ăn cơm của nhà Ngài họ cũng hết bệnh nữa, dễ sợ như vậy. Cho nên là Ngài nổi tiếng, Ngài giàu lòng nhân mà mát tay, bệnh gì chữa cũng hết. Rồi cuối cùng về già, chữa bệnh cho người ta mà bản thân Ngài cũng già, cũng bệnh chứ. Thì lúc đó Ngài là một vị Bồ tát Ngài có một suy nghĩ rất là lạ. Ngài nghĩ thế này: "Người bệnh thì chữa hoài không hết, sao không có thể nào chữa dứt được? Cái đám này chữa xong nó lòi ra cái đám khác. Mà tất cả những cái chuyện bệnh hoạn này từ đâu ra? Chính là từ tâm bệnh ra." Thân bệnh nó từ tâm bệnh mà ra. "Có nghĩa là nó do luân hồi sanh tử mới có mang cái thân này. Chỉ có cách ta làm thành Phật, ta mới độ được họ rốt ráo nhất." Ngài mới làm các hạnh lành và phát nguyện quả Phật. Dĩ nhiên cái đó không phải là một kiếp, nhiều lắm mà trong đó có một kiếp Ngài là thầy thuốc mà có suy nghĩ như vậy.
Chẳng hạn như có một ông bác sĩ ổng mới ra trường. Có người bị xóc cây gỗ chở tới ổng. Ổng nhìn tới nhìn lui ổng không biết phải làm sao. Ổng đi vô ổng lấy cây cưa ra ổng cưa sát. Ổng nói: "Tôi bác sĩ ngoại khoa chỉ lo tới đây thôi, còn cái phần từ cái da trở vô thì chỉ cho cái ông nội khoa."
Đa phần chúng ta là giải quyết theo kiểu đó. Tức là chúng ta chỉ giải quyết cái trước mắt, chúng ta không nghĩ tới cái cội nguồn sâu xa bên trong.
Chẳng hạn như chúng ta. Tại sao chúng ta phải tìm đến Phật Pháp? Là bởi vì chúng ta thấy khổ, chúng ta sợ sanh tử luân hồi, cho nên đến với Phật Pháp. Nhưng có một điều, khi chúng ta vào chùa ăn một bữa cơm, rồi nghe tiếng chuông, nghe mùi khói nhang, nhìn cái quang cảnh trong sân chùa chúng ta nghe nó lắng lòng. Cái buồn hồi sáng mình đem vô chùa bây giờ nó lắng. Mình tưởng như vậy là đủ. Sai. Một chén cơm chùa, một chút khói nhang, một hình ảnh Phật, đồng ý là có giúp mình nguôi ngoai ít nhiều, nhưng đó có phải là giải pháp rốt ráo không? Không. Không làm sao được. Mình phải học giáo lý, mình phải thực tập lời Phật thì mình mới an lạc hẳn hoi, rốt ráo, dứt điểm.
Chứ còn mà buồn quá chạy vô chùa rồi khóc với thầy. Thầy an ủi hai, ba câu, xong rồi cái thầy nói: "Xuống ăn cơm đi con, rồi ra rửa mặt sạch sẽ, lau nước mắt đi con." Nghe êm êm cái là rồi chạy về nhà. Hễ nước mắt ráo là bắt đầu môi lại mỉm cười. Thì đó là phàm phu.
Trong kinh nói người ngộ tánh không phải như vậy. Người ngộ tánh không có khóc, mà một khi đã khóc, dầu nước mắt đã khô nhưng người có ngộ tánh tiếp tục tìm hướng giải quyết vấn đề còn lại.
Còn cái đám mà độn tánh lại khác. Nước mắt vừa khô là nụ cười nở ra. Nước mắt khô rồi thì nụ cười nở ra có nghĩa là nó tiếp tục nó yêu đời nữa. Rồi mai mốt nó đụng chuyện, u đầu sứt trán, lại nhớ tới Phật. Cứ quanh quẩn như vậy. Đa phần chúng ta là như vậy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét