Ở đây có từ "không có ước muốn" là sao? Cái kia là người hết hy vọng, còn đây là "chandika" có nghĩa khác. Có nghĩa là người còn hy vọng còn có lòng mong đợi ở trong thiện pháp, trong sự tiến bộ trên con đường giải thoát giác ngộ. Thì gọi là "chandika". "Acchandika" là người không mong gì tới chuyện đó.
Nhiều người học ba mớ, đọc sách ba mớ nói nghe tưởng cao siêu lắm: "Ờ, tui sống tui thấy cái chuyện còn còn cầu giải thoát là cái chuyện còn tham. Tu là phải buông hết." Thì nếu người đó ngồi trước mặt tôi mà nói như thế tôi sẽ hỏi ngược lại. Nếu ông nói tu mà còn cần cầu giải thoát, mấy cái cầu đó là tầm thường, là chuyện không nên thì tôi hỏi thiệt ông, như vậy theo ông thì giới định tuệ không cần, đúng không? Bởi vì nói tu là không cần cầu mà, phải không? Rồi thì ông tưởng tượng nếu ông là một ông sư mà ông phát biểu như vậy thì có nên không? Nếu ông là một cư sĩ phật tử mà ông phán như vậy thì ông là Phật tử cái gì? Còn nếu ông nói ông không phải là Phật tử thì ông đừng nên lên tiếng. Ông lên tiếng giống như ông đại tiện trong sân chùa vậy đó. Ông hiểu không? Nếu ông phủ nhận ông là Phật tử mà ông đi phán như vậy là ông giống như người đi đại tiện trong sân chùa thôi. Nếu ông là một người tu, một sa môn, một người xuất gia, một Phật tử mà ông phán như vậy thì ông đang tu theo cái gì?
Cho nên sở dĩ bữa nay tui vạch trần cái chuyện này ra là vì có nhiều người đọc ba mớ, đọc ba cái Jean Paul Sarte, Krishnamurti, đọc ba cái thiền tông đốn ngộ, ngữ lục bên Bắc truyền của Tàu. Mà nhất là đem mấy cái đó pha lại làm đầu thằng nhỏ thúi hoắc. Tức là Krishnamurti, ba cái trường phái Hippy, Henry Miller, rồi có thời có Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, ... vậy đó, pha vô một hồi cái thằng nhỏ "mad" luôn, nói chuyện giống như trên mây vậy đó. Tui rầu mấy cái thứ đó lắm. Nói ra thì nó nặng chứ tui nhìn cái đống phân mà còn hay hơn nhìn cái mặt họ. Bởi vì họ phá không hà. Ráng hiểu dùm cái đó. Cho nên acchandika ở đây nó cũng là một vấn đề lớn. Có nghĩa là mình sống ở đời mà mình không có hy vọng thì tui khuyên đi chết đi, làm trùng, làm dế. Bởi vì làm người thì phải có lý tưởng. Cho nên chandika ở đây mình dịch là có lý tưởng, có lý tưởng hướng tới. Còn cái kiểu mà khư khư chấp chặc lại là chuyện khác. Nhưng mà nói sống không có lý tưởng cũng là sai với trung đạo. Không có khư khư chấp chặt "phải như vậy, phải như vậy", nhưng nói tất cả đều không cũng là cực đoan, một cái cực đoan, một cái "extreme".
Mình tu là mình phải ung dung ngay chính giữa mà đi. Phải có lý tưởng là sao? Phải biết rõ mình cần chỉnh sửa cái gì, mình cần thêm cần bớt cái gì, cái gì là cái mình phải đạt tới, cái gì là cái mình cần phải vượt qua. Đó, thì cái đó được gọi là tu có lý tưởng nhé.
Chớ còn không có mong cái gì hết thì đó là tà. Quý vị tưởng tượng quý vị đẻ ra một thằng con mà nó không biết thiết tha cái gì hết. Nó ăn rồi nó cứ nằm đó thở dài thường thượt, nó mệt nó ngủ, ngủ xong dậy móc tờ báo ra đọc, rồi từ trên giường lê cái mông qua xa lông, rồi từ xa lông lê qua võng, từ võng lê qua sập, "Má! Có gì ăn chưa? Đói bụng." Rồi nó quất một bụng xong, khỏi rửa chén, lê qua giường ngậm cây tăm đọc báo, rồi mở máy ra chơi game, rồi coi ti vi, ngồi ngáy như con heo nọc vậy đó. Xong rồi bắt đầu ngủ một giấc dậy "Má! có gì ăn không?" Quý vị tưởng tượng quý vị đẻ ra thằng con như vậy thì quý vị nghĩ sao? Đó là kết quả của mấy người cao siêu đó. "Tu là chẳng hy cầu, tu là phải phóng hạ không chấp." Nghe đã lắm. Cái hạng đó nó đẻ ra cái loại như thế. Nó ăn rồi nó từ bên đây nó lết qua bên kia, từ bên kia nó lết sang bên nọ. Lúc đó mới đã, vì đẻ ra một nhục thân bồ tát trong thời mạt pháp. Cái bậc đó đó, tức là nó ngậm cây tăm nó lết từ bên đây qua bên kia, nó không có chấp, lòng nó không có hy vọng gì hết, vì hy vọng là chấp mà, nên nó không có mong cái gì hết. Nếu quý vị mà tiếp tục giữ cái suy nghĩ đó thì tui cầu nguyện quý vị quất cho chừng 5 thằng như vậy đó thì quý vị biết cái nhục thân bồ tát nó đã cỡ nào.
Sống là phải có lý tưởng hướng tới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét