Thứ Ba, 13 tháng 4, 2021

Tham nhiều Trí chậm (****)

 


Hỏi: Ái nhiều trí chậm là quán thân. Tại sao ạ?

Đáp: Tất cả chúng sanh đều có đủ tham, sân, si nhưng chắc chắn mức độ tham ái giữa hai người không giống nhau. Tất cả phàm phu đều có tà kiến tiềm tàng nhưng đem hai đứa so với nhau thì chắc chắn có đứa tà kiến nặng, có đứa tà kiến nhẹ. Tham ái nhiều mà trí chậm thì thích hợp với đề mục thân quán.

Trong Kinh nói Thân quán Niệm Xứ thích hợp cho người tham nhiều mà trí chậm. Chữ “thích hợp” ở đây nó có hai nghĩa. Một là khi tu tập với đề mục đó ta cảm thấy dễ dàng thoải mái. Hai là nhờ đề mục đó mà sau này ta chứng Thánh.

Tôi ví dụ. Bà Tám bả có một đứa con trai bả muốn gửi về Sài Gòn đi học, hai vợ chồng bàn với nhau sẽ gửi cho ai. Bà vợ bả nói “Gửi cho cậu Tư đi. Cậu Tư thương cái đám này lắm, ổng vui vẻ lắm mà nhà ổng có tiền, tụi này sẽ sống sung sướng. Ổng chiều mấy đứa cháu dữ lắm, tụi nó sống đỡ nhớ quê. Gửi cho cậu Tư là thích hợp nhất”. Bà vợ nói vậy nhưng ông chồng ổng nói khác “Thôi gửi cho cậu Út đi. Cậu Út ổng khó khăn, ổng là nhà giáo, ổng kiềm cập thì tụi này mới nên người được. Tôi thấy gửi cậu Út là thích hợp nhất”. Mà đúng là gửi cho cậu Út tụi nó đậu, còn gửi cho cậu Tư suốt ngày nó chơi không. Ở vui thì ở với cậu Tư là thích hợp nhưng cái chuyện học hành thì cậu Út là thích hợp.

Đề mục thích hợp là phải hiểu như vậy đó, phải xé nó ra như vậy. Thích hợp nó có hai. Một là mình tu mình thấy thoải mái nhưng có trường hợp thoải mái mà nó không đưa mình đi đến đâu hết. Như vậy có phải nó có thích hợp không? Thích hợp chứ. Nhưng mà nó chỉ thích hợp trên đường đi chứ nó không đưa mình đến cứu cánh. Còn có những đề mục lúc tu nó trục trặc dữ lắm nhưng nó lại hợp với mình. Mình sẽ kết thúc sự nghiệp ngay cái chỗ trục trặc, khó khăn này, sẽ hoàn tất sự nghiệp với cái thằng khó khăn này. Sống chết gì cũng phải nhớ cái vụ định nghĩa thích hợp là gì. Mai mốt ai hỏi biết đường mà nói, vì đã nghe ông Sư ổng giải thích như vậy. Thích hợp có hai: một là thích hợp trên đường đi, hai là nhờ nó mà mình đến được cứu cánh. Nhờ nó mà mình đến được cứu cánh thì nó là cái thích hợp. Hoặc là mình đi trên đường của nó mình thấy thoải mái, cái đó cũng là thích hợp. Tùy qúy vị muốn chọn cái nào chọn. Trong Kinh chỉ cho mình biết là ái nhiều, trí chậm thích hợp cho Thân quán Niệm Xứ. Tôi chỉ giảng một cái, mấy cái sau tự hiểu, nó giống y chang vậy, giảng một cái thôi.

Ai là người biết được đề mục nào thích hợp với mình? Trên đời chỉ có hai người biết chuyện đó thôi. Một là ông thầy giỏi. Thầy giỏi là ai? Đức Phật. Dĩ nhiên Ngài là số một. Có điều là nếu kể có mình Ngài thì ngài Xá Lợi Phất và mấy vị giỏi kia để đâu? Bởi vì ngay cả mấy vị không phải ngài Xá Lợi Phất, không phải Đức Phật người ta vẫn có khả năng đó, dĩ nhiên không bằng nhưng mà phải nói là có. Cho nên cái hạng người đầu tiên là ông thầy giỏi, ổng đoán ra. Cái người thứ hai chính là anh, là đương sự. Chứ đừng có nghe nói hai là nhắc Đức Phật ra. Trong những ông thầy giỏi có Phật không? Có. Nhưng mà lỡ không có Phật thì mình vẫn hy vọng có ông thầy giỏi. Ngoài thầy giỏi ra thì đến đương sự.

Bây giờ mình định nghĩa thế nào là trí nhiều. Cái này trong Kinh chỉ cho mình biết thôi, học để biết chứ còn nói rằng mình giống như Thánh hiền là không được. Mà phải học để biết thế nào là trí nhiều, thế nào là ái nhiều. Trí nhiều là sao? Một là trí văn là khả năng học hỏi giáo lý. Hai là khả năng suy tư. Ba là khả năng tu tập. Có những người họ không được học nhiều nhưng mà họ có khả năng suy tư. Hoặc có nhiều người họ không thích ngồi suy tư tưởng tượng nhưng họ có một quá trình thực tập lâu dài và họ có những thành tựu nhất định. Đây là cách định nghĩa an toàn nhất về cái chữ ‘trí nhiều’. Đặc biệt trong đây có cái trí tư rất là quan trọng. Trí tư là người có khả năng đọc được giữa hai hàng chữ. Đọc giữa hai hàng chữ là hiểu được cái ẩn ý, người ta mới nói tới đây là mình đã hiểu được cái ẩn ý bên dưới. Đọc một cái câu văn mà mình hiểu được cái ẩn ý gọi là đọc giữa hai hàng chữ hoặc là nhìn thấy bằng con mắt thứ ba. Trí tư nằm chỗ đó. Cái này học cho biết chứ hỏi ai thì bà cố tôi cũng không biết, chỉ là định nghĩa trong kinh nói như vậy. Tức là người đó có khả năng hiểu được cái chưa được nói đến, cái chỉ được gợi ý. Thế nào các vị cũng hỏi kinh nào nói vậy. Tăng Chi Bộ kinh, phần Bốn Pháp nói như vậy.

Còn Ái nhiều là sao? Là thích vô cớ. Nghĩa là ra đường thấy cái bông đẹp là thích. Cái đó nó không thật sự cần thiết. Rồi thấy ông đi qua bà đi lại cũng thích. Thấy cái nhà của người ta không mắc cha gì mình, đứng dòm, thích. Thấy cái đồng hồ treo tường, thích. Thì người đó gọi là người ái nhiều. Người thích quá nhiều những thứ không cần thiết được gọi là ái nhiều. Còn ái, xin lỗi phàm phu thì tên nào cũng thích tùm lum. Nhưng mà cái tên ái ít, tham ít nó chỉ thích trong cái cần thiết thôi. Thí dụ như người phải có cái nhà, nó thấy nhà có bông có hoa, nhà sạch sạch nó cũng thấy vui nhưng mà vậy thôi chứ nó không có bận tâm nhiều là phải đi đấu tranh, đi tìm một cái nhà cao cửa rộng ghê gớm, sang trọng, đắt tiền, nó không cần. Còn ăn uống, bác sĩ nói tiểu đường thì bớt đường, tăng xông bớt ăn mặn, cholesterol thì bớt thịt cá, dầu mỡ, nên ăn nhiều rau trái thì ảnh ăn đúng như vậy, mà có điều bữa nào dĩa salad làm ngon thì ảnh cũng ‘enjoy’ nhưng mà… Trong cái cần thiết thì ảnh cũng có thích. Bởi ảnh là phàm mà. Còn Thánh nhân không thích trong cái gì hết. Thánh nhân không có thích, Thánh nhân chỉ có ‘cần thiết’ mà thôi.

Còn phàm thì còn có thích nhưng mà giữa cái đống phàm nó chia ra hai nhóm. Một nhóm là thích trong cái cần thiết. Còn một nhóm thì đi xuất gia có pháp danh ‘Thích đủ thứ’, có nghĩa là cái gì nó cũng thích trong đó có những cái nó không thực sự cần thiết. Thí dụ mình thích uống trà, nhiều lắm là mình chỉ thích trà ngon và một cái filter là đủ. Còn có nhiều người họ thích bình, có nhiều người họ thích cả mấy trăm cái bình, cái bàn trà của họ rất là cầu kì. Các vị có biết trà hải không? Trà hải là một cái vật để đựng xác trà cũ, rồi chén tống, nhạo, các loại bình, mỗi một loại trà uống một loại bình riêng. Cái ấm nấu nước của họ, họ không có xài cái ấm nấu nước nhà bếp, họ xài cái ấm nhỏ để uống riêng, không có cho bà xã đụng tới. Rồi họ có cái khăn lau bàn trà riêng, chứ họ không phải đụng cái khăn nào họ cũng lau. Họ cầu kì lắm. Mình thấy họ giống như là một danh nhân tài tử cao khiết nhưng mà thật ra là họ đa dục bởi vì họ thích những cái không có cần thiết.

Quý vị biết ông Nguyễn Tuân không? Cách kể chuyện của ông Nguyễn Tuân là cách kể của một người sành điệu nhưng mà theo kinh Phật là ổng tả về những người dục nhiều. Ổng nói về chuyện ăn phở, ổng nói về chuyện uống trà, nói về chuyện làm kẹo, nói về chuyện thả thơ. Tôi buồn lắm, tôi nói nguyên đám nó không hiểu, hy vọng thế giới đang nghe tôi sẽ có người hiểu. Giàu hay nghèo, ai cũng thích dục nhưng mà cái người biết nhiều cái thích của nó khác người không biết. Khi anh biết ít quá anh sẽ có hai lựa chọn. Một là cái thích của anh nó ít lại. Hai là anh sẽ thích trong những cái thấp kém. Nhưng mà nó kẹt cái này, khi biết ít quá đừng nghĩ là nó ít thích mà nó chuyển qua nó thích trong những cái thấp kém. Chứ đừng nghĩ là nó biết ít nó sẽ ít thích. Cái đó chưa chắc.

Tôi không có buộc quý vị phải đọc nhiều nhưng mà chỉ nhắc chừng vậy đó. Tùy trình độ, tùy khuynh hướng tâm lý, tùy phước duyên nhiều đời, tùy khả năng suy tư mà chúng ta có kiểu thích và ghét không giống nhau. Và chính kiểu thích và ghét ấy nó làm cái nền tảng cho bao nhiêu tư duy, bao nhiêu hành động của mình. Từ đó nó mới dẫn đến chuyện chúng ta đi về đâu trong một cảnh giới thích hợp với cái gì nó có trong đầu mình.

Trích bài giảng Thế Giới Đời Sống Muôn Loài
Kalama xin tri ân bạn hongha7711 ghi chép


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét