Tăng Chi Bộ 7. 4. 14. Các Hạng NgườiNày các Tỷ-kheo, có bảy hạng người đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là ruộng phước vô thượng ở đời. Thế nào là bảy?Câu phần giải thoát, tuệ giải thoát, thân chứng, kiến chí, tín giải thoát, tùy pháp hành, tùy tín hành.AN 7. 4. 14. Puggalasuttaṃ‘‘Sattime, bhikkhave, puggalā āhuneyyā pāhuneyyā dakkhiṇeyyā añjalikaraṇīyā anuttaraṃ puññakkhettaṃ lokassa. Katame satta? Ubhatobhāgavimutto, paññāvimutto, kāyasakkhī, diṭṭhippatto, saddhāvimutto, dhammānusārī, saddhānusārī.’’.
Đức Phật dạy có bảy hạng người đáng được cung kính đảnh lễ bởi vì họ là ruộng phước bất tận không giới hạn cho chúng sanh muôn loài nhân thiên.
Bảy hạng đó là gì?
1. Câu phần giải thoát là sao? Người mà họ đã chứng đắc được các tầng thiền sơ, nhị, tam, tứ, sắc giới, vô sắc giới, coi như phần samatha là họ tu triệt để và rốt ráo xong rồi họ chứng luôn quả vị La hán, thì vị này được gọi là Câu phần giải thoát. Câu phần là cả 2 định và tuệ, chỉ và quán, họ đều đạt đến top, đến đỉnh hết, thì khi họ đắc A la hán được gọi là Câu phần giải thoát. Hạng này là chỉ quán song tu.
Ubhatobhāgavimutto 俱分解脫者 Released both ways
2. Tuệ giải thoát. Vị này có tên là Sukkhavipassaka hay Suddhavipassaka là thuần quán không từng chứng thiền trước khi chứng đạo. Có cái hay là chữ sukha là hạnh phúc, an lạc. Nhưng có 2 chữ k là sukkha nghĩa là khô. Nghĩa là vị này tu tập cho đến phiền não nó cạn kiệt, cạn kiệt không còn gì nữa là thành thánh. Chứ không phải như mấy vị kia vừa có thiền định, thần thông, có khả năng bay nhảy, hóa hiện này nọ, rồi thiên nhãn, thiên nhĩ, tha tâm thông, nhớ kiếp trước kiếp sau v.v... đủ thứ chuyện để làm trước khi đắc đạo. Riêng vị này chỉ làm một việc là làm cho nó cạn, nó khô phiền não thôi thì hạng này được gọi là Sukkhavipassaka hay Suddhhavipassaka. Suddha là pure. Còn Sukkha là dry, là khô. Hạng này là thuần quán.
3. Thân chứng. Hạng này cũng đắc được thiền định, đắc thông trước khi đắc đạo nhưng hạng này Định quyền là mạnh nhất trong 5 quyền. Dĩ nhiên 5 quyền phải quân bình mới đắc, nhưng trước và sau khi đắc thì Định quyền của vị này nổi trội so với 4 quyền kia. Mặc dù ngay thời điểm đó thì 5 quyền phải quân bình, thăng bằng nhau, đúng, nhưng trước và sau đó thì vị này sống nhiều về Định.
4. Kiến chí. Hạng này khi tu lấy Trí tuệ làm chủ yếu. Chí là tới nơi, tới chốn. Kiến là Chánh kiến. Tu hành đắc đạo thì phải có Bát chánh đạo, có 5 quyền, đúng, nhưng người Trí nhiều thì cái mũi nhọn tiến công, nguồn hỏa lực chính để tiến công vào thành trì phiền não thì mũi nhọn của họ có người là Định, có người là Tuệ. Thì cái hạng Kiến chí này là hạng mà mũi nhọn chính là Trí tuệ, mặc dù đã nói là hỏa lực thì có đủ bộ binh, công binh, hải quân v.v... nhưng cái mũi nhọn thì tùy chỗ, có chỗ thì không quân, có chỗ phải là bộ binh, có chỗ phải là biệt kích, có chỗ là thám báo, tùy chỗ. Nhưng ở đây mũi nhọn vẫn là Trí tuệ. Kiến chí lấy Trí tuệ làm chánh.
5. và 6. Tín giải thoát và Tùy tín hành giống nhau. Nghĩa là tu hành đắc đạo lấy niềm tin làm sức mạnh chủ đạo.
7. Tùy pháp hành giống như là Kiến chí vậy, lấy Tuệ làm nguồn sức mạnh chủ đạo, chủ lực.
Ngài Xá Lợi Phất thì sao? Ngay lúc đó thì 5 quyền phải quân bình nhưng mà trước và sau đó thì Tuệ quyền của Ngài rất là mạnh.
Ngài Vakkali thì sao? Và Ngài Ratthapala cũng vậy. Ngay khi đắc thì 5 quyền quân bình nhưng trước và sau thì Tín quyền rất là mạnh.
Ngài Sonakolivisa thì sao? Là ngay khi đắc thì 5 quyền Tín Tấn Niệm Định Tuệ cân bằng ở tỷ lệ vàng hoàn hảo. Nhưng trước và sau đó thì Tấn quyền vẫn nổi trội, lúc đắc rồi thì Ngài vẫn sống theo cách của người thừa mứa.
Niệm quyền của Ngài Anan là mạnh vô địch, mặc dù trí Ngài không kém ai nhưng trong bản thân Ngài thì Niệm quyền rất là trội. Cho nên Đức Phật có dùng một hình ảnh rất là ấn tượng về trí nhớ của Ngài Anan: "Trong dấu chân con bò người ta không thể tìm ra được một khối nước lớn như đại dương, trong một đầu óc bình thường của con người không thể nào tìm được sức nhớ như tôn giả Anan."
Nếu các vị nghe giảng kinh mà không được giải thích hay không tự đọc chú giải thì các vị sẽ thấy bài kinh này rất là ngắn không có gì để mình bàn hết, toàn chỉ kể các bậc thánh ra thôi. Thứ nhất mình không biết từng hạng đây là cái gì. Thứ hai, khá hơn, mình hiểu được là: Câu phần giải thoát là sao, là chỉ quán song tu, định tuệ kim ưu. Tuệ giải thoát là chỉ tu tuệ quán niệm xứ chứ không đắc thiền, đắc thông. Thân chứng, hạng này có thiền có thông trước khi đắc đạo. Kiến chí và Tùy pháp hành: 2 hạng này đắc đạo lấy Trí tuệ làm gốc. Tín giải thoát và Tùy tín hành chỉ lấy đức Tin làm gốc. Chỉ biết tới đó thôi.
Nhưng có đọc các nguồn thì mình mới thấy bài kinh này nó sâu. Sâu chỗ này: Bảy hạng thánh chỉ là mặt nổi của bài kinh thôi. Mà mặt chìm bên dưới của bài kinh này là gì? Đó là:
Tùy thuộc căn cơ ta có kiểu tu thế nào và từ đó mới có kiểu đắc chứng ra sao.
Câu này mới là nội dung của bài kinh. Bây giờ mới lớn chuyện, lớn chuyện chỗ này:
Ta sống ở đâu? Ta thường gặp ai? Cái đầu ta thường nghĩ chuyện gì? Và ta thường làm việc gì? Chính 4 cái này nó mới hình thành ra cái hành trình để chúng ta đi trong 3 cõi 6 đường. Cái kiểu luân hồi của mỗi người không giống nhau và từ đó kiểu đắc chứng của chúng ta cũng không giống nhau. Đành rằng có lòng cầu giải thoát chán sợ sanh tử thì mình phải tu tập Ba la mật, gieo trồng hạnh lành, để lấy đó làm nguồn năng lượng để mai này chứng thánh thì hạng nào cũng phải thế thôi. Tuy nhiên tùy thuộc vào căn cơ, khuynh hướng tâm lý bản thân, cộng với sự hỗ trợ của thầy bạn, trú xứ, môi trường, hoàn cảnh, điều kiện mà tâm tình của mình lúc mình tu nó ra sao, mình đã chọn lựa cái kiểu đi nào. Quý vị có hiểu tôi nói không?
Có những người vào chùa cầu đạo giải thoát mà gặp ngay ông sư phụ cứ kêu làm phước riết: "Con làm phước đi con." Ông thầy xúi mình làm phước cạn tàu ráu máng. Làm phước ở đây đã rồi kêu qua bên từ thiện xã hội, rồi người cùi, người già neo đơn, cô nhi quả phụ, v.v…
Có những thầy mình gặp là ổng xúi mình sống nhiều về tín ngưỡng, tin cậy chuyện mơ hồ huyền hoặc. Rồi có ông thầy gặp mình thì cứ tìm đủ mọi cách nhồi nhét bắt học giáo lý. Có ông thầy gặp mình thì khích lệ hành thiền. Có thầy gặp mình xúi đi hành hương, dắt đi vòng vòng 3 cõi 6 đường.
Có ông chủ trương tinh tấn, cứ đệ tử có gì vô nói ông thầy ổng kêu có một chữ "Thôi ráng". Một chữ "ráng" thôi.
Có ông ngồi phân tích cho nghe "Mọi thứ là ảo nghe con, buông hết đi. Cái gì không phải của mình, mình buông bớt cho bớt khổ", đó là ông thầy nặng về trí. Còn có ông thầy nặng về nhẫn "Thôi ráng đi con, tu là nhịn, lùi một bước thì trời cao đất rộng". Đại khái lúc nào cũng xúi "ráng", "nhịn" hết.
Chính vì kiểu thầy đó, bạn đó, kiểu tu đó nó mới đẩy cho mình một cái hành trình mà mai này khi đắc đạo cũng đắc dạo cái kiểu "ráng", kiểu "nhịn", kiểu phải "gồng mình" mới đắc. Cái "goûts" của mình nó như vậy đó, không ai đày mình hết.
Như trong kinh nói có vị tỳ kheo con nhà gia thế ngon lành lắm, khi gặp Phật rồi vị này phát tín tâm xuất gia, tôi đang nói vị đệ nhất Tinh tấn. Xuất gia xong rồi thay vì người ta thì học giáo lý, hành thiền còn vị này chỉ tập trung vô chuyện Tinh tấn thôi. Người ta tập trung vô chuyện thế nào là chỉ, thế nào là quán, quán ra sao, muốn tu quán phải biết cái gì, muốn tu chỉ phải biết cái gì. Còn vị này không quan trọng kiến thức mà vị này quan trọng cái "ráng" thôi, làm sao mà đêm ngủ ít, đi nhiều, ngồi nhiều, đó là quan trọng đối với vị này. Tu phải là ngủ ít, nằm ít, an dưỡng ít, sung sướng ít, tu là phải gồng, tu là phải đổ mồ hôi, tu là phải chảy máu. Cái hạnh nghiệp nhiều đời khiến nghĩ vậy, khiến ra như vậy đó. Trong khi chư tăng một tỷ người ta tu bình thường, mệt thì nằm nghĩ, còn mình thì không, tu phải gồng mình như vậy. Rồi giữa rừng có một mình đi kinh hành, buồn ngủ quá mà cũng ráng đi té lên té xuống, chứ đâu phải đi đứng thẳng người dõng dạc quang minh lỗi lạc thì đâu có sao. Đi lảo đảo, buồn ngủ, rồi chúi, rồi chụp cái này, vịn cái kia, làm thợ săn ban đêm nó nhìn nó tưởng con gì nó bắn một phát. Ôm mũi tên ghim trong người như vậy mà cũng tiếp tục bò đi kinh hành. Các vị tưởng tượng, khiếp như vậy. Cuối cùng cũng đắc A la hán. Nhưng các vị tưởng tượng đắc A la hán trong một tình huống mà phải nói là nó gay cấn và éo le, cam go như vậy, quí vị thấy không?
Thì tùy kiểu tu của mình, có người sống nhiều về đức tin thì đời đời sanh ra họ có kiểu hành trì nó tương ứng với hạnh đức tin.
Tôi đã nói rất là nhiều lần có những người nhào vô chùa chuyện đầu tiên là phải lên chánh điện liền thắp hương, khấn khứa, lạy van xin, tin tưởng các đấng long thần hộ pháp… Có người vô chùa là nhào xuống bếp rửa chén, dọn dẹp, quét sân, hốt rác, chùi cầu, cái gì dơ, nặng, hôi thối, rất là thích phục vụ. Có người rất là thích cầu nguyện. Có người vô chùa nhào vô thư viện kiếm sách đọc. Có người kiếm chỗ vắng vắng ngồi xếp bằng lim dim. Có người vô chùa kiếm ông trụ trì ngồi uống trà nói chuyện trên trời, dưới đất, mâm trên.
Ở chùa từ nhỏ đến lớn tôi thấy đủ hết: Một, vô chùa kiếm trụ trì nói chuyện mâm trên. Hai, vô chùa kiếm chỗ đọc sách. Ba, kiếm chỗ ngồi thiền. Bốn, nhào xuống bếp phục vụ rửa chén, chùi cầu. Năm, lên chánh điện khấn nguyện. Đại khái là 5 loại Phật tử, 5 trường hợp, 5 đường hướng hoạt động của Phật tử khi vào chùa. Chính cái kiểu đó mới dẫn đến chuyện mai này khi chúng ta gặp Phật Pháp chúng ta đắc kiểu gì, nhớ vậy.
Bài kinh này trên mặt nổi chỉ là bảy hạng thánh thôi. Nhưng chiều sâu bên dưới đó là ta phải tự xét coi mình sẽ là cái lọai nào trong bảy hạng thánh này. Mai này mình đắc đạo mình sẽ nằm trong hạng nào. Dĩ nhiên có duyên đắc quả là mừng rồi, nhưng mình phải nhớ là vì đâu mà có kiểu đắc chứng đó là hoàn toàn do nơi chúng ta. Không có thầy bà nào, không có một thế lực siêu nhiên nào an bài sắp đặt, set up cái vụ đó hết, không có. Do chính cái kiểu hành trì, cái kiểu nhận thức cái quan điểm, lập trường của chúng ta hôm nay, nó mới dẫn đến định phận tương lai của chúng ta.
Đất nước cũng vậy, chính phủ đưa ra lập trường quan điểm chủ trương chính sách như thế nào thì cả một đất nước, cả một dân tộc sẽ theo đó mà sống hay chết kiểu gì. Do một sự hoạch định rồi từ đó nó mới ra một chuỗi dây chuyền hoạt động tương ứng với sự hoạch định đó.
Nhớ vậy. Ở đây không có sự ngẫu nhiên. Phật Pháp không phải sự ngẫu nhiên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét